Tín đồ hàng Nhật Bản

ĐOÀN HỒNG LÊ| 09/12/2016 06:51

Nhiều người trở thành tín đồ hàng Nhật là chuyện bình thường. Siêu thị hàng Nhật mở ra rất đông khách. Chợ mạng nhộn nhịp những cô gái kiếm thêm tiền bằng cách bán hàng "xách tay" từ Nhật Bản.

Tín đồ hàng Nhật Bản

Hai mươi năm trước, bao gia đình đã dồn những đồng tiền khó nhọc để mua xe máy, nồi cơm điện, máy xay sinh tố, máy giặt, tivi đến từ bãi thải hàng nội địa Nhật Bản. Những món hàng Nhật từ bãi rác trở lại Việt Nam với độ bền dai dẳng và từ đó người Việt thế hệ sau chiến tranh lần đầu được chạm vào khái niệm hàng nội địa mang dòng chữ "Made in Japan" như là một biểu tượng hàng hóa bền vững với thời gian.  

Đọc E-paper

1. Không ít người trở thành tín đồ hàng Nhật là chuyện bình thường. Siêu thị hàng Nhật mở ra rất đông khách. Chợ mạng nhộn nhịp những cô gái kiếm thêm tiền bằng cách bán hàng "xách tay" từ Nhật Bản. Nhiều siêu thị Nhật không nằm trong hệ thống thương hiệu nổi tiếng nào nhưng vẫn đông khách. Nghĩa là người Việt "hâm mộ" hàng Nhật lắm, bất chấp việc hàng Nhật có thể được làm tại Trung Quốc.

Nhìn vào cơ cấu hàng hóa trên quầy kệ mới hiểu được dòng chữ "Made in Japan" nó mới hấp dẫn làm sao, nên người tiêu dùng vẫn phải rất cố gắng để mua nó, như một sự đảm bảo về hàng chất lượng cao. Hàng đầu bảng vẫn là thực phẩm cho trẻ em và người già, tức sữa bột, bánh kẹo và thực phẩm chức năng.

Người Nhật nói băng dán này thải độc, thì nhất định sẽ thải được độc tố trong người, với bối cảnh phải đối diện với môi trường sống ô nhiễm từ miếng ăn đến không khí để thở. Con người tiêu dùng trong tôi háo hức với những chai tảo thiên nhiên làm giảm béo, thải độc, những viên nghệ bảo vệ gan mật cho người bia rượu.

Cô gái thánh thót giới thiệu sản phẩm: "Người Nhật sống thọ, sống khỏe mạnh và nhìn trẻ nhất thế giới. Đó là do họ có chế độ sống hợp lý và sử dụng các thành phẩm hỗ trợ cuộc sống như các sản phẩm này". Cô ấy nói quá đúng, những thông tin đó cả thế giới biết, vậy là mua một lố thực phẩm chức năng và viên giải độc. Còn các "mẹ bỉm sữa", những ai có khả năng tài chính thì nhất định chỉ mua sữa Nhật cho con uống.

Tôi nhớ ở Tokyo năm ngoái, khách Trung Quốc vào siêu thị mua hóa mỹ phẩm Nhật nhiều đến mức nhân viên đóng gói làm việc "bở hơi tai". Hóa ra cả châu Á mê hàng Nhật. Lại còn tìm cho bằng được hàng nội địa Nhật, không có chữ tiếng Anh nào mới chịu, dù giá có đắt gấp rưỡi thì vẫn cứ ráng được tới đâu hay tới đó.

Đem hàng Nhật về làm quà, ai nhận cũng rạng rỡ trân trọng. Đúng là đối với cả người làm thương mại lẫn người tiêu dùng, đó thật sự là giấc mơ Nhật ngọt ngào. Vì vậy cũng không lạ gì khi thấy các siêu thị Nhật mở khá nhiều ở các thành phố lớn của nước ta như một sự đánh dấu hàng Thái bình dân đã không còn thu hút khách. Nhiều người Việt lo lắng cho cuộc sống đã đi tìm dòng chữ "Made in Japan" như một sự bảo hiểm tự nguyện.

2. Người Nhật làm hàng Nhật theo cách nào? Có 2 chuyện mà các nhà sản xuất Nhật trực tiếp kể làm tôi không bao giờ quên.

Chuyện thứ nhất là về thử thách đối với sản phẩm nông nghiệp của các khu vực bị nhiễm phóng xạ ở Fukushima. 4 năm trước, sau các báo cáo an toàn về cuộc sống ở nơi này thì chính người dân Fukushima không tin vào các thông số của Chính phủ và các hiệp hội khoa học Nhật Bản đưa ra. Họ vẫn mua nông sản và thực phẩm sản xuất ở nơi khác để sử dụng.

Trong một chuyến thăm vùng đất này cách đây 2 năm, chúng tôi được các bạn Nhật cho biết những vấn đề họ đang phải đối mặt, nhất là nước an toàn và sản xuất thực phẩm đạt chuẩn ở Fukushima. Người nông dân sống ở vùng đất này cần một cuộc giải cứu niềm tin để chính họ bắt tay vào gầy dựng lại thương hiệu an toàn sau thiên tai.

Cách đây ít tháng khi trở lại Tokyo, tôi thật sự ngạc nhiên khi được giới thiệu về mô hình câu lạc bộ về nông sản ở thị trấn Fukushima. Ở câu lạc bộ, người ta đến uống cà phê, nghe và mua bán các sản phẩm nông nghiệp, hiểu rõ người nông dân được các trường đại học và tổ chức khoa học nông nghiệp giúp đỡ để hồi sinh nông nghiệp an toàn từ vùng đất nhiễm xạ ra sao. Những mặt hàng nông sản được dán nhãn rõ ràng về mức độ an toàn với chất phóng xạ nguy hiểm.

Cách đối diện với cái tên Fukushima - vùng đất nhiễm xạ của người Nhật thật thẳng thắn, ghi rõ trên các bao bì, tuyên truyền rõ cách người nông dân và nhà khoa học đã vượt qua gian khó thế nào để tạo nên nó. Những cố gắng đó đã làm cho người tiêu dùng Nhật chú ý và họ quyết định chia sẻ, sử dụng các sản phẩm sạch của Fukushima từ mùa xuân năm 2016 này.

Cuối cùng thì nông dân ở thị trấn Fukushima bật khóc khi họ xuất được lô gạo đầu tiên vào Singapore - một thị trường vào loại khó nhất thế giới. Đó là những giọt nước mắt của niềm tin và nghị lực.

Người Nhật giới thiệu sản phẩm lúa tại Hội An

Chuyện về hàng Nhật thứ hai làm tôi vô cùng nể phục là cách họ làm nên thương hiệu "Made in Japan". Tôi gặp ông Yoshida Kobayashi - Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa Nhật Bản trong một diễn đàn tơ lụa quốc tế ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ai cũng quan tâm chuyện xuất khẩu, nhưng ông này lại tự hào dòng lụa "thuần Nhật" cho người Nhật dùng, hiểu là hàng nội địa của Nhật.

Cách làm của người Nhật là luôn có đơn đặt hàng rõ ràng cho các trường đại học để đưa khoa học và công nghệ ứng dụng tốt nhất vào sản xuất. Hiệp hội Tơ lụa Nhật Bản gồm 50 doanh nghiệp lớn chung tay làm dòng sản phẩm chất lượng cao, hoàn toàn từ thiên nhiên, với loại giống tằm tốt nhất và đưa vào sản xuất đại trà theo nhu cầu của từng doanh nghiệp.

Hiệp hội kiểm soát chất lượng, quảng bá sản phẩm lụa "Made in Japan" với sự góp sức của các nghệ sĩ nổi tiếng nhất Nhật Bản. Đây là dòng lụa có giá thành cao nhất trên thị trường thời trang và chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu thị trường về dòng lụa thuần Nhật.

Ông Yoshida Kobayashi nói: "Chúng tôi tự hào đã làm ra một dòng tơ lụa tiêu biểu cho các tiêu chí của thời hiện đại, mặc dù lịch sử tơ lụa Nhật Bản có hàng nghìn năm".

Đối với người tiêu dùng Việt Nam, sự tín nhiệm hàng "Made in Japan" còn nằm ở chỗ tuy giá sản phẩm cao nhưng bù lại chất lượng tốt, bền. Đồ điện tử có tuổi thọ đến 20 năm chẳng hạn. Thực phẩm chức năng của Nhật Bản rất đắt, nhưng đáp ứng tốt những căn bệnh thời hiện đại của cả thế giới.

Nhưng có người chưa nhận ra một điều, giá trị hàng hóa Nhật Bản còn bao hàm giá trị ứng xử tốt với môi trường thiên nhiên. Việc bảo vệ nghiêm ngặt môi trường đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Tuy nhiên người Nhật chấp nhận giá trị đó như bài học căn bản trong sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng.

Tôi hiểu nước mắt của người làm nông ở thị trấn Fukushima không chỉ là niềm tự hào đã vượt qua được nhiễm xạ, nó còn biểu hiện cho đức tính của người Nhật, vô cùng nghiêm túc với thị trường và giá trị nhân văn trong từng sản phẩm.

Nếu hiểu rõ những giá trị ấy, có thể sẽ có những bước tiến khác trong văn hóa doanh nghiệp của người Việt và để hiểu chúng ta đang tiến rất chậm.

>Làm nhiều, tiêu ít như... người Nhật

>14 nguyên tắc sống khiến người Nhật được thế giới ngưỡng mộ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tín đồ hàng Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO