Xuân về trên đỉnh Phu xai lai leng

NGUYÊN VI| 30/01/2015 06:27

Đỉnh Phu xai lai leng với độ cao hơn 2.700m so với mực nước biển, quanh năm âm u, mây mù bao phủ. Xưa kia không ai có thể tin rằng một vùng đất hoang vu, xa xôi, hẻo lánh, giáp với nước bạn Lào lại có một ngày được "đánh thức".

Xuân về trên đỉnh Phu xai lai leng

Đỉnh Phu xai lai leng với độ cao hơn 2.700m so với mực nước biển, quanh năm âm u, mây mù bao phủ. Xưa kia không ai có thể tin rằng một vùng đất hoang vu, xa xôi, hẻo lánh, giáp với nước bạn Lào lại có một ngày được "đánh thức". Những giọt mồ hôi của các đội viên Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi đã được đền đáp sau những tháng ngày sớm tối lao động cần cù. Xuân này trở lại đỉnh Phu xai lai leng khi nhiều thứ đã đổi khác...

Đọc E-paper

Chuyện của 5 năm trước

Đêm 29/12/2009, tôi bắt chuyến xe cuối cùng trong ngày tại Bến xe Vinh (tỉnh Nghệ An), ngược Quốc lộ 7 đi về Miền Tây xứ Nghệ. Đêm giao mùa lạnh buốt, chuyến xe muộn thưa thớt vài hành khách vòng vèo qua những khúc cua, con dốc, vốn nổi tiếng là khó đi lúc bấy giờ, về huyện biên giới Kỳ Sơn.

Đúng 3g30 sáng hôm sau, chiếc xe đến khe Kiền (thuộc xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương). Sau hơn 30 phút chờ đợi, có một chiếc xe U oát lao tới. Anh Úy, anh Lịch là người của Làng thanh niên lập nghiệp ra đón hàng để đưa vào Na Ngoi. Theo chiếc xe U oát cũ kỹ, tôi tiếp tục cuộc hành trình khi kim đồng hồ chỉ 4g sáng.

Chiếc xe đi theo đường tắt vào Na Ngoi. Đêm đại ngàn lạnh buốt, cơn mưa Đông cùng sương sớm khiến con đường đất, dốc đá quanh co càng trở nên trơn trượt và khó đi.

Ngồi trên xe, anh Úy tâm sự: "Làng mới được thành lập cuối năm 2008, tháng 3/2009 mới khởi công, tất cả anh em vào lập làng mới đều là đội viên cũ của Làng thanh niên lập nghiệp Huổi Tụ. Mới đầu vất vả, gian khó vô cùng, chỉ riêng việc thuyết phục bà con đồng bào dân tộc Mông để xin đất cũng đã mất vài tháng trời".

Vừa đến Làng, đập vào mắt tôi đầu tiên là quang cảnh hoang vu, bốn bề mây mù bao phủ, đứng cách vài mét đã không nhìn rõ mặt người. Đón tôi với cái bắt tay thật chặt, anh Nguyễn Trọng Cảnh, Trưởng Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, phân trần: "Làng mới thành lập nên anh em làm theo kiểu "vừa hành quân vừa xếp hàng".

Ngay cả cái cổng để đặt biển còn đang xây dựng dở dang thì nói chi đến những chuyện khác. Hiện mới làm được căn nhà cấp bốn để cho anh chị em đội viên có nơi ở tạm, tránh cái lạnh thấu xương ở dưới chân đỉnh Phu xai lai leng thôi".

Chín giờ sáng, sương sớm vẫn chưa tan hết, mây trắng vẫn bao phủ các đỉnh núi, trong khi ánh nắng ban mai yếu ớt cố gắng xuyên thủng đám sương dày đặc. Anh Cảnh cùng với anh Phan Văn Khoa (kỹ sư nông nghiệp) đưa tôi xuống thăm mô hình đầu tiên của Làng, đó là mô hình nuôi cá hồi.

Còn nhớ khi đó Làng nuôi hơn 5 nghìn con cá hồi trong các bể âm được xây dựng khá công phu, kiên cố. Cá phát triển rất tốt và lứa cá đầu tiên thu hoạch với sản lượng cao. Tiếc rằng sau đó vì quá khó khăn về đầu ra nên mô hình này tạm thời dừng lại.

Lúc đó, ngoài nuôi cá hồi, Làng mới chỉ có mô hình rau sạch và đang chuẩn bị triển khai thêm một số mô hình nhưng do vùng đất để canh tác, xây dựng các mô hình chưa ổn định nên mọi việc vẫn chỉ là dự định.

Đường vào Na Ngoi

Nụ cười dưới chân "cổng trời"

Chuẩn bị đón Xuân 2015, tôi may mắn được quay lại vùng đất Na Ngoi nằm nép mình dưới chân đỉnh Phu xai lai leng hùng vỹ. Con đường xưa vẫn vậy, chỉ cần một trận mưa nhỏ là trở nên lầy lội, cộng với dốc núi quanh co, hiểm trở như thách thức bất cứ ai muốn chinh phục mảnh đất này.

Lần này, dẫn đường cho tôi là đồng chí Và Bá Rùa, cán bộ Công an huyện Kỳ Sơn, phụ trách địa bàn Na Ngoi - Nậm Càn. Hành trình của chúng tôi là từ thị trấn Mường Xén ngược về khe Kiền, vượt qua xã Lưu Kiền, xã Nậm Càn để vào với Na Ngoi.

"Bây giờ trong Na Ngoi mọi thứ khác 5 năm trước lắm, cuộc sống của bà con có nhiều cái đổi mới tích cực. Nào Đồn Biên phòng Na Ngoi, nào Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 đóng trên địa bàn và đặc biệt là Tổng đội Thanh niên xung phong 10 (tiền thân là Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi), tất cả đã khiến cho mảnh đất Na Ngoi hồi sinh", đồng chí Rùa vui vẻ cho biết.

Sau gần 3 tiếng đồng hồ đi xe gắn máy, chúng tôi tới đại bản doanh của Tổng đội Thanh niên xung phong 10 ở bản Ka Trên. Nhìn từ xa, tôi không còn nhận ra đây là vùng đất mình đã từng đặt chân tới 5 năm về trước.

Chưa kịp hỏi han gì, anh Nguyễn Trọng Cảnh đã hồ hởi kể về những đổi thay nơi thung lũng Ka Trên: "Khác xưa rồi chú ơi! Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi cách đây 5 năm chú từng vào thăm nay đã thay đổi nhiều lắm. Anh em đội viên rất mừng".

Rau sạch đem lại nguồn thu không nhỏ cho Na Ngoi

Nhờ anh em đội viên cần cù, chịu khó mà chỉ trong một thời gian ngắn, thung lũng Ka Trên đã tràn ngập rau màu các loại. Bí, ngô, su hào, bắp cải, luống nào luống nấy thẳng tắp, xanh mơn mởn. Vụ mùa đầu tiên thắng lợi nên anh em đội viên mang giống rau màu vào bản, đến tận từng hộ gia đình hướng dẫn bà con cách trồng, chăm bón, thu hoạch.

Làm việc cho dân như làm việc nhà mình. Sự cần mẫn, chu đáo của từng đội viên Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi đã tạo được thiện cảm trong cộng đồng người Mông, người Thái tại huyện rẻo cao Kỳ Sơn, khiến dân tin, mến phục và làm theo.

Ngoài những sản phẩm thông thường đặc trưng của Làng, cách đây 4 năm, cây hoa ly được cho là "khó tính" đã được trồng thử nghiệm tại vùng đất Na Ngoi. Trưởng Làng Nguyễn Trọng Cảnh nói: "Khí hậu ở Na Ngoi lạnh quanh năm như Sa Pa, Đà Lạt.

Thung lũng Ka Trên cao ngàn mét nhưng đất đai màu mỡ, phì nhiêu, hợp với hoa ly. Loài hoa này dễ trồng, song bố trí thời vụ để hoa nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán thật không đơn giản. Chúng tôi đã cất công đi tàu xe hàng nghìn cây số vào Đà Lạt chọn giống, tìm hiểu cách trồng, chăm bón rồi mang về Kỳ Sơn.

Năm 2010, trồng thử 5.000 cây. Vụ đầu thắng lợi khiến các đội viên ai nấy đều phấn khởi, từ đó đến nay năm nào Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi cũng trồng hoa ly phục vụ Tết, năm 2014 trồng trên 2 vạn cây. Những ngày giáp Tết thấy hoa ly nườm nượp xuống phố mà lòng vui sướng vô cùng".

Na Ngoi là một trong những xã có diện tích lúa bậc thang nhiều nhất huyện Kỳ Sơn, với hơn 400ha. Người Mông, người Thái tại các bản Ka Trên, Na Cáng, Phù Khả, Buộc Mú... chỉ trồng một vụ hè thu, giống cũ năng suất thấp, quần quật cả năm trên nương rẫy may ra chỉ đủ ăn.

Với mục tiêu chuyển đổi thành hai vụ, đưa giống lúa mới về cho bà con nên ban đầu các đội viên thử nghiệm trên diện tích từ 5 - 10ha, sau nhân rộng ra toàn xã.

Một mùa Xuân mới lại đến, nụ cười tươi rói của đồng bào như nói lên sự ấm no, sung túc nơi đỉnh Phu xai lai leng hùng vỹ

Từng đội viên thanh niên xung phong được phân công xuống tận các hộ gia đình, hướng dẫn nông dân cách bắc mạ, cấy lúa, bón phân... Trong một thời gian ngắn, 400ha ruộng bậc thang toàn xã đã chuyển sang cấy hai vụ, nâng năng suất mỗi ha lên 6 tấn/vụ, nhà nào cũng thóc đầy bồ.

Chè Shan tuyết, loại cây chủ lực được các đội viên đưa vào trồng đại trà khắp làng trên, bản dưới, phủ kín đất trống đồi trọc. Trong vòng 5 năm, Na Ngoi đã trồng được gần 300ha chè Shan tuyết, năng suất bình quân đạt 3 - 4 tấn/ha. Gà đen, loại gà xương đen, thịt đen, là món ăn bổ dưỡng, trở thành đặc sản của Kỳ Sơn.

Từ giống gà quý sẵn có trong dân lai tạo với giống gà đen do các đội viên mang về từ một trung tâm bảo tồn nguồn gen tại Hà Nội đã phát triển thành lứa gà gần 2 nghìn con, đây sẽ là "đặc sản" của Na Ngoi trong các chợ phiên giáp Tết.

Ngoài gà đen, chè Shan tuyết, các loại rau màu và cây lương thực, Làng thanh niên Na Ngoi còn vận động dân trồng bí đao, gừng. Sản lượng gừng tươi thu hoạch được đã giúp nhiều dân bản thoát nghèo, làm giàu.

Những gì mà Tổng đội Thanh niên xung phong 10 làm được khiến tôi vô cùng cảm phục. Sau 5 năm, mảnh đất "khỉ ho cò gáy" đổi thay quá nhanh và ngoạn mục. Tôi rời Na Ngoi sau nhiều ngày sống cùng anh em đội viên thanh niên xung phong và bà con đồng bào dân tộc Mông, khi sương sớm chưa tan, bốn bề mây mù vẫn bao phủ với cái lạnh buốt giá.

Dọc hai bên đường là những vườn mơ đã nở hoa trắng xóa, sắc đào rực rỡ bao trùm xóm làng tạo nên cảnh tượng đặc trưng, thơ mộng báo hiệu một mùa Xuân mới lại về. Nhìn bà con đồng bào dân tộc đang hối hả làm việc, chuẩn bị những thứ thiết yếu để đón mùa Xuân mới trong sự hân hoan, sung túc mà lòng tôi cũng cảm thấy ấm áp vô cùng.

>Kỳ thú núi lửa Chư Bluk
>Miền đồng sông
>
Tìm về miền đá cổ
>Săn mật giữa rừng Pù Huống

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuân về trên đỉnh Phu xai lai leng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO