Thế trận cho ngày 30/4

PHƯƠNG HÀ| 28/04/2015 06:51

Tôi cũng như nhiều phóng viên khác đi qua cuộc chiến, ngày càng thấm thía nỗi mất mát của cả hai phía để mà góp phần làm cho nước nhà mau phồn vinh...

Thế trận cho ngày 30/4

Từ Hoa Kỳ, em mail cho tôi, lại hỏi về trận Buôn Ma Thuột 40 năm về trước. Đa đoan chi vậy cho mệt thân gái hở em?

Đọc E-paper

Em nói rằng vì lỡ học, lỡ nghiên cứu và giảng dạy bộ môn quan hệ quốc tế ở một trường đại học của Mỹ nên nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày đất nước thống nhất, muốn biết đánh giá của một phóng viên chiến trường phía "Việt Cộng" về trận đánh ấy.

Với một học giả như em, hẳn em đã nghiên cứu trận đánh Buôn Ma Thuột, nhưng có thể thiếu thực tiễn để hiểu sâu về ý nghĩa của chiến dịch này. Có phải em muốn hỏi tôi điều ấy?

Với tôi cũng như bao người, cả hai phía, từng tham chiến trong chiến tranh Việt Nam và có chút ít kiến thức quân sự, trận Buôn Ma Thuột là đòn đánh trúng vào yếu điểm của đối phương ở một địa bàn chiến lược trọng yếu, tạo phản ứng dây chuyền, thối động cả chiến trường.

Đến hôm nay, sau độ lùi 40 năm, vẫn có người cho rằng Việt Nam Cộng hòa thua trận nhanh chóng là do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút lui chiến lược, bỏ Tây Nguyên về phòng thủ đồng bằng miền Trung dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn.

Tôi nghĩ, nói như vậy tức là đã đánh giá được tầm quan trọng của địa bàn Tây Nguyên, nhưng chưa hiểu, hoặc cố tình không hiểu chính lực lượng kháng chiến đã tính trước tác động của đòn đánh điểm huyệt Buôn Ma Thuột.

Thu thập tài liệu về cuộc chiến ở Việt Nam, hẳn em biết rằng, tháng 10/1974, trong một cuộc họp, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đã đồng ý chọn Nam Tây Nguyên là chiến trường chủ yếu trong mùa khô năm 1974 - 1975, theo đề xuất của Bộ Tổng Tham mưu.

Chọn Tây Nguyên là chiến trường chủ yếu, trước hết phải cô lập vùng đất này với Sài Gòn bằng đường bộ, tức phải làm chủ con đường 14. Vì thế chiến dịch đường 14 - Phước Long đã mở từ đêm 13/12/1974 đến ngày 6/1/1975. Đây là chiến dịch có ý nghĩa như một đòn trinh sát chiến lược, thử sức đôi bên cũng như thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ.

Biệt động Thành dẫn đường cho Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn - Ảnh TTXVN

Về quân sự, chiến thắng đường 14 - Phước Long đã khai thông hành lang chiến lược (đường Hồ Chí Minh) từ Vĩnh Linh vào các căn cứ kháng chiến ở miền Đông Nam bộ, làm căng kéo các quân đoàn chủ lực của Sài Gòn, buộc họ phải bị động đối phó trên khắp chiến trường.

Khi đọc tài liệu "Sự sụp đổ của Nam Việt Nam" của người Mỹ, trong đó có nhiều trang về chiến dịch đường 14 - Phước Long, chắc em không ngạc nhiên với kết luận: "Sự thất thủ Phước Long đánh dấu Nam Việt Nam bắt đầu tan rã”.

Chiến thắng Phước Long - đường 14 là nhân tố mới rất quan trọng để Bộ Chính trị hạ quyết tâm năm 1975 phải đánh địch thật mạnh, tạo điều kiện để năm 1976 tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhưng nếu thời cơ đến, lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Ngày 9/1/1975, Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu với những tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp dày dạn kinh nghiệm trận mạc đã đề xuất và được Thường trực Quân ủy Trung ương đồng ý: Chọn Buôn Ma Thuột là mục tiêu đầu tiên tiến công Tây Nguyên.

Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã xác định nhiệm vụ chiến dịch, hướng phát triển, sử dụng lực lượng, gợi ý cách đánh táo bạo, bất ngờ khi tiến công Buôn Ma Thuột, và khẳng định, nếu Buôn Ma Thuột thất thủ thì sẽ làm rúng động toàn bộ thế và lực của đối phương.

Hai giờ sáng ngày 10/3/1975, sau gần hai tháng nghi binh thành công, 12 trung đoàn bộ binh và các binh chủng kỹ thuật bỏ qua các đồn bốt đối phương ở vòng ngoài, tiến thẳng vào ba mục tiêu quan trọng nhất ở thị xã Buôn Ma Thuột và sau 23 tiếng đồng hồ chiến đấu ác liệt, toàn bộ thị xã đã về tay Quân Giải phóng.

Mấy ngày sau, cuộc phản kích với lực lượng lớn cũng bị đánh tan tác, đẩy quân lực Sài Gòn vào thế co cụm về giữ Pleiku và Kontum. E ngại lực lượng co cụm này sẽ bị tiêu diệt nên Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bỏ Tây Nguyên để bảo toàn lực lượng, đưa Quân đoàn 2 về trấn giữ đồng bằng và vùng ven biển Nam Trung bộ.

Vừa rồi tôi vào Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (Thư viện Quốc gia Sài Gòn trước đây) tìm đọc báo chí xuất bản trước ngày 30/4/1975, bắt gặp hai bài tường thuật đăng trên Báo Chính luận ra ngày 18/3/1975 với tựa đề "Hoàng hôn chụp xuống Pleiku" và ra ngày 19/3/1975 với tựa đề "Kontum - Pleiku bi thảm ra đi, bỏ lại phía sau những cột khói, những vùng lửa" của Nguyễn Tú điện về chiều tối Chủ nhật 16/3/1975 trong lúc chính phóng viên này cũng đang tìm đường tháo chạy cùng mấy vạn sĩ quan, binh lính và gia đình họ.

Có lẽ đây là phóng viên duy nhất tường thuật "cuộc rút chạy bi thảm", mà cũng chỉ tường thuật được đoạn đầu của cuộc rút chạy cả một quân khu.

Ở Mỹ, em có thể vào mạng đọc hai bài tường thuật này để thấy đây không phải là một cuộc rút lui chiến lược như Tổng thống Thiệu nói mà là một cuộc tháo chạy hỗn loạn, góp phần làm chế độ Sài Gòn sụp đổ hoàn toàn chỉ sau đó 50 ngày!

Bị đánh Buôn Ma Thuột, cả chính quyền Sài Gòn, cả Mỹ bị bất ngờ vì họ dự kiến Cộng quân có đánh Tây Nguyên thì mục tiêu phải là Pleiku, vì thuận lợi về hậu cần và dễ cơ động quân; khi rút chạy, lại càng bất ngờ vì bị chặn đánh và tan rã gần hết lực lượng. Chiến thắng Tây Nguyên đã thúc đẩy sớm quá trình chuyển biến cục diện chiến tranh.

Ý đồ co cụm chiến lược quy mô lớn của đối phương nhằm giữ Sài Gòn, giữ đồng bằng ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long hòng tạo thế để đi đến một giải pháp chính trị, hoặc liên hiệp, hoặc chia cắt miền Nam đã nằm trong nhận định của Bộ Thống soái ở Hà Nội. Thời cơ chiến lược mới đã đến, điều kiện giải phóng miền Nam trong năm 1975 đã chín muồi, Bộ Chính trị chủ trương giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa!

Trong thư cho tôi, em kể, nhiều tướng tá quân đội Sài Gòn khi đã trở thành công dân Hoa Kỳ thường cho rằng, nếu sĩ quan và binh sĩ Cộng hòa có tinh thần như "mùa Hè đỏ lửa" 1972 thì Sài Gòn chưa chắc đã mất, và hỏi tôi liệu nhận định ấy có chính xác.

Đã là người cầm quân, khi ngẫm lại cuộc chiến vừa qua, chắc có người trong số họ hiểu rằng, Tướng Giáp và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã thiết kế nên một thế trận với mưu kế thật kỳ diệu: Phía Bắc giữ đối phương ở mặt trận Huế - Đà Nẵng, phía Nam giữ lực lượng mạnh nhất của địch ở Sài Gòn để làm quân lực Cộng hòa bộc lộ sơ hở ở miền Trung và Tây Nguyên.

Quân khu II của Việt Nam Cộng hòa tháo chạy khỏi Tây Nguyên

Tây Nguyên thất thủ, tạo ra đột biến về chiến lược, lợi dụng thời cơ ấy, giải phóng Huế, Đà Nẵng, đẩy đối phương vào thế tan rã để sau đó huy động toàn lực giải phóng Sài Gòn.

Như em đã biết, mất Tây Nguyên đã làm cho quân đội Sài Gòn không còn hồn vía để giữ Phan Rang - tuyến phòng thủ Sài Gòn từ xa, dù chỉ trong một tuần. Tuyến phòng thủ Xuân Lộc, cách Sài Gòn vỏn vẹn 80km liên quan đến việc thủ đô mất hay còn với những sắc lính thiện chiến nhất, và gần như dốc hết binh khí kỹ thuật đang có, cũng không thể giữ được.

Em có nhớ chuyến về thăm quê hương gần đây nhất, tôi đưa em vào thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP. Hồ Chí Minh? Hôm đó em rùng mình nhìn quả bom CBU55 trưng bày ở đây.

CBU55 là loại vũ khí nhiệt áp có sức hủy diệt chỉ sau bom hạt nhân loại nhỏ của Mỹ, lần đầu tiên thử nghiệm thực tế ở chiến trường Xuân Lộc, làm Quân Giải phóng tổn thất không ít.

Nhưng kế sách cuối cùng ấy cũng không thể kềm chân đối phương, buộc quân lực Sài Gòn phải tháo chạy vào rạng sáng ngày 21/4. Cũng ngày hôm đó, Tổng thống Thiệu tuyên bố từ chức và bay đi Đài Loan.

Trong thế áp đảo của đối phương những ngày tháng Tư ấy, thì với sự suy sụp tinh thần, hoảng loạn về tổ chức do phản ứng dây chuyền mất Tây Nguyên và đang trên đường rút chạy thì làm sao quân lực Cộng hòa có tinh thần như năm 1972 khi sau lưng họ còn pháo binh và máy bay Mỹ yểm trợ tối đa?

Sáng 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho đánh đi bức điện gửi các đơn vị tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam:"Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng". 24 giờ ngày 29/4/1975 - giờ G của đại quân tiến về Sài Gòn.

Chưa đầy 12 tiếng đồng hồ sau, mọi sự kháng cự của đối phương bị đè bẹp.

Thư này cho em, lòng tôi bồi hồi với bao kỷ niệm 40 năm trước ngày đầu có mặt ở Sài Gòn được đồng bào, được những nữ sinh như em chào đón. Tôi cũng như nhiều phóng viên khác đi qua 10 năm, nhất là 16 tháng cuối cùng của cuộc chiến, ngày càng thấm thía nỗi mất mát của cả hai phía để mà góp phần làm cho nước nhà mau phồn vinh...

TP. Hồ Chí Minh, tháng 4/2015

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thế trận cho ngày 30/4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO