Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản
TƯƠNG LAI 22/6/2012
![]() |
Ông Sáu Dân ra đi thế là đã bốn năm. Nhân ngày giỗ của ông, xin được có đôi dòng tưởng niệm một con người đã để lại đậm nét trong lòng người dân.
![]() |
Riêng đối với giới doanh nhân Sài Gòn thì chắc hẳn nhiều người đã tìm thấy ở ông một sự động viên và tiếp sức mạnh mẽ trong những chặng đường gian khó.
Nhờ tầm nhìn của Sáu Dân, “Ông Chủ tịch gạo”,”Ông Bí thư phá rào”, như những danh xưng mà dân thành phố Sài Gòn tặng ông, mà tháo gỡ những ách tắc, rào cản, mở đường cho kinh tế thành phố đi tới.
Quả thật không dễ để lập ra “Văn phòng kinh tế của Bí thư Thành ủy”, “Câu lạc bộ Giám đốc” để trực tiếp chỉ đạo và tác động đến cách làm kinh tế thuận với quy luật của nó.
Và rồi “Nhóm thứ Sáu” được ra đời để góp phần nghiên cứu về giá lương tiền, về cải tổ ngân hàng, phát triển ngoại thương, về khu chế xuất... Đó là những kỷ niệm khó quên đối với nhiều người Sài Gòn.
Với tầm nhìn ấy, Sáu Dân thường đưa ra những ý tưởng mang tính đột phá có sức gợi mở lớn trên những vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Mà “đột phá” được là vì biết tắm mình trong biển cả nhân dân, học được từ dân tính năng động, sáng tạo để bồi đắp cho trí tuệ của mình khiến cho trí óc không bị xơ cứng vì những công thức cũ kỹ cứng nhắc, những giáo điều ẩm mốc đã bị cuộc sống vượt qua.
Trên từng lĩnh vực hoạt động khác nhau, biết huy động lực lượng chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và tâm huyết với đất nước để đưa ra được những đường đi nước bước phù hợp với quy luật, trả lời được những câu hỏi từ cuộc sống sôi động hằng ngày.
Một nhà trí thức Việt Nam sống ở nước ngoài đôi lần được gặp ông, đã hiểu ra được một điều rất giản dị nhưng thật độc đáo: “Tại sao ông Sáu Dân để lại nhiều tình cảm đặc biệt nơi người trí thức?”.
Chỉ đứng trên lĩnh vực trí thức mà thôi, câu trả lời là: Tại vì, ở cương vị quyền hành, ông đã biết nhìn và nhận người trí thức như vậy. Và tại vì, ở cuối đời, khi chỉ còn cây bút và hai bàn tay không, ông đã làm nhiệm vụ của một người trí thức - một người trí thức như thế.
Và rồi, với Cao Huy Thuần, vị giáo sư đang giảng dạy tại Đại học Paris ấy, thì “một người trí thức như thế” là người “không đánh mất khả năng tự phê phán, để biết tự mình khai phóng, tự mình đổi mới, tự mình phát triển, tự mình mở cửa cho tiến bộ, để trật tự và ổn định không đồng nghĩa với bất biến, ù lỳ.
Đương nhiên, khi thẳng thắn đặt ra những vấn đề gai góc và nhạy cảm này, ông Sáu Dân biết là sẽ gặp những lực cản không nhỏ và dai dẳng. Điều này dễ hiểu. Thế nhưng, thực tiễn đã chứng minh rằng, những vấn đề ông đặt ra, sớm muộn rồi cuộc sống cũng chấp nhận.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tên gọi Sáu Dân được sử dụng lâu nhất trong cuộc đời hoạt động của ông được nhiều người ghi nhớ nhất. Trong sự ngẫu nhiên của chuyện này xem ra lại trở thành một diễn đạt tất yếu về phẩm chất của ông Sáu Dân.
Ông cũng lấy chữ “dân” mà đặt tên cho con gái mình: Hiếu Dân! Chắc không phải là ngẫu hứng, mà nếu có, thì ở đây chính là cái tất nhiên thông qua cái ngẫu nhiên mà biểu hiện ra, một quy luật biện chứng! Cho nên, nếu chỉ cần một chữ để nói về ông, thì chữ đó là “Dân”.
“Một chữ” là mượn cách diễn đạt của Lê Quý Đôn để nói về chữ “Dân” khi nghĩ về ông Sáu Dân nhân ngày ông ra đi. Trong “Lời nói cuối sách” của cuốn “Quần thư khảo biện” viết năm 1757, nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVII có đoạn Kinh Dịch nói: “Biến động trong thiên hạ chính đáng chỉ có một [lý] thôi. Chí lý thay chữ “một”.
Lấy chữ “một” ấy mà xuyên suốt mọi việc thì dù bốn bể chính châu cách trở, ngàn xưa trăm đời xa xôi, mọi trao qua đổi lại, mọi xem xét đánh giá đều vẫn rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vậy”.
Với trường hợp Võ Văn Kiệt, thì xin được mạo muội mà diễn đạt rằng chữ “một” ấy là chữ “Dân”. Phải chăng “dân” chính là chìa khóa để giải mã “hiện tượng Võ Văn Kiệt”.
Nhờ coi trọng dân, chân thành lắng nghe ý chí và nguyện vọng của dân, khởi động và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân mà ông Sáu Dân có được tầm nhìn vượt xa lên phía trước.
![]() |
Đại lộ Võ Văn Kiệt |
Cho nên, “chỉ cần một chữ, chữ dân”, hiểu thật rõ “ý dân là ý Trời” thì mọi diễn biến phức tạp trong đời sống đang hằng ngày, hằng giờ đặt ra một cách bức xúc hôm nay như chuyện đất đai và khiếu kiện, cho đến chuyện Quốc hội bàn thảo những đạo luật như Luật Biểu tình, Luật Phòng chống tham nhũng... thì “mọi trao qua đổi lại, mọi xem xét đánh giá đều vẫn rõ ràng như bày ra trước mắt, “rành rọt như trỏ bàn tay vậy”.
Không dựa vào dân, lấy ý chí và nguyện vọng của dân làm thước đo cho mọi đúng sai của đường lối chính sách, của chủ trương giải pháp, không biết hoặc không dám phát huy sức mạnh của dân, lấy đó làm điểm tựa cho cuộc chỉnh đốn Đảng và cơ cấu lại nền kinh tế đang đứng trước những thách đố nghiệt ngã, mà chỉ dừng lại những lời rao giảng đạo đức hoặc những khẩu hiệu suông thì mọi trao qua đổi lại, mọi xem xét đánh giá” sẽ chỉ lãng phí sức người, sức của, vừa cản trở sự phát triển, vừa xói mòn niềm tin của dân.
Vì thế, điều đặc biệt cần lưu ý là chữ “Dân” trong khối óc và trái tim ông Sáu Dân gắn làm một với dân chủ. Vì riêng chữ “Dân” thì hơn hai nghìn năm trước đây, Mạnh Tử cũng đã từng đề cập đến trong mệnh đề “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”.
Như thế là vị Á thánh của nhà Nho còn đặt “dân” trước cả “xã tắc” và “vua”. Tuy nhiên, chữ “dân” ở đây là “thần dân” mà các nhà Nho tự xem mình là người dạy dỗ họ để cho họ biết cách mà phụng sự “vua” vốn được xem là “cha mẹ dân”. Mối quan tâm của họ đối với đám “thần dân” thể hiện lòng nhân ái của bên trên ban phát xuống.
Nếu xét từ bình diện này thì chữ “dân” này rất khác biệt với chữ “dân” trong tư tưởng và sự nghiệp của Võ Văn Kiệt. Ở đây, chữ “dân” đi liền với dân chủ.
Do vậy, nếu không nói đến dân chủ, không thật sự phát huy vai trò làm chủ của dân, tin dân và trọng dân, mà chỉ là chữ “dân” ở đầu lưỡi, thì chỉ có thể là mị dân, mượn “dân” làm công cụ để thực hiện những mưu toan này nọ mà thôi.
Vì rằng, có phát huy dân chủ mới phát hiện và quy tụ được hiền tài, làm bừng nở trí tuệ và tài năng của mỗi người Việt Nam trong và ngoài nước, trước hết là của thế hệ trẻ, nguồn sinh lực của Tổ quốc. Có thế mới tìm ra được giải pháp cho mọi tình huống.
Từ cuộc sống nhẫn nại và quyết liệt của đồng bào mình, ông tiếp thu những nét thâm thúy và mộc mạc hòa quyện trong sự thông tuệ dân gian thấm đẫm chất văn hóa. Cùng với cái đó là những cố gắng tự làm giàu trí tuệ của mình bằng sự học hỏi và lắng nghe chuyên gia, những trí thức mà ông thật lòng quý trọng.
Đó là suối nguồn bất tận làm nên một nhân cách văn hóa Sáu Dân, vừa có sự dung dị nhưng không kém sâu lắng, vừa bộc trực, hồn nhiên nhưng không thiếu phần minh triết và tế nhị trong ứng xử, trong quyết sách, những điều thể hiện một tầm vóc Võ Văn Kiệt, tầm vóc Sáu Dân.
Nhân ngày giỗ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhắc lại chữ dân trong tư tưởng của ông tưởng cũng là một việc nên làm với niềm tin rằng, một khi tư tưởng đã thâm nhập được vào cuộc sống, được nhân dân đón chờ, tư tưởng sẽ biến thành sức mạnh vật chất quét sạch những rào cản đẩy sự nghiệp của đất nước mà ông đã hiến dâng trọn đời mình đi tới.
Ý KIẾN CỦA BẠN