Mỗi ngày trăm bước

YẾN - NHI| 04/01/2010 09:48

Chị An giảm liền 5 ký, chị Liên thấy vui vì cặp "chân voi” bỗng thon gọn, săn chắc, còn anh Ân tăng 3 ký nhờ ăn ngon, ngủ kỹ. Sự thay đổi có thể khác nhau, nhưng họ có chung một điểm là gần đây đều đi bộ.

Mỗi ngày trăm bước

Chị An giảm liền 5 ký, chị Liên thấy vui vì cặp "chân voi” bỗng thon gọn, săn chắc, còn anh Ân tăng 3 ký nhờ ăn ngon, ngủ kỹ. Sự thay đổi có thể khác nhau, nhưng họ có chung một điểm là gần đây đều đi bộ. Thế là cả cơ quan dấy lên phong trào đi bộ. Cứ đến tầm 5 - 6 giờ chiều, mọi người lại ba ta, quần lửng, í ới đi bộ khí thế!

Để hưởng ứng phong trào, tôi cũng làm thử ba vòng quanh công viên Lê Văn Tám. Vòng đầu còn khoe khỏe, nhưng kết thúc vòng hai thì chân mỏi rã rời, tới vòng ba là hai chân liêu xiêu không muốn nhấc, mồ hôi nhễ nhại. Bạn tôi động viên: “Ráng lên, ngày đầu chưa quen thôi. Những lần sau sẽ thấy khỏe”.

Quan sát xung quanh, thấy thiên hạ đi bộ tích cực thật. Mỗi người một vẻ: đi nhanh, đi chậm, vừa đi vừa cúi gằm xuống đất, người ưỡn người ra phía sau, đánh tay hăng hái, hít thở đều, vừa đi vừa lắc lư theo tiếng nhạc, có người còn cầm theo tạ để vừa đi vừa tập cơ tay...

Ngẫm ra, thể dục kiểu đi bộ thật dễ, chỉ mất một tiếng đồng hồ, chẳng cần kỹ thuật gì cũng có sức khỏe dẻo dai, lại còn khắc phục được một số nhược điểm của cơ thể mà chẳng tốn tiền, mất sức. Chả thế mà ở Hàn Quốc vài năm gần đây, đi bộ đã trở thành phong trào quốc gia với hàng ngàn câu lạc bộ đi bộ.

Các bác sĩ tư vấn, đi bộ từ 30 đến 60 phút mỗi ngày làm giảm lượng đường trong máu, giảm nguy cơ bị bệnh tim, bệnh tiểu đường type II, giảm tai biến mạch máu não, tăng tuổi thọ và giảm nguy cơ bị gãy xương vùng háng. Những bệnh lý về hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, tâm phế mạn... cũng giảm rõ rệt khi đi bộ.

Ấy vậy mà một ngày kia bỗng nghe bác sĩ Lê Hùng - nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM cảnh báo: “Đi bộ cũng phải đúng đi cách và có những chỉ định đi bộ hợp lý. Một bệnh nhân bị đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm nặng mà đi bộ với tốc độ nhanh, đi trên quãng đường dốc thì chắc chắn bệnh sẽ nặng thêm. Bệnh nhân đau khớp gối, thoái hóa khớp gối đi bộ nhiều cũng sẽ làm cơn đau tăng thêm và làm tổn thương mặt khớp. Bệnh nhân gai gót chân, viêm gân bàn chân... không thể đi bộ nhiều được. Những bệnh lý tim mạch nặng cũng cần có chỉ định của thầy thuốc để tránh tai biến xảy ra... Ngoài ra, còn có nhiều bệnh lý không nên đi bộ, hoặc đi bộ hết sức cẩn thận và không được quá sức”.

Thông thường, mọi người đi bộ thể dục thường tập trung vào buổi chiều chạng vạng và sáng sớm tinh mơ. Gọi là tinh mơ vì cứ khoảng 4, 5 giờ sáng, khi trời còn tối, mấy chị trung niên xóm tôi đã rủ nhau đi bộ. Tưởng sáng sớm, hít thở khí trời trong lành sẽ khỏe ra. Nhưng bác sĩ Hùng lại giảng giải: “Lúc đó khí âm còn đầy trong đất trời, hơi sương ẩm ướt nên rất dễ bị cảm phong, hàn, thấp hoặc viêm phế quản, cảm cúm, nhất là người lớn tuổi, sức đề kháng yếu. Đi bộ vào buổi chiều khi nắng chưa tắt hẳn, không khí ngột ngạt, oi bức, đầy bụi bặm, xe cộ dày đặc, người đông đúc, thì cũng không còn là phương pháp tập luyện sức khỏe thư nhàn nữa. Ngược lại, còn là môi trường của bệnh tật. Ấy vậy mà thỉnh thoảng vẫn thấy có người tập luyện hít thở bên vệ đường hoặc đi bộ, chạy bộ".

Để đi bộ đúng cách, bác sĩ hướng dẫn, khi đi cứ tự nhiên, nên nhìn thẳng về phía trước, toàn thân thư giãn, đặc biệt là hai vai, hai tay, khớp háng và hai chân, giữ thẳng người, đừng chúi ra phía trước hay ngửa ra phía sau quá nhiều, hai tay vung vẩy thoải mái, nhẹ nhàng, biên độ vừa phải và sát hai bên thân người. Khoảng cách giữa hai bước chân tùy từng người mà bước sao cho khoan thai, thư thái là được.

Khi đi bộ không nên cầm nắm thêm những vật dụng khác trên tay, kể cả nước uống, thức ăn..., vì như thế tâm trí sẽ bị chi phối, không được hoàn toàn thảnh thơi, đồng thời có thể làm sai lệch tư thế đi do không thể vung vẩy hai tay một cách đều đặn được. Khi đi, nên thở một cách tự nhiên. Đừng gắng sức hoặc thở theo nhịp này nhịp kia chỉ thêm phức tạp và đôi khi có tác dụng ngược lại. Nên đi bộ vào buổi sáng (sau 6 giờ), hoặc buổi chiều (5 - 6 giờ) trong công viên có những lối đi đẹp, nhiều cây, nhiều hoa, những nơi có thêm hồ nước, tiếng chim hót... càng tốt.

Hai kết quả nghiên cứu độc lập được đăng tải trên tạp chí của Hội Y học Mỹ (Journal of the American Medical Association) đã cho thấy, đi bộ có thể duy trì hoạt động linh hoạt và sự nhạy bén của bộ não. Trong khi một số môn vận động như chèo thuyền, bơi lội, đi xe đạp có cường độ vận động mạnh, hoặc có thiên hướng thể thao có thể không thích hợp với người già thì việc đi bộ thường tỏ ra an toàn, thuận tiện và dễ điều chỉnh theo tình trạng sức khỏe của người tập.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỗi ngày trăm bước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO