Sau đại hạn...

BÍCH HỒNG| 29/07/2010 01:29

Những miền quê nghèo miền Trung hứng trọn cơn đại hạn tháng Sáu.

Sau đại hạn...

Những miền quê nghèo miền Trung hứng trọn cơn đại hạn tháng Sáu. Trời làm nắng đã bao mùa nhưng năm nay nắng nóng gay gắt hơn nhiều, trên bờ, dưới nước khô cằn, nứt toác khiến nhiều đoàn người phải bỏ làng tha thương trốn cái đói trước mắt, nhiều học sinh phải bỏ trường lớp. Cái nắng thiêu đốt da người, quay quắt phận người...

1. Mỗi năm, tôi vẫn hay có những cuộc ngược xuôi về thăm quê trong tâm trạng bất an sau cơn lũ rút. Về để thấy màu bùn đỏ quạch của cơn lũ còn in đậm trên tường nhà, sự trống trải, xơ xác của đồng ruộng. Nhưng năm nay đại hạn đã đến trước, màu xanh của những cánh đồng lúa hè thu sắp trổ, cái hình ảnh quen thuộc ấy giờ trở nên hiếm hoi. Suốt chặng từ Đà Nẵng vào đến Quảng Nam, lúa đám xanh đám vàng ệch, nhiều đoạn lúa cháy trông giống cỏ dại giữa mùa khô khắc nghiệt trên đất miền Đông Nam bộ. Cơn mưa trong cơn bão số 1 không đủ che lấp cái khô khát khủng khiếp kéo dài từ sau Tết Con Cọp đến giữa tháng Bảy .

2. Cậu Thành tôi, một người đàn ông ngoài 50 tuổi, vụng về quảy ba lô lên lưng, nhẫn nhục leo lên chiếc xe đò chở khách từ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đi vào phía Nam. Cậu Thành không dám vào Sài Gòn như đám đàn ông trong làng. Cậu sợ chốn phồn hoa đô hội. Đến ngã ba Thành ở gần Khánh Hòa, cậu xuống xe và mất hút trong những khu rừng xác xơ còn sót lại - nơi từng được mệnh danh là xứ trầm hương của Việt Nam. Đi điệu trầm là nghề của đàn ông xã Đại Hòa, Đại Lộc.

Đợt hạn hán hồi tháng Sáu khiến mùa màng nhiều nơi mất trắng

Ông cậu tôi típ người yếu đuối, quanh năm bám hai sào ruộng luân canh đậu phụng và lúa. Chuyện ngậm ngải tìm trầm ông chỉ hóng hớt mấy người trong xóm. Nay ông đi trầm theo mấy trai xóm, cái nợ bên hè đã đuổi theo ông vào tận rừng sâu. Với hai sào ruộng không tốt, không xấu cha mẹ chia cho từ ngày lập chòi trong vườn ở riêng, cậu Thành tôi vẫn chí thú nuôi ba đứa con.

Không biết hai sào ruộng này hay ba đứa con đã để lại cho ông nhiều khoản nợ. Lúc xuống giống, nghe ông vay tiền, lúc bón thúc cho đám đậu phụng, lại nghe ông phải mua chịu phân tro. Ông bảo, không biết vì hạn hán, khô quá, hay vì mùa cá độ “oăn cúp bóng đá” mà bao đậu phụng mới thu về định bán 900 nghìn đồng đã bị kẻ trộm bợ mất. Đám lúa hè thu vừa gieo xong, không có nước, cháy đen. Ông chần chừ ít ngày rồi quyết định đến nhà cai trầm vay 300 nghìn đồng để mua lương khô cho chuyến vào rừng.

Tôi nhìn ông sửa soạn, cảm giác là ông chạy trốn chứ không phải đi tìm một niềm hy vọng! Ngày ông lên xe, cái xe chật ních người xóm cùng chuyến bỏ ruộng điệu trầm, sự băn khoăn hiện trên nét mặt từng người, như không có chút niềm tin nào sẽ tìm được may mắn trong rừng.

Buổi chiều hôm trước khi ông cậu đi, tôi thấy ông ra ruộng, liền theo chân. Ông đi xem lại mảnh ruộng để ra quyết định cho bà mợ ở lại. “Ruộng này giờ chỉ cắm xuống mấy vồng khoai lang nuôi con heo còm trong chuồng chứ không kịp làm gì. Truyền hình lại báo miền Trung sắp bước vào một đợt nắng nóng dữ dội rồi mầy ơi”. Ông cố nói cho thật hài hước, nhưng tôi thấy mắt ông đỏ. Nhìn một người đàn ông còm cõi không còn thiết đến mảnh ruộng của mình, lòng nhói đau!

3. Cũng hôm ấy, trong họ nhà tôi có một chuyện bi thương khác mà nguyên nhân cũng tưởng đâu từ ông Trời. Cậu em họ tôi năm nay đã 29 tuổi, mỗi năm nhín ra từ đám lúa một chút tiền cho ước mơ mua xe máy. Cuối cùng cậu quyết định mua một chiếc xe cũ, trả góp với giá 3 triệu đồng.

Không ngờ năm nay lúa má không còn gì để gặt nên chiếc xe ấy phải ra tiệm cầm đồ ngoài thị trấn nằm để có chút tiền cho mấy đứa em đi học. Một tối, cậu ấy uống thuốc rầy. Chai thuốc uống xong còn để ngay ngắn trên tờ giấy báo nợ của tiệm cầm đồ. Nằm trong viện cấp cứu, cậu không nói được gì, nhưng vẫn cố sức giật sợi dây chuyền nước thuốc. Cậu muốn chết.

Có lẽ người dân thành thị chúng ta khó hình dung, đâu đó có một người thanh niên muốn chết vì chếc xe máy giá 3 triệu đồng đã mất. Nhưng thực tế có mấy ai cảm nhận được những gì cậu trai đó trải qua, vì bao năm không có xe máy, cậu đã để tuổi thanh xuân trôi đi mãi mà không dám đến tìm cô gái cậu yêu thương. Ai mà đong đếm những buổi chiều cậu ngồi ở hiên nhà bần thần tính toán đem bán đi từng bao đậu phụng để góp cho chiếc xe, và cậu đã mơ những gì trong buổi chiều đó.

Và tôi đã tự trách mình. Về thăm quê, tôi chỉ nhìn thấy vẻ đẹp của nó, những ấm áp của nó sưởi lòng. Tôi đã không cảm nhận hết bản chất cái không khí vắng vẻ lạ lùng trong những ngõ xóm thôn quê. Nghe những ông chú, đứa em đi đây đó làm ăn, chỉ biết khen giỏi. Nhưng nông thôn, đặc biệt là những vùng đất đai khô cằn, thiên nhiên khắc nghiệt ở những vùng phía Tây của khu vực miền Trung ngày càng trở nên dễ tổn thương hơn vì con người đang phải sống trong môi trường và nguồn tài nguyên trơ cạn.

Trời làm khô hạn, làng bên ngoại tôi ở một huyện phía tây Quảng Trị bỗng dưng trở nên buồn đến không ngờ. Những đám lúa bị cái nắng gay gắt chiếu xuống suốt từ tháng Tư đến nay đã đốt cháy hết cả cỏ Mỹ trên đồi. Đó là thứ cỏ ngày xưa người Mỹ đưa đến để phủ quanh đồn bót ở căn cứ Làng Vây, Khe Sanh, lâu lâu đốt đi cho mặt đất hoàn toàn trống trải để chống đặc công Việt cộng xâm nhập, nông dân kêu cái giống cỏ này là “trời đánh không chết”, vậy mà nay cỏ Mỹ cũng cháy xỉn vì trên trời và dưới tầng đất sâu đều không còn chút hơi ẩm.

Trong lúc cả nước lo lắng theo dõi đường đi của cơn bão số 1 sắp vào Quảng Ninh, Hải Phòng thì hoàn lưu của cơn bão đã phủ lên miền Trung một cơn mưa vàng. Ở Quảng Trị, cơn mưa này không đủ để đưa nước vào ruộng đang nứt vỡ vì hạn, nhưng dưới đáy các giếng trong làng đã xăm xắp một chút nước màu vàng ệch.

Và bà con tất bật hút thứ nước ấy tích trữ để dùng hằng ngày. Nghe làng thiếu nước, tôi chở về biếu bà dì một thùng nước lọc đóng chai. Nhưng khi nghe chuyện làng thiếu nước suốt mấy tháng đầu Hè, cái đói đe dọa cả làng, thùng nước đóng chai bỗng trở nên vô duyên!

Ngôi làng bé nhỏ quê tôi đang đầm ấm bỗng trở nên quá mong manh khi ngày càng nhiều ngôi nhà đóng cửa vì chủ nhân phải bỏ xứ vào Nam tìm cái ăn qua ngày. Nhà dì Sáu tôi vốn lúc nào cũng ồn ào vì có ba trai, một gái. Sau trận lũ quét cách đây ba năm, hai thằng lớn của dì Sáu lầm lì dựng lại căn nhà tranh, rồi ra bến xe xuôi Nam. Giờ chúng làm thợ hồ tuốt trong Vũng Tàu, thỉnh thoảng bớt đôi trăm nghìn gửi về cho mẹ lo giỗ chạp.

Dì Sáu luần quần trong đám ruộng trồng rau sau nhà, chỉ chỗ này sẽ bán được trăm rưỡi, chỗ hành hẹ kia ít nhất cũng được tám chục bạc, nếu ông Trời chịu mưa cho vài trận. Nghĩ tới đám giỗ tháng Chạp, dì thở dài, bảo không biết lấy gì lo. Người quê tôi vậy, chuyện giỗ chạp, mồ mả được ưu tiên hàng thứ nhất, cưới xin học hành đứng hàng hai, rồi mới đến ăn mặc hằng ngày. Đứa gái Út giáo viên tiểu học buồn buồn: “Chắc tháng Chín này em thất nghiệp vì không có học sinh để dạy. Nhiều gia đình đưa hết cả con cái theo vào các thành phố”.

4. Sau cơn hạn hán khủng khiếp suốt từ tháng Ba tới nay, bầu trời miền Trung vẫn xanh ngăn ngắt. Những cơn mưa đầu mùa Hè trốn biệt, đảo lộn hết khung cảnh nhiều vùng nông thôn. Quảng Trị và Nghệ An bị nặng nhất. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai địa phương này có những nơi mất đến 90% diện tích lúa và hoa màu.

Ở Quảng Nam, hơn 22 nghìn hecta lúa cháy ngọn khi mới nhú lên chừng gang tay. Ông lão sống bên hè nhà nội tôi bảo: “Bốn mươi năm mới có một trận hạn dữ dội cỡ này, và thông thường cứ sau hạn thì mưa lũ rất ghê gớm đó con à!” - ông tích góp kinh nghiệm từ 70 năm sấp mặt trên mảnh ruộng.

Thốt nhiên tôi nhớ đến những dòng sông chảy xuống miền Trung từ các nhánh rẽ của Trường Sơn. Mùa lũ năm 2009, những Vu Gia, Thu Bồn của Quảng Nam, sông Ba của Phú Yên bỗng trở thành những con quái vật ầm ầm lao xuống từ triền núi, chỉ trong một ngày đêm nhấn chìm hàng chục vùng đồng bằng với hàng trăm nghìn mái nhà nằm lại dưới rốn lũ.

Cùng với cơn lũ ấy, hàng cây số vuông gỗ rừng trên sông theo lũ tố cáo nạn phá rừng của lâm tặc, và của việc thi công các hồ chứa thủy điện phá hủy rừng nguyên sinh. Một công trình thủy điện “có mặt” là hàng trăm hecta rừng đầu nguồn bị “khai tử”. Rừng mất, khe suối không còn cách nào trữ nước nên góp thêm sự dữ dội cho hạn hán dưới đồng bằng.

Và trong bối cảnh nắng lửa cháy rừng, cháy đồng ở khắp các địa phương, miền Trung suốt một tháng rưỡi luôn ở mức 40oC! Cái hạn không làm nổi bật lên cảnh thương đau như cái lũ. Đại hạn làm nông thôn trở nên vắng lặng, cái đói và sự bỏ học cũng diễn ra lặng lẽ. Ngôi làng Mã Thành ở một xã vùng núi tỉnh Nghệ An đã thống kê có hơn 1.000 nhân khẩu ra đi, để lại người già và trẻ em bơ vơ nơi quê nhà, trong lúc vụ hè thu đã mất trắng đến 95%.

Dẫu biết đối với đa số nông dân miền Trung, thu nhập từ mảnh ruộng tính tới tính lui cũng không lên đến con số triệu, nhưng số tiền nhỏ nhoi từ mảnh ruộng đang cố giữ lại thế cân bằng cho từng ngôi nhà và cho cả vùng nông thôn dài dằng dặc ấy!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sau đại hạn...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO