7 cách đơn giản để phòng bệnh cảm lạnh

HOÀNG UYÊN| 27/11/2018 06:45

Có nhiều cách khác nhau để đề phòng các bệnh viêm nhiễm thông thường như cúm và cảm lạnh thay vì cố gắng chữa bệnh.

7 cách đơn giản để phòng bệnh cảm lạnh

1. Ngủ nhiều khi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi

Đôi khi cảm giác quá mệt mỏi trong ngày khiến bạn cảm thấy buồn ngủ bởi có thể đó là dấu hiệu suy yếu hệ miễn dịch. Do vậy, hãy bảo đảm một giấc ngủ ngon vào ban đêm và quan trọng là chất lượng giấc ngủ dù bạn có muốn ngủ thêm hay không.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Carnegie Mellon, Mỹ, cho thấy những người ngủ ít hơn 7 tiếng đồng hồ mỗi đêm có nhiều nguy cơ bị cảm lạnh gấp 3 lần so với những người ngủ nhiều hơn 8 giờ mỗi đêm.

2. Uống nhiều nước để thông mũi

Hãy làm ẩm đường mũi khi cảm thấy khó thở để giảm kích ứng của mầm bệnh cảm lạnh. Giáo sư lâm sàng Evangeline Lausier, Đại học Y khoa Duke Integrative, North Caroline, Mỹ, chia sẻ: “Cảm lạnh là bệnh lý đường hô hấp trên mức nhẹ. Triệu chứng bệnh thường bắt đầu từ mũi. Vi-rút gây bệnh sẽ tấn công mũi và cơ thể chống lại bằng cách tiết nhiều dịch nhầy hơn để loại bỏ vi-rút. Hãy giúp cơ thể chống lại những dấu hiệu ban đầu của cảm lạnh bằng cách giữ nước cho cơ thể, làm loãng dịch nhầy và giữ ẩm màng nhầy”.

Link bài viết

3. Giảm stress khi cảm thấy sa sút tinh thần

Stress là dấu hiệu thường gặp khi kiệt sức vào cuối ngày làm việc, từ đó dễ bị cảm lạnh. Tuy các chuyên gia y tế đang cố gắng tìm hiểu mối liên quan giữa căng thẳng và bệnh tật, nhưng điều rõ ràng là stress mạn tính gây bất lợi cho hệ miễn dịch.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí The New England Journal of Medicine cho thấy, những người thường xuyên bị stress có nhiều nguy cơ bị bệnh hơn. Do đó, khi cảm thấy mệt mỏi, hãy sắp xếp nghỉ ngơi hợp lý.

4. Súc nước muối khi cổ họng đau rát

Nước muối có tác dụng kháng viêm. Để phòng bệnh, súc nước muối sẽ giúp giảm sưng họng và giảm chất nhầy tích tụ sau cổ họng và mũi, là nơi các cơ quan thụ cảm gây ho. Theo khảo sát trên những người hay súc miệng với nước muối và những người không súc nước muối trong thời gian 60 ngày, nhóm súc nước muối giảm bị cảm lạnh chiếm tỷ lệ 40% so với nhóm còn lại.

Hãy súc nước muối được pha với tỷ lệ 1/4 - 1/2 muỗng muối + 200 ml nước ấm.

5. Tắm vòi sen nóng để làm dịu tắc nghẽn mũi

Nếu hắt hơi nhiều hơn bình thường, có thể đó là dấu hiệu bị bệnh hay triệu chứng của dị ứng theo mùa do trời lạnh. Trường hợp này, tắm vòi sen nóng là chọn lựa tốt nhất.

Một số cách an toàn khác để giảm các triệu chứng của mũi gồm có: dùng bình xịt dung dịch muối đẳng trương hay dùng dụng cụ rửa mũi để làm mỏng dịch nhầy của mũi. Muối và hơi nước cũng làm co rút màng nhầy bị sưng phồng, giúp bạn dễ thở hơn.

6. Tập luyện nhẹ giúp giảm đau thắt ngực

Mặc dù cơ thể cần nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc nhưng cách tốt nhất để tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch là tập luyện nhẹ. Tuy tập luyện vừa phải khi cảm lạnh không làm giảm mức độ nghiêm trọng hay rút ngắn thời gian bị bệnh nhưng sẽ giảm các triệu chứng bệnh, giúp bạn khỏe hơn. Tập thể dục nhẹ còn giúp loại trừ các mầm bệnh ra khỏi phổi và đường thở.

Nếu bắt đầu cảm thấy đau thắt ngực, hãy đi bộ hay thực hiện các bài tập nhẹ khác để giữ cho tim dưới mức 100 nhịp mỗi phút và giữ nước cho cơ thể.

Đi bộ khi trời nắng giúp cơ thể hấp thu một số vitamin D từ ánh nắng, giúp tăng cường hoạt động miễn dịch nhưng hãy cẩn thận khi đi bộ lúc trời lạnh hoặc có mưa, và luôn giữ cơ thể ấm, khô ráo.

7. Thay đổi tư thế nằm

Nằm duỗi thẳng lưng lại không tốt khi cảm lạnh, bởi trọng lực có thể làm nghẹt mũi, lan xuống cổ họng, gây ra đau và ho. Đặc biệt là ho trong lúc nằm thẳng người tạo cảm giác không thoải mái và khó ngủ. Do đó, hãy nằm tựa người lên gối để làm giảm sự kích thích của cơ quan thụ cảm gây ho, giúp làm mỏng dịch nhầy, dễ thở hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
7 cách đơn giản để phòng bệnh cảm lạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO