Vai trò của “liệu pháp dinh dưỡng”

DNSG| 06/02/2007 03:43

Theo thống kê của Tổ chức Sức khỏe Thế giới, tỷ lệ người thừa cân, béo phì không ngừng tăng song hành với con số tử vong vì ung thư, tiểu đường, tim mạch... Theo giới nghiên cứu dinh dưỡng, bệnh học, nguyên nhân của hiện tượng này là dinh dưỡng sai lầm. Nutriotherapy (liệu pháp dinh dưỡng) ra đời nhằm cải thiện dinh dưỡng, phòng chống bệnh tật, tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ...

Vai trò của “liệu pháp dinh dưỡng”

BS Chấn Huy

Càng ngày người ta càng nhận thức được vai trò của thực phẩm đối với sức khỏe và bệnh tật. Từ lâu, thói quen ăn uống khác biệt rõ rệt giữa hai “trường phái ẩm thực” nói lên quan niệm dinh dưỡng giữa phương Đông và phương Tây. Thực đơn người phương Tây vốn coi trọng thực phẩm có nguồn gốc động vật. Khẩu phần của họ giàu năng lượng, sử dụng lượng lớn thịt, trứng, mỡ, bơ, sữa…

Ngược lại, khẩu phần người phương Đông chủ yếu là ngũ cốc, rau, quả, cá… Người phương Đông nhỏ con, nhưng tuổi thọ cao hơn người phương Tây. Người ta cho rằng tỷ lệ người nặng cân tăng lên luôn đi đôi với số ca bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, thấp khớp… không chỉ ở phương Tây mà còn cả khu vực chuộng thực đơn phương Tây.

Giá trị dinh dưỡng của cơm đã được khoa học chứng minh

Trong thập niên 90, trước vấn nạn thừa dinh dưỡng, thừa cân và bệnh tật, chính quyền Mỹ đã bỏ ra ngân khoản khổng lồ cho “cuộc cách mạng dinh dưỡng”.

Các cơ quan y tế, xã hội và truyền thông làm mọi cách kêu gọi người Mỹ từ bỏ thói quen ăn uống bị cho là “phản khoa học”. Các cơ quan truyền thông còn tổ chức dạy nấu ăn và cách sử dụng thực phẩm “lành mạnh” hơn.

Trước nhu cầu bức bách này, giới chuyên gia dinh dưỡng và bệnh học đã ngồi lại và tìm ra biện pháp tối ưu nhằm phục vụ ý tưởng “xây dựng ý thức ẩm thực lành mạnh” một cách căn cơ và khả thi nhất, giúp người ta chọn và chế biến thực phẩm,

không chỉ phòng chống bệnh tật mà còn để tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi xuân, tuổi thọ. Dưới đây xin tóm gọn các nhóm thực phẩm chính, được coi là “cơ bản”, không thể thiếu trong khẩu phần hằng ngày, theo liệu pháp dinh dưỡng.

Gạo, lúa mì, lúa mạch, kê, đậu các loại đều giàu acid phytic. Đây là chất được coi như nguồn “tài nguyên” không chỉ cần cho quá trình phát triển thể chất, trí tuệ, còn tăng cường năng lực luyến ái và phòng chống ung thư.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày càng có nhiều nhà hàng bán cơm mọc lên ở phương Tây. Vị trí của “cơm” trên bàn ăn nói lên giá trị dinh dưỡng mà từ lâu người phương Đông đã biết khai thác và tận dụng một cách khôn ngoan nhất. Sữa chua ra đời đã hàng ngàn năm.

Cách đây nhiều thế kỷ, giới thầy thuốc xem nó như món thuốc của đường tiêu hóa. Với nhóm vi sinh acid opiluc, lactobacillus, sữa lên men chua là món ăn lý tưởng phòng ung thư ruột kết, nấm candidas tử cung. Nó còn cung cấp DHA cho hệ thần kinh, giúp trẻ con thông minh, người già ngừa lú lẫn. Với người hoạt động trí não, nó là món ăn tuyệt vời. Với phụ nữ, sữa chua còn là món thuốc cho tuổi xuân, làn da và sắc đẹp.

Ít ai ngờ ăn hai trái táo mỗi ngày có thể phòng bệnh tim mạch, táo bón và ung thư. Người ta còn biết chuối, một loại quả rẻ tiền rất cần cho hoạt động cơ bắp, trí tuệ, nhất là người bị suy nhược thần kinh, viêm loét dạ dày, tá tràng. Còn đu đủ, khóm, nho, dâu tây chống tích mỡ, tốt cho người bệnh tim mạch, béo phì, thấp khớp, lupus đỏ… Tóm lại, trái cây ngày nay không còn được xem là món tráng miệng hay để ăn vặt như trước nữa.

Con số ít ca bệnh tim mạch và tỷ lệ người cao tuổi ở khu vực ăn cá nhiều hơn thịt đã minh chứng lợi ích tất nhiên của nó. Không phải vô lý khi Bộ Y tế Hoa Kỳ khuyên người dân ăn cá ít lắm phải là ba, bốn ngày mỗi tuần. Đơn giản vì cá có acid béo chưa no (omega 3) làm giảm cholesterol, triglycerid cần thiết cho màng tế bào, quá trình hình thành não bộ ở thai nhi. Ăn cá là cách đơn giản nhất phòng tránh bệnh tim mạch, bệnh goutte (thống phong), chống lão hóa, giúp trẻ con thông minh hơn.

Đối với giới nghiên cứu dinh dưỡng, gia vị còn có giá trị dinh dưỡng chứ không chỉ tăng sự hấp dẫn của món ăn… Theo Viện Nghiên cứu ung thư Madras (Ấn Độ), lá quế (rau húng quế) - thứ ở ta không thể thiếu trong tô phở, bún bò, các món gỏi, rau trộn - không chỉ giúp dậy mùi cho món ăn, còn phòng chống được ung thư.

Cọng hành hầu như có mặt trong mọi món ăn của người phương Đông còn làm giảm nhịp tim, huyết áp và có nhiều dược tính quý báu khác. Ngày nay, tỏi, gừng đã có mặt trong hiệu thuốc dưới dạng thuốc viên. Thói quen ăn tỏi sống của người Nhật giúp họ ít bệnh tim và ung thư so với các nước công nghiệp hóa. Nếu tỏi chống xơ vữa động mạch, ung thư thì gừng phòng được sỏi mật, trợ tim, hạ đường huyết, bổ thận, chống lão hóa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vai trò của “liệu pháp dinh dưỡng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO