Trời đãi

CÁC NGỌC| 06/11/2009 04:00

Một chị bạn của tôi ở Cần Thơ khi nghe ai gọi những tháng nước dâng ngập lai láng ruộng đồng ở miền Tây Nam bộ là mùa lũ thì cự nự: “Làm gì có lũ!..."

Trời đãi

Một chị bạn của tôi ở Cần Thơ khi nghe ai gọi những tháng nước dâng ngập lai láng ruộng đồng ở miền Tây Nam bộ là mùa lũ thì cự nự: “Làm gì có lũ! Nhiều người cứ nghĩ nước đổ về thì người dân bó gối ngồi chờ mấy tháng liền, nên hô hào mang hàng cứu trợ xuống, làm cho hình ảnh người dân miệt này thấy thảm”.

Du khách hái bông điên điển

An Giang là tỉnh đầu nguồn, đón nước dâng sớm nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Sống trên nước nổi 5 tháng (từ tháng 6 đến hết tháng 10 âm lịch) mỗi năm đối với người dân là chuyện bình thường. Đã bỏ lỡ bao mùa nước nổi, năm nay, anh Ba Hưng (Lê Minh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang) hô hào bà con vùng Bảy Thưa - Láng Linh (huyện Châu Thành) cùng tổ chức đưa du khách chứng kiến công việc làm ăn của nông dân trong mùa này.

Đoàn khách du lịch bước xuống ghe, chuẩn bị băng đồng ngập nước lúc trời nắng tốt. Ghe mới đi được vài trăm mét, bổng trời đổ mưa. Mưa trắng trời, trắng đồng. Đi ngang dãy nhà mái lá đơn sơ, nằm giữa đồng nước mênh mông, chúng tôi vẳng nghe bài vọng cổ hòa vào tiếng mưa, có vẻ như mưa là lúc người dân trên đồng nước nổi tranh thủ nghe đài giải trí. Anh Tâm Châu - hướng dẫn viên người địa phương - thấy sốt ruột với thời tiết vì mọi việc đã sắp xếp để du khách có một ngày cảm nhận sự thích ứng của người dân miệt đồng với tự nhiên, không khéo “bể” hết. Một nhóm khách trẻ vẫn háo hức chờ đi xuồng ba lá kéo lưới cá linh, hái bông điên điển. May thay, ghe vừa cập vào nhà di tích Lò rèn Bảy Thưa thì trời tạnh mưa.

Người dân thả lưới cạnh nhà chừng một giờ là đã có một mẻ cá linh cả ký, chịu khó bơi xuồng ra giữa đồng một chút thì giở một mẻ 2 - 3 ký cá linh là chuyện thường. Trước đây, người ta hay nói “giá bèo như cá linh” bởi mùa nước nổi cũng là mùa cá linh, dân địa phương mang lên chợ bán cũng không hết, nên họ dùng làm mắm hoặc nước mắm để ăn dần. Bây giờ cá linh không còn “giá bèo” nữa vì các nhà hàng ở miền Tây cũng chế biến thành nhiều món ngon phục vụ khách. Anh Tâm Châu cho biết cách chế biến cá linh thay đổi theo từng đợt cá đổ về.

Đầu mùa, có cá linh trứng, xương mềm, dùng chiên bánh xèo rất ngon. Giữa mùa, hầu hết cá linh lớn bằng ngón tay cái, người ta kho lạt, khi ăn với cơm, bằm thêm ít xoài sống vào là ngon hết biết. Đến cuối mùa, cá lớn hơn thì làm món nướng. Người ta lấy thanh tre rọc ra làm đôi, kẹp những con cá linh vào giữa, nướng trên lửa than, trở qua trở lại hai ba lần là cá chín. Cá linh nướng dùng với nước mắm me, nhưng phải là loại me già mà chưa chín, bỏ hột rồi trộn chung với tỏi, ớt, xong pha nước mắm có thêm chút đường. Con cá linh lớn nhất vào lúc gần hết mùa, người dân kho với mía, ninh cho rụt cả xương, ăn thơm như cá mòi đóng hộp.

Chị Bảo, đầu bếp phục vụ bữa cơm trên đồng cho đoàn, cho chúng tôi được thưởng thức món bánh xèo cá linh với bông điên điển. Chị Bảy phụ bếp thì lựa mấy con cá linh to, kẹp vô thanh tre nướng. Mớ cá nhỏ hơn được cho vào lẩu nấu chua với bông súng và bông điên điển. Nhóm du khách trẻ hào hứng đi xuồng ba lá kéo lưới bắt cá linh, hái bông điên điển, góp vô bữa ăn tươi không nhiều nhưng họ cảm nhận được niềm vui của dân miệt đồng vào mùa nước nổi, sống khỏe nhờ “của trời cho”.

Bữa cơm trưa được dọn trên sàn hai chiếc trẹt lớn thả giữa đồng nước ở chỗ có hai hàng bạch đàn cao đủ bóng râm cho du khách ngồi ăn mát mẻ. Phương tiện phục vụ đơn sơ nhưng lòng hiếu khách, tính chân chất, thật thà của những người dân ở vùng nước nổi mới tập tành làm du lịch, khiến cho du khách bỏ qua những điều nhỏ nhặt để lo thưởng thức đặc sản mùa nước nổi.

Đây là năm đầu tiên thiết kế tour mùa nước nổi, Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang và Công ty Du lịch Bến Thành tính chỉ có những người trẻ tham gia, nào ngờ du khách trung niên, lớn tuổi có đủ ở mỗi đoàn. Ít ai chọn du lịch vào mùa mưa, nhưng nếu không đi vào những tháng mưa liên miên này thì không thể biết vì sao người dân ĐBSCL mong năm nào cũng có nước nổi.

Điều thú vị mà chúng tôi cảm nhận chính là người dân ở đây đã chuẩn bị cho cuộc sống và chuyện làm ăn trong mùa nước nổi khá kỹ càng. Hồi trước chỉ có dân miệt đồng biết ăn bông điên điển, giờ nó là đặc sản nhà hàng. Nhu cầu ngày càng nhiều nên nếu để cây điên điển mọc tự nhiên thì không đủ bán. Trời sinh cây điên điển có trái. Người dân hái trái lấy hạt phơi khô, đến đầu mùa lũ gieo xuống đồng, chỉ một tháng sau là thu hoạch.

Bánh xèo cá linh và bông điên điển - Bữa cơm trên đồng nước nổi

Một ký bông điên điển bán lên chợ ít nhất được 40.000 đồng. Lợi thế tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long nên nước tràn đồng ở các nơi trong tỉnh An Giang sớm hơn các tỉnh khác, nhiều nông dân lấy diện tích đất trũng trồng sen, chỉ thu hoạch gương sen thôi, nhà nào có chừng 1 - 2 công cũng kiếm hơn 100.000đ/ngày, còn ai được chừng 10 công sen có thể thu hoạch 150 - 200kg gương sen/ngày, bỏ túi trên 1 triệu đồng/ngày như chơi. Nhà nào không trồng sen thì trồng bông súng hoặc đi hái bông súng mọc tự nhiên ở những đồng lũ giáp biên giới Campuchia, mỗi bó 50 - 60 bông bán được 4.000 - 5.000 đồng, mỗi ngày hái vài chục bó cho thương lái chở đi các tỉnh miền Tây và đem lên Sài Gòn tiêu thụ, cũng kiếm được 100.000 - 200.000 đồng.

Trên đồng Bảy Thưa - Láng Linh và dọc hai bên vàm Cây Dương, có rất nhiều bao đăng nuôi tôm, mùng, vèo nuôi cá lóc, cá rô, cá mè vinh. Cách một đoạn đồng hay qua một khúc vàm, lại thấy một cụm nhà nhỏ như trôi trên nước, hỏi ra mới biết người dân không phải không có tiền để lên bờ, mà họ sống ở đó để canh mùng, vèo nuôi cá.

Anh Trịnh Văn Điệp, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh An, huyện Châu Thành cho biết, mùa nước nổi chỉ bốn, năm tháng nhưng có thể nói là mùa thu nhập chính trong năm. Ngoài những hộ gia đình biết tổ chức sản xuất có thu hàng chục triệu một tháng, những người không có vốn liếng cũng nhờ trời mà sống bằng nghề giăng câu, giăng lưới, đặt lọp, đặt lờ, rồi làm đường ven để bắt cá, bao vèo, hái bông điên điển, bông súng, rau nhút, rau muống mọc tự nhiên.

Năm nay An Giang mới thử nghiệm loại hình du lịch mùa nước nổi nên hầu như ai nấy bỏ công không tính toán với mong muốn người phương xa đến đây thấy được sự năng động của dân miệt đồng. Theo anh Điệp, rút kinh nghiệm năm sau phải làm tốt hơn thì có thể thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt, người dân còn chuẩn bị những sản vật mùa nước nổi như nước mắm cá linh, bông điên điển, gương sen... bán cho du khách làm quà. Riêng xã Vĩnh An dự định trước mùa nước nổi năm sau sẽ trang bị vài chiếc võ lãi có ghế ngồi, có mái che mưa để phục vụ khách chu đáo hơn.

Có kinh nghiệm dựa vào thiên nhiên để sống, người dân miệt đồng An Giang đã xóa đi hình ảnh nghèo khổ, chờ sự động lòng của người nơi khác. Giờ thêm một chút sáng tạo để khai thác mùa nước nổi làm du lịch nữa, họ sẽ kéo khách thập phương đến cùng tận hưởng những điều thú vị đặc trưng của thiên nhiên tặng cho vùng đất này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trời đãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO