"Góc nhìn Alan Phan" về kinh tế, kinh doanh

P.THANH| 20/04/2016 06:55

Những nhận định, đánh giá của tiến sĩ Alan Phan về kinh tế và môi trường kinh doanh là những điều rút ra từ trải nghiệm của chính mình.

Tiến sĩ Alan Phan là doanh nhân Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 1987. Năm 1999, Tập đoàn Hartcourt của ông đạt mức thị giá lên đến 670 triệu USD, hiện nay đã tách thành 5 công ty (HRCT, SRRY, ETLK, ENVI và SPXP) và tiếp tục niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu hệ thống bán cổ phiếu qua mạng và giáo dục online tại Trung Quốc vào năm 1997. Trước đó, ông đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong các công ty đa quốc gia tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Ông cũng là cổ đông lớn tại 6 công ty đại chúng ở Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Góc nhìn Alan: Kinh tế là cuốn sách tổng hợp các bài viết về kinh tế của TS. Alan Phan. Các bài viết này từng được đăng trên một số báo hay các cuốn sách đã xuất bản, nhưng ở đây chúng được tập hợp một cách có hệ thống, cung cấp cho độc giả cái nhìn tổng quát cũng như tiếp cận liền mạch góc nhìn về vấn đề kinh tế của một người có hơn 40 năm bôn ba và kinh doanh ở khắp năm châu.

Những nhận định, đánh giá của Alan Phan về môi trường kinh doanh là những điều rút ra từ trải nghiệm của chính mình. Vì vậy mà những bài báo, bài viết và cuốn sách của ông luôn chứa đựng những thông tin, bài học giá trị cho tất cả những người làm kinh doanh, đặc biệt là các doanh nhân trẻ Việt Nam trên đường hội nhập.

Một số trích dẫn thể hiện góc nhìn của TS. Alan Phan về kinh tế:

Góc nhìn Alan: Kinh tế doanhnhansaigon

Về đầu tư đa ngành: “Đó là căn bệnh của lòng tham và sự hoang tưởng. Khi thành công trong một vài lĩnh vực, con người thường có hoang tưởng là có thể thành công trong nhiều lĩnh vực. Không riêng gì các nhà kinh doanh Việt Nam mà phần lớn các nhà kinh doanh trên thế giới hay bị bệnh này… Một anh chuyên làm thực phẩm mà đòi mở trường đại học, anh làm khoáng sản lại đi mở khách sạn… Đầu tư đa ngành kiểu này giống như nhét thằng bệnh vào ở cùng thằng khỏe, để cho thằng khỏe lây bệnh theo. Con bệnh không thể vì ở với người khỏe mà hết bệnh được. Nếu doanh nghiệp đã tốt thì nên đầu tư để khuếch trương lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thay vì đi nuôi nhiều công ty con yếu. Nguyên tắc kinh doanh căn bản là không ném đồng tiền tốt vào cùng với những đồng tiền xấu”.

Công thức kiếm tiền đơn giản: “Tôi tin rằng một doanh nhân trẻ, nếu đã tìm ra một mô hình kinh doanh sáng tạo và liên tục trong 5 năm dồn hết tâm trí nội lực để thực hiện, nhất định sẽ trở thành một triệu phú đô la. Quên chuyện ăn nhậu, quên chuyện thất tình trai gái, quên chuyện bạn bè bàn ra tán vào, quên chuyện sĩ diện… chỉ biết một mục đích duy nhất là công việc, không bỏ cuộc hay thất vọng, không phân tán tài lực với những hoạt động ngoài luồng, không suy nghĩ xa xôi hay lầm lạc. Chỉ đơn giản có thế!”.

5 điều kiện mấu chốt để kinh doanh thành công:

“1/ Động lực, lòng tham và ngọn lửa trong người. Yếu tố này quan trọng nhất vì nó định đoạt vận mệnh của doanh nghiệp. Đi đến đích hay bỏ cuộc là do ngọn lửa trong người. Khi khởi nghiệp thì ai cũng đầy ý tưởng tốt, sáng tạo và đặc thù. Nhưng để ý tưởng trở thành hiện thực, doanh nhân phải đối diện với nhiều thử thách, khó khăn, tình thế tuyệt vọng và nếu không còn động lưc, việc bỏ cuộc sẽ là lựa chọn đầu tiên.

2/ Lợi thế cạnh tranh. Sản phẩm kinh doanh phải mang tính sáng tạo, độc đáo và tạo một lợi thế cạnh tranh chắc chắn. Nó có thể là một dịch vụ mới lạ chưa có trên thị trường, một công nghệ mũi nhọn hơn các địch thủ, một sản phẩm có thương hiệu lâu đời hay một hệ thống tiếp liệu phân phối hiệu quả nhiều ứng dụng. Dĩ nhiên, nhu cầu thị trường cũng phải hiện hữu ở tầm mức đủ lớn để tạo doanh thu và lợi nhuận mong muốn.

3/ Sức khỏe để đối phó với áp lực và thời gian công sức đòi hỏi. Những áp lực và kỳ vọng từ gia đình, đối tác, cổ đông, nhà tài trợ, nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng, chính phủ và ngay cả trong xã hội luôn đè nặng trên vai doanh nhân. Nếu không có một thân thể khỏe mạnh để giữ tinh thần sáng suốt, bình tĩnh thì không thể hoàn tất công việc quản trị. Ngoài áp lực, sức khỏe là một yếu tố mấu chốt vì thiên tài đầy tham vọng mà không chịu đổ mồ hôi thì cũng chỉ là một người thất bại, khó tạo dựng được cơ sở bền vững. Tôi chưa thấy một doanh nhân thành công nào chỉ làm 40 giờ đồng hồ trong tuần. Công thức áp dụng cho họ là 24/7, vì một doanh nhân ngủ cũng mơ thấy công việc làm ăn.

4/ Liều lĩnh, dám làm, dám chấp nhận rủi ro. Chỉ cần một sai lầm nhỏ thì đã có thể giết chết một đại công ty như Arthur Anderson, Lehman Bros hay suy yếu quằn quại như BP. Tỷ lệ rủi ro trong kinh doanh quá cao. Nếu một người giỏi về toán và thống kê thì họ sẽ không làm doanh nhân. Tôi nói đùa những doanh nhân là những người… dốt toán nhất, và sự ngu dốt này chỉ vượt qua được với tính lạc quan phi lý, lối xử lý liều lĩnh, ngang ngược. Chỉ cần nghĩ đến hình ảnh khi làm ăn thất bại, rất có thể sẽ mất tất cả từ gia đình, bạn bè đến tài sản, tiếng tăm… là nhiều người bình thường phải chùn chân.

5/ Kinh nghiệm, quan hệ, kiến thức. Nếu chưa có những yếu tố này thì bạn phải lo tạo dựng thật đầy đủ trước khi ra trận mạc. Kiến thức có thể nhanh chóng tích lũy nếu chịu khó bỏ ra hai tháng đọc các bài viết về ngành nghề mình chọn (Google và Internet là một nguồn thông tin không thể thiếu). Sau đó, bạn phải tạo dựng quan hệ với bất cứ cá nhân nào có liên quan ít nhiều đến lĩnh vực kinh doanh mình sẽ theo đuổi. Những nhân vật này thực sự là những thiên thần giúp truyền lại những kinh nghiệm mà mình thiếu sót”.

>>Đọc "Đừng hoang tưởng về biển lớn"

Sự an toàn của tài sản: “Nhiều người hỏi tôi về giá vàng và những kênh đầu tư an toàn cũng như hứa hẹn cho tương lai. Có rất nhiều lực đẩy giữa mua và bán. Vài tuần, vài tháng, một bên sẽ thắng và một bên sẽ thua. Rồi đổi ngược lại. Không ai biết. Chắc chắn là chưa ai trở thành tỷ phú do giao dịch vàng hàng ngày. Nhưng tôi tin rằng, một ngày nào đó, nền kinh tế “ảo” qua tiền giấy, qua cờ bạc, qua phẫu thuật kế toán và qua OPM (tiền người khác) sẽ gặp rắc rối không giải quyết được. Khi đó, tôi sẽ ung dung nhìn đống tài sản “thực” của tôi, trong đó vàng nắm giữ một tỷ lệ hơn 25%. Trong nhóm tài sản “thực” này, vàng là một món hàng khó thao túng nhất và gây nhiều bực bội cho các chính phủ nhất. Trong các cuộc chơi trên thương trường hay chính trường, một câu ngạn ngữ hay được truyền đạt trong nhiều tình huống: “Kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta”. Không phải kim cương, mà là vàng: người bạn tốt nhất của phụ nữ cũng như đàn ông và trẻ con”.

Hội nhập: “Sự học hỏi và ứng dụng những bài học từ lớp doanh nhân thành công đã đi trước là phương thức rẻ tiền nhất mà mọi doanh nhân trẻ đều có thể thực hiện. Trong lĩnh vực IT, hãy tìm tòi mọi góc cạnh về trải nghiệm của Bill Gates/Microsoft, Mark Zuckerberg/Facebook, Gordon Moore/Intel. Nếu muốn làm về tài chính, hãy khảo cứu sâu rộng về Warren Buffett, George Soros, Peter Lynch. Mọi lĩnh vực kinh tế đều có những bậc đàn anh làm gương sáng để học hỏi. Ngay cả những trường hợp thất bại cũng là những bài học tốt (nhưng đừng áp dụng). Bước kế tiếp là cố gắng tiếp cận những doanh nhân Việt Nam và quốc tế hiện đang ở đây để nghe những lời khuyên trực tiếp. Internet và Google là hai công cụ vô cùng quý giá cho mọi nghiên cứu…

Có 1001 cách để mất tiền khi doanh nghiệp đem chuông đi đánh xứ người. Cơ hội tràn đầy cũng đồng nghĩa với rủi ro cùng khắp. Ra đấu trường quốc tế, chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều kỹ năng bài bản từ những doanh nhân siêu việt, sáng tạo và năng động; cũng như những siêu sao lường gạt rất tinh vi. Điều duy nhất phải nhớ là “cảnh giác cao độ và đừng để lòng tham làm mờ mắt những vụ việc đáng nghi ngờ. Người Mỹ có câu: “Nếu đề nghị quá tốt như mơ ước, thì đó chỉ là ước mơ” (If it’s too good to be true, then it is). Ai cũng mất một ít tiền vì bị gạt trên bước đường kinh doanh, nhưng người khôn ngoan là đừng để những trải nghiệm cay đắng này biến thành thói quen”…

Góc nhìn Alan: Kinh tế - bao gồm 34 bài viết của TS. Alan Phan, bản quyền thuộc Thái Hà Books, NXB Thế Giới ấn hành, giá bìa 75.000 đồng.

>>Càng nhiều góc nhìn, càng gần sự thật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Góc nhìn Alan Phan" về kinh tế, kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO