Thất học, tảo hôn, nội tộc hôn và những hệ lụy

NGUYỄN VI| 24/06/2011 05:59

Tộc người Đan Lai được Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An phát hiện trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng cho đến nay, với bao cách tuyên truyền, vận động, thậm chí Bộ đội Biên phòng còn trực tiếp vào bản cầm tay chỉ việc giúp người dân làm ra cái ăn, nhưng người Đan Lai bây giờ vẫn không hơn người Đan Lai mấy trăm năm trước...

Thất học, tảo hôn, nội tộc hôn và những hệ lụy

Tộc người Đan Lai được Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An phát hiện trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng cho đến nay, với bao cách tuyên truyền, vận động, thậm chí Bộ đội Biên phòng còn trực tiếp vào bản cầm tay chỉ việc giúp người dân làm ra cái ăn, nhưng người Đan Lai bây giờ vẫn không hơn người Đan Lai mấy trăm năm trước...

Kỳ 1: Sự ra đời của bộ tộc “bí ẩn”

Lọt lòng mẹ phải tắm nước sông Giăng

Ngôi trường khá khang trang dành cho con em tộc người Đan Lai này luôn vắng học sinh

Thuyền chạy dọc sông Giăng trong buổi chiều mưa như trút nước, thỉnh thoảng va đập vào ghềnh thác làm chúng tôi giật mình. Bỗng mọi người hốt hoảng khi nhìn thấy một bà mẹ khoảng 15 tuổi đang nhúng đứa trẻ sơ sinh vào dòng nước lạnh ngắt, nó khóc ré lên, cả người tím tái.

Hỏi chuyện thì được biết, cháu bé gần tháng tuổi và đây là lần tắm sông Giăng thứ ba. Mẹ của cháu bé là La Thị Jen, con dâu ông La Văn Việt, trưởng bản Búng, là con đầu lòng của vợ chồng Jen, chưa kịp đặt tên.

Khi hỏi vì sao phải tắm cho cháu bé trong thời tiết lạnh giá, Jen nói: “Ở đây là tắm rứa đó. Không phải giờ mới tắm mô, khi mới đẻ, đúng mùa đông còn lạnh hơn ri vẫn tắm, có can chi mô”.

Trưởng bản Búng La Văn Việt kẻ về nguồn gốc của tập tục tắm cho trẻ của bộ tộc mình: “Khi mới đẻ ra nó bẩn lắm, nên phải được tắm rửa ngay, mà phải mẹ nó tắm chứ không ai tắm mô. Đàn ông thì không làm những việc đó”.

Vừa sinh xong, người mẹ phải tự bế con ra sông Giăng tắm, không kể mùa Hè hay mùa Đông, nước sông ấm hay lạnh. Sinh linh bé bỏng co rúm, giãy giụa và khóc thét lên khi bắt buộc phải làm quen với môi trường sống một cách đột ngột.

Đứa trẻ nào vượt qua được thử thách đầu đời dưới sông Giăng mới chính thức được xem là thành viên của người Đan Lai.

Những tập tục “không giống ai”

Cháu bé sơ sinh vừa được mẹ tắm nước sông Giăng

Người Đan Lai là một tộc người không có bản sắc riêng, họ sống biệt lập, du thực trong rừng, nên tiếng nói, tập tục đều “không giống ai”.

Ngoài tập tục tắm cho trẻ sơ sinh trên sông Giăng, việc đối xử với người chết cũng khác lạ. Người chết được quấn trong phên nứa rồi đem chôn trong rừng, chôn xong họ không nhớ địa điểm, vì thế có khi sinh sống trên mồ mả người thân mà không hay biết.

Và họ cũng không quan tâm đến điều đó. Đại úy Trịnh Xuân Quế, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng 555 kể: “Chúng tôi đã vận động bà con khi có người chết thì chôn tập trung và làm bàn thờ để thờ cúng, nhưng họ không nghe”.

Việc cưới hỏi đều phụ thuộc vào ông mối. Ông mối đã đồng ý thì cứ việc tổ chức lễ cưới, không cần đăng ký kết hôn. Mặc dù cuộc sống vô cùng thiếu thốn, nhưng lễ cưới vẫn léo dài 5-7 ngày, ăn uống thâu đêm suốt sáng.

Hầu hết người dân Đan Lai ăn trầu, nam giới thì không ai không uống rượu, cho dù nhà không còn gì ăn nhưng rượu không thể không có.

Gian nan cái chữ

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh, là người gắn bó với người dân Đan Lai đã nhiều năm, hiểu rõ những khó khăn trong hành trình đưa con chữ về với trẻ con bản làng. Cô tâm sự:

Đến trường, một việc không dễ

“Nói thật, chẳng ai muốn vào cái chốn khỉ ho cò gáy này để dạy học cả. Đêm trước khi nhận được tin tôi phải vào bản Cò Phạt để dạy học, vợ chồng tôi không thể nào chợp mắt. Nhà neo người, các con đều đang đi học. Chồng tôi buồn lắm, nhưng vẫn động viên:

“Thôi, em cố gắng vào với bà con vùng bản. Bà con vùng bản nghèo thật, việc dạy học ở đó khó khăn thật, nhưng chẳng lẽ để các em nhỏ đói chữ hoài”. Nói rồi, chồng tôi dậy sắp xếp đồ đạc và thổi cơm để vợ có sức mà lội bộ vào bản”.

Đón cô là những trẻ thơ nhỏ thó, đen đúa cùng với ánh mắt trong vắt và cái nhìn lạ lẫm. Đêm đầu tiên ở bản, ngồi nhìn mưa rơi, cô ôm gối khóc. Một mình vò võ trong căn phòng trống hoác, nỗi nhớ chồng, nhớ con lại tăng gấp bội. Nhưng rồi chợt nhớ lời chồng trước lúc cô đi “Gian khổ, cực nhọc lắm đó, em, nhưng ráng đưa được cái chữ lên với các bé Đan Lai”, cô lại gạt vội nước mắt, ngồi vào bàn soạn giáo án.

Việc đầu tiên là phải vận động các em đến trường. Cô không thể nhớ rõ đã bao lần vượt nương rẫy, núi rừng tìm học trò. Làm thế nào để cha mẹ các em đồng ý cho con tới trường đã là việc không dễ. Người Đan Lai hỏi cô giáo: “Cái chữ có đổi được cơm không?”. “

Ta cho con đi học thì có được gạo không?”. “Hắn đi học thì lấy ai lên rừng bẻ măng, xuống suối bắt cá?”. Không nản chí, cô lại tiếp tục vận động. Lớp học chỉ lèo tèo dăm ba em, học sinh thích thì đi học, không thích thì bỏ.

Cô lại phải lặn lội đi tìm các em đến lớp. Cô biết, các em không muốn học chữ khi cái bụng luôn đói. Biết là vậy nhưng đành bất lực, bởi lương giáo viên ba cọc ba đồng, cũng khó bề chia sẻ hết với học sinh.

Ông Phan Anh Tài, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Con Cuông cho biết: “Khó khăn nhất là học sinh Đan Lai đang học mà muốn nghỉ là nghỉ luôn. Bây giờ huyện phải hỗ trợ cho các cháu chịu học được ăn uống tạm đủ nên việc bỏ học đã giảm hơn trước”.

Lối thoát?

Làm rẫy, công việc hàng ngày của tộc người Đan Lai

Đối với người Đan Lai, con sông Giăng không chỉ là cánh cửa mở ra cho họ con đường đi về xuôi mà còn là nguồn sống chủ yếu từ bao đời. Lũ trẻ nơi đây 6-7 tuổi đã thông thạo việc xuống sông bắt cá, lên rừng kiếm măng, chặt nứa. Con sông Giăng đã cứu sống bao người Đan Lai bị bạo bệnh khi được đặt nằm trên bè nứa cho trôi theo dòng suốt đêm kịp ra bệnh viện huyện xa xôi.

Hiện nay, cả hai bản Cò Phạt và Búng có 170 hộ dân với 827 nhân khẩu thì tất cả đều sống dựa vào nguồn cứu trợ của Nhà nước. Mỗi năm có nhiều chuyến chở gạo cứu đói cho đồng bào Đan Lai nhưng họ đói vẫn hoàn đói. Bởi, số gạo được cấp, phần lớn đồng bào dùng đổi rượu. Khi nào hết rượu, hết gạo mới chịu vào rừng kiếm ăn.

Cái đói, cái nghèo bao phủ bản làng nhếch nhác nơi chốn thâm sâu. Đồng bào Đan Lai thiếu tất cả, trừ rượu. Ở đây, già, trẻ, gái, trai đều biết uống rượu và uống rất nhiều.

Họ say từ khi Mặt trời xế bóng đến sáng đêm. Họ say từ mờ sáng đến khi màn đêm bao phủ những cánh rừng. Những cuộc rượu suông hầu như không biết tàn canh. Rồi tất cả khật khưỡng, lảo đảo ai về nhà nấy, chống cây gỗ vào trán, ngồi ngủ ly bì. Đã đói, đã nghèo lại đẻ con nhiều, cuộc sống không lối thoát...

Từ năm 2002, Nghệ An bắt đầu di dời người Đan Lai ra khỏi vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững người Đan Lai” với tổng mức đầu tư 93 tỷ đồng.

Tháng 9 năm 2002, huyện Con Cuông đã di dời thành công 36 hộ về hai bản Tân Sơn và Cửa Rào thuộc xã Môn Sơn. Cuối 2007, huyện tiếp tục di dời 42 hộ, 193 khẩu ra nơi tái định cư thuộc xã Thạch Ngàn.

Dự án được quan tâm đầu tư là thế, nhưng khi triển khai còn quá nhiều khó khăn. Đồng bào Đan Lai khi chuyển sang tái định cư ở bản Tân Sơn, mặc dù được giao rất nhiều đất sản xuất, nhưng nước để cấy trồng lại không có. Tất cả phụ thuộc vào thời tiết. Vì vậy, đồng ruộng thường cháy khô, nhiều hộ lại bỏ nơi tái định cư trở về “chốn cũ”.

Ông Vi Ngọc Quỳnh, Phó chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho hay: “Để duy trì nòi giống người Đan Lai, huyện đã và sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để người Đan Lai hòa nhập với cộng đồng khác, hỗ trợ nhà cửa, giống cây, con để đồng bào phát triển sản xuất; hướng dẫn bà con cách trồng lúa nước, cách chăn nuôi. Trong năm nay huyện sẽ tiếp tục di dời 35 hộ ra vùng tái định cư”.

Để cái đói, cái nghèo không còn là nỗi ám ảnh người Đan Lai, quả thực không dễ. Hàng cứu trợ hằng năm vẫn đổ về nhưng chỉ như muối bỏ biển. Những đêm trắng với thác rượu cùng với hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết ngày càng làm mai một nòi giống.

“Dự án bảo tồn tộc người Đan Lai” ra đời và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều cơ quan chức năng nhưng vẫn cần nhiều hơn nữa sự chung tay, góp sức từ cộng đồng.

Chúng tôi rời Môn Sơn khi sương mù như chiếc chăn bông khổng lồ phủ kín bản làng mà lòng buồn man mác. Nhìn những bản làng xơ xác của người Đan Lai khuất dần, chúng tôi tự hỏi, không biết khi nào cuộc sống của tộc người này đổi thay?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thất học, tảo hôn, nội tộc hôn và những hệ lụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO