Voọc chà vá chân nâu - "chủ nhân" Sơn Trà

BÍCH HỒNG - Ảnh: THU THỦY| 02/09/2016 06:27

Sau mấy ngày lên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, chúng tôi mới may mắn gặp được chủ nhân đích thực của khu bảo tồn thiên nhiên: đàn voọc chà vá còn sót lại ở Đông Nam Á.

Voọc chà vá chân nâu -

Chúng tôi gần như nín thở nhìn những con voọc chà vá chân nâu tuyệt đẹp. Chúng đang trầm tư trên các nhánh cây, bờ đá ngắm hoàng hôn ngoài biển. Sau mấy ngày lên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, chúng tôi mới may mắn gặp được chủ nhân đích thực của khu bảo tồn thiên nhiên: đàn voọc chà vá còn sót lại ở Đông Nam Á. 

Đọc E-paper

1. Mỗi tháng đôi lần tôi đến Sơn Trà. Sau khi phóng xe lên ngắm bình minh phủ trên những tán cây nơi đỉnh núi, tự thử thách mình khi chơi vơi trên những con đường nhỏ hiểm trở ven núi, tôi thường tự thưởng mình bằng một ly cà phê đen đậm của ông chủ Bảo tàng Đồng Đình ở lưng chừng bán đảo.

Chủ nhân vốn là đạo diễn phim tài liệu Đoàn Huy Giao, đã chớm bước vào tuổi 70, ngồi trong chái bếp lợp lá kiểu miền núi xứ Quảng kho mớ cá tươi mới mua bằng thứ củi lấy từ cây khô quanh núi. Ở đây có đủ điện, nhưng ông không cho phép vợ con đặt bếp từ, nhà cũng không tủ lạnh. Cách sống hoàn toàn hòa thuận trong lòng thiên nhiên.

Hỏi tại sao đặt tên bảo tàng là Đồng Đình, hóa ra nó là tên loại cây bản địa, chiếm diện tích lớn trên bán đảo này. Mười năm ròng rã xây dựng bảo tàng, nhà cửa, hầu hết cây cối ông trồng đều là cây bản địa, mà đồng đình chiếm đa số.

Thứ cây nhìn rất bình thường, nhưng nó là chủ nhân của bán đảo, có nghĩa nó chịu được đất này, nó bảo vệ cuộc sống cho con người và động vật ở đây, giữ nước cho mùa khô và cản gió bão trong mùa mưa lạnh. Ông chỉ chái bếp: "Nó không tốc mái qua bốn mùa bão vì quanh đây đồng đình mọc dày che chắn. Sống với bán đảo này, phải coi nó như người thầy, dạy cho mình thực hành những bài học sơ đẳng hòa hợp với thiên nhiên".

Chính vì lý do đó, người ta trồng cỏ, trồng cau, mặc, khu vườn của Bảo tàng Đồng Đình trồng dày những đồng đình nhìn rất giản dị, nhưng bảo bọc trong lòng nó sự sống chắc chắn.

Quanh co Sơn Trà

Và đúng Sơn Trà là một người thầy về môn học bảo tồn thiên nhiên. Nhiều lần chúng tôi bắt gặp một phụ nữ châu Âu mảnh dẻ đi bộ lên con dốc dài, chị đi lên chỗ nghiên cứu môi trường Sơn Trà, tay cầm một bao ni lông lớn, và vừa đi chị vừa nhổ một loại dây leo cho vào túi. Chị giải thích loại dây leo đó phát triển có thể tàn phá sự màu mỡ của đất, đè chết các loại cây bản địa. Chính tổ chức của chị đã làm việc với ngành chức năng và ra được chiến dịch tiễu trừ những loại dây leo có hại để bảo vệ rừng Sơn Trà.

Đến Sơn Trà sẽ học được những bài học lớn về bảo vệ môi trường. Những nhà lãnh đạo của Sun Group hẳn nhớ điều này. Công trường xây dựng khu nghỉ mát Intercontinental Đà Nẵng Sun Penysula dưới sự chỉ đạo của một kiến trúc sư nước ngoài. Sau nhiều lần khuyến cáo công nhân chặt phá cây rừng cẩu thả nhưng sự việc không chấm dứt, một lần ban lãnh đạo Sun Group nhận được thư từ biệt của vị kiến trúc sư, với lý do công nhân tiếp tục chặt cây, đồng ý bồi thường vi phạm hợp đồng.

Một số vị lãnh đạo cao nhất của tập đoàn này đã phải cùng bay sang Thái Lan để giải thích, cam kết với vị kiến trúc sư sẽ chấm dứt nạn chặt phá cây cối bừa bãi trong khu vực xây dựng.

Sau "tai nạn" đó, Sun Group đã thực hiện nghiêm túc các cam kết và xây dựng thành công khu nghỉ mát nổi tiếng thế giới tại Bãi Bắc, bán đảo Sơn Trà, nơi đã thu hút nhiều tỷ phú thế giới, nguyên thủ các quốc gia đến nghỉ. Có lẽ họ đã thấm thía bài học ứng xử với thiên nhiên qua văn hóa của vị kiến trúc sư tài danh và nghiêm túc đó.

2. Chị Thu Thủy là một phụ nữ mạnh mẽ, hơn nửa đời làm phóng viên đài phát thanh tại Đà Nẵng nhưng it khi rời chiếc máy ảnh. Chiếc xe máy của chị Thủy đã in dấu bao lần trên những con đường mòn trên đỉnh bán đảo, khi chị theo đuổi những hình ảnh của đàn voọc chà vá chân nâu trên đỉnh Sơn Trà, gần như là đam mê, gần như là gắn bó thương yêu theo sự an nguy của đàn voọc.

Chị thường thu xếp lên Sơn Trà, có nhiều ngày không gặp voọc, vẫn kiên trì theo đuổi từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. Lâu dần ai cũng biết niềm đam mê của chị và chị trở thành người hướng dẫn bạn bè cách đi "săn hình ảnh" đàn voọc hoặc đơn giản là đi ngắm đàn voọc xinh đẹp hiếm hoi này.

Một vài cuộc triển lãm ảnh rất thú vị về đàn voọc đã ra mắt người xem, không chỉ nói lên một tiếng nói về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật quý hiếm, mà còn gợi lên niềm tự hào, ý thức bảo vệ đàn voọc chân nâu có môi trường sống tốt trên Sơn Trà trước cơn bão đất vàng, bão xây resort, biệt thự, trang trại.

Với 300 cá thể được ghi nhận, đàn voọc chà vá chân nâu này được ghi vào sách đỏ để bảo vệ trước nguy cơ tuyệt chủng. Với tập tính sống theo gia đình, quẩn quanh trong một khu vực quen thuộc, đàn voọc đối mặt với môi trường bị đảo lộn khi nhiều sản phẩm du lịch đã và đang xây dựng, những đường cái lớn mở ra chia cắt khu rừng.

Du khách chờ ngắm voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà

Điều thú vị và cũng may mắn là những nhà nghiên cứu có mặt trên bán đảo đã phát hiện ra một con đường có thể ngăn trở lối đi kiếm ăn của gia đình nhà voọc, nên Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đã làm những cây cầu bằng dây leo vắt ngang qua đường để những con linh trưởng chuyền qua những vùng rừng.

Ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu môi trường GreenViet nói: "Theo tôi, việc cần nhất là ngành chức năng và các đơn vị có chuyên môn điều tra lại hiện trạng quần thể voọc chà vá chân nâu và môi trường sống của chúng tại bán đảo Sơn Trà”.

GreenViet là tổ chức gắn bó, theo dõi, cứu hộ đàn linh trưởng này cùng một vài tổ chức môi trường nước ngoài khác.

Ngồi trên đỉnh Sơn Trà nhìn ra vịnh Đà Nẵng, nhìn xuống sát mép biển khu Bãi Bắc là khu nghỉ mát nổi tiếng Intercontinental Đà Nẵng Sun Penysula, chúng tôi cùng một nhóm báo chí và nghệ sĩ nhiếp ảnh là những người vẫn dõi theo sự sống và phát triển của bầy voọc chà vá chân nâu, thậm chí thuộc mặt nhiều con đầu đàn vốn dạn dĩ để bảo vệ đàn của nó.

Chẳng có sự so sánh nào giữa vẻ đẹp hay giá trị của voọc chà vá chân nâu này với kỳ quan kiến trúc đã được xây dựng trên bán đảo. Chẳng có ai tính toán nên bảo vệ đàn linh trưởng hay nên ào ạt tiến lên bán đảo để làm du lịch, khi ven biển Đà Nẵng vốn được cho là tấc đất tấc vàng.

Bán đảo Sơn Trà đã khoanh vùng 4.200 hecta đất rừng làm Khu Bảo tồn thiên nhiên rừng đặc dụng quốc gia Sơn Trà, nên không ai còn bàn luận nên làm gì nữa, vậy mà sau 9 năm đã tóp lại còn 2.600 hecta!

Nhìn ngắm những cặp mắt đen láy của voọc chà vá chân nâu - chủ nhân đích thực của bán đảo Sơn Trà mà chúng tôi không dứt lo lắng cho sự an nguy của chúng...

>Độc đáo "Chùa Khỉ"

>"Vương quốc" Pơmu

>Gà đồi Yên Thế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Voọc chà vá chân nâu - "chủ nhân" Sơn Trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO