Về đâu những số phận trớ trêu?

THU NGÂN/DNSGCT| 20/10/2012 08:13

Với câu hỏi “Về đâu những phận người trớ trêu, sinh ra với một giới tính không mong muốn, phải vật vã với hành trình “người đi tìm bóng” trong vô vàn khó khăn, tủi nhục… bởi sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội?”, tôi đã cất công tìm hiểu nhưng cuối cùng, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ…

Về đâu những số phận trớ trêu?

Tán gẫu cùng nhóm bạn dịp cuối tuần, sau những chuyện trên trời dưới biển, một cô bạn ngáp dài than: “Buồn ngủ quá, mấy hôm nay nhà hàng xóm có đám tang, đám pê đê hát hò ầm ĩ nên tối không ngủ được”. Thế là có chủ đề mới, nói chung toàn là mớ kiến thức vỉa hè về thế giới thứ ba với những tên gọi dân gian là bóng, pê đê, ô môi...

Đọc E-paper

Là chuyện “bà tám” nên tôi cũng không lưu tâm cho đến khi làm việc với ICS - Trung tâm Tư vấn, bảo vệ về quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (gọi chung là cộng đồng LGBT).

Xem những thước phim tư liệu về cuộc sống của người chuyển giới, nghe những chia sẻ, tâm sự… tôi mới hiểu phần nào nỗi khao khát được sống là chính mình của họ.

Với câu hỏi “Về đâu những phận người trớ trêu, sinh ra với một giới tính không mong muốn, phải vật vã với hành trình “người đi tìm bóng” trong vô vàn khó khăn, tủi nhục… bởi sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội?”, tôi đã cất công tìm hiểu nhưng cuối cùng, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ…

Người chuyển giới: họ là ai?

Với sự hỗ trợ thông tin của ICS, đầu tiên tôi tìm hiểu những khái niệm khoa học liên quan đến người chuyển giới.

Theo tài liệu phổ biến của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) thì người chuyển giới (Transgender-TG) là một khái niệm rộng, dùng để chỉ tất cả những người có bản dạng giới, thể hiện giới không giống với những chuẩn mực tương ứng với giới tính sinh học của họ.

Bản dạng giới là cảm nhận bên trong của một người về giới tính của mình, nó có thể trùng khớp hoặc không trùng giới tính sinh học.

Thể hiện giới là cách một người cho thấy bản dạng giới của mình thông qua hành vi, cử chỉ, quần áo, kiểu tóc…

Giới tính sinh học được xác định từ lúc một người mới sinh ra là nam hay nữ, chủ yếu dựa vào những thuộc tính cơ thể bên trong (nhiễm sắc thể, nội tiết tố) và bên ngoài (cơ quan sinh dục).

Còn người chuyển đổi giới tính (Transsexual) là những người cảm nhận giới tính sinh học của họ không giống với bản dạng giới (cơ thể là nam nhưng trong đầu lại nghĩ là nữ hoặc thể hiện ra bên ngoài là nữ, hoặc ngược lại) và tìm cách được sống đúng với giới tính mong muốn.

Các MTF biểu diễn thời trang trong cuộc thi Miss Angel

Người chuyển đổi giới tính gồm có người từ nam sang nữ (Male to Female - MTF), từ nữ sang nam (Female to Male - FTM). Trong số này có người đã trải qua phẫu thuật để trùng khớp giữa hình thức cơ thể và bản dạng giới trong não của họ.

Để có đáp án cho câu hỏi nguyên nhân của việc muốn chuyển đổi giới tính, tôi đã thẳng thắn trao đổi với người trong cuộc để rồi hiểu rằng với họ, mang một giới tính không mong muốn là một nỗi thống khổ không thể diễn tả bằng lời.

Cái khao khát muốn điều chỉnh cơ thể để là chính mình là một nhu cầu tự thân và nhất quán, hòa hợp phần bên ngoài và bên trong cơ thể. Mong muốn này chỉ ngày càng mãnh liệt chứ không như nhiều người vẫn nghĩ đó là kiểu sở thích, trào lưu.

Ái My tạo dáng bên lá cờ cầu vồng - biểu tượng của cộng đồng LGBT

Theo kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường iSEE, người chuyển giới thường trải qua quá trình bối rối trong việc nhận diện bản dạng giới của chính mình cũng như đối mặt với những quyết định chuyển đổi khó khăn liên quan đến sử dụng hormone, phẫu thuật và công khai thể hiện giới.

Sự trỗi dậy của bản dạng giới và nhu cầu thể hiện giới khác với giới tính sinh học được bộc lộ ngay từ thời thơ ấu. Đây là những dòng tâm sự do chính các bạn viết vào sổ nhật ký của ICS:

“Từ năm học lớp ba, lớp bốn em chỉ thích chơi với con gái, chơi búp bê, nhảy dây, may đồ…Hồi đó em đã biết bản thân mình là gì rồi nhưng đến lớp năm, lớp sáu mới lộ bản thân ra” (MTF, 19 tuổi, TP.HCM).

Một MTF khác đã ngoài năm mươi tuổi kể: “Bốn, năm tuổi, mình đã thích mặc đồ con gái, thích chơi trò con gái nhưng ba mẹ nghĩ lúc nhỏ như vậy, lớn lên sẽ hết. Con người mình vậy rồi, làm sao có thể sống khác nhưng ba mẹ không hiểu cho, cố bắt mình phải nam tính, mạnh mẽ”.

Đến tuổi dậy thì, khi có những cảm xúc tính dục ban đầu thì người chuyển giới cảm nhận rõ hơn. Dù phải nhớ lại những cảm xúc đã trải qua khá lâu, các bạn vẫn không quên vì đó là cảm xúc đầu đời. Đây là tâm sự của một bạn nữ (FTM, 24 tuổi, Hà Nội):

“Lớp tám em bắt đầu có cảm giác thích và muốn bày tỏ tình cảm với người ta. Nhưng thời gian đấy em vẫn sợ các bạn nghĩ là tại sao mình khác người rồi nói này nói kia. Em cũng sợ nói ra các bạn không chơi với mình nữa nên cứ để trong lòng”.

Một MTF khác 18 tuổi, ở TP.HCM thì tiết lộ: “Em có thằng bạn học chung từ lớp sáu, nó đẹp trai lắm, em rất thích chơi với nó. Năm lớp tám thì em yêu nó. Có hôm bị nó bắt gặp em đang nhìn nó, nó lớn tiếng “Làm gì nhìn tao dữ vậy”. Từ đó em không dám thổ lộ với nó nữa”.

Để là chính mình: hành trình đau đớn vẫn không trọn vẹn

Ca sĩ Cindy Thái Tài - một trong những nghệ sĩ có tiếng nói về bình đẳng giới

Những người thuộc giới tính thứ ba là người kém may mắn, chịu nhiều thiệt thòi. Dù mong muốn được sống đúng với giới tính thật của mình, nhưng không phải ai cũng có điều kiện để thực hiện.

Dưới sức ép của gia đình, xã hội, hầu như tất cả người chuyển giới đều phải trải qua sự trầm cảm về giới. Đó là cảm giác băn khoăn, lo lắng, khổ sở khi biết giới tính thật của mình nhưng phải ép mình sống theo chuẩn mực của giới tính sinh học.

Vì vậy, phẫu thuật để “tìm lại chính mình” là một quyết định dũng cảm, nhưng họ cũng phải trải qua những dằn vặt, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần.

Nếu đúng quy trình, một người chuyển đổi giới tính cần được thực hiện tuần tự tất cả các bước gồm: trao đổi với bác sĩ tư vấn tâm lý để xác định giới tính thật, thể hiện mong muốn được chuyển giới.

Bắt đầu quá trình chuyển giới bằng việc dùng liệu pháp hormone trong vài năm để có những thay đổi về cơ thể. Sau đó đến giai đoạn phẫu thuật chuyển giới, nếu muốn làm đẹp thì đồng thời phải phẫu thuật thẩm mỹ cả khuôn mặt.

Ở nước ta pháp luật chưa công nhận và cho phép người chuyển giới được thực hiện chuyển đổi giới tính nên họ thường phải tự tìm kiếm thông tin và chỉ làm một số bước cơ bản để có được cơ thể mong muốn.

Số ít người có điều kiện thì chọn cách ra nước ngoài làm phẫu thuật, còn phần lớn tự dùng liệu pháp hormone, tiêm “chui” silicon...dù họ thừa biết, việc tự điều trị chuyển đổi bằng hormone trôi nổi trên thị trường có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, còn tiêm silicon cho người MTF có thể gây chết người.

Nói đến công nghệ phẫu thuật chuyển giới không thể không nhắc đến Thái Lan - điểm đến mơ ước của hầu hết người chuyển giới Việt Nam.

Và khâu quảng bá “đặc sản” Tiffany’s show tại Pattaya khiến du khách nào có dịp xem màn trình diễn đẹp mắt của những người chuyển giới từ nam sang nữ đều nghĩ rằng người chuyển giới sẽ rất đẹp!

Thật ra dung mạo mới sau khi phẫu thuật hoàn toàn phụ thuộc vào đặc điểm hình thể trước đó của người chuyển giới.

Nếu may mắn người chuyển từ nam sang nữ mà có gương mặt ít góc cạnh, vóc dáng thanh mảnh, khung xương nhỏ… thì khi phẫu thuật, hình thể bên ngoài sẽ giống với nữ và sẽ đẹp. Còn nếu là người “vai u thịt bắp”, giọng nói trầm… thì dù có phẫu thuật, vẫn phải chịu cảnh “kiếp con gái, thân con trai!”.

Người chuyển giới: phải chấp nhận sống trên dư luận

Hương Giang - thí sinh cuộc thi Vietnam Idol 2012. Với vẻ đẹp nữ tính, cô được nhiều người ủng hộ

Tiên phong trong những người phẫu thuật chuyển giới và công khai có lẽ là những người thuộc giới nghệ sĩ. Dù không nhiều nhưng họ khá “nổi tiếng” do dư luận tò mò.

Di Yến Quỳnh - Cát Tuyền - Cindy Thái Tài là những tên tuổi đầu tiên mạnh dạn vượt qua mọi rào cản về định kiến, kỳ thị của xã hội để phẫu thuật chuyển giới. Hiện Cát Tuyền và Di Yến Quỳnh đã sống ở nước ngoài, còn Cindy Thái Tài vẫn ở TP.HCM.

Vừa ca hát vừa là chuyên viên trang điểm, Cindy sống cởi mở, chị không ngần ngại xuất hiện nhiều lần trên báo để chia sẻ câu chuyện đời mình với nhiều cung bậc.

Chị cũng là một trong những nghệ sĩ tham gia tích cực vào những hoạt động giành quyền bình đẳng giới ở Việt Nam. Các nghệ sĩ đàn em như Ái Xuân, Lê Duy, nhà thiết kế Franky Nguyễn, Hương Giang (thí sinh Vietnam Idol 2012)… cũng gây ít nhiều ồn ào khi trở về giới tính thật của mình.

Mới đây, nghệ sĩ chuyển giới được dư luận quan tâm là Lâm Chí Khanh. Sau thời gian vắng bóng sân khấu, chàng ca sĩ Lâm Chí Khanh ngày nào trở lại trong hình dáng phụ nữ xinh đẹp, gợi cảm với nghệ danh là Khanh Chi Lâm. Ngay khi phẫu thuật thành công, chị đã gửi qua truyền thông tâm sự:

“Tôi không có tham vọng chuyển giới để thu hút sự chú ý, để được nổi tiếng hơn. Tôi chỉ mong được sống đúng với giới tính thật của mình, thậm chí tôi sẵn sàng xa rời ánh đèn của showbiz, chỉ muốn lấy chồng và chăm sóc những đứa con”.

Còn người chuyển giới từ nữ sang nam thì có phần “bình lặng” hơn. Trong số các FTM thì anh C. là trường hợp may mắn.

Sau khi phẫu thuật từ nữ sang nam, anh đã có một gia đình hạnh phúc. Anh không muốn công khai quá khứ, hình ảnh vì “sẽ làm cuộc sống xáo trộn”, tuy nhiên anh sẵn lòng hỗ trợ những ai cùng cảnh ngộ, cần sự tư vấn, giúp đỡ.

Quán cà phê của anh có không gian dành để chiếu phim cùng tư liệu, sách báo về giới tính thứ ba, thường tập trung nhiều bạn đồng tính nữ.

Có lần bị công an kiểm tra và lập biên bản vì “kinh doanh không lành mạnh”, anh đã phải bỏ phòng chiếu phim. Và A. là một tấm gương về tinh thần nỗ lực làm việc để được sống là chính mình.

“Anh” và bạn gái quen nhau khi cùng du học ở Singapore. Về nước, tình yêu của họ vẫn bền vững và hai người đã “góp gạo thổi chung”. A. đã mở công ty phần mềm, đang tích cóp để “giải phóng” hình hài, để đường hoàng sánh vai vợ chứ không muốn bị xem là một đôi đồng tính.

Phẫu thuật phải chịu đau đớn về thể xác nhưng người chuyển giới vẫn chấp nhận để được là chính mình, nhưng sau đó họ bị tổn thương hơn khi phải chịu sự bạo hành tinh thần.

Là nghệ sĩ đã bị “săm soi” kỹ, là nghệ sĩ chuyển giới họ càng là tâm điểm của sự “chọc ngoáy” cay độc hơn.

Không những thế, quyền công dân của người chuyển giới vẫn không được công nhận khiến họ lâm vào cảnh “há miệng mắc quai” khi không thể dùng giấy tờ để chứng minh thân phận của mình.

“Bây giờ tôi đã là phụ nữ thực sự nhưng vẫn không sửa được giấy tờ cá nhân,điều đó ít nhiều cũng gây cho tôi khó khăn trong cuộc sống, cả chuyện kết hôn nữa” - trăn trở của Cindy cũng là băn khoăn chung của nhiều người chuyển giới cùng cảnh ngộ.

Chính vì vậy mà có việc nghệ sĩ chuyển giới bay show hay đi du lịch nước ngoài thì không sao, nhưng từ TP.HCM đi Hà Nội thì phải ngồi tàu lửa hoặc xe khách chứ không thể mua vé máy bay!

Trăm kiểu bạo hành và rủi ro trong cuộc sống

Junny và Ái My đến văn phòng ICS

Trong những người chuyển giới, nhóm MTF là nhóm bị tổn thương nghiêm trọng vì bị kỳ thị nhiều nhất. Vì với những chuẩn mực xã hội quy định về giới ở các nước Đông phương nói chung và Việt Nam nói riêng, nam giới và sự nam tính vẫn được đề cao.

Thế nên dù là FTM thì “phụ nữ nam tính” có vẻ được xem là mạnh mẽ, dễ chấp nhận hơn là đàn ông nữ tính, ẻo lả, yếu đuối. Riêng việc không muốn dùng cái tên khai sinh của nam và tự đặt những cái tên “mỹ miều” cho mình đã làm cho nhiều người thấy “dị hợm”.

Ái My, “cô gái” 19 tuổi kể, em là con út trong gia đình có đến chín anh chị em, ai cũng bình thường, chỉ có em là “không giống ai”. Ngay từ nhỏ em đã nghĩ mình là nữ, đi học đã bị bạn bè trêu chọc, cố gắng lắm em chỉ học đến lớp sáu thì nghỉ học cũng vì đánh nhau với bạn.

Đến tuổi dậy thì thì nữ tính của My ngày càng “lộ” ra, gia đình la rầy, bắt My làm những việc của đàn ông như phụ hồ, giữ xe… nhưng chỉ được vài hôm là My bỏ, phần vì không thích, phần vì không làm nổi việc nặng nhọc.

My nói với mẹ: “Mẹ đã mất đứa con trai rồi, giờ mẹ hãy chấp nhận con là con gái, con không thể sống khác được”.

Sau cái tặc lưỡi của mẹ, My đi học làm tóc, được thầy khen là có năng khiếu. Dù chăm học nghề cho đến khi thành thợ rồi, vậy mà khách đến tiệm có người bày tỏ sự kỳ thị ra mặt, yêu cầu chủ tiệm không cho pê đê làm.

“Ban đầu buồn, em khóc nhiều lắm nhưng giờ quen rồi. Em chỉ cần biết em được sống là chính mình là đủ rồi, em không quan tâm người ta nghĩ về mình như thế nào nữa” - giọng trầm khàn, My nói.

Khác với Ái My, Junny nhỏ nhắn, mảnh khảnh, da mặt mịn màng với mắt to tròn, sống mũi cao khá xinh xắn, giọng nói cũng thanh hơn nhưng số phận cũng chẳng khác.

Từ nhỏ Junny đã phải ăn đòn từ cha vì “tội” nữ tính khiến em càng sống rụt rè, khép kín. Càng lớn, Junny đối mặt không chỉ là sự trêu chọc mà nhiều lần vô cớ bị “đánh hội đồng”.

Năm lớp mười có lần bị cả nhóm kéo “thằng bóng” vào nhà vệ sinh đánh. Sự việc đến tai giáo viên, Junny trình bày với ban giám hiệu trường nhưng không được giải quyết, sau đó em còn bị đánh nhiều hơn vị tội “dám méc thầy”.

Chán nản, Junny bỏ học, có khi bỏ nhà đi lang thang, cắm quán net hay vạ vật ngoài đường ba mẹ cũng không hay.

“Ai biểu mày không nghe lời, giờ muốn sống sao thì tùy” là phán quyết mà mẹ đưa ra. “Em từng đi xin nhiều việc ở nhiều nơi như bán hàng, phụ bán quán cơm nhưng không ai nhận. Giờ em làm “tự do” - biết là không có tương lai nhưng đến đâu hay đến đó thôi” - “cô gái” 18 tuổi nói.

Thể hiện giới bằng cách trang điểm của các MTF chưa qua phẫu thuật

“Những người như tụi em đã bị áp lực quá lớn từ gia đình, khi ra xã hội thì ngay cả những người ít học cũng không chấp nhận tụi em. Tụi em cảm thấy bị cô lập, chỉ có thể chơi chung một nhóm là những người giống mình mới có thể thông cảm cho nhau. Nếu như có một điều ước, em ước sẽ được mọi người chấp nhận, đừng nhìn tụi em với ánh mắt miệt thị như thể tụi em không phải là những con người” (MTF, 22 tuổi, Hà Nội).

Có lẽ vì thế mà cuộc sống của những MTF như Ái My, Junny… chỉ bắt đầu khi đêm xuống, khi đó không ai để ý thì họ mới có cảm giác được yên ổn. Nhóm của My đều còn trẻ, khoảng 25 tuổi đổ lại, làm đủ nghề từ làm móng tay, trang điểm, làm tóc, phụ quán ăn, quán nhậu, cà phê…

“Trong phút trải lòng, My nói: “Giải trí của tụi em chỉ là gặp nhau tâm sự, có tiền thì đi mua sắm. Ai không hiểu nên trách tụi em là phá làng xóm, thật ra tụi em biết thân phận mình nên chẳng dám “manh động” để bị “tóm” đâu.

Việc hát đám ma một phần là để mưu sinh, một phần là để tụi em được thể hiện con người thật của mình, chứ tụi em có chỗ nào khác để được sống đúng là mình mà không bị dòm ngó, cấm cản đâu”.

“Vậy mà có lần chỉ vì đi ăn khuya, tụi em bị công an bắt và nhốt trên phường, thậm chí bị đánh nữa. Em hỏi em bị tội gì, họ nói tụi em làm
ô uế xã hội” - Junny kể lại trong nỗi sợ sệt.

Xúc phạm qua cách gọi bằng những từ miệt thị cũng là cách bạo hành tinh thần phổ biến với người chuyển giới.

Nhóm bạn MTF (từ trái sang) gồm Bảo Nghi, Bảo Vy, Cát Thy, Ái My, Junny và Bảo Hòa

“Gặp ngoài đường người ta gọi thẳng vào mặt em là thằng pê đê, con này xăng pha nhớt, ái nam ái nữ, thôi thì đủ thứ tên gọi, nhiều lắm, em không muốn nghe cũng phải nghe. Nếu được gọi là transgender chắc em cũng vui lắm” (MTF, 22 tuổi, Hà Nội).

“Bị người ta kêu mình là “bóng chó” em ức lắm. Không ai muốn mình như vậy cả, có phải em tự lựa chọn cho mình như thế đâu mà tại sao người ta lại đối xử với em như vậy”.

Sự thiếu thông tin và thái độ thiếu cảm thông ở các cơ sở y tế cũng làm cho người chuyển giới MTF đối mặt với sự rủi ro cao về sức khỏe và các bệnh lây qua đường tình dục.

Chị Đinh Hồng Hạnh, nhân viên ICS kể, có người MTF bị bệnh, người nhà phải đưa đi cấp cứu, khi tỉnh lại thấy nhân viên y tế đang chỉ trỏ, bàn tán về mình chứ không chăm sóc như những bệnh nhân khác, chị ấy đã bỏ về và tự nhủ không bao giờ đi bệnh viện nữa. Những chuyện như thế rất phổ biến chứ không là cá biệt.

Rào cản pháp lý và những mong muốn cho người chuyển giới

Đến thời điểm này, chỉ có cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm là người chuyển giới đầu tiên được công nhận lại giới tính. Vì pháp luật quy định, chỉ “cho phép phẫu thuật với người có khiếm khuyết bẩm sinh về giới tính”, và “nghiêm cấm thực hiện việc chuyển đổi giới tính với người đã hoàn thiện về giới tính”.

Quy định này mở ra cơ hội cho những người liên giới tính có thể phẫu thuật xác định lại giới tính, nhưng đồng thời đóng lại cơ hội cho những người chuyển giới được phẫu thuật thành giới tính mong muốn của mình. Lại một bất cập thử thách sự kiên nhẫn cho những người chuyển giới muốn sống theo pháp luật.

Đã có nghiên cứu đầu tiên về người chuyển giới, tìm hiểu và đặt ra các câu hỏi từ thực tế như: Hiện trạng của các nhóm chuyển giới
ở Việt Nam ra sao?

Những vấn đề gì người chuyển giới ở Việt Nam đang phải đối mặt, đặc biệt liên quan đến những vấn đề như sự an toàn cá nhân, lòng tự trọng, an toàn sinh kế, sức khỏe... ra sao?Bao trùm hơn, đã có khung luật pháp nào cho người chuyển giới?...

“Em nghĩ nếu có một tổ chức hỗ trợ cho những người chuyển giới thì sẽ tốt hơn, nhất là về mặt sức khỏe. Chẳng hạn như việc dùng hormone, em cũng như nhiều bạn tự dùng, không theo hướng dẫn nào cả, dù biết như vậy rất nguy hiểm. Em từng bị sốc thuốc rồi, chỗ tiêm sưng vù lên và bầm tím, đau lắm”. (MTF, 25 tuổi, TP.HCM).

“Em cũng muốn một lần trong đời được lên xe hoa, được mặc áo cưới lắm chứ! Em có viết một câu tâm sự trên Facebook của mình là:
“Nhìn người ta bước lên xe hoa, đến bao giờ mình mới được giống như vậy hay chỉ bước lên xe tang được thôi” (MTF, 25 tuổi, TP.HCM).

Tại hội thảo “Khát vọng được là chính mình” do iSEE tổ chức 8-2012, Cát Thy (MTF, 22 tuổi, Q.8, TP.HCM) phát biểu “Em muốn được phẫu thuật để sống một giờ thôi em cũng chịu, chỉ cần chết trong thân xác một người phụ nữ”. Bên trái là Aki Trần (FTM, 21 tuổi, Q. Gò vấp, TP.HCM), đang là sinh viên một trường đại học tại TP.HCM

Muốn được hòa nhập cộng đồng, muốn có công việc là những mơ ước chính đáng của người chuyển giới, nhưng với học vấn thấp, không có nghề nghiệp chuyên môn, đa số người chuyển giới MTF gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống.“Nếu có tiền em sẽ mở một viện dưỡng lão cho người chuyển giới.

Sau này những người như tụi em không có con cái, cuộc sống cô đơn, nếu khi cha mẹ chết hết, mồ côi một mình thì biết làm sao”. “Em mơ thành lập trang web, xin phép làm các show nhỏ để cho các bạn có cơ hội trình diễn, kiếm sống bằng khả năng của mình”…

Trước thực trạng trên, trong tháng 8 vừa qua, Viện nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường (iSEE) đã tổ chức hội thảo “Khát vọng được là chính mình - các vấn đề pháp lý và thực tiễn của người chuyển giới ở Việt Nam” tại Hà Nội và TP.HCM. Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu và đưa ra khuyến nghị xóa bỏ kỳ thị với người chuyển giới, giúp họ có một cuộc sống bình thường như mọi người.

Đặc biệt, hội thảo đưa ra kiến nghị kêu gọi sửa nghị định 88/2008/NĐ-CP về việc xác định lại giới tính, đảm bảo quyền phẫu thuật thay đổi giới tính và quyền thay đổi hồ sơ pháp lý liên quan đến giới tính, tên sau phẫu thuật. Nhiều bạn trẻ chuyển giới như Cát Thy, Bảo Vy, Bảo Nghi, Bảo Hòa (MTF), Aki Trần (FTM)... đã tham dự và mạnh dạn bày tỏ ý kiến tại hội thảo.

Anh Trần Khắc Tùng, Giám đốc ICS bày tỏ: “Người chuyển giới nói riêng hay cộng đồng LGBT nói chung là một bộ phận không tách rời của xã hội, với những phẩm chất và năng lực như bất kỳ một người nào khác. Nếu được tạo điều kiện và có cơ hội học tập, làm việc, họ hoàn toàn có thể đóng góp tích cực cho xã hội.

Tạo điều kiện cho người chuyển giới được sống và làm việc với giới tính mình mong muốn không ảnh hưởng tới quyền lợi của bất kỳ ai trong xã hội, mà nó mang thêm hạnh phúc cho một bộ phận vốn đang chịu nhiều sự kỳ thị trong xã hội và làm xã hội trở nên nhân văn hơn thì tại sao chúng ta không mở rộng vòng tay với họ?”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Về đâu những số phận trớ trêu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO