Sống cho những vong hồn đã khuất

HẢI DƯƠNG| 26/08/2010 05:11

Ở nơi có chứng tích đau thương này, có một người đàn ông ngày ngày tình nguyện trông nom, hương khói cho nơi thờ cúng hai triệu vong hồn siêu thoát...

Sống cho những vong hồn đã khuất

Một cơn gió bụi vừa tan/ Hai triệu sinh linh đã mất/ Khí oan tối cả mây trời/ Thây lạnh phơi đầy cỏ đất”... Trong những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, người dân Hà Nội và cả nước lại nhớ đến bài văn tế xúc động này mà GS. Vũ Khiêu đã viết trong nước mắt giữa một đêm mưa dầm gió lạnh tháng 3/1945, đau xót cho những thân phận dưới một bầu trời đen tối, nửa như trần gian, nửa như âm phủ.

Chúng tôi đã tìm tới khu di tích tưởng niệm của hai triệu vong hồn đã yên nghỉ, để ghi nhớ trong tâm tưởng về quá khứ đau thương của dân tộc...

Khu di tích “đặc biệt”

Còn nhớ cách đây nhiều năm đã có cuộc vận động xây dựng nơi tưởng niệm và lập ngày giỗ chung của hai triệu đồng bào chết thảm. Nay ở Hà Nội cũng đã có nơi tưởng niệm theo đúng ý nguyện của đông đảo dư luận nằm trong một khu vườn trong một con hẻm sâu ở đường Kim Ngưu (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng).

Ngày ngày ông Tuyển lên hương 2 lần cho những vong hồn yên nghỉ ngàn thu

Cho đến nay, khu di tích này là di tích duy nhất tưởng niệm đồng bào ta bị chết đói hàng loạt vào năm 1945. Sáu mươi lăm năm đã trôi qua, thế hệ được chứng kiến trực tiếp nạn đói năm Ất Dậu đó, giờ chẳng còn mấy người.

Thế hệ trẻ sau này cũng chỉ biết nạn đói khủng khiếp năm 1945 do phát xít Nhật gây ra, giết chết khoảng hai triệu người qua sách giáo khoa và những bức ảnh của cố nghệ sĩ Võ An Ninh. Và có rất nhiều người, thậm chí đang ở Hà Nội, cũng không biết đến sự tồn tại một khu di tích đặc biệt như vậy.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết khu di tích này đã có khá lâu. Sau khi xây khu mộ quy tụ hài cốt đồng bào bị chết đói 1945 trên địa bàn và một số tỉnh lân cận ở nghĩa trang Hợp Thiện (thuộc phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng ngày nay), đến năm 1961, chính quyền thành phố Hà Nội dời nhiều phần mộ ở nghĩa trang Hợp Thiện lên nghĩa trang Bất Bạt (Hà Tây cũ) và Thanh Tước (Mê Linh).

Nhưng vì nhiều lý do, chính quyền vẫn để nguyên khu mộ tập thể nạn nhân bị chết đói (nhiều người gọi là “bể xương”) và cả ngàn tiểu, nồi đựng hài cốt còn sót lại dưới lòng đất...

Mảnh đất bỏ hoang dần dà trở thành những ruộng rau và trở thành nơi cư ngụ của những người nghèo, lang thang. Khu di tích dường như chìm vào quên lãng, cho đến tháng 11/2001, ba sinh viên Nguyễn Đỗ Dũng, Nguyễn Thanh Huyền, Đỗ Ngọc Sơn (Đại học Kiến trúc Hà Nội) bắt tay vào thực hiện đề tài “Cải tạo không gian tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói 1944-1945”.

Tháng 9/2003, khu di tích Vĩnh Tuy được hoàn thành với diện tích 158m2. Khu di tích hiện nay vẫn còn "bể xương" cao hơn mặt đất gần 1mét, sâu 4 mét và rộng gần 40m2. Phần trên "bể xương" có bức tường được đắp mái, lợp ngói ống cùng dòng chữ nổi “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói 1944-1945”. Phía ngoài bức tường có tấm bia ghi bài văn điếu đồng bào chết đói do GS. Vũ Khiêu viết.

Năm tháng qua đi, ngoài những tấm ảnh đen trắng của cụ Võ An Ninh, những số liệu thống kê và những ký ước đau thương của những người còn sống, cả nước cũng đã có một chứng tích hiển hiện để nhắc nhở con cháu đời sau về nỗi thống khổ của một dân tộc mất nước.

Người “sống” với những vong hồn

Ở nơi có chứng tích đau thương này, có một người đàn ông ngày ngày tình nguyện trông nom, hương khói cho nơi thờ cúng hai triệu vong hồn siêu thoát. Đó là ông Phạm Văn Tuyến, người trông coi khu khu tích. Chúng tôi có buổi trò chuyện với ông Tuyến tại chính khu di tích đặc biệt mà ông đã gắn bó suốt năm năm qua.

Ông Tuyển chăm sóc cây cảnh trong khu di tích

Ông Tuyến tuy đã sống ở Hà Nội bao năm nhưng vẫn mang dáng dấp một lão nông thật thà, chất phác. Ông sinh năm 1952 trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước ở Nam Định. Năm 1970, ông đi bộ đội, sau khi đất nước thống nhất, chuyển về công tác tại Xí nghiệp Bánh kẹo Hải Châu và đến ở phường Vĩnh Tuy.

Năm 2004, ông tình nguyện tiếp nhận việc trông nom, hương khói cho những vong hồn oan khuất. Trước ông Tuyến, cũng có vợ chồng nghèo trông coi khu di tích này, nhưng rồi do vướng nhiều chuyện không hay, đôi vợ chồng này đã bỏ đi đâu không ai rõ...

Ở mảnh đất “lắm người nhiều ma” này, ông Tuyến tâm sự: “Tôi luôn sống thanh thản, sống với đúng lương tâm của mình, làm những điều thiện nên không bao giờ sợ vong hồn trách móc”.

Đã năm năm qua, người ta quen với hình ảnh một người đàn ông gần 60 tuổi ngày ngày vào khu di tích Vĩnh Tuy để làm việc nghĩa cho những người đã khuất yên nghỉ ngàn thu. Nhiều người ban ngày chẳng dám vào khu “bể xương”, vậy mà với ông Tuyến, bao năm qua vẫn đều đặn ngày hai lần sáng chiều, có hôm cả ngày ở trong di tích một mình để quét dọn, tưới cây, dâng hương...

Có một số người đến đây làm lễ, công đức chút ít tiền cho khu di tích. Ông Tuyến đã xin phép chính quyền dùng số tiền ấy để mua hương hoa, bàn ghế, bát đĩa, quạt điện phục vụ người đến hành lễ. Nhiều người từ phương xa khi đến đây làm lễ đã ngạc nhiên về sự gọn gàng, sạch sẽ trong di tích. Khi biết tất cả đều do một người đàn ông làm thì ai cũng bất ngờ.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khi đến đây làm lễ cũng đã nhận xét khu di tích từ ngày có ông Tuyến trông nom, quét dọn đã sạch sẽ và gọn gàng hơn trước nhiều.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu di tích, ông Tuyến nói: “Việc trông coi di tích này không ai nhận thì tôi nhận. Nhưng nơi này vẫn còn lạnh lẽo lắm, chẳng mấy ai quan tâm tới. Chính quyền địa phương và các cơ quan, đoàn thể cũng chỉ đến đây vài ngày trong năm. Còn người dân hầu như chẳng ai biết đến sự tồn tại của khu di tích này, cho dù là người ở ngay vùng Vĩnh Tuy”...

Lịch sử hào hùng của dân tộc cũng gắn liền với những đau thương, mất mát và những người đang sống hạnh phúc hôm nay cần phải nhớ tới thảm họa kinh hoàng với hơn hai triệu đồng bào đã chết trong sự đày đọa đến tận cùng của cái đói.

Người đàn ông dành phần lớn thời gian của mình cặm cụi trông nom những linh hồn đã khuất, lại có niềm trăn trở của cuộc sống hiện tại: “Tại sao thế hệ trẻ không bao giờ đến đây tìm hiểu về nạn đói khủng khiếp do giặc ngoại xâm gây ra cho dân tộc ta, để nhớ đến cha ông trong lúc khốn khó nhất vẫn đứng lên làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc?”...

Ông Tuyến tâm sự trước khi tạm biệt chúng tôi: “Tôi trông nom, quét dọn, hương khói cho khu di tích cũng chỉ mong làm cho những vong hồn đau khổ, vô danh ở đây bớt cô đơn, lạnh lẽo. Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến khi nào sức khỏe còn cho phép”.

Vẫn còn đó những băn khoăn về nơi tưởng niệm dành cho những vong hồn xấu xố, cho quá khứ đau thương của dân tộc trong tâm tưởng của những người đang sống...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sống cho những vong hồn đã khuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO