Rạn Trào - mầm sống đại dương

ĐOÀN LÊ| 28/07/2018 03:29

Rạn Trào là vùng biển có tính đa dạng sinh học cao với 82 loài san hô, 69 loài cá rạn và nhiều loài sinh vật biển có giá trị cao, như tu hài, ốc nhảy, cá ngựa, hải sâm...

Rạn Trào - mầm sống đại dương

Người đàn ông tên Nguyên Văn Phương suốt đời bám biển kiếm sống nhờ khai thác và nuôi thủy sản. Ông rất vui khi mô tả cho chúng tôi biết những bầy cá lớn chạy trốn thuyền đánh bắt tận diệt nhưng không chạy ra xa mà tìm đường lẫn vào những rặng san hô đang hồi sinh ở Rạn Trào, cách Nha Trang khoảng 60km. Ông nói: "San hô là nhà của tôm cá, của tất cả chúng ta", nghe thật cảm động...

Tôi đến Rạn Trào cách nay đã 10 năm. Rạn Trào là vùng biển có tính đa dạng sinh học cao với 82 loài san hô, 69 loài cá rạn và nhiều loài sinh vật biển có giá trị cao, như tu hài, ốc nhảy, cá ngựa, hải sâm... Vì thế, Khu Bảo vệ biển Rạn Trào được UBND huyện Vạn Ninh và Liên minh Sinh vật biển Quốc tế (IMA) thành lập năm 2001 (quyết định công nhận năm 2008) với tổng diện tích 54ha, trong đó vùng lõi rộng 25ha có mật độ san hô dày đặc.

Tại sao Rạn Trào - một vùng biển nhỏ bé với nhưng người dân nghèo khó lại lọt vào "mắt xanh" của những nhà bảo tồn thiên nhiên? Bởi vì trong giai đoạn đất nước mới mở cửa, hàng trăm ngàn tấn san hô ở Rạn Trào đã bị người chài lưới khai thác đưa lên Tây Nguyên bán dùng làm phân bón cho những vườn cà phê, bị ngư dân khai thác bán cho một nhà máy sản xuất xi măng ở Ninh Thuận.

Rồi một vài mùa đánh bắt ven bờ, người Rạn Trào thảng thốt đi đi về về với những con thuyền ngày càng ít cá tôm, phải đi xa, đi xa hơn nữa mà vẫn không đủ sống. Vẫn là biển ấy, con thuyền ấy mà cuộc sống của con người ngày càng khó khăn nhưng không lý giải được vì sao.

Một ngày nọ, các chuyên gia về môi trường biển và hải dương học đến. Lúc đó ngư dân mới có khái niệm về những rặng san hô - cái nôi sống còn cho các loài thủy sản và cho chính con người. Theo các chuyên gia ấy, những rạn san hô là tấm gương phản chiếu đầy đủ nhất về hệ sinh thái biển ở khu vực đó. Nghĩa là, nếu những rạn san hô phong phú thì các loài thủy sản sẽ nhiều và đa dạng. Ngược lại, nếu san hô cạn kiệt thì các loài thủy sản dần vắng bóng do không còn nơi cư trú và sinh sản.

Tôi có may mắn cùng ngư dân Rạn Trào nghe các chuyên gia bảo tồn môi trường nói về sự liên hệ giữa những rặng san hô với việc sinh sống, phát triển của các loài hải sản. Những gương mặt thuần phác, mắt mở to nuối tiếc khi nghe nói những vành đai san hô là kết quả của khoảng 18.000 năm đến 20.000 năm sinh sôi phát triển đã bị tàn phá trong khoảng 20 năm, như san hô ở Rạn Trào.

"Chúng ta phải học cách sống khác". Tôi nhớ ngư dân Nguyên Văn Phương - Tổ trưởng Tổ Bảo vệ Khu bảo tồn biển Rạn Trào - Vạn Ninh, ngày ấy đã nói thế. Ông tình nguyện vào đội quản lý và bảo vệ rạn san hô biển quê mình. Họ lập đội bảo vệ không cho thuyền đánh bắt vào vùng lõi của khu bảo tồn khai thác thủy sản, không cho phép khai thác san hô để làm phân bón hay bẻ cành bán cho du khách làm đồ trang trí.

Khó khăn lắm. Có nhiều khi những con thuyền từ các vùng khác kéo đến kiếm ăn ngang nhiên dùng những loại lưới mắt nhỏ và dùng xung điện, chất nổ, đội bảo vệ ngày đêm canh giữ ra thuyết phục, thậm chí xua đuổi không xuể. Một trong những sinh kế mới được các tổ chức phi chính phủ đưa đến cho bà con áp dụng thành công tại đây là du lịch sinh thái.

Đây là khu sinh thái biển đầu tiên do chính người dân quản lý, với một nhóm hạt nhân 9 người, vừa có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ Rạn Trào, vừa hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi vẹm xanh và hải sâm xen lẫn tôm hùm theo hướng không gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, cư dân Rạn Trào đã tự xây dựng những chòi bảo vệ ngoài biển, hằng ngày có thuyền đi tuần tra trong khu vực. Điều đáng nói là người dân hoàn toàn tự giác, mặc dù chương trình khai thác du lịch sinh thái vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm, công việc canh gác, tuần tra đều không có thù lao.

Chị Yến Thu, một chuyên gia của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên Thế giới (World Wide Fund For Nature - WWF) - một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới về bảo vệ thiên nhiên, cho biết: "Rạn Trào là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, cả về văn hóa lẫn thiên nhiên, vì vậy việc phát triển mô hình du lịch sinh thái ở đây thuận lợi. Những nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học ở khu vực này đang mang lại kết quả đầu tiên: số loài tôm cá đến nay đã tăng lên gấp đôi so với 300 loài thống kê năm 2001, hơn 200 cụm san hô được chiết ghép đã phát triển rất tốt trong môi trường tự nhiên".

Bao nhiêu năm đã qua. Mỗi ngày người Rạn Trào lặn xuống biển cấy ghép san hô ở những vùng bị tàn phá trước đây, vui với từng cành san hô non mọc khỏe.

Men theo con đường thôn dẫn ra biển, du khách sẽ dễ dàng nhìn thấy Trung tâm Thông tin Du lịch sinh thái cộng đồng Vạn Hưng. Đây chính là nơi khách đón thuyền ra thăm Rạn Trào và trở về dùng bữa cơm làng quê với đủ đầy hương vị biển. Du khách có thể đi bằng thuyền của Trung tâm hoặc đi cùng thuyền với ngư dân trong khu vực.

Ngồi trên thuyền, du khách tha hồ ngắm san hô bằng mắt thường. Sau khi tham quan, chụp ảnh trên biển, khách sẽ được đưa đến nhà bảo vệ Rạn Trào, gặp trực tiếp những người bảo vệ, nuôi trồng san hô để được hiểu hơn vùng đất này đã đi lên như thế nào, với những câu chuyện thú vị về Rạn Trào.

Ngoài du lịch sinh thái, một số nghề nuôi thuỷ sản cũng đã được người dân Rạn Trào làm như nuôi tôm hùm, vẹm xanh. Nghề nuôi thuỷ sản tại đây đang đi vào ổn định và cho ngư dân nguồn thu nhập khá đều. Ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ: "Nhiều du khách hỏi ở Rạn Trào có gì hấp dẫn. Để trả lời, chúng tôi chở họ đi thăm các rạn san hô, xem những trại nuôi tôm hùm, nuôi vẹm. Du khách ai cũng thích".

Từ cảnh khai thác hàng trăm nghìn tấn san hô bón vườn cà phê, sản xuất xi măng đến việc ngư dân Rạn Trào lặn xuống đáy biển trồng lại từng cây san hô là một quá trình vạn dặm trong ý thức giữ gìn môi trường. Đó là thông điệp của tour du lịch sinh thái ở Rạn Trào hôm nay.

Những mảnh đất nghèo khó vô danh như Rạn Trào bỗng trở thành khu bảo tồn thiên nhiên đầy giá trị nhân văn khi phục hồi lại cái nôi sống cho đại dương và cho chính con người trên bờ. Những ai đến tham quan những khu bảo tồn thiên nhiên như Rạn Trào sẽ được học lại bài học rất sơ đẳng: chung sống thân thiện với thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ trả nghĩa con người.

Cùng với việc tham quan hệ sinh thái tự nhiên, người Rạn Trào còn mời du khách đến với mô hình du lịch cộng đồng. Ở đây, gia đình nào hội tụ đủ các tiêu chí phục vụ du khách, như nhà ở sạch sẽ, hợp vệ sinh đều được tham gia kinh doanh du lịch.

Ngoài phục vụ ăn uống, sinh hoạt tại nhà, khách ngủ qua đêm ở nhà dân chỉ phải trả 100.000 đồng. Được ngồi dưới những mái chòi lợp cỏ tranh giữa những cụm dừa, được hòa mình vào không gian thanh bình của làng quê, kỳ nghỉ của du khách cũng vì thế mà trở nên thú vị hơn.

Rời Rạn Trào, ngoảnh lại nhìn ngắm biển - nơi ấy có một cái chòi canh nhỏ bé do ngư dân lập ra để bảo vệ biển, không để cảnh khai thác, đánh bắt thủy sản diễn ra trong khu vực rạn san hô đang phát triển trở lại. Những mầm sống của đại dương đang lên.

San hô nay bắt đầu được ươm trồng ở biển Cù Lao Chàm, Nha Trang, Phú Quốc... Chỉ tiếc, những điểm đến như Rạn Trào còn quá ít.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rạn Trào - mầm sống đại dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO