Xốc lại đội hình

HỒNG NGA| 01/10/2009 09:30

Kinh tế bắt đầu phục hồi cũng là lúc các DN tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, tại thời điểm này, nhiều DN đang phải đối đầu với tình trạng “chảy máu chất xám”.

Xốc lại đội hình

Kinh tế bắt đầu phục hồi cũng là lúc các DN tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, tại thời điểm này, nhiều DN đang phải đối đầu với tình trạng “chảy máu chất xám”. Nhiều công ty sa thải nhân viên trong thời kỳ suy thoái nay đối mặt với khó khăn trong việc tuyển dụng.

Thảm đỏ đón người

Thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội gần đây cho thấy, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đang thiếu nguồn lao động có trình độ chuyên môn ở hầu hết các ngành. Cụ thể, ở TP.HCM, quy mô đào tạo trình độ đại học ngành công nghệ thông tin chưa đến 6.000 người, điện tử chưa đến 4.000 người, tài chính - ngân hàng: 7.500 người, du lịch - khách sạn chưa đến 2.000 người...

Nhân viên là tài sản quý giá của doanh nghiệp - Ảnh Thi Na

Trong khi đó, theo dự báo đến năm 2010, ngành tài chính - ngân hàng cần đến khoảng 70.000 người, ngành du lịch - khách sạn cần khoảng 28.500 người. Không chỉ thế, các ngành như marketing, tài chính, bảo hiểm, quản trị DN, công nghệ thông tin, điện, điện tử, hóa chất... cũng đang cần một lượng lớn lao động chất lượng cao. Ở cấp quản lý thì các chức danh như giám đốc bán hàng, giám đốc tiếp thị, trưởng phòng đối ngoại... cũng sẽ tiếp tục thiếu hụt trong thời gian tới.

Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tại 630 DN trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận, bức tranh về tình hình lao động vẫn không mấy thay đổi, việc tuyển dụng lao động chất lượng cao rất khó khăn. Hầu hết các DN được điều tra cho rằng, tuyển dụng lao động có kỹ năng đã khó, tuyển dụng cán bộ quản lý giỏi còn khó hơn nhiều.

Nguyên nhân “hút” lao động chất lượng cao, theo các chuyên gia trong lĩnh vực nhân lực, là cải cách hành chính, đầu tư trong nước cũng như nước ngoài tăng. Đặc biệt là trong tình hình kinh tế VN đang hồi phục, các DN trong và ngoài nước đang tích cực củng cố hoạt động nên cần một lượng lớn lao động cấp cao. Thêm vào đó, các DN nước ngoài lại ưu tiên tuyển dụng lao động chất lượng cao là người VN càng làm cho thị trường vốn đã thiếu lại càng thiếu. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sở dĩ DN nước ngoài thích tuyển lao động trong nước vì họ am hiểu thị trường, phong tục tập quán, có nhiều mối quan hệ và đặc biệt là mức lương thấp hơn so với thuê lao động nước ngoài. Chính vì vậy, để thu hút lao động chất lượng cao trong nước, nhiều DN nước ngoài sẵn sàng trả lương cao hơn nhiều so với DN trong nước.

Ghế vàng giữ chỗ

Không chỉ khó khăn trong việc tuyển dụng, việc giữ người cũng là vấn đề không dễ dàng đối với DN trong thời điểm này. Số liệu điều tra của VCCI cũng cho thấy, khi được hỏi về việc giữ người tài, có đến 59% DN tư nhân, 47% DN nước ngoài và 65% DN Nhà nước cho rằng rất khó. Bởi, trong thời điểm khó khăn trước đây, nhiều DN đã đồng loạt sa thải nhân viên.

Để giữ người, một số DN đã kêu gọi lòng trung thành và nhiệt tình của nhân viên, nhưng vì không thể trả lương cao hơn nên cũng bị mất người tài. Bà Jessica Lu, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Watson Wyatt Việt Nam đã nhiều lần cảnh báo: “Công ty nào sa thải nhân viên trong thời kỳ suy thoái sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng trong thời kỳ kinh tế hồi phục. Bởi vì, tâm lý của đa số người lao động sẽ không tin tưởng vào những nơi đã “bỏ rơi mình” khi gặp khó khăn”.

Theo nhận định của GS.TS Hoàng Văn Châu - Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương TP.HCM, việc tuyển dụng và giữ người giỏi sẽ còn khó khăn hơn nhiều cho các DN. Bởi vì, sau khủng hoảng, các DN sẽ phải tái cấu trúc hoạt động và lúc đó, nhu cầu nhân lực có chất lượng cao sẽ tiếp tục tăng. Điều này làm cho sự mất cân đối cung - cầu trên thị trường lao động sẽ diễn ra ngày càng trầm trọng hơn.

"Hãy giữ người bằng mọi cách”. Đó là lời khuyên mà các chuyên gia dành cho DN gặp khủng hoảng về nhân sự. Người tài chính là “tài sản” của công ty, phải tìm mọi cách giữ họ lại bằng chế độ lương thưởng và đãi ngộ hợp lý. “Nếu không thể tưởng thưởng họ bằng tài chính thì có thể giảm áp lực công việc cho họ, tạo điều kiện cho họ hài hòa giữa công việc chung và việc cá nhân...”, bà Jessica Lu tư vấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xốc lại đội hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO