Những mảng màu Tây Nguyên

BÍCH HỒNG| 23/06/2017 06:42

Chắc chắn một khi không còn rừng, văn hóa của những tộc người Tây Nguyên sẽ mai một dần.

Những mảng màu Tây Nguyên

Tôi rùng mình khi nghe cô gái nói: "Em đã chặt được một hécta rừng". Thốt nhiên tôi thấy cô giống con mối khổng lồ đang ăn rừng. Giấc mơ sống và tồn tại ở đất này của cô, của những người như cô đang ăn hết mảng màu xanh đậm của những cánh rừng già Chư Sê, Kong Kloong, ăn hết cái mảng đen còn lại của rừng cháy vừa tắt, ăn hết cái mảng xanh non bật lên của Tây Nguyên...

Đọc E-paper

Không còn "Con đường xanh Tây Nguyên"

Con đường xanh ấy đã được đặt lên bản đồ du lịch 13 năm trước, với những cái tên gợi biết bao cảm hứng. Các công ty du lịch mặc định nó được bắt đầu từ Đà Nẵng, chỉ sau 3 giờ lái xe, điểm đến sẽ là đèo Lò Xo - nơi mà Đông Trường Sơn bắt đầu trùng điệp.

Con đường xanh sẽ đi qua những vùng đất lừng danh của đại ngàn như núi Ngọc Linh, Ngọc Hồi, Đắk Tô, Buôn Đôn, thủy điện Yaly rồi lướt qua khí hậu mát mẻ của Đắk Nông với thảm dã quỳ nở cuối xuân và điểm đến cuối là Đà Lạt. Bây giờ màu xanh của rừng không còn thẫm, nó là một màu nham nhở của đất bạc và rừng thưa, rừng chồi, mùa khô nhìn nhức mắt.

Trên "con đường xanh", giờ đây du khách chỉ được thả sức ngắm rừng cao su, được nhảy múa thâu đêm trong tiếng chiêng của những bản làng làm du lịch, ngắm vẻ đẹp của những cô gái ở Đắk Nông mà ông bà của họ có pha chút dòng máu châu Âu thời Pháp khẩn hoang đồn điền.

Vừa có dịp đi một vệt theo biên giới Đông - Tây Trường Sơn, chúng tôi chìm sâu vào ái ngại khi nhìn Đông Trường Sơn trơ trụi nắng cháy. Phía bên kia biên giới là Tây Trường Sơn, tỉnh Ratanakiri của Campuchia bạt ngàn màu xanh của rừng nguyên sinh, không biết có giữ được vẹn nguyên không.

Nhớ cách nay vài năm, bạn tôi - đạo diễn phim tài liệu Trương Vũ Quỳnh mời xem một phim tài liệu. Nhân vật chính - một cô gái gầy gò xanh tái vì sốt rét từ đồng bằng Bắc Bộ theo đoàn nông dân vào Tây Nguyên với cơn khát đất, cơn khát mưu sinh ở vùng đất mới. Giấc mơ sống của cô đang ăn hết cái màu xanh đậm tôi tối của những cánh rừng già Chư Sê, Kong Kloong, ăn hết mảng đen còn lại của rừng cháy vừa tắt, và giấc mơ mới là mảng xanh non của những vạt cà phê hay tiêu.

Cuộc khai phá làm kinh tế thời đó đã đem lại cho Tây Nguyên một diện mạo khác, sau đoàn nông dân hàng vạn lượt người vào rừng khai phá, thì đến các đồn điền, nông trại, đến thủy điện.

Rừng vỡ ra từng mảng, từng mảng, văn hóa, bao gồm cuộc sống, cách làm ăn, tập tục phải vỡ theo, mà xấu tốt cần một độ lùi của thời gian để thẩm định, nhưng chắc chắn một khi không còn rừng, văn hóa của những tộc người Tây Nguyên sẽ mai một dần. 

Đạo diễn Trương Vũ Quỳnh nói với tôi, khi quay đoạn phim này, anh thấy sợ hãi trước cái chết của những cánh rừng Tây Nguyên, anh đau nỗi đau cảm nhận từ giấc mơ dữ dội về đất đai của cô gái mảnh dẻ yếu ớt khao khát sống kia. Những đoàn người di cư đi tìm nguồn đất đai cho họ sự sung túc đã phải trải qua biết bao gian khổ, và để họ được sống thì những cánh rừng cứ lùi dần.

>>Nam Tây Nguyên mùa xanh lá

Cách nay 6 năm, chúng tôi được mời lên huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Ông chủ tịch huyện khi ấy dẫn chúng tôi đi xem một khu rừng nguyên sinh nằm trong kế hoạch bảo vệ chặt chẽ để phát triển du lịch.

Từ khi nào mà những tộc người thiểu số chủ nhân của núi rừng đã phải coi rừng nguyên sinh là một đặc sản du lịch? Phải khoanh một khoảnh rừng còn sót lại và tự hào cùng nó. Người Cơtu sống ở Đông Giang gọi nơi sinh sống của họ là Mẹ Rừng, là chốn thiêng, nhưng cũng chỉ còn bấy nhiêu thôi!

Báu vật của Tây Nguyên

"Con đường xanh Tây Nguyên" lòe loẹt, ồn ào và không hề làm cho du khách hiểu thêm gì về lịch sử phát triển của vùng đất này. Những nhà đầu tư đã cố gắng làm cho hạ tầng du lịch ở Buôn Ma Thuột, Kontum và một vài điểm du lịch khác phát triển hệ thống khách sạn ba hoặc bốn sao. Quốc lộ và tỉnh lộ cho phép tiếp cận nhiều bản làng sát biên giới Lào hoặc Campuchia.

Nhưng Tây Nguyên không chỉ có những đỉnh núi mây mờ, những thác nước hùng vĩ trắng xóa, và tiếng cồng chiêng với vũ điệu núi rừng ở các khu du lịch.

Đạo diễn phim tài liệu Đoàn Huy Giao được coi là người cả đời chỉ làm những thước phim về Tây Nguyên, nói với tôi: "Du lịch đặc sắc nhất là du lịch văn hóa. Phải giúp cho du khách thẩm thấu văn hóa đa sắc tộc thì du lịch Tây Nguyên sẽ bền vững".

Nhưng làm sao có những tour để du khách cảm nhận những báu vật văn hóa của Tây Nguyên khi mà những người làm tour không có đủ khả năng thẩm thấu văn hóa chiều sâu mà những tộc người Gia Rai, Ê Đê, Mạ, Cơtu đang lưu giữ?!

Nhìn vào các tour đang quảng cáo về "Con đường xanh Tây Nguyên" hiện nay xiết bao tầm thường, và có thể hiểu đó chính là lý do du lịch Tây Nguyên thì cũng chỉ như du lịch Bản Đôn, nó na ná trong cung cách trình diễn và dễ làm nhất. Làm tour kiểu đó và để cho du khách thiếu hiểu biết, đâm ra phê phán về lễ hiến sinh đâm trâu thật sự là một phỉ báng đối với văn hóa và tôn giáo đa thần của đồng bào Tây Nguyên.

Mỗi khi đọc những ý kiến về "sự man rợ của tục lệ đâm trâu", chúng tôi ít kìềm chế được sự tức giận bởi cái lối phê phán vô trách nhiệm và lộ rõ văn hóa nền tảng thấp như vậy.

Và đâu đó, bất chấp ai đó nghĩ gì, giữa những khu rừng, những bến nước còn sót lại ở làng Tơ Nung 1 ở huyện Kong Chro cách thành phố Pleiku 120 kilômét, lễ hiến sinh mừng lúa mới, tạ ơn thần linh vẫn diễn ra, với tất cả sức mạnh về tinh thần tôn giáo và chiều sâu của tập tục truyền thống.

Ai đó sẽ chỉ nhìn thấy con trâu ngã khuỵu dưới giáo mác mà tuyệt đối không nghe được cuộc trò chuyện với thần linh bắt đầu từ những vò rượu quý được đưa đến nhà rông, những thanh niên ngồi trang điểm cái mặt nạ mà họ nghĩ sẽ nhận diện dễ nhất khi các thần linh nhìn vào lòng thành của họ. Và lễ hiến sinh chính là cuộc giao tiếp giữa những người sống trong rừng và các vị thần rừng, thần bến nước, chứ không phải là cuộc tàn sát man di. Nhà tổ chức tour nào làm được điều đó?

Nhà thờ gỗ Kontum

Và những báu vật giữa rừng đã từng có đang ít dần. Lễ hội "Uống nước giọt" vào ngày đầu năm mới chỉ còn ở vài làng Bana tại Gia Lai và Kontum. Lễ cúng rừng đã lùi dần vào những vùng đồng bào Gia rai thuộc xã Êa Son, huyện Êa HLeo, Đắk Lắk. Lễ hội ăn cơm mới tập trung tại nhà rông của làng Sê Đăng Kon Hring (xã Êa HĐing, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk).

Đó là những gương mặt nguyên thủy văn hóa lễ hội với sự hiện diện của tín ngưỡng đa thần, phong tục tập quán, lễ nghi, rồi nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn, văn học truyền miệng, ẩm thực bộ tộc lẫn sự phát triển của các nghề thủ công đặc thù nhất của nền văn minh nương rẫy.

Có những người đàn bà bộ tộc Êđê-Bih sở hữu tiếng chiêng đặc quyền dành riêng cho người phụ nữ đánh khi thực hiện nghi lễ cúng thần, vui chơi. Ở đó đàn ông không được đánh chiêng. Tiếng chiêng đàn bà, tiếng chiêng Jhô làm cho lòng dạ người đàn ông đi săn bắt xa nhà trong những cánh rừng rậm thổn thức rảo bước, làm thuyền độc mộc hẹp như lá tre lao vun vút về bến nước. Đó là báu vật văn hóa Tây Nguyên.

Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa của rừng, nơi con người vẫn được thiên nhiên cưu mang che chở ngàn đời đã phát sáng. Chỉ mong rằng cuộc sống đừng tước đi tinh thần căn bản là niềm tin linh thiêng vào mối quan hệ giữa con người và vạn vật hữu linh xung quanh. Rồi người Giarai, Êđê, người Bana hay Mơnông lớn lên, già đi liệu có cần tiếng chiêng, bởi tiếng cồng chiêng chắc chắn không được cảm nhận linh thiêng khi vẫn tấu lên hằng ngày trước một đoàn du khách bước vào khu du lịch.

>>Kỳ lạ Tết Tây Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những mảng màu Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO