Nước mắt huê mộc

HÀN THƯ| 06/07/2012 03:58

Khi những cây sưa cổ thụ (dân bản địa gọi là huê mộc) đổ xuống trong rừng cấm Quảng Bình, thì những bi kịch cũng đổ ập xuống nhiều mảnh đời ở các làng quê. Thần rừng quở phạt hay bi kịch của lòng tham tự con người gây ra?

Nước mắt huê mộc

Khi những cây sưa cổ thụ (dân bản địa gọi là huê mộc) đổ xuống trong rừng cấm Quảng Bình, thì những bi kịch cũng đổ ập xuống nhiều mảnh đời ở các làng quê. Thần rừng quở phạt hay bi kịch của lòng tham tự con người gây ra?

Đọc E-paper

Ăn của rừng rưng rưng nước mắt



Căn nhà của chị Nguyễn Thị M. ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch trống hoác, giữa trưa Hè nóng như thiêu. Chồng chị là anh Hoàng, từng một thời nổi tiếng với nậu sưa (gỗ huê).

Từ hai bàn tay trắng, nhờ nắm được quy luật của giới săn gỗ sưa, Hoàng đã phất lên sau những chuyến buôn đậm gỗ sưa chuyển về sông Gianh, trao tay cho thương lái Trung Quốc. Có với chị M. bốn mặt con, Hoàng nghĩ đến chuyện giải nghệ vì đã có chút vốn, tính mở cửa hàng ăn uống hoặc dịch vụ.

Nhưng, “Năm năm trước, các trùm gỗ huê biết chồng tôi có ý định bỏ buôn huê, liền lập kế hoạch hạ sát anh bằng một vụ tai nạn. Chúng dụ anh vào rừng, đi qua một đống gỗ lớn, như sắp đặt trước, một thanh giằng gỗ bị gãy, các lóng gỗ thi nhau tuôn xuống, đè chết anh ấy”, chị M. kể.

Chị chỉ biết được sự thật khi mai táng xong cho chồng. Những khoản nợ của anh Hoàng không biết từ đâu ập tới sau khi anh ra đi.

Có những đêm khuya, mẹ con chị phải “tiếp” bọn đầu gấu xông vào xiết nợ. Chị phải bán hết những vật dụng đắt tiền, rồi căn nhà hai tầng ở quê nội để trả nợ mà vẫn không đủ, thế là mẹ con đành dắt díu nhau về quê ngoại để trốn nợ.

Vợ chồng Biền đã bỏ kiếp "sưa tặc", giờ làm nghề chèo đò đưa đón khách du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng

Cùng chung cảnh ngộ còn có người em dâu của chị M., chồng cô ấy cũng bị gỗ đè chết trong chuyến “đi sưa” cuối cùng năm năm trước. Em dâu chị M. cũng gánh nợ của chồng hơn 5 tỷ đồng, phải bỏ xứ vào miền Nam trốn chạy “giang hồ”, đến nay vẫn không có tin tức.

Cuộc đời người tìm sưa trúng thì lên hương, không trúng thì mạt vận, đó là cách nói của những “cựu lâm tặc” đã gác kiếm. Hoàng Văn Biền, một trong những “cựu đại ca gỗ sưa”, nói: “Ngày trước tui cũng vào rừng Kẻ Bàng phá ngày phá đêm, trúng sưa cũng lắm, tiền vào cũng nhiều, nhưng ăn tiêu phung phí hai năm lại đổ về dốc nghèo, trở về hai bàn tay trắng.

Đang chẳng biết mưu sinh bằng cách răng, tính lại vào rừng tìm vận may với sưa thì Phong Nha lên di sản, khách du lịch lui tới nườm nượp, xã, vườn nói đóng thuyền chở khách, tuy thu nhập không nhiều, nhưng ổn định. Thế là tui quyết định vứt rìu, vay mượn tiền mua thuyền chở khách.

Cũng đặng chục năm bám nghề, con cái được học hành tử tế, chứ nếu cứ đi tìm huê thì có trúng e chúng cũng hư hỏng vì tiền, còn không thì vợ chồng cũng nghèo rớt vì “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” thôi”.

Giã từ kiếp sơn tràng

Phong, một sơn tràng từng tìm sưa có tiếng, giờ tham gia đội ngũ thợ chụp hình cho du khách tham quan hang động, kể: “Ngày trước tìm huê, em cũng trúng tiền tỷ, nhưng rồi tiền cũng ra đi theo các cuộc chơi. Tiêu hết tiền là thất nghiệp, may mắn em được vườn cho đi học nhiếp ảnh, vào đây làm thợ, tiền kiếm được không nhiều như làm gỗ huê nhưng bền hơn, biết dành dụm thì nuôi được vợ con một cách đàng hoàng. Ông cha nói quả không sai, “quay đầu là bờ”, bỏ nghề “lâm tặc”, con đường kiếm sống chắc chắn hơn đi ăn của rừng, chưa kể còn bị trấn lột và đâm chém, thủ tiêu, sợ lắm”.

Không chỉ có Phong, nhiều thợ ảnh khác từng theo dấu gỗ sưa đều thấu hiểu sự khổ cực từ việc “ăn của rừng”. Họ cũng bảo, sơn tràng khổ nhất trong chuỗi khép kín buôn bán, khai thác lậu gỗ quý hiếm, người được hưởng lợi là một số cán bộ kiểm lâm biến chất và các đầu nậu gỗ, đấy là những mắt xích quan trọng làm cho “nước mắt gỗ sưa” ngày một chảy dài.

Diễn với hai chữ "Kiếp nghèo" xăm ở tay, là thành viên cưa sưa

Chúng tôi theo chân ông Nguyễn Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch, và Chủ tịch xã Nguyễn Văn Lương vào thôn 3 Thanh Sen để gặp hai người thừa nhận chặt sưa di sản với 9 người khác.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là Lê Văn Diễn, anh cho biết: “Nhóm em có 11 người, vào rừng đi tìm rễ huê (sưa), mót lại các cội ngày xưa đã bị chặt. Sau nhiều ngày, Nguyễn Văn Minh, ở cùng xã với em, lọt vào Hung Trí và phát hiện ra 3 cây sưa cổ thụ”. Ngay lập tức, 9 người kia tìm cách liên lạc, tập trung về Hung Trí, nấu cơm ăn mừng vì “trúng huê”.

Người thứ hai là Thái Văn Tiềm, quê gốc Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, về Phúc Trạch lấy vợ và ở rể. Cũng vì nghèo mà vào rừng tìm vận may. Cả hai rụt rè nói do hoàn cảnh nghèo khó nên phải vào rừng chặt phá sưa mà không hề biết đang tận diệt một loài cây quý hiếm.

Thái Văn Tiềm kể: “Mấy cây huê (sưa) được phát hiện vào ngày 20/3, cả nhóm hội ý không được nói ra ngoài để khai thác cho hết, nhưng sau đó thông tin bị lộ nên giang hồ, trấn cướp, thương lái ra vào rầm rộ”.

Khi hỏi về lượng gỗ, Tiềm nói chừng 130 phác. Cây to nhất chừng 1,2m, mặt lớn nhất của phác gỗ đẹp nhất chưa đến 0,8m. Trong khi đó, Lê Văn Diễn lại nói gỗ quá nhiều không đếm hết, phải cưa sẻ trong vòng bảy ngày, chia thành hai đống: một đống gỗ đẹp và một đống gỗ thường.

Thái Văn Tiềm kể chuyện cưa sưa và bị cướp sưa

Gỗ thường là cành, ngọn, lóc lỏi và đe. Gỗ đẹp là gỗ phác có thể dùng làm phản, đóng giường, tủ, sập, kệ... Dường như đã có sự thống nhất nên cả Tiềm và Diễn đều nói đã bán gỗ cho Nguyễn Văn Hiệu (Hiệu “sẹo”), công an viên xã Xuân Trạch, thu được 1,3 tỷ đồng, mỗi người chia nhau được hơn 100 triệu đồng.

Cả hai cũng cho biết, ngày 24/5 kiểm lâm vào kiểm tra hiện trường xong ra về thì có khoảng 200 người lạ mặt đổ vào cướp mất nhiều hầm gỗ sưa, sau này mới biết trong số đó trấn cướp cũng có, mót sưa cũng có. Sau khi bị cướp quá nhiều, 11 người bàn với nhau chia gỗ, mạnh ai nấy giấu nhằm khỏi bị cướp.

Số gỗ còn lại được chia làm 12 phần, mỗi phần gồm 11 phác gỗ, mỗi người một phần, riêng Nguyễn Văn Minh, người phát hiện ra 3 cây sưa, được chia hai phần. Tiềm tự gùi và thuê người gùi đi giấu ở Nước Vàng, Trại Lá..., nhưng bị cướp hết 8 phác, còn 3 phác đang giấu trong rừng, không dám đưa ra vì sợ bị bắt.

Tiềm cho biết, nếu không ai tìm ra 3 phác đó, khi có cơ hội, anh ta sẽ vào lấy để bán làm nhà. Còn Lê Văn Diễn phân trần là bị cướp hết cả 11 phác trong khi gùi đi giấu, nên hiện trắng tay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nước mắt huê mộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO