Doanh nghiệp và câu chuyện quản trị truyền thông

NGUYỄN QUÝ| 24/07/2015 06:19

Truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp (DN), đặc biệt trong thời đại công nghệ số hiện nay. Đó là lý do để DN quan tâm hơn đến việc xây dựng uy tín thương hiệu trên truyền thông.

Doanh nghiệp và câu chuyện quản trị truyền thông

Truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp (DN), đặc biệt trong thời đại công nghệ số hiện nay. Đó là lý do để DN quan tâm hơn đến việc xây dựng uy tín thương hiệu trên truyền thông.

Đọc E-paper

Uy tín truyền thông

"Kỷ nguyên số” mang đến cho DN rất nhiều cơ hội nhưng cùng với đó là không ít thách thức. Nó có thể giúp hình ảnh của DN lan tỏa nhanh chóng hơn, nhưng ngược lại cũng có thể giết chết một thương hiệu ngay tức thì.

Trước kia, DN chỉ quan tâm đến lợi nhuận và những lợi ích tài chính, nhưng ngày nay, khi chất lượng cuộc sống và nhận thức của con người ngày càng được nâng cao, DN bàn nhiều hơn đến hai từ "bền vững". Và để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, DN phải hội tụ được rất nhiều yếu tố. Một trong số đó chính là uy tín truyền thông.

Uy tín truyền thông đã, đang và sẽ luôn là một phần quan trọng, là tài sản vô hình quý giá có tầm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của DN. Một DN có uy tín truyền thông đồng nghĩa với họ được khách hàng, cộng đồng, nhà đầu tư, cổ đông... chấp nhận và tin tưởng.

Hơn thế nữa, uy tín truyền thông cũng được coi như một lợi thế cạnh tranh của DN trước các đối thủ, đặc biệt trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt như hiện nay. Bởi giờ đây, công chúng rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm và cả những hoạt động, chiến lược kinh doanh của DN sản xuất ra sản phẩm họ đang sử dụng.

>>Xây dựng thương hiệu: Cần uy tín và sự khác biệt

Với các DN niêm yết trên sàn chứng khoán, ngoài những yếu tố trên, các chỉ tiêu về tài chính cũng được chú ý bởi chúng liên quan mật thiết đến khả năng sinh lời của DN, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nhà đầu tư. Thậm chí, các hoạt động khác trong cơ cấu tổ chức của DN như việc tung ra sản phẩm mới hay vấn đề nhân sự cũng được công chúng lưu tâm.

Trên thực tế, các DN trong nước đã quan tâm nhiều hơn đến hình ảnh DN khi xuất hiện trên truyền thông. DN cũng đã phần nào biết quản lý những ảnh hưởng, tác động của truyền thông đối với DN, xem đây như là cách quản trị rủi ro về mặt hình ảnh thương hiệu. DN cũng nhận thức rất rõ tầm quan trọng của truyền thông cùng những ảnh hưởng tiêu cực từ truyền thông có thể mang đến rủi ro về danh tiếng cho DN.

Hơn thế nữa, trong thế giới công nghệ số, thông tin lan truyền với tốc độ chóng mặt, chỉ cần một cú nhấp chuột là những "tin tức xấu xí” có thể được lan truyền khắp nơi.

DN mất rất nhiều năm để gây dựng uy tín và có được lòng tin của người tiêu dùng nhưng chỉ cần một hành động không đúng mực, cách quản lý khủng hoảng truyền thông không tốt sẽ mất tất cả.

>>Các "ông lớn" làm gì khi gặp khủng hoảng truyền thông?

Thái độ chủ động

Thực tế cho thấy, DN ngày càng chủ động hơn trong việc công bố thông tin. Theo kết quả nghiên cứu của Vietnam Report vừa được công bố, nguồn thông tin trên truyền thông phần nhiều xuất phát từ chính các DN.

Ba trong 10 DN của "Top 10 DN niêm yết có uy tín nhất trên truyền thông năm 2015" là Hòa Phát (HPG), Bảo Việt (BVH) và FPT đã chủ động công bố thông tin ra công chúng.

Trong đó, đến 40% thông tin của 3 DN này trên các phương tiện truyền thông là do chính họ cung cấp. Việc này giúp DN quản lý hình ảnh tốt hơn, tránh được các rủi ro truyền thông và phần nào củng cố vị thế trong cộng đồng.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy, sự đa dạng và minh bạch trong việc công bố thông tin của các DN trên sàn chứng khoán luôn là ưu tiên hàng đầu đối với các nhà đầu tư, thể hiện tính chuyên nghiệp của DN.

Sự gia tăng tần suất xuất hiện trên truyền thông cũng như sự đa dạng chủ đề đề cập của DN trong giai đoạn vừa qua là một tín hiệu tốt chứng minh sự trưởng thành của một thị trường đầy tiềm năng.

Từ hoạt động quản lý, nhân sự, chính sách, công tác xã hội cho đến chiến lược kinh doanh, kết quả hoạt động... của DN đều được nhắc đến nhiều hơn trên báo chí, tin tức hằng ngày. Điều này không chỉ thể hiện các DN Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công tác truyền thông, định vị hình ảnh của mình mà còn quản trị tốt hoạt động này.

>>Cải thiện hình ảnh thương hiệu

Không chỉ vậy, trong môi trường kinh doanh hiện nay, DN đã chú ý hơn đến "sự phát triển bền vững". Bên cạnh sự tăng trưởng về kết quả hoạt động kinh doanh, các chỉ tiêu tài chính, việc quản trị các mối quan hệ với khách hàng, thực hiện các trách nhiệm xã hội... của DN cũng là những thông tin mà nhà đầu tư luôn tìm kiếm, quan tâm.

Uy tín truyền thông của DN được quyết định bởi rất nhiều yếu tố, tuy nhiên, sự chủ động trong việc quản lý nguồn thông tin của DN được coi là một mắt xích rất quan trọng trong quy trình quản trị rủi ro uy tín.

Để có được niềm tin của cộng đồng đối với thương hiệu của DN là cả một chặng đường dài, đòi hỏi sự đồng nhất trong chiến lược phát triển và hoạt động của cả một bộ máy. Và khi đã xây dựng thành công uy tín trên truyền thông thì đó sẽ là một tài sản vô giá giúp DN thực hiện các chiến lược tiếp theo một cách dễ dàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp và câu chuyện quản trị truyền thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO