Gót ngọc gánh gồng

Ý LỮ| 08/04/2010 06:23

Giày cao gót là vật bất ly thân với nhiều phụ nữ vì vừa tăng chiều cao vừa tôn vẻ đẹp uyển chuyển đặc trưng của phái đẹp. Thế nhưng, lạm dụng đôi giày cao thái quá sẽ khiến đôi chân phải gồng gánh nhiều rủi ro.

Gót ngọc gánh gồng

Giày cao gót là vật bất ly thân với nhiều phụ nữ vì vừa tăng chiều cao vừa tôn vẻ đẹp uyển chuyển đặc trưng của phái đẹp. Thế nhưng, lạm dụng đôi giày cao thái quá sẽ khiến đôi chân phải gồng gánh nhiều rủi ro.

Mỹ học cho rằng, phụ nữ đi giày cao gót trông uyển chuyển và quyến rũ hơn. Lý do là khi dồn trọng lượng lên gót sau sẽ khiến cho hông của họ trở nên nổi bật. Đó là điều dường như không phải bàn cãi. Các công ty người mẫu cũng khuyến cáo: Trời phú cho chiều cao lý tưởng (khoảng 1m65 đến 1m70), các người mẫu cũng nên đi giày cao gót từ 3 -7cm để tạo dáng thanh thoát, mềm mại. Quả thật, đôi giày cao không chỉ là giúp một số chị em có chiều cao khiêm tốn cải thiện vóc dáng mà còn tạo cho họ một vẻ đẹp riêng.

Rõ ràng, ích lợi trông thấy của “đôi giày cao cao” là khi mang vào, phụ nữ sẽ trở nên đẹp hơn, tự tin hơn, nhất là khi mặc áo dài hoặc chiếc đầm dạ hội. Ấy vậy mà mới đây, có tin một nữ doanh nhân đi giày cao gót bị té cầu thang gãy chân tại một cao ốc khiến các chị em phụ nữ “giật mình”. Và “giật mình” hơn khi thống kê của một bệnh viện cho biết tỷ lệ nữ giới bị chấn thương đang ngày càng tăng cao. Chẳng hay, đôi giày cao gót lại gây nguy hiểm đến vậy.

Các bác sĩ khoa xương khớp cũng cảnh báo: “Khi đi giày cao gót, gót chân luôn ở vị trí cao hơn đáng kể so với mũi bàn chân, do đó luôn phải trực tiếp chịu sức nặng của cơ thể. Mô mềm gan bàn chân vốn có tác dụng như một giảm xóc cũng không chịu được tải trọng quá lớn dẫn đến tình trạng bị chấn thương kéo dài. Dần dần, xuất hiện hiện tượng gai xương gót, làm tổn thương vùng gót chân tăng lên đáng kể. Mặt khác, do bàn chân là một phần phải chịu lực thứ hai sau cổ chân, lại bị bó hẹp do mũi giày nhọn ở đầu, kết quả là ngón chân cái bị trẹo ra ngoài, còn các ngón chân khác cũng dễ bị thoái hóa sớm các khớp bàn chân, ngón chân và biến dạng khớp”.

Theo PGS,TS. Nguyễn Vĩnh Ngọc, Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đi giày cao gót thường xuyên khiến chân có thể gặp một số vấn đề nghiêm trọng như: mọc gai xương gót, biến dạng ngón chân, thoái hóa sớm khớp cổ chân, khớp gối, tổn thương da bàn chân, sưng phù chân...

Một chứng bệnh khá phổ biến do đi giày cao gót là bệnh đau lưng. Nếu đi giày cao gót từ 3,3cm trở lên sẽ khiến trọng lực của cơ thể dồn về phía trước, muốn giữ được cân bằng, ngực và thắt lưng phải ngả về phía sau, như vậy bụng lại ưỡn ra phía trước, và hệ cơ bắp giúp cho việc duy trì độ thẳng của cơ thể sẽ phải co mạnh, làm cho cơ bắp thêm mệt mỏi. Phần lớn những phụ nữ thường xuyên đi giày cao gót sẽ khiến cho cơ lưng, eo và hệ dây chằng eo sườn nhão ra, dễ gây nên chứng đau lưng mãn tính, làm đau hông, gối và khớp.

Ngoài ra, các bác sĩ ở Anh cũng đưa ra cảnh báo, những đôi giày cao khoảng 5cm, đi lại thường xuyên cũng có thể trở thành mối đe dọa cho các quý cô muốn làm mẹ vì khi mang nó thường xuyên, áp lực dồn lên phía trước bàn chân có thể làm cho khung xương chậu của họ bị nghiêng sang một bên. Đây là nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt, đau bụng mỗi khi hành kinh và giảm một số chức năng của bụng, từ đó giảm khả năng thụ thai”.

Để lấy lại sức khỏe cho đôi chân sau một ngày đi guốc, những bài tập Yoga đều hướng dẫn cách tự xoa bóp hai bàn chân, tốt nhất là một ngày hai lần, sáng và tối, mỗi lần kéo dài khoảng 15 phút. Mới đây, trên thị trường cũng xuất hiện dụng cụ massage chân bằng gỗ. Dụng cụ này rất tiện dụng và cũng thường thấy xuất hiện ở các văn phòng, nơi công sở bởi thao tác dễ dàng, vừa ngồi làm việc, vừa có thể massage bằng cách lăn hai bàn chân trên một bàn lăn bằng gỗ.

Tác động của trục lăn trên da lòng bàn chân cũng kích thích những vùng phản xạ và các kinh huyệt ở lòng bàn chân, tốt cho phục hồi sức khỏe. Rung bàn chân bằng máy massage chân cũng có hiệu quả tương tự. Ngoài ra, ngâm chân bằng nước ấm, nước muối, thảo dược cũng có tác dụng làm ấm, mềm bàn chân, kích thích huyệt đạo, thư giãn đôi chân sau một ngày phải “gồng mình” giữ trọng lượng và tạo dáng đi cho cơ thể.

Để giảm các tác hại của giày cao gót, bạn nên hạn chế tối đa việc đi giày quá cao. Chiều cao thích hợp của đế giày là từ 2 - 4cm, đường kính 3 - 5cm. Khi đi giày cao từ 3 - 5cm trở lên, chân có xu hướng bị đẩy về phía trước. Vì vậy, cần phải chọn cỡ giày thích hợp. Hãy chọn cỡ lớn hơn một chút cỡ chân để tránh bị sưng các đầu ngón chân do bị chèn khi trôi về đầu mũi giày.
- Giày cao từ 5 - 7cm nên mua giày lớn hơn 1/2 cỡ chân.
- Giày cao từ 7 - 12cm nên mua giày lớn hơn một cỡ chân.
- Giày cao từ 12cm trở lên nên mua giày lớn hơn 1,5 cỡ chân.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gót ngọc gánh gồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO