Sống chung với cao huyết áp

BS. VŨ MINH ĐỨC - Phòng Khám Đa khoa Quốc tế Yersin| 15/06/2013 09:07

Cũng được phân loại là một dạng bệnh nguy hiểm, nhưng riêng với cao huyết áp, nhiều người vẫn “chung sống hòa bình” một cách lâu dài với nó.

Sống chung với cao huyết áp

Cũng được phân loại là một dạng bệnh nguy hiểm, nhưng riêng với cao huyết áp, nhiều người vẫn “chung sống hòa bình” một cách lâu dài với nó. Muốn thế bệnh nhân phải theo đuổi việc điều trị và có lối sống tích cực..

Đọc E-paper

BS. Vũ Minh Đức - Phòng Khám Đa khoa Quốc tế Yersin

Có nhiều thuật ngữ để nói về tăng huyết áp. Gần gũi và phổ biến nhất vẫn là cao huyết áp. Ngoài ra còn có thuật ngữ “tăng-xông” (xuất phát từ chữ Tension, Hypertension, có nghĩa là huyết áp cao). Các thuật ngữ này đều nhằm chỉ tình trạng tăng áp suất trong lòng mạch máu.

Khi nghe nói hoặc đọc ở đâu đó về bệnh huyết áp cao, đã bao giờ bạn lo lắng tự hỏi, mình có đang sống chung với tăng huyết áp? Nếu không may, bạn hoặc người thân mắc bệnh tăng huyết áp thì cũng nên biết đôi điều về căn bệnh này để “sống chung” với nó một cách an toàn nhất.

Khi nào thì “tăng huyết áp”?

Khi đo huyết áp cho bạn, nhân viên y tế thường báo cho biết trị số huyết áp được thể hiện bằng hai con số, ví dụ: 120/70 (tính theo đơn vị mmHg) hay 12/7 (tính theo đơn vị cmHg). Số trước được gọi là huyết áp tâm thu (HATT), số sau là huyết áp tâm trương (HATTr). Gọi là tăng huyết áp khi HATT >= 140mmHg và / hoặc HATTr >= 90mmHg.

Người bị tăng huyết áp không phải là huyết áp lúc nào cũng... tăng. Huyết áp thay đổi, vì thế phải xem nó ở mức nào thì được gọi là ổn định, mức nào là nguy hiểm.

Để đánh giá tăng huyết áp nặng hay nhẹ, không chỉ dựa vào con số huyết áp mà còn xem có tổn thương cơ quan đích hay chưa, có bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường kèm theo hay không để ngầm hiểu là mình đang bình yên hay đang “sống chung với lũ”.

Có ba mức độ nguy cơ, phân nhóm A, B, C. Trong đó, nhóm A là những bệnh nhân tăng huyết áp nhẹ, không có tổn thương cơ quan đích, không có bệnh tim mạch kèm theo.

Nhóm B là những bệnh nhân tăng huyết áp chưa có tổn thương cơ quan đích, không có bệnh lý tim mạch kèm theo nhưng có ít nhất một yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch. Nhóm C là nhóm có bệnh tim mạch kèm theo hoặc có tổn thương cơ quan đích hoặc có bệnh đái tháo đường.

Việc phân tầng các nhóm A, B, C giúp con người có thái độ sống chung với tăng huyết áp phù hợp nhất: Khi nào chỉ cần điều chỉnh lối sống lại là đủ, khi nào phải dùng thuốc, khi nào điều chỉnh lối sống trong một khoảng thời gian qui định rồi mới uống thuốc.

Đón đầu và trị liệu

Để đo mức độ nghiêm trọng hay không của cao huyết áp, cần làm các cận lâm sàng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ: Xét nghiệm công thức máu, tổng phân tích nước tiểu, điện giải đồ máu, chức năng thận (BUN, creatinine), mỡ máu, đo điện tâm đồ (đánh giá phì đại thất trái), X quang tim phổi, soi đáy mắt.

Đối với người trẻ đang sống chung với tăng huyết áp, cần kiên quyết làm các thăm dò cận lâm sàng tìm nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát (siêu âm mạch máu thận, chụp động mạch thận, MRI mạch máu thận, siêu âm tim khảo sát eo động mạch chủ, CT scan bụng khảo sát tuyến thượng thận tùy theo tư vấn của bác sĩ).

Vì nếu tìm được chính xác nguyên nhân làm tăng huyết áp và giải quyết triệt để (cắt bỏ u tuyến thượng thận, nong động mạch thận bị hẹp,...) thì tình trạng tăng huyết áp sẽ biến mất.

- Tổn thương cơ quan đích trên những bệnh nhân tăng huyết áp.

- Theo thời gian, nếu không được kiểm soát tốt thì tăng huyết áp sẽ gây ra biến chứng và việc tổn thương các cơ quan đích xuất hiện:

- Bệnh tim: Phì đại thất trái, đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim cục bộ, nhồi máu cơ tim, suy tim.

- Bệnh thận: Đạm niệu, suy thận mạn.

- Bệnh lý não: Đột quỵ tai biến mạch máu não, cơn thoáng thiếu máu não cục bộ.

- Bệnh võng mạc: Xuất tiết, xuất huyết, phù gai thị.

- Phình động mạch chủ, phình bóc tách động mạch chủ.

- Bệnh động mạch ngoại biên.

Nếu đã biết chính xác mắc bệnh cao huyết áp, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định thuốc để hạ huyết áp. Thường thì điều trị hạ áp là điều trị suốt đời.

Bác sĩ theo dõi sẽ điều chỉnh liều thuốc để dò được liều thấp nhất mà có thể kiểm soát hiệu quả huyết áp. Khi huyết áp ở mức bình thường dưới sự kiểm soát của thuốc thì chứng tỏ liều lượng thuốc đang dùng là thích hợp.

Đừng tự ý ngưng thuốc khi thấy huyết áp bình thường, vì huyết áp chắc chắn sẽ tăng trở lại khi không còn bị thuốc hạ áp kiềm chế. Chỉ một số trường hợp tăng huyết áp xuất hiện do tăng cân đột ngột hoặc ăn mặn thì khi giảm cân về bình thường, ăn nhạt, thay đổi lối sống thích hợp, huyết áp cũng có thể trở về bình thường. Với những trường hợp này, người bệnh có thể không dùng thuốc nữa, nhưng vẫn phải kiểm tra huyết áp định kỳ.

Ngoài thuốc hạ áp, điều quan trọng là bạn phải phải sống tích cực, thay đổi những thói quen chưa tốt, điều chỉnh lối sống phù hợp. Bạn nên nỗ lực giảm cân nếu thừa cân.

Bạn cần cố gắng bỏ thuốc lá nếu đang hút thuốc. Nên hạn chế dùng rượu, bia, song song đó, tăng cường các hoạt động thể lực hiếu khí (30- 45 phút cho các ngày trong tuần).

Về ăn uống, nên ăn nhạt, giảm lượng muối đưa vào cơ thể ở mức không quá 6gr muối ăn/ngày. Giảm sử dụng các loại thực phẩm chứa chất béo bão hòa và cholesterol nhằm đảm bảo sự lành mạnh của tim mạch.

Duy trì đầy đủ lượng kali, canxi và magie đưa vào cơ thể qua các loại thực phẩm giàu các khoáng chất này như chuối, sữa tách béo, rau xanh...

Nếu biết thay đổi lối sống phù hợp và tuân thủ chế độ điều trị nghiêm túc thì tăng huyết áp có thể chỉ còn là “chuyện nhỏ”. Thậm chí quên mất cả chuyện mình đang sống chung với tăng huyết áp nữa. Và như vậy có nghĩa là cuộc sống của bạn đã đạt được chất lượng như mong muốn!

“Tăng huyết áp áo choàng trắng”

Nhiều người đo huyết áp tại nhà hoặc đo huyết áp liên tục 24 giờ bằng Holter huyết áp ghi nhận huyết áp hoàn toàn bình thường, nhưng do yếu tố tâm lý, huyết áp của họ luôn tăng khi đến bệnh viện hoặc phòng khám bác sĩ. Tình trạng này được gọi bằng thuật ngữ “tăng huyết áp áo choàng trắng”.

Đôi khi, đây cũng là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp thật. Cần theo dõi cẩn thận và đo huyết áp định kỳ tại nhà thường xuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sống chung với cao huyết áp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO