Tổ chức phi chính phủ - môi trường lý tưởng cho người trẻ

BÍCH HỒNG| 20/05/2017 06:51

Công việc trong các tổ chức phi chính phủ quả là môi trường tốt để người trẻ học tập, rèn luyện kỹ năng làm việc, và đặc biệt là lý tưởng sống.

Tổ chức phi chính phủ - môi trường lý tưởng cho người trẻ

Họ có thể là tổ chức bảo vệ môi trường, tổ chức giúp đỡ người nghèo. Cũng có thể họ đến để vực dậy nghị lực sống, nghị lực làm việc ẩn náu bên trong những tấm thân tàn phế hay các số phận bị lãng quên. Họ là những tổ chức phi chính phủ.

Đọc E-paper

Trong những tổ chức phi chính phủ ấy có một số người trẻ Việt Nam khởi nghiệp từ những chương trình thiện nguyện...

1. "Tôi đẹp, bạn cũng thế" là slogan của chương trình thời trang dành cho người khuyết tật. Tháng 4/2016, người Hội An và du khách đã rơi nước mắt khi nhìn thấy ngồi trên xe lăn là những con người khuyết tật hình thể, thậm chí là vẹo vọ trong những bộ đầm của nhà thiết kế thời trang danh tiếng Diego Cortizas đến từ Tây Ban Nha.

Thời điểm đó, những khái niệm số đo 3 vòng, những gương mặt lạnh lùng của người mẫu chuyên nghiệp trên đôi giày 12 phân đều nhạt nhòa, chỉ còn lại cảm xúc về một hành trình khơi dậy nghị lực sống và quyền tận hưởng cái đẹp ở bất cứ ai, dù thân thể dị dạng, thể hình méo mó, nạng thay đôi chân.

Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống (Hà Nội) Nguyễn Thảo Vân là một cô gái không gặp may vì sinh ra đã bị khuyết tật, người co rút, nhưng nghị lực sống rất phi thường. Thảo Vân là lập trình viên phần mềm của một công ty liên doanh Việt Nam - Đan Mạch chuyên cung cấp đồ họa cho các công ty bất động sản các nước với mức lương khá cao, thôi việc để điều hành Trung tâm Nghị lực sống thay anh trai Nguyễn Công Hùng - Hiệp sĩ Công nghệ thông tin, cũng là một người khuyết tật, mất năm 2012.

Trung tâm Nghị lực sống là nơi tạo điều kiện tối đa cho hàng trăm con người khuyết tật học vi tính, tiếng Anh và tìm việc làm để được sống và tận hưởng cái đẹp như bao người lành lặn khác. Và những cô gái khiếm khuyết từ Trung tâm ấy đã mạnh dạn hòa nhập cộng đồng với chiếc áo dài mơ ước để nói lên niềm tin mạnh mẽ: "Tôi đẹp, bạn cũng thế".

Các bạn trẻ hào hứng tham gia hoạt động bảo vệ môi trường thiên nhiên của tổ chức phi Chính phủ Greenviet

Những chương trình như "Tôi đẹp, bạn cũng thế" là dịp để người khuyết tật đối mặt với nỗi sợ xấu xí, và để thay đổi cái nhìn của xã hội đối với họ. Thảo Vân - cô gái khuyết tật cũng phải vượt qua vấn đề này và điều phối công việc tại Trung tâm Nghị lực sống - một doanh nghiệp xã hội giúp người khuyết tật tìm ra con đường sống đẹp.

Nhìn khối lượng công việc Thảo Vân làm, sự hợp tác nhiệt tình của các cơ quan ngoại giao, các trường đại học, tổ chức văn hóa quốc tế dành cho Trung tâm Nghị lực sống, có thể thấy Thảo Vân và bạn bè đã thành công, đã tìm ra ý nghĩa cuộc sống.

Khi bạn nhìn thấy một cô gái khuyết tật giấu son phấn trong hộc tủ để không ai biết cô yêu thích trang điểm, đến lúc chứng kiến cô dùng chân để lấy một thỏi son vì tay không thể cử động thì đó là hành trình sống và quyền được tận hưởng cái đẹp.

Làm nên ý nghĩa sống, đó là cách thú vị để cô gái Thảo Vân khởi nghiệp với hình thức doanh nghiệp xã hội. Chính ở đó, bạn bè, các nhà hoạt động xã hội cổ vũ và chia sẻ kinh nghiệm làm việc, theo đuổi hành trình khơi dậy tiềm năng và yêu cuộc sống bên dưới hình hài khuyết tật. Hy vọng nhiều người sẽ chia sẻ ý tưởng với Thảo Vân trên hành trình gian nan này.

Gặp Thảo Vân ở Hội An, tôi ước gì có nhiều người xem được chương trình thời trang của Diego Cortizas để thấy các cô gái khuyết tật đáng trọng đến nhường nào! Tôi tin rằng xem chương trình này, nhiều người có thể thay đổi cuộc đời, thay đổi lối sống vô định để thấy cuộc sống luôn tươi đẹp.

2. Cách nay 10 năm, tôi tình cờ gặp Nguyễn Thị Thu - một cô gái trẻ đăng đàn ở một hội nghị du lịch quốc tế để đòi các địa phương có tài nguyên biển phải chừa chỗ cho rùa biển lên bờ đẻ trứng. Giữa một rừng người làm kinh doanh, ý kiến của Nguyễn Thị Thu dường như "dở hơi", đi ngược lại cung cách kinh doanh tận thu của các doanh nghiệp.

Nhưng không, với đôi mắt long lanh, lối nói chuyện hùng biện, chân thành và những cứ liệu về môi trường bị ảnh hưởng trước làn sóng du lịch biển và bất động sản nghỉ dưỡng, Nguyễn Thị Thu được khán phòng hoan nghênh.

Ngày đó cô gái trẻ đầu quân vào một tổ chức phi chính phủ chuyên làm các chương trình bảo vệ môi trường với phương pháp tuyên truyền cho nông dân, ngư dân ở vùng biển Khánh Hòa, vùng đầm lầy Xuân Thủy, Nam Định không vì mưu sinh mà tàn phá môi trường. Những nông dân lấm lem bùn đất được tổ chức MCD huấn luyện cách làm du lịch thân thiện với môi trường, bảo vệ nguồn sống thiên nhiên.

Cả 2 chương trình ở Khánh Hòa và Nam Định đều thành công và những ngôi làng ở đấy sau 10 năm đã là nơi phát triển du lịch bền vững.

Nguyễn Thị Thu kể, công việc ngày ấy đối với người trẻ rất thú vị vì được tiếp cận với những khái niệm văn minh của thế giới về môi trường và phát triển bền vững. Người hoạt động trong các tổ chức phi chính phủ cần phải giỏi các kỹ năng quản lý chương trình, biết cách thuyết phục các quỹ quốc tế tài trợ.

Công việc trong các tổ chức phi chính phủ quả là môi trường tốt để người trẻ học tập, rèn luyện kỹ năng làm việc, và đặc biệt là lý tưởng sống. Đó là lý do cô gái người Hà Nội Nguyễn Thị Thu có thể rời thủ đô để sống cùng nông dân ở những vùng quê nghèo như vậy.

>>5 thói quen giúp rèn luyện nghị lực phi thường

Tôi đã nhiều lần gặp vợ chồng 2 quốc tịch Mỹ và Đức Larry Olibarri gắn bó với công việc nghiên cứu ở bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Những nhân viên tình nguyện như anh chị không hề bị thiếu thốn vật chất, nhưng công việc thay đổi lối sống của họ. Họ chuyển sang gần như ăn chay. Nhưng họ vẫn khỏe mạnh, vẫn yêu công việc, và các chương trình nghiên cứu động thực vật của họ ngày càng thu hút sự chú ý của các quỹ tài trợ.

Mỗi ngày vào rừng từ sớm, nghiên cứu, đo đạc nguồn nước, chữa bệnh cho các động vật mắc bẫy hoặc bị bệnh, đem thực trạng khu bảo tồn đến với các diễn đàn quốc tế. Larry khẳng định, anh yêu công việc này, nó làm cho con người hướng về sự tích cực tuyệt đối. Tôi nghĩ, các bạn trẻ nếu làm công việc như anh chị Larry Olibarri, sau này có "đổi nghề" cũng sẽ luôn hướng thiện và thành công.

3. Đạo diễn phim tài liệu Hồng Lê vốn xuất phát từ ngành truyền hình đã làm việc cho tổ chức phi chính phủ Varan, cho biết: "Đó là một bước ngoặt nghề nghiệp. Chúng tôi được đào tạo lại, được tiếp xúc với những dòng phim tài liệu các nước để lựa chọn phong cách làm phim riêng. Tiếp theo chúng tôi phải học cách quản lý các chương trình, đi các nước thuyết trình trước các nhà tài trợ để tìm kinh phí cho dự án phim, mời các nhà làm hậu kỳ về dựng để phim có chất lượng đủ tham gia các liên hoan phim quốc tế".

Từ đó chị Hồng Lê đã gặt hái nhiều giải thưởng trong dòng phim tài liệu cả trong lẫn ngoài nước, và nhiều lần ra nước ngoài một mình để giới thiệu những bộ phim mới. Ba mươi tuổi chị Hồng Lê mới tham gia tổ chức Varan, và đó mới là bước khởi nghiệp, học tập và thử thách luôn song hành.

Chị chia sẻ: "Những bạn trẻ muốn trở nên năng động, sẵn sàng chịu thử thách thì hãy tìm việc trong các tổ chức phi chính phủ để rèn luyện bản thân, từ đó, với những năm tháng kinh nghiệm sẽ dễ dàng đi tiếp". 

>>Doanh nghiệp xã hội Việt Nam chập chững bước đi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tổ chức phi chính phủ - môi trường lý tưởng cho người trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO