Mỹ phẩm giả: Lan tràn từ chợ đến shop

H.NGA - T.PHƯƠNG| 13/05/2009 04:15

Với “công nghệ” tinh vi, mỹ phẩm giả đã tràn ngập chợ và cả những shop lớn. Điều này khiến không ít người phải “tiền mất tật mang”.

Mỹ phẩm giả: Lan tràn từ chợ đến shop

Với “công nghệ” tinh vi, mỹ phẩm giả đã tràn ngập chợ và cả những shop lớn. Điều này khiến không ít người phải “tiền mất tật mang”.

Giả kiểu chợ

Kiểm tra da, tư vấn cho khách hàng sản phẩm phù hợp là cách làm của các hãng mỹ phẩm có uy tín

Không còn bán mỹ phẩm kiểu kem trộn như những năm trước, mỹ phẩm hàng chợ ngày nay đã “tân tiến” hơn với đủ loại kem, phấn trang điểm... Đến bất cứ chợ nào ở TP.HCM, khách hàng đều được đáp ứng với đủ loại mỹ phẩm từ bình dân đến cao cấp, được trưng bày trong tủ hàng sang trọng. Muốn tìm các sản phẩm cao cấp như Shisedo, Lancôme, Dior, Versace, Estée Lauder, Noevir... khách sẽ được đáp ứng ngay lập tức. Nhưng nếu không phải là “dân trong nghề” hoặc chưa từng dùng mỹ phẩm, khách hàng sẽ “dính đòn” ngay. Giá của loại “hàng hiệu” này dao động từ 150.000 - 350.000 đ/sản phẩm trong khi giá của hàng chính hãng cao hơn gấp 3 - 4 lần.

Theo quy định của Bộ Y tế, các loại mỹ phẩm ngoại nhập phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt nhưng với loại “mỹ phẩm hàng hiệu” này thì không ghi nhãn phụ, không có nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận của Bộ Y tế... Để đánh lừa người mua, người bán thường giải thích: “Hàng ngoại thì làm gì có chữ Việt”. Có chị còn quảng cáo: “Đây là hàng xách tay, em yên tâm sử dụng”. Thậm chí, có sạp còn treo bảng: “Cam kết hết nám”...

Mỹ phẩm giả xuất hiện tràn lan ở các chợ nên mỗi lần lực lượng quản lý thị trường ra quân đều phát hiện hàng giả. Một vị đại diện của Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM cho biết, đã nhiều lần kiểm tra khu vực chợ Kim Biên, An Đông và đã phát hiện, tịch thu nhiều sản phẩm giả, nhập lậu, không rõ chất lượng hoặc quá hạn sử dụng với số lượng lớn. Sản phẩm nhái được làm rất tinh vi, không khác gì hàng thật nên người tiêu dùng khó phát hiện”.

Tại hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng trước mỹ phẩm giả và những nhận thức đúng về mỹ phẩm” vừa tổ chức gần đây, các chuyên gia trong ngành mỹ phẩm cho rằng, thị trường hiện nay có đến hàng trăm loại mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như Lancôme, L’oreal, Maybelline... bị làm giả. Mỹ phẩm giả hiện được làm khá tinh vi, nếu chỉ nhìn bề ngoài người tiêu dùng khó có thể phân biệt.

Ồ ạt vào shop

Không chỉ có mỹ phẩm giả ở chợ, thời gian gần đây, mỹ phẩm giả còn tràn vào các shop với số lượng rất lớn. Chị Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, phụ trách truyền thông của hãng mỹ phẩm Loreal Việt Nam than: “Chưa khi nào các loại mỹ phẩm giả của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng như Loreal, Lancôme... lại nhiều như hiện nay. Nguy hại nhất là các loại mỹ phẩm giả này lại được bày bán trong các shop, cửa hàng rất sang trọng”.

Tại Hà Nội, thời gian gần đây xuất hiện hàng chục cửa hàng mỹ phẩm trưng bảng “L’Oréal chính hãng” trên các phố Hàng Cân, Phạm Ngọc Thạch.... Ở các cửa hàng này, khách hàng có thể tìm thấy tất cả các nhãn hiệu mỹ phẩm danh tiếng như MAC, Maybelline, L’Oréal... với đủ loại mỹ phẩm như phấn má, kem dưỡng da, phấn nền, mascara chải mi mắt, kem chống nắng, sữa rửa mặt... Hình thức và giá tiền in trên vỏ hộp rất giống với hàng chính hãng. Điểm khác là hầu hết sản phẩm đều có một loại tem, in dòng chữ “Tem chống hàng giả” hoặc “Đảm bảo chính hãng” lại đưa ra chương trình siêu giảm giá tới 45% - 50%.

Tuy nhiên, theo Công ty L’Oréal Việt Nam, một công ty con của Tập đoàn mỹ phẩm L’Oréal (Pháp), tại Hà Nội, hãng chỉ có một đại lý duy nhất tại siêu thị Parkson bán sản phẩm mang thương hiệu Lancôme. Theo thống kê của công ty này, tại Hà Nội có khoảng 23 cửa hàng “L’Oréal chính hãng” như thế. Nếu để ý kỹ, khách hàng sẽ phát hiện các sản phẩm này không ghi xuất xứ, tên nhà sản xuất, chỉ có tên nhà nhập khẩu là một công ty TNHH nào đó ở TP.HCM.

Bà Vũ Thị Nga, chuyên gia đào tạo nhãn hàng Lancôme cho rằng, hiện nay, Lancôme hoàn toàn không có chương trình khuyến mại nào ở mức giảm giá 45% - 50%. Theo bà Nga, tất cả sản phẩm L’Oréal có dán tem chống hàng giả, hoặc tem hàng đảm bảo chính hãng đều là hàng giả, vì sáu tháng nay công ty này thực hiện quy chế mới của Bộ Y tế, không dán tem chống hàng giả lên sản phẩm. Còn các lô sản phẩm cũ có tem chống hàng giả thì trên tem phải đầy đủ dòng chữ “Viện Khoa học hình sự - Tem chống hàng giả”. Bà Nga kể, công nghệ làm giả hiện nay rất tinh vi, nhìn rất giống hàng thật. Khi mang sản phẩm giả mua được từ các cửa hàng chính hãng này đưa về công ty, nhiều nhân viên cũng không phân biệt được vì mẫu mã bao bì rất giống nhau. Chỉ đến khi mở sản phẩm ra thì mọi người mới phân biệt đâu là hàng thật đâu là hàng giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ phẩm giả: Lan tràn từ chợ đến shop
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO