Tìm về ký ức làng Chăm

BÙI VIỆT PHƯƠNG| 12/09/2014 07:10

Khách từ dưới xuôi lên ngồi quán chợ Phương Lâm hay Nghĩa Phương cổ, thi thoảng lại giật mình khi nghe thấy tiếng xe ngựa lóc cóc chở hàng phía sau lưng.

Tìm về ký ức làng Chăm

Khách từ dưới xuôi lên ngồi quán chợ Phương Lâm hay Nghĩa Phương cổ, thi thoảng lại giật mình khi nghe thấy tiếng xe ngựa lóc cóc chở hàng phía sau lưng. Rồi lại được nghe người già kể về những chuyến xe rong ruổi vào làng Chăm cổ dưới chân đỉnh Cun linh thiêng.

Đọc E-paper

Cây đa làng xưa

Cũng bởi ham nghe những chuyện ấy mà chúng tôi quyết tìm bằng được những dấu tích xưa của làng Mường cổ với những cô gái đẹp, cần mẫn xứng đôi vừa lứa với những chàng trai Việt về từ đất Xiêm thạo nghề chài lưới trong câu thành ngữ xưa "trai phố Thái, gái phố Chăm".

Giờ thì con đường 6 mới chỉ chạy ven thành phố, bỏ lại những đoạn đường 6 cổ trong phố với ký ức nhạt nhòa của những người già. Nhưng khách ham tìm hiểu từ Tây Bắc xuống, từ Hà Nội lên vẫn tạt xe qua đây như thể tìm lại chút ký ức về cây đa thiêng tỏa bóng qua chiến tranh, giặc giã.

Gặp lại con đường qua Bình Thanh quanh co rợp bóng cây nơi anh hùng Cù Chính Lan đánh xe tăng, hay dốc mì sợi, quán trâu, núi Danh..., những địa danh một thời của thị xã ven sông Đà hung hãn. Nhưng chẳng mấy ai ngờ, đất ấy xưa lại có hẳn một làng Mường cổ với bao chứng tích lịch sử gắn bó với kinh đô Văn Lang, với phong trào cách mạng và những giá trị văn hóa cổ truyền.

Ghé lại mái nhà sàn nhỏ bên phố An Dương Vương khang trang, rộng rãi, chúng tôi rón rén bước lên màn thang đã ít nhiều lung lay để chớp lấy cái dáng ngồi vót tên, gọt tre làm nỏ, cắt nứa làm chuông gió của nghệ nhân cồng chiêng Nguyễn Văn Thực. Đã cận kề bát tuần, nhưng cái sức vóc, tâm hồn hình như đã tạo nên sức sống.

Ông chính là người còn nhớ và giữ được ký ức làng Chăm cổ đã một đi không trở lại theo thời gian. Theo tay ông chỉ, bóng cây đa đình làng Chăm cổ bỗng như vươn xa hơn, gợi về cái thời vị Thành hoàng đưa dân đến lập làng bên con sông Đà hung dữ.

Cụ Thực bên chiếc mõ để bán cho cửa hàng lưu niệm

Thời đó chưa có đập ngăn sông, tích nước nên vẫn còn những trận "đánh ghen dâng nước" bất chợt của Thủy Tinh. Phải là người có tầm nhìn dự liệu mới chọn được đất lành lập làng. Thế rồi người ta biết đến làng Chăm bên mỏ Danh với biểu tượng hòn đá trâu.

Không như các làng khác chỉ độc nghề canh nông, làng Chăm chuyên nghề nuôi trâu nên giữa cánh đồng thời đó có quán trâu làm nơi thờ cúng tổ nghề. Hằng năm, vào ngày hội thường cho các thanh niên trẻ tuổi thi vật để tái hiện thú vui của trẻ mục đồng ngày xưa trên những cánh đồng phường Thái Bình hôm nay.

Nhớ những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, khi xe khách đường dài còn là những chiếc hải âu dò dẫm trên đường quốc lộ gãy nát, nhìn sang bên đường, đất Chăm cổ vẫn nguyên sơ những mái nhà sàn gỗ đinh, lim, dổi, sến. Khi xe dừng lại, xuống quán lá uống bát nước chè xanh, nghe bà cụ (mệ Mường) hông đeo dây sà ích kể chuyên.

Giờ ngồi trên cửa voóng nhà sàn của người nghệ nhân cao niên lại được nghe giảng giải về nghề làm nhà sàn chỉ bằng độc một dụng cụ là cây rìu mà mộng mẹo, đường nét vẫn rất tinh tế.

Nhưng làng Chăm thuở ấy đâu phải chỉ lóc cóc âm hưởng của tiếng mõ trâu, tiếng rìu phập vào những thớ đinh thiết nghe chan chát vui tai, mà còn cả tiếng cồng vào những ngày quan trọng trong năm. Đội cồng chiêng đất Chăm đã nức tiếng từ xưa.

Vào những dịp xéc bùa năm mới, có đám cưới, lễ hội... lại vang rền những chủ âm của chiêng khâm, chiêng cái, chiêng tlé... Người già dẫu đang mê man trong cơn bạo bệnh cũng bừng thức nhận ra những thanh âm của từng chiếc chiêng có tiếng vang khắp làng xóm ấy.

Làng Chăm đánh chiêng không thể đường đột như ngày nay người ta chơi nhạc cụ điện tử. Chiêng là một sinh thể nên khi nhàn rỗi chiêng ngủ. Người ta sẽ hát bài gọi chiêng, bàn tay nghệ nhân sẽ xoa chiêng để gọi chiêng dậy, như thế âm mới vang, mới hay được. Hẳn khi ấy tiếng chiêng Việt - Mường xưa sẽ vang lên vách núi đá Bình Thanh, vọng xuống mặt sông Đà mà vỗ về cho bản mường no ấm.

Giờ những bóng cây xưa đã thưa vắng, nhưng vẫn còn đó những dòng suối, những cánh đồng vừa cấy vụ mùa gợi những gì vĩnh viễn là ký ức.

Chúng tôi nghe cụ Thực gõ thử tiếng mõ lại bồi hồi như vẫn trông thấy những đàn trâu béo mập, sừng dài đang lững thững leo lên mỏ Danh hướng về hòn đá totem xưa thành những vệt đen dài bất tận. Có khi lại là tiếng mõ đuổi nai về ăn nương để chúng phải quay đầu chạy miết về bờ bên kia sứ Thung Nai đất Mường Thàng cổ.

Cái tên làng Chăm vốn được đặt theo cái nết cần mẫn của trai gái làng. Dẫu đi làm nghề phương xa, đi làm dâu xứ nào, sự cần cù, chịu khó ấy cũng tự bộc lộ. Vì thế, đất làng Chăm cũng mở mang theo thế cài răng lược ra tận mãi ngoài ranh giới đất Nghĩa Phương của Bất Bạt xưa.

Có lẽ làng xưa sẽ dần đổi thay theo hướng đô thị hóa để thành phố Chăm, phố Thái Bình sầm uất hôm nay, nhưng tiếng tăm và nết đất, nết người thì sẽ khắc ghi vào ký ức của người dân Hòa Bình. Quay về qua con đường quốc lộ 6, nhìn bóng cây đa làng vẫn xỏa bóng mát, lại thấy nôn nao nhớ một thời.

>Người Chăm nơi thượng nguồn
>Nghịch lý cồng chiêng Tây Nguyên
>
Ai lên Tây Bắc...
>Chạnh lòng Tây Bắc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm về ký ức làng Chăm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO