Rày đây mai đó với nghề chăn thả gia súc

ĐOÀN ĐẠI TRÍ| 17/06/2016 06:20

Là vùng nuôi cừu và dê nhiều nhất nước với số lượng hàng trăm ngàn con, dọc các triền đồi nhấp nhô ở Bác Ái, Ninh Sơn, Tháp Chàm, Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận), người ta dễ dàng bắt gặp những người chăn thả...

Rày đây mai đó với nghề chăn thả gia súc

Là vùng nuôi cừu và dê nhiều nhất nước với số lượng hàng trăm ngàn con, dọc các triền đồi nhấp nhô ở Bác Ái, Ninh Sơn, Tháp Chàm, Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận), người ta dễ dàng bắt gặp những người chăn thả...  

Đọc E-paper

1. Những người chăn thả loại gia súc này chẳng khác gì dân du mục bởi họ và cả gia đình họ có khi phải lang thang nay đây mai đó, bất định, vô chừng, cuộc sống luôn tạm bợ. Những đứa trẻ có cha mẹ làm nghề này đều thất học, phải làm việc từ rất sớm. Chúng nhận mặt cừu, mặt dê nhanh hơn mặt chữ.

Chia sẻ về cuộc sống và công việc, chị Chô Thi - một người Chăm nuôi cừu ở vùng núi Tà Vum (xã Phước Trung, huyện Bác Ái) cho biết: "Nhà tôi ở mãi bên Phước Dân (huyện Ninh Phước) nhưng mùa khô năm ngoái cũng như năm nay không hề có một giọt mưa, nắng nóng cạn kiệt ao hồ, phải đưa 50 con cừu đi tìm nước, tìm thức ăn khắp nơi, cực lắm. Gặp nơi nào có chút cỏ là cho cừu dừng lại, cả nhà, hai vợ chồng tôi và ba đứa con lại dựng lều bằng thân cây, lợp tạm mấy tấm tôn để ở".

Quan trọng nhất với người chăn thả cừu và dê là khu neo đàn bên cạnh những chiếc lều tạm bợ đó. Mau thì nửa tháng, chậm có khi hai ba tháng mới dời lều đi nơi khác. Còn đồ ăn thức uống thì tiện đâu mua đấy. Nếu không thì chỉ là đồ khô, mắm muối qua ngày. Quan trọng nhất là cỏ và nước cho đàn gia súc.

Nhìn vội vào căn lều tạm bợ là chỗ trú chân của 5 nhân khẩu nhà người đàn bà mới hơn 30 tuổi nhưng da đã nhăn nheo, chúng tôi không khỏi ái ngại. Chỉ có tấm chăn cũ, mấy cái xoong nồi chỏng chơ, vài bộ quần áo xỉn màu treo cột. Sau lều, con gái lớn tên Chô Lan của chị đang nhặt phân cừu khô cho vào bao tải cạnh hai đứa em ngồi vọc cát chơi. Chô Lan năm nay đã 14 tuổi nhưng chỉ như cô bé lên mười, đen nhẻm, tóc cháy nắng, quần áo xộc xệch.

Chô Lan cười, kể: "Hồi nhỏ em cũng được đi học cùng các bạn. Học đến lớp 3 thì phải theo cha mẹ chăn cừu. Cách nay 2 năm, cha mẹ cho em về dưới bà ngoại ở Phước Dân để học tiếp nhưng được nửa năm thì em nghỉ. Mà có học thêm một vài năm nữa cũng chẳng để làm gì. Đằng nào cũng nghỉ học, cũng lại ngày ngày theo đàn cừu, chiều về nhặt phân cừu bán cho người trồng nho dưới núi".

Như Chô Lan nói, theo cừu nay đây mai đó cũng quen, nhưng buồn nhất là ban đêm. Ban ngày, dù nắng gió cơ cực nhưng còn có công việc để làm. Ban đêm, ngoài sao trời và những ngọn núi đen sì phía xa, không có bất cứ cái gì dành cho những đứa trẻ ở đây. Nó ảm đạm và quạnh quẽ đến héo người!

Nhìn Chô Lan và hai đứa em, chúng tôi phần nào hiểu về cuộc sống vất vả, thiếu thốn của những đứa trẻ phải theo gia đình lang thang trên vùng khô hạn không thua gì sa mạc bên châu Phi này. Chúng cứ sinh tồn và lớn lên như những cây xương rồng hoang hoải ngoài kia. Khắc khổ, khô cằn và gai góc. Chúng chỉ nghĩ đến ngày mai với niềm vui đơn giản là con cừu, con dê không lạc đàn, phân nhặt đầy bao tải.

Gắn bó với nghề nuôi dê, cừu nhiều năm nhưng người dân Bắc Ái vẫn nghèo

2. Gia đình chị Chô Thi chưa phải là những người nghèo khổ rong ruổi trên những triền đồi hoang hóa hay những dải cát lởm chởm xương rồng, bởi họ còn sở hữu một đàn gia súc. Nhiều gia đình "đồng nghiệp" khác cũng làm nghề chăn thả gia súc nhưng chỉ là làm thuê. Những đàn cừu, đàn dê ngày ngày gắn bó với họ là tài sản của người khác.

Chẳng hạn như gia đình anh Hồ Sính đã gắn bó cùng những đàn dê, đàn cừu nhiều năm mà vẫn nghèo xơ xác. Nhìn ra dải cát nhấp nhô phía trước, anh Sính trầm buồn bảo: "Mình sinh ra và lớn lên ở ngã ba dòng sông Khế này. Hồi nhỏ thường theo cha mẹ xuôi xuống Gia É, Bạc Rây làm thuê kiếm sống. Sau này lập gia đình, được thừa kế đàn cừu hơn 20 con, hai vợ chồng ngày ngày dẫn đàn sang bên Đa Pha, Kò Ró, có khi ngược tới tận Sơn Lâm, Hòn Bà tìm cỏ. Cuộc sống nhìn chung dù cực nhọc nhưng cũng không đến nỗi nào. Năm trước, trúng đợt hạn nặng, vợ lại sinh đôi nên phải bán hết để trang trải cuộc sống. Sau đợt đó, mình xuống phố huyện bốc vác thuê nhưng không quen, lại quay về núi xin chăn thuê cho mấy chủ trại gia súc dưới Tà Giang. Hình như không có dê hay cừu mình không biết làm gì để mưu sinh".

Hiện vợ chồng Sính nhận một đàn 200 con vừa cừu vừa dê, phải đảm bảo chúng không khát và no bụng. Đổi lại, mỗi năm Sính được trả 40 triệu đồng tiền công cùng số phân chúng thải ra. Nhưng nếu có con cừu nào chết thì phải đền cho chủ. Ngược lại, cứ mỗi con sinh ra, người chăn sẽ được một nửa.

Mặc dù là loài vật hiền lành, chậm chạp nhưng để quản lý được 200 con cừu, con dê trên vùng đồi mênh mông này và đảm bảo chúng có cỏ ăn, nước uống là không dễ. "Ban ngày hai vợ chồng lùa đàn ra chân núi rồi canh chừng chúng. Tới trưa vợ về nấu ăn, mình tiếp tục canh. Nhưng không phải ngồi canh mà phải theo chân chúng để khi chúng thải phân còn nhặt", Sính lại kể.

Mặc dù tiền công là thu nhập chủ yếu của người chăn thả thuê nhưng cuối năm mới được nhận. Để duy trì cuộc sống, hầu hết người chăn gia súc mướn đều trông chờ vào lượng phân nhặt được phơi bán cho các hộ làm trang trại.

Vùng đất từ thung lũng Tô Hạp, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (tỉnh Khánh Hòa) tới ven biển Ninh Chữ, kéo lên vùng hồ Đơn Dương (Lâm Đồng), vùng rừng Ma Nới, Ka Lon, Sông Mao vẫn hạn nặng. Nếu tháng 8, tháng 9 mưa xuống thì người chăn thả gia súc đỡ vất vả đi tìm cỏ. Nhưng mùa mưa chưa hẳn đã là điều tốt lành đối với họ.

"Nhiều ngày mưa xối xả, cả người lẫn gia súc không biết trốn vào đâu. Mà mưa núi thì dữ dội hơn mưa ở đồng bằng nhiều. Những lúc ấy chỉ mong có gốc cây lớn hay phiến đá dựng để tránh gió”, anh Hồ Lành - một "dân du mục" ở chân núi Hòn Dài (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) bộc bạch. "Sướng nhất là khi đêm xuống, dân chăn thả tụi tui, chủ đàn cũng như người làm mướn tụ họp ở một triền núi nào đó, đốt lửa, nhâm nhi chén rượu, ly trà. Lúc ấy thấy cuộc đời cũng không đến nỗi cực nhọc".

Tôi hiểu, trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, trước sự bấp bênh phải theo đuôi đàn gia súc nay đây mai đó, tình người, tình đồng nghiệp đã động viên, chở che họ...

>Du mục trên quê hương mình

>Phận người hấp cá

>Nghề làm nhà chòi trên biển

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rày đây mai đó với nghề chăn thả gia súc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO