5 chỉ định không cần thiết khi điều trị đau đầu

BS PHẠM VĂN TRỤ (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM)/DNSGCT| 04/07/2015 03:53

Thăm khám và điều trị kịp thời các triệu chứng đau đầu khó chịu nhằm hạn chế những biến chứng nặng là cần thiết nhưng không vì thế mà bác sĩ lạm dụng một số chỉ định lâm sàng trong điều trị cho bệnh nhân.

5 chỉ định không cần thiết khi điều trị đau đầu

Đau đầu là một triệu chứng rất hay gặp trong cuộc sống, nhất là đau nửa đầu migraine. Trong hầu hết các trường hợp, đó chỉ là những cơn đau đầu thông thường, thường là phản ứng của cơ thể trước một nguyên nhân bất lợi nào đó, chỉ là những cơn đau đầu lành tính, hiếm khi là biểu hiện của bệnh lý nghiêm trọng như chảy máu trong não, viêm màng não, u não…

Đọc E-paper

Việc thăm khám và điều trị kịp thời các triệu chứng đau đầu khó chịu nhằm hạn chế những biến chứng nặng của bệnh là điều cần thiết. Tuy nhiên, không vì thế mà bác sĩ lạm dụng các phương pháp chụp ảnh sọ não, chụp cắt lớp phát xạ (CT) hay phẫu thuật trong điều trị cho bệnh nhân.

Mới đây, Hiệp hội Đau đầu Hoa Kỳ (American Headaches Society) đã ra khuyến cáo về các phương pháp chẩn đoán và điều trị không thật sự cần thiết trong điều trị đau đầu nói chung và đau nửa đầu migraine nói riêng như sau:

1. Không chỉ định chụp ảnh sọ não nếu bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đau nửa đầu migraine

Ở bệnh nhân đau nửa đầu migraine, khả năng tìm kiếm những dấu hiệu bất thường trong não bộ rất thấp. Hơn nữa, chụp hình ảnh sọ não có thể làm bệnh nhân lo lắng quá mức dù không để lại hậu quả nghiêm trọng.

Vì vậy, thủ thuật này không được khuyến khích để tránh cho bệnh nhân không bị ảnh hưởng của tia phóng xạ và cũng giúp tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh.

2. Không chỉ định chụp cắt lớp phát xạ (CT) nếu có thể chụp MRI, trừ trường hợp bệnh nhân cần cấp cứu

Trong trường hợp bệnh nhân bị đau đầu đột ngột và ngày càng nặng, bác sĩ nghi ngờ những bệnh nguy hiểm như chảy máu trong não, tụ máu dưới màng cứng, u não… thì mới nên chụp CT.

Những trường hợp còn lại thì nên chọn lựa chụp MRI vì kỹ thuật này có thể xác định được nhiều bệnh lý chưa có triệu chứng rõ ràng, lại không sử dụng tia phóng xạ nên an toàn hơn cho người bệnh.

3. Không điều trị phẫu thuật cho bệnh nhân đau nửa đầu migraine

Cho đến thời điểm này, y học thế giới vẫn chưa sử dụng phẫu thuật trong đau nửa đầu migraine một cách phổ biến mà chủ yếu là để thí nghiệm. Điều nguy hiểm là một số cơ sở y tế ở nước ta lại đang dùng phương pháp này như một cách điều trị được khuyến khích.

4. Không kê toa thuốc có thành phần thuốc phiện hoặc thành phần butalbital cho bệnh nhân bị đau đầu tái phát

Thuốc có thành phần thuốc phiện và thuốc có butalbital đang được sử dụng trong điều trị đau đầu rất phổ biến hiện nay. TS Elizabeth Loder - Chủ tịch Hiệp hội Đau đầu Hoa Kỳ cho biết, những thuốc phiện hoặc butalbital làm giảm sự tỉnh táo và có thể gây ra tình trạng phụ thuộc thuốc nếu dùng thường xuyên.

Vì vậy, những thuốc này chỉ nên được dùng sau khi bệnh nhân đã được điều trị bằng các thuốc như triptan hay thuốc kháng viêm không steroid mà không hiệu quả.

5. Không kéo dài thời gian hoặc tăng tần suất sử dụng các loại thuốc giảm đau để điều trị đau đầu

Chúng ta có thể mua thuốc giảm đau không cần kê toa một cách dễ dàng ở các nhà thuốc và có vẻ như thuốc có tác dụng chấm dứt cơn đau đầu rất nhanh. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng khi dùng thuốc giảm đau không kê đơn vì sử dụng quá liều có thể dẫn tới đau đầu lặp đi lặp lại hoặc lờn thuốc.

Ngoài ra, thuốc giảm đau không nên dùng liên tục trong thời gian dài vì có vô số những tác dụng phụ như: độc gan, cao huyết áp không kiểm soát, sốc thuốc, tương tác với các thuốc tim mạch, gây trầm cảm, thúc đẩy bệnh Parkinson… Vì vậy, việc bệnh nhân đau đầu thảo luận phương pháp điều trị với bác sĩ là rất quan trọng.

Hầu hết chúng ta đều phải trải qua những cơn stress với những áp lực trong cuộc sống, công việc, gia đình, khiến mọi người thường lo lắng, mất ngủ và đau đầu là hậu quả tất yếu.

Trong thực tế thăm khám tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, một tỷ lệ không nhỏ những người trưởng thành bị cơn đau đầu hành hạ, không chỉ ảnh hưởng đến công việc mà chất lượng cuộc sống cũng bị giảm sút đáng kể.

Nhiều người bệnh tự chẩn đoán bệnh cho mình và chủ động yêu cầu bác sĩ cho chụp CT, MRI hoặc ghi điện não… và bác sĩ khó lòng từ chối dù biết rằng các chỉ định chụp CT hoặc MRI không mang lại lợi ích cần thiết và gây tốn kém cho người bệnh.

Thực tế, khái niệm đau đầu là vô chừng, có thể là dấu hiệu bệnh, cũng có thể là do trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, rối loạn cảm xúc… Chính vì vậy, cách tốt nhất là bệnh nhân nên chủ động trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để tìm ra phương pháp trị liệu nào thật sự cần thiết và phù hợp với sức khỏe.

Tốt hơn nữa, chúng ta nên lựa chọn một người thầy thuốc có sự hiểu biết sâu rộng cả về bệnh nội – ngoại khoa thần kinh lẫn các vấn đề tâm lý xã hội. Vì triệu chứng đau đầu thường không đặc trưng cho một loại bệnh mà cần kết hợp với các triệu chứng, dấu hiệu sức khỏe khác được phát hiện nhờ các phương pháp luận lâm sàng đúng đắn để không bỏ sót nguyên nhân đau đầu nào.

Cuối cùng, việc nghỉ ngơi cả về cơ thể và tinh thần là biện pháp cần thiết trong mọi trường hợp điều trị đau đầu nói chung và đau nửa đầu migraine nói riêng.

>6 lưu ý để phòng bệnh đau nửa đầu

>Đau đầu, chóng mặt: do đâu?

>Đau đầu căng thẳng: Chẩn đoán và điều trị

>Đau đầu: Đừng xem thường, đừng quá sợ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 chỉ định không cần thiết khi điều trị đau đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO