Nhớ mãi anh Hai Chiêu - người cách mạng lão thành trong sáng, trung thành

VÕ NGỌC AN - (Nguyên P.Giám đốc Sở VHTT TP.HCM)| 05/11/2011 01:31

Ở cương vị nào, anh Hai Chiêu cũng tận tâm tận lực phục vụ sự nghiệp chung với tinh thần “cần- kiệm- liêm- chính, chí công-vô tư” trong sáng, theo đúng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Nhớ mãi anh Hai Chiêu - người cách mạng lão thành trong sáng, trung thành

Nhận được tin đồng chí Nguyễn Chiêu tức Trần Văn Hiểu từ trần, chúng tôi- những cán bộ kỳ cựu từng trải qua hai cuộc kháng chiến ở thành phố Hồ Chí Minh- cảm thấy vô cùng đột ngột và tiếc thương vô hạn đối với một bậc đàn anh cách mạng lớp trước quê ở đất thép Củ Chi, thường được gọi thân mật là Hai Chiêu.

Đài tưởng niệm "An Phú Đông"

Đột ngột, vì chỉ mới cách nay ít ngày, ai đến thăm ngôi nhà miệt vườn ở ấp Trảng Lấm, xã Trung Lập Hạ huyện Củ Chi cũng sẽ gặp một cụ ông tóc bạc đã bước sang tuổi 85 mà cơ thể vẫn săn chắc một màu sạm đen vì nắng gió, đang chăm nom vườn tược hoặc cùng với cụ bà chăn nuôi một bày heo hàng trăm con với một đàn gà đông lúc nhúc, hệt như một “lão nông tri điền”. Một lão nông như thế không có dấu hiệu nào để nghĩ đến bệnh tật, chứ đừng nói là một tin buồn.

Khi bước vào phòng khách của cụ, nhìn thấy các bằng Huân chương Kháng chiến hạng nhất (chống Mỹ), Huân chương Kháng chiến hạng Ba (chống Pháp), Huân chương Quyết thắng, Huân chương Lao động, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng của cụ ông cùng những bằng Huân chương và Huy hiệu tương tự của cụ bà treo trên tường dưới chân dung Hồ Chủ tịch, người ta mới biết chủ nhân ngôi nhà này là các bậc lão thành cách mạng.

Anh Hai Chiêu đã hoạt động trong tổ chức Thanh niên Cứu quốc của mặt trận Việt Minh từ thời tiền Khởi nghĩa, tham gia cướp chính quyền ở huyện Hóc Môn (khi ấy bao gồm Củ Chi) và tham dự cuộc mít tinh lịch sử ngày 25/8/1945 tại Sài Gòn chào mừng thành công của Cách mạng Tháng Tám ở Nam Bộ. Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, anh thoát ly gia đình vào chiến khu An Phú Đông để chiến đấu chống quân xâm lược và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Anh cưới cô du kích Nguyễn Thị Trọng và từ đó hai vợ chồng trở thành đồng chí cho đến trọn đời. Tỉnh ủy Gia-Định-Ninh (Gia Định và Tây Ninh) thành lập, đồng chí Nguyễn Chiêu trở thành ủy viên thư ký dưới quyền Bí thư Tỉnh ủy Mười Thới, đồng thời dẫn dắt một thiếu niên đồng hương dũng cảm tên là Phan Văn Khải tham gia kháng chiến.

Hòa bình lập lại, anh Hai được tập kết ra miền Bắc, tốt nghiệp kỹ sư xây dựng và trở thành Phó Giám đốc Công ty Xây lắp I Bộ Công nghiệp Nhẹ. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bùng nổ, anh xung phong “đi B” để được trở về miền Nam chiến đấu. Nhờ có trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức cao, anh được giao phụ trách Phó ban Kinh-Tài Miền, một chức vụ quan trọng để đáp ứng cơ sở vật chất cho cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Sau ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, Ban Kinh Tài Miền đã tiếp quản các cơ quan tài chính do chế độ cũ để lại một cách tốt đẹp, và Phó ban Nguyễn Chiêu được bổ nhiệm làm Trưởng ban Tổ chức chính quyền TP. Hồ Chí Minh. Do việc sắp xếp lại nhân sự từ miền Bắc chi viện vào Nam, Trưởng ban Nguyễn Chiêu lại trở thành Phó ban Tổ chức chính quyền, rồi là Phó ban Thi đua Khen thưởng TP.Hồ Chí Minh. Ở cương vị nào, anh Hai Chiêu cũng tận tâm tận lực phục vụ sự nghiệp chung với tinh thần “cần- kiệm- liêm- chính, chí công-vô tư” trong sáng, theo đúng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Là người từng nắm giữ những cương vị có quyền xét duyệt chức vụ, cung cấp nhà cửa và nhiều quyền lợi vật chất khác cho cán bộ, đồng chí Nguyễn Chiêu không dành cho cá nhân và gia đình mình bất cứ một sự ưu tiên nào. Vừa tròn 60 tuổi, anh thảnh thơi về nghỉ hưu trên mảnh đất quê nhà trong sự kính trọng và quý mến của biết bao đồng chí đồng nghiệp các thế hệ, sống yên vui bằng vườn cây và một trại heo nái heo rừng với người vợ hiền và con cháu quây quần.

Sự nghiệp cuối đời anh là việc phối hợp với các đồng chí Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết và nhiều vị lão thành cách mạng khác xây dựng Câu lạc bộ Kháng chiến Gia Định để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau. Anh cũng dành tâm huyết để hoàn thành bộ Gia phả để lưu lại truyền thống quý báu của gia tộc mình. Đôi lúc những người thân hỏi anh về việc lo hậu sự, anh bảo không cần phải tìm một chỗ vinh dự nơi nghĩa tranh thành phố, mà chỉ muốn trở về với mảnh đất của ông bà mình.

Bệnh tật bất ngờ đã đột ngột cướp đi sinh mạng của một người cách mạng với cái tâm trong sáng suốt đời phục vụ nhân dân. Xin phép các bậc lão thành cách mạng, tôi viết bài này để tiễn đưa hương hồn anh Nguyễn Chiêu - Trần Văn Hiểu về an nghỉ với ông bà tại mảnh đất của gia tộc thuộc ấp Bàu Chứa, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

Quốc Lê ghi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhớ mãi anh Hai Chiêu - người cách mạng lão thành trong sáng, trung thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO