"Vương quốc" Pơmu

MAI THÀNH DŨNG - ĐOÀN ANH THƯ| 02/07/2016 06:13

Ngày 10/5/2016, quần thể 725 cây pơmu ở hai xã Axan và Trhy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao bằng công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Ngày 10/5/2016, quần thể 725 cây pơmu ở hai xã Axan và Trhy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao bằng công nhận là Cây Di sản Việt Nam.  

Đọc E-paper

Trên con đường dốc đã được mở rộng, giữa không gian mát mẻ, chúng tôi tha hồ ngắm khu rừng rậm được giữ nguyên vẹn như cả trăm năm chưa từng có dấu chân người. Đó là khu rừng pơmu linh thiêng đối với bà con Cơtu ở huyện Giằng, nay đã thành tên gọi Tây Giang. Năm 2005, cánh rừng pơmu này được người dân tộc Cơtu ở xã Axan phát hiện khi mở đường và chính quyền địa phương đã mời chuyên gia nghiên cứu, đánh giá, đến năm 2011 mới công bố.

Nhưng theo ông Bhriu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, người Cơtu biết cánh rừng này từ lâu lắm. Người Cơtu có câu chuyện rằng, cách đây chừng 300 năm, một già làng tên Cơlâu Agôn ở làng Ađuôl (xã Trhy) lên rừng bắt chim, phát hiện ra pơmu, đặt tên nó là Hinghêê.

Cơlâu Agôn rồi cháu chắt của ông, như Cơlâu Agát, Cơlâu Goong cùng chuyện giữ rừng của họ đều được truyền tụng như biểu tượng cho truyền thống sống hòa đồng với thiên nhiên của người Cơtu.

Mô hình "thần linh pháp quyền"

"Tôi phản bác ý kiến cho rằng người đồng bào phá rừng làm nương rẫy. Rừng pơmu chỉ cách huyện lỵ 40 kilomet, cách nhà dân chỉ hơn chục kilomet mà trăm năm qua, cả nhánh cây đổ cũng không bị lấy đi" - Bhriu Liếc khẳng định. Cánh rừng này là báu vật không riêng gì của người dân Axan, người dân Trhy mà còn của cả vùng Khu 7 (mật danh trong thời kháng chiến) rộng lớn.

Đấy là bởi với người Cơtu, rừng là đời sống, cả vật chất lẫn tâm linh. Mỗi lần phát rẫy họ đều làm lễ cúng xin thần rừng. Họ quan niệm cây cổ thụ rất thiêng bởi là nơi trú ngụ của thần, ai chặt sẽ bị cộng đồng xử phạt.

Với pơmu và núi Ziliêng - nơi có quần thể pơmu được xem là núi thiêng, ai phá thậm chí phải đền mạng. Nên, theo ông Bhriu Liếc, chủ trương bảo vệ rừng của Tây Giang là vận dụng mô hình "thần linh pháp quyền" kết hợp hài hòa giữa chế tài pháp luật với tính thiêng của các luật tục có sẵn.

Từ năm 2011, huyện Tây Giang lập 5 tổ bảo vệ rừng ở Axan và 2 tổ ở Trhy, mỗi tổ 28 thành viên. Cả tổ trưởng lẫn thành viên được lấy từ chính người dân của hai xã, được cộng đồng làng bầu chọn bằng cách biểu quyết. Hằng năm, UBND huyện trích một khoản kinh phí cho tổ quản lý rừng hoạt động.

Các thành viên trong tổ có trách nhiệm phối hợp với kiểm lâm giữ rừng theo từng gốc cây, có văn bản chi tiết bên giao bên nhận. Để khích lệ, mỗi cây pơmu người dân phát hiện sẽ được thưởng ngay 1 triệu đồng. Chính quyền địa phương tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng thông qua các già làng, bởi già làng có tiếng nói quyết định với cộng đồng.

"Huyện chủ trương giao rừng cho dân giữ như họ đã làm từ bao đời, chỉ thêm vào những chính sách đãi ngộ. Tin dân, làm cho người dân biết họ vẫn là chủ của rừng chứ không mặc định dân như những kẻ phá rừng, đó là bí quyết giữ rừng của Tây Giang. Bởi thế, đã có người phải ngồi tù vì bị chính cộng đồng làng tố cáo khi cố tình xâm hại pơmu. Người của kiểm lâm nếu sai phạm cũng bị người dân tố cáo, vì người dân rất tuân thủ những điều luật của làng" - ông Bhriu Liếc nói.

Nghe ông Bí thư Huyện ủy nói về mô hình này thật thú vị, và chúng tôi rất khâm phục sự uyển chuyển của chính quyền trong sử dụng pháp luật và luật tục của buôn làng để nhân rộng giá trị của môi trường sống với bà con bản địa.

Hưởng lợi từ rừng

Nhưng theo ông Bhriu Liếc, điều cốt lõi là làm cách nào để người dân kiếm sống từ rừng mà không phá rừng. Ông bày tỏ: "Đã giao rừng cho dân canh giữ thì việc phát triển kinh tế lâm nghiệp, huyện cũng chủ trương giao đất cho dân tự khai thác".

Năm 2013, Huyện ủy Tây Giang bố trí anh Nguyễn Đức Hiển làm Phó chủ tịch xã Lăng. Hiển người Hà Tĩnh, vừa tốt nghiệp đại học ngành công nghệ sinh học, lên Tây Giang mở vườn ươm giống sâm ba kích bằng phương pháp dâm hom, nhưng qua một cơn bão, vườn ươm bị xóa sổ.

Từ một thanh niên thất nghiệp, khi thành phó chủ tịch xã, Hiển thành lập tổ hợp tác Chơ Chim, chuyên nhân giống ba kích, mỗi năm cung ứng hơn 50 nghìn cây giống cho các huyện miền núi. Từ đấy, chỉ tính riêng xã Lăng, đến nay đã có gần 200 hộ trồng hơn 90 hecta ba kích và huyện đang mở rộng diện tích trồng ra xung quanh vùng đệm rừng pơmu.

Năm 2004, Tây Giang đã di thực 10.000 cây sâm Ngọc Linh giống về trồng ở xã Trhy, Chơm, đến nay đã có đến 30 hecta, đồng thời đề nghị tỉnh sớm quy hoạch vùng sâm Ngọc Linh.

"Sâm ba kích và sâm Ngọc Linh là cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Đặc tính của hai cây này là chỉ sống được dưới tán râm cổ thụ, nên khi trồng người dân không thể phá rừng" - Bí thư Bhriu Liếc cho biết.

Được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức phi chính phủ, từ hai cây trồng chủ lực này, huyện Tây Giang là địa phương tiến hành giao đất, giao rừng cho dân quản lý nhanh nhất, nhiều nhất ở Quảng Nam. Đấy là phần rừng đệm, còn với rừng lõi pơmu, theo ông Briu Liếc, sẽ là nơi người dân khai thác du lịch.

Cây pơmu cổ thụ

Điểm đến hấp dẫn

Với một quần thể rừng pơmu hơn 1.400 cây có độ tuổi từ 200 đến hơn 1.000 năm trên diện tích 450 hecta, trong đó có 725 cây được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, nghĩa là số lượng cây di sản nhiều nhất nước, dư sức tạo điểm nhấn cho du lịch. Theo Bí thư Bhriu Liếc, huyện Tây Giang đã dựng 10 nhà gươl tại vùng lõi pơmu để phục vụ công việc bảo tồn và du lịch.

Huyện cũng đang xúc tiến dựng các điểm dừng chân, mở dịch vụ du lịch homestay cho các hộ dân sinh sống quanh vùng đệm rừng pơmu và ven con đường mòn từ huyện lỵ xuyên qua suối, qua ruộng bậc thang cùng các làng bản chạy ven khu rừng pơmu đến biên giới Việt - Lào. Nơi đây có nghề dệt thổ cẩm truyền thống, có điệu tung tung ya yá và hát lý vừa được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Với nguồn cung ứng nguyên liệu sâm tại chỗ, nhiều hộ dân đã sản xuất rượu sâm ba kích, rượu sâm Ngọc Linh để bán cho khách du lịch. Ông Bhriu Liếc hình dung: "Đêm, du khách sẽ ở cùng dân để nghe hát lý, xem múa tung tung ya yá. Ngày, du khách đến tham quan rừng pơmu, trở về sẽ mang theo đặc sản là rượu sâm ba kích, rượu sâm Ngọc Linh..., quá đủ để cảm nhận chất núi rừng hoang dã. Từ đấy, người dân sẽ được hưởng lợi lớn từ du lịch rừng, và đấy là cách giữ rừng hữu hiệu nhất".

Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: "Huyện đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kết nối các tour du lịch từ Đà Nẵng và Hội An để thu hút du khách đến với Tây Giang, cũng là đến với "vương quốc pơmu". Với việc khai thác các giá trị văn hóa của người Cơtu và vẻ hoang sơ kỳ bí của núi rừng, Tây Giang sẽ sớm thành một điểm đến hấp dẫn.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Chí Toàn - Trưởng Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Tây Giang, thay vì xây dựng mô hình du lịch được định hình như dệt thổ cẩm Cơtu ở làng Đhờ Rôồng (Đông Giang), Tây Giang đang tạo ra những điểm du lịch cộng đồng mà tập trung vào việc phục dựng nghề truyền thống kết hợp với ẩm thực, xây dựng các món ăn đặc thù từ lợi thế thực phẩm sạch của địa phương, từng bước tạo thương hiệu.

Chúng tôi được biết, mới đây, một doanh nghiệp đã đầu tư giai đoạn 1 gần 120 tỷ đồng xây dựng khu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng gần một làng cổ Cơtu. Đó là một dấu hiệu đáng mừng, nhưng ngắm khu rừng già, chúng tôi tin rằng đó mới là nơi đáng để du lịch sinh thái - văn hóa...

>Gà đồi Yên Thế

>Lộc trời

>Kỳ bí cổ vật Chăm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Vương quốc" Pơmu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO