Thiên thần trên đỉnh Mồ Côi

NGUYỆT NHI| 11/03/2008 04:11

Nếu chỉ tình cờ ghé qua ngôi nhà ở lưng chừng đỉnh Mồ Côi của ngọn núi Cấm này, không ai có thể nhận ra điều gì bất thường về lũ trẻ, ngược lại ta còn không tiếc lời khen ngợi về người mẹ đảm đang của đàn con đông đúc ấy. Nhưng xin thưa rằng, mười một đứa trẻ luôn được chăm sóc một cách sạch sẽ, ăn no ngủ kỹ và lễ phép ngoan ngoãn kia chưa từng biết mặt mẹ mình là ai. Và, dù chúng có tôn ti, thứ bậc hẳn hoi trong trật tự anh em ruột thịt của một gia đình, nhưng tất cả đều không cùng huyết thống.

Thiên thần trên đỉnh Mồ Côi

Nếu chỉ tình cờ ghé qua ngôi nhà ở lưng chừng đỉnh Mồ Côi của ngọn núi Cấm này, không ai có thể nhận ra điều gì bất thường về lũ trẻ, ngược lại ta còn không tiếc lời khen ngợi về người mẹ đảm đang của đàn con đông đúc ấy. Nhưng xin thưa rằng, mười một đứa trẻ luôn được chăm sóc một cách sạch sẽ, ăn no ngủ kỹ và lễ phép ngoan ngoãn kia chưa từng biết mặt mẹ mình là ai. Và, dù chúng có tôn ti, thứ bậc hẳn hoi trong trật tự anh em ruột thịt của một gia đình, nhưng tất cả đều không cùng huyết thống.

Bà Võ Thị Ba và đứa cháu không cùng huyết thống


Cơ duyên

“Cơ duyên”- Dì Ba, tức bà Võ Thị Ba, nói như vậy như lời giải thích khi mở đầu câu chuyện dì đã từ bỏ chốn “phồn hoa đô hội”, chọn ngọn Cấm Sơn này để sống hết quãng đời còn lại.

Dì Ba vốn là một nghiệp chủ, kinh doanh nghề xe khách cơ ngơi ổn định ở phường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Dì có hai người con trai: Nguyễn Tấn Bông là con cả, còn em kế anh Bông lập gia đình, ở riêng, có nghề nghiệp ổn định. Anh Bông, bấy giờ vào khoảng năm 1990 đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, làm phường đội phó, 28 tuổi, cũng đã đến lúc tính chuyện vợ con.

Dì bảo Bông đã có “mối” rồi, chỉ cần tiến thêm một bước nữa là tính chuyện hôn nhân. Thế rồi, mọi chuyện thay đổi khi Bông đưa mẹ làm cuộc hành hương lên núi Cấm. Mười tám năm trước, núi Cấm vẫn còn hoang sơ. Đường lên đỉnh núi là những lối mòn hiểm trở. Vậy mà, không hiểu sao, đứng trước cảnh hoang vắng ấy, dì Ba lại không muốn quay về. Dì nói với con trai ý nguyện của mình. Vốn là người con có hiếu, Bông đồng tình dứt bỏ mọi thứ thuộc về đời sống tiện nghi đô thị.

Năm 1991, Nguyễn Tấn Bông đưa mẹ lên núi mua đất, dựng nhà, hòa nhập với đời sống của cư dân miền sơn dã. Rồi một người em họ của Bông là Liêm thấy vậy cũng lên theo để phụ giúp anh mình. Ban đầu họ mua được một mẫu đất núi gần đỉnh Bồ Hong, sau đó sang nhượng thêm được chừng ba mẫu ở đỉnh Mồ Côi (nơi nhà Bông ở hiện nay). Nhận khoán đất lâm nghiệp trồng rừng, tổng cộng, anh em Bông hiện tại đã sở hữu 15 mẫu đất. Lúc mới lên anh em Bông phải đi gánh hàng thuê.

Từ trên đỉnh núi, gánh một gánh hàng (đồ rẫy như chuối, mít, su su...) nặng 70 kg, giá mỗi ký là 200 đồng, mỗi ngày hai chuyến đường dốc núi cao nhìn trất ót, tính ra mỗi người được 28.000 đồng, ròng rã suốt ba năm trời. Những năm sau họ bắt đầu tham gia trồng rừng (nhận khoán đất lâm nghiệp) và làm rẫy, trồng cây ăn trái. Mùa nào thức ấy, làm nhiều ăn ít. Mỗi năm, Bông tích lũy được 30 - 40 triệu đồng, mua vàng để dành. Mười năm, cơ nghiệp của Bông trở nên vững vàng. Bấy giờ Bông cho phép mình nghĩ đến chuyện vợ con. Ngoảnh lại, thời gian như chớp mắt, Bông đã 38 tuổi!

Hạnh phúc cũng là sự hy sinh

Một đứa câu cổ, đứa ôm ngang hông, đứa sà vào lòng... đứa nào cũng muốn được gần “ba”, được ba cưng chìu, yêu thương nhiều nhất. Bông cười hạnh phúc, nước mắt cứ chực trào ra: “Đó, như vầy thì làm sao mà tui cưới vợ được đây?” Bây giờ thì mười một đứa trẻ không thể thiếu anh, và anh cũng không thể thiếu chúng dù là xa nhau một đôi ngày.

Dì Ba bảo: “Nó cưng quá, dì sợ bọn trẻ hư, nhiều lúc có đứa ham chơi, ngỗ nghịch, dì hỏi, sao mầy không đánh nó, làm cha gì mà không biết dạy con”. Bông ôm mấy đứa nhỏ vào lòng, nhìn tôi cười, phân trần: “Thương quá trời, làm sao đánh được, tui giơ cây roi lên rồi, mà nghĩ đánh nó mình đau. Con không mẹ, đánh, nó tủi thân tội nghiệp”, rồi Bông bảo, phải khó khăn lắm, anh mới có được hạnh phúc, có được tình thương như thế!

Bông kể: Vào khoảng đầu năm 2002, mẹ anh trong một lần về Cần Thơ chơi, tiện thăm cô cháu gái đang nằm chờ sanh ở bệnh viện đa khoa Cần Thơ. Tình cờ bà gặp cô gái trẻ sắp sanh, vào bệnh viện một mình, không tiền, không ai nương tựa, thấy tội nghiệp bà dẫn cô gái đi khám thai. Sanh khó, phải mổ, nhưng không có người nhà ký tên vào hồ sơ bảo đảm. Thế là dì Ba làm phước, thay mặt gia đình cô gái chăm lo mọi việc cho đến khi mẹ tròn con vuông, thanh toán mọi chi phí cho bệnh viện.

Nhưng sự việc không dừng ở lại đó, cô gái muốn cho con. Thôi thì làm ơn phải làm cho trót, dì Ba quyết định nhận thằng bé sơ sinh, móc túi cho mẹ nó ba chỉ vàng và gần một triệu đồng tiền mặt. Hai mẹ con đưa thằng bé về núi, đặt tên cho nó là Nguyễn Sơn Ngọc. Rồi đến năm 2003, dì Ba lần lượt nhận được ba tin nhắn từ một người quen là cô Cẩm, nhân viên phòng dưỡng nhi bệnh viện đa khoa Cần Thơ về hoàn cảnh đặc biệt của những sản phụ cần giúp đỡ.

Anh Bông bên bầy con nuôi

Dì Ba lại bươn bả xuống Cần Thơ, chứng kiến những hoàn cảnh đáng thương mà một người nguyện thành tâm hướng Phật như dì Ba không thể làm ngơ. Dì lại chăm sóc cho từng người mẹ trẻ một lần lầm lỡ ấy đến khi mẹ tròn con vuông, lại cho tiền bạc về quê và lại nhận những đứa trẻ sơ sinh về nuôi dưỡng. Hai năm phải nhận nuôi bốn đứa trẻ mà đứa lớn nhất chưa tròn tuổi. Bông phải xuống tận bệnh viện Cần Thơ để nhờ cô Cẩm và các cô hộ lý dạy cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Nhiều lần cực quá, Bông phát khóc, dì Ba cũng khóc.

Năm 2005 là một năm đỉnh điểm, với năm lần nhắn tin. Năm cái bào thai oan nghiệt cần đến tấm lòng mẹ con anh Bông cứu giúp. Mẹ bảo “Con ơi, đã làm ơn thì phải làm cho trót, sức mẹ con mình còn chịu được thì hãy cố”. Bông lặng lẽ nghe lời mẹ. Sang năm 2006, mẹ con anh Bông tiếp tục nhận thêm ba đứa trẻ nữa cũng với hoàn cảnh giống như những đứa trước.

Nhưng lúc này dì Ba đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy. Tuổi già và bệnh tật hành hạ, sức khoẻ mỏi mòn. Chết, với dì có nghĩa là sự ra đi thanh thản. Nhưng chết, đối với dì Ba lúc này nghĩa là chưa làm tròn trách nhiệm với đám trẻ, là để lại cho anh Bông một gánh quá nặng nề. Dì nói dì còn muốn sống nữa, sống đến ngày dì nhìn thấy đứa nhỏ nhất tới tuổi cắp sách đến trường.

Cũng với tâm nguyện như dì Ba, anh Bông bảo các con anh đều thông minh, nếu được giáo dục đến nơi đến chốn, không ít đứa sẽ trở nên tài giỏi. Anh mong sao đến tuổi trưởng thành chúng đều là người tốt. Bông mở cặåp lấy cho tôi xem 12 cái hồ sơ (trong đó một trẻ là Sơn Thành đã chết vì bệnh não) của từng đứa trẻ; chúng lấy họ của anh, tên chúng do anh đặt, nhưng trong đó là tên tuổi và địa chỉ của mẹ chúng. Bông nói, cho dù thế nào đi nữa, đó cũng là nợ nghĩa sinh thành.

Giờ thì Bông đang ở tuổi trung niên, nhưng đâu hẳn đã muộn khi nghĩ đến chuyện lập gia đình. Nhưng nhắc đến chuyện này, Bông lắc đầu không tin có một người phụ nữ nào đó chịu chia sẻ cùng anh. Bông nói như đùa, nhưng tôi hiểu, từ trong cõi lòng anh là rất thật: “Tôi sợ cưới về rồi mai mốt có con, mấy đứa nhỏ làm sao chịu nổi cảnh... mẹ ghẻ con chồng”. Đó là chuyện lo xa, còn về lo gần thì Bông đang lo năm tới thằng Sơn Ngọc vào lớp một, mười đứa còn lại phải đi mẫu giáo mà đường xuống núi thì quá gian nan.

Có nhiều người muốn nhận nuôi, có điều kiện tốt để học hành, nhưng con bầy mà, từ thằng lớn tới thằng nhỏ đều tuyên bố: “Hổng đi đâu hết, cha ở đâu thì con ở đó!”.

Đám trẻ quá hồn nhiên nào biết, bà nội và cha chúng đang ngày đêm lo âu cho tương lai chúng, một tương lai còn quá dài trong khi sức của, sức người của gia đình thì có hạn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thiên thần trên đỉnh Mồ Côi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO