Phượt để tái tạo chính mình

PHAN HÒA BÌNH| 13/02/2018 03:35

Đối với bất cứ ngành nghề nào có liên quan đến sáng tạo, những chuyến đi phượt sẽ luôn giúp tái tạo năng lượng, để sáng tạo tốt hơn".

Phượt để tái tạo chính mình

Phượt thủ số 1

Tình cờ, chúng tôi kết bạn trên Facebook rồi cùng trao đổi thông tin về những chuyến đi. Tôi thích bạn ấy bởi tính cách thẳng thắn và cởi mở. Trần Đặng Đăng Khoa bây giờ không còn là một Facebooker thầm lặng mà đã thu hút 165.000 người theo dõi chuyến đi vòng quanh thế giới của anh mỗi ngày - một lượng bạn đọc mà bất cứ tờ báo du lịch nào cũng mơ ước. Các tờ báo Việt Nam dành cho giới trẻ cũng dõi theo Khoa với mong muốn thắp lên ngọn lửa của nghị lực. Ngọn lửa giúp vượt qua khó khăn về văn hóa, ranh giới địa lý và cái hữu hạn của một cuộc sống bình thường.

tran-dang-dang-khoa-doanhnhansaigon_1518

Trần Đặng Đăng Khoa - chàng trai Việt đi vòng quanh thế giới bằng Honda Wave

Ngày thứ 150 của chuyến đi vòng quanh thế giới bằng xe Honda Wave đời 2008, Khoa đã cán đích tháp Eiffel. Nhân dịp đặc biệt này, Khoa mặc chiếc áo dài Việt Nam mang theo trên chuyến đi - một hình ảnh giản dị, nhưng gây xúc động mạnh về nghị lực của một thanh niên Việt Nam.

Rời khỏi Việt Nam ở cửa khẩu Mộc Bài, Khoa bắt đầu hành trình đến Tây Á. Chu du qua những nền văn hóa như Hồi giáo và Hindu, Khoa đã gặp gỡ những con người giản dị bên đường, chia sẻ tình cảm bằng hữu, nhận được sự giúp đỡ cũng như kinh nghiệm sống ở từng nơi.

khoa-1-6851-1516784676.jpg

Rồi Khoa rời vùng Tây Á để đến châu Âu, rồi rời châu Âu xuống tàu vượt biển đến châu Mỹ. Cuộc hành trình ấy, Khoa đã mô tả mỗi ngày bằng lối viết giản dị như trò chuyện; Sự giản dị đến hiếm thấy giữa trào lưu "tự sướng trên Facebook" của giới trẻ ngày nay.

Bạn còn viết rất kỹ về cách xin visa ở từng nước, cách tìm kiếm sự giúp đỡ của người địa phương và cơ quan ngoại giao Việt Nam tại từng nơi, cách tìm những trợ thủ phượt trên nhiều diễn đàn phượt khắp thế giới để giao lưu, làm cho chuyến đi vô cùng thú vị.

Chuyến đi của Khoa dự kiến còn kéo dài thêm một năm nữa. Chàng trai trẻ dự định sẽ đón bình minh ở Nam Cực, sẽ vào xứ sở cờ hoa và khép lại hành trình ở cửa khẩu Mộc Bài - nơi bắt đầu của chuyến đi. Một mạng lưới các kỹ thuật viên hỗ trợ "sửa xe máy online" lúc nào cũng sẵn sàng tư vấn cho Khoa suốt hành trình. Ngoài ra, bạn bè ở một số nước cũng như những tờ báo địa phương nơi Khoa đi qua luôn chờ cậu để phỏng vấn.

Ngoài kế hoạch sẽ viết một cuốn sách để xuất bản lúc trở về Việt Nam, Khoa chưa tiết lộ mục đích sâu xa nhất của chuyến đi để đời này. "Hãy theo đuổi giấc mơ của mình và những gì mình tin là đúng đắn. Đừng bỏ cuộc, vì mình chỉ sống một lần mà thôi" - Khoa chia sẻ. Dù không ít lần trên Facebook anh đã từng chia sẻ dòng trạng thái thể hiện sự hoang mang, rằng mình có đang sống có đúng không hoặc là tự sự về một nỗi buồn mênh mang bỗng nhiên chiếm lĩnh tâm can khi một mình vượt 30.000km qua hàng chục quốc gia trong thời gian dài như thế!

Tôi tin rằng tố chất, tâm lý và văn hóa của một người Việt sẽ được mô tả đầy đủ trong cuốn sách của Khoa. Chuyến đi là của Khoa, là công trình anh giành cho riêng cuộc đời mình. Nhưng, qua đó, anh cũng khuyến khích bao người trẻ nghĩ rằng mình cũng có thể "làm những điều mà nhiều người trẻ thế giới đang làm, đừng tự ti về thể lực, tài chính, ngôn ngữ".

Phượt để tái tạo năng lực làm nghề

Khi tìm hiểu những chuyến đi của đạo diễn phim tài liệu Đoàn Hồng Lê, tôi nghĩ rằng mục đích sâu sắc nhất đằng sau chúng là hành trình tái tạo tinh thần nghề nghiệp, tái tạo năng lượng cho bộ phim mới, thâu nạp phong cách của đồng nghiệp trên thế giới.

Hong-le-doanhnhansaigon_1518458182_15184

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê

Những chuyến đi đến các liên hoan phim tài liệu ở nhiều nước của nữ đạo diễn được khởi đầu bằng những bộ phim tài liệu do chính chị thực hiện với phong cách phim tài liệu hiện thực Pháp. Đó là cây cầu để phim của chị có ngôn ngữ quốc tế trong kể chuyện và cũng là cách đưa những đề tài về cuộc sống Việt Nam ra thế giới.

Ngoài mục đích để thử thách trước khán giả và va chạm với cách tiếp nhận văn hóa của khán giả các nước, thì đi để "tái tạo chính mình" là quan trọng nhất. Đoàn Hồng Lê đã đưa phim của mình đến các nước ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Đức và Bỉ. Cách tham gia các liên hoan phim không có gì là "xét duyệt", "xin cho".

Các tổ chức làm phim trên thế giới đều có những trang web và công khai mời đạo diễn các nước tự ứng cử phim để tham gia liên hoan. Nếu thấy đủ yêu cầu và phù hợp với chủ đề thì ban tổ chức sẽ gửi giấy mời đến chiếu phim và giao lưu cùng khán giả.

Nữ đạo diễn chia sẻ: "Một phần quan trọng nhất của chuyến đi là tôi nói chuyện về thực tế làm phim với các đạo diễn ở những vùng có chiến sự, có vấn đề tôn giáo, chính trị, học cách vượt qua thử thách của họ, tiếp nhận sự dũng cảm vượt rào cản của họ, đôi khi tôi như gặp các 'chiến binh' của làng phim tài liệu. Sức mạnh của họ giúp tôi trở nên mạnh mẽ đến cùng trong quá trình làm phim. Còn các giải thưởng thì làm cho chuyến đi vui vẻ, quan trọng là nó giúp cho công việc dễ dàng hơn".

Kèm theo những ngày ngồi xem phim, chị thường đi đến những vùng đất từng có những biến cố lịch sử liên quan đến Việt Nam để xem lại công việc và tư duy của chính mình, như tự tìm thăm trụ sở của Đảng Cộng sản Ấn Độ ở thành phố Calcutta, thăm khu MDZ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Đoàn Hồng Lê khám phá thế giới, khám phá nghề nghiệp và năng lực bản thân bằng cách chịu khó tham gia những cuộc liên hoan phim như vậy. Vừa rồi chị lại nhận lời đến một liên hoan phim tài liệu tại Đức để ngồi xem phim và lựa chọn phim tài liệu giúp cho Viện Văn hóa Goethe tại Việt Nam. 

Chị nói: ""Đối với bất cứ ngành nghề nào có liên quan đến sáng tạo, những chuyến đi phượt sẽ luôn giúp tái tạo năng lượng, để sáng tạo tốt hơn".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phượt để tái tạo chính mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO