Nhanh như... người trẻ Seoul

BÍCH HỒNG| 24/02/2017 06:36

Dường như những người trẻ Seoul đều đang đi với dáng như chạy. Mạnh mẽ và nhanh nhẹn, rất khác với thanh niên ở vùng Đông Nam Á, khác cả người Nhật và Trung Quốc.

Nhanh như... người trẻ Seoul

Chúng tôi đến Seoul, thủ đô Hàn Quốc đúng dịp Tết Đinh Dậu. Seoul lúc này vắng ngắt vì một cuộc di dân về quê diễn ra trong ba ngày Tết. Nhưng thành phố 11 triệu dân này bừng tỉnh trở lại rất nhanh vào sáng mùng 3 tháng giêng. Và ngay lập tức chúng tôi cảm nhận được nhịp sống của một thành phố hiện đại.

Đọc E-paper

Mặc dù nhà cao tầng nhiều, nhưng cảm giác về sự hợp lý, độ co giãn vừa phải trong hình khối kiến trúc của hàng trăm khu nhà chọc trời san sát ở Seoul không gây cảm giác bức bối, tẻ nhạt. Cái khác lạ nữa ở Seoul chính là dáng đi nhanh nhẹn, sải bước mạnh mẽ của thanh niên trên phố.

Cải cách kinh tế thành công từ 40 năm trước đã đủ thời gian để một thế hệ hoàn toàn mới ra đời thừa hưởng thành quả và là dấu ấn của đời sống hiện đại xứ này. Và thế hệ đó có rất nhiều thay đổi so với cha anh họ.

Người Hàn thường giới thiệu lịch sử phát triển đất nước gắn liền với hình ảnh của Tổng thống Park Chung Hee - người đã từng khóc khi thấy người dân nước mình quá nghèo khổ. Người Hàn đã vượt qua rất nhiều mặc cảm nghèo hèn để đi lên. Và chính vì lẽ đó họ trân trọng hòa bình như một báu vật, dạy cho trẻ em hiểu hòa bình là viên ngọc phải giữ với bất cứ giá nào.

Tôi có quen một cô gái tên Minh Anh đang làm việc trong một tổ chức giúp đỡ người Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc hoặc sang đây làm ăn. Minh Anh đến Hàn Quốc từ khi 13 tuổi. Đến năm 20 tuổi cô cùng chị gái thi để nhập quốc tịch Hàn. Buổi thi có một câu hỏi: "Nếu có chiến tranh giữa hai miền Nam và Bắc Hàn, bạn sẽ làm gì?". Tưởng như câu hỏi vô cùng dễ, chị của Minh Anh trả lời: "Nếu chiến tranh xảy ra, tôi sẽ xung phong ra chiến trường làm y tá cứu chữa thương binh, đóng góp xương máu của mình cho đất nước".

Cô chị đã bị thất bại với chính câu trả lời này, không được chấp nhận cho nhập quốc tịch. Lý do là cô nói dối khi không hề có bằng cấp y tá và trả lời sai với đáp án. Cô em - tức Minh Anh, viết: "Tôi sẽ trở về nông thôn sống với mẹ và làm nông. Tôi sẽ cố làm để có lương thực gửi ủng hộ binh lính". Minh Anh may mắn hơn đã được chấp nhận nhập quốc tịch Hàn Quốc, nhưng giám khảo nói là "đậu vớt". Đáp án phải là "Nếu là công dân Hàn Quốc, bạn phải tư duy theo hướng làm tất cả mọi điều để chiến tranh không bao giờ xảy ra nữa, chứ không phải nỗ lực để giành chiến thắng". Vâng, quả là bài học nền tảng rất hay về tình yêu nước cho trẻ em và những người muốn nhập quốc tịch Hàn Quốc.

Đó là điều quan trọng trong nền giáo dục của Hàn Quốc đối với công dân. Làm cho chiến tranh không xảy ra, đó mới là chiến thắng. Tư duy đó chi phối tất cả các tư tưởng khác, thúc đẩy người Hàn đi tìm hạnh phúc trên nền tảng giữ gìn thành quả lao động xây dựng đất nước.

Cái đáp án đó được áp đặt luôn cho tất cả những người nước ngoài nào muốn sinh sống, làm việc tại xứ Hàn như một mệnh đề tất yếu. Đó là cách thể hiện lòng yêu nước tuyệt đối kiểu Hàn!

Không cần phải dẫn ra đây về thu nhập bình quân đầu người thế nào, GDP của họ ra sao, bởi vì sự thành công của kinh tế Hàn Quốc từ những năm cuối của thế kỷ XX đã là một kỳ tích.

Ở đây chúng tôi cảm nhận được sự bối rối của một thế hệ trẻ Hàn. Lee Jong Ho là một thanh niên nông thôn đến thủ đô Seoul tìm cơ hội. Anh làm việc trong một công ty, và cảm nhận tất cả áp lực công việc, cuộc sống đô thị lên tuổi trẻ. Làm việc trên 10 tiếng đồng hồ, thậm chí 12 hai giờ mỗi ngày, tiếp tục dành thời giờ học thêm và không hẹn hò, nhưng lãnh đaọ công ty, những đồng nghiệp lớn tuổi vẫn thúc giục anh, thậm chí so sánh anh với những người lớn tuổi, rằng tuổi trẻ ngày nay thật lười biếng, không giống như cha anh họ.

Lee Jong Ho nói rằng, cách đây 40 năm, một thế hệ, một tư tưởng chiếm lĩnh Hàn Quốc trong quá trình đi lên là tất cả mọi người đều chỉ biết làm việc, thậm chí đất nước trước tiên, công ty trước hết, cuối cùng mới là gia đình và đời sống cá nhân. Người già không ngừng kể chuyện 50 năm trước, quân đội vào tận nhà buộc nông dân ra đồng, buộc họ phải làm việc 15 giờ trên cánh đồng của chính họ. Điều đó đã làm nên kỳ tích Hàn Quốc thập niên 1970 - 1980.

Nhưng chính lối sống và làm việc đó tạo ra một áp lực cho người trẻ hôm nay, dường như họ kém cỏi hơn cha anh, thích hưởng thụ hơn ông bà. Áp lực quả là không nhỏ!

Chúng tôi dạo trên phố và ngạc nhiên, ở đâu mà trai xinh, gái đẹp tràn ra đầy đường phố thế! Cảnh sát đứng gác trước dinh tổng thống, gọi là "Nhà Xanh" ấy, trông họ cao lớn, đẹp và mức độ sành điệu trong dáng dấp thì... ngang với diễn viên điện ảnh nổi tiếng! Đến một người bán bánh gạo và mì cay ở phố đi bộ cũng phẫu thuật thẩm mỹ để có gương mặt khả ái, nhằm làm cho cuộc sống, công việc dễ dàng hơn.

Một cuộc điều tra dân số dưới 35 tuổi tại quận Gangnam, Seoul cho biết, 57% người trong độ tuổi này đã qua phẫu thuật thẩm mỹ một lần. Trẻ em tiểu học và trung học được bố mẹ treo thưởng, nếu đứng top 5 trong trường, nếu thi đậu đại học, sẽ cho món tiền lớn để làm thẩm mỹ.

Điều này đã trở thành bình thường trong đời sống người Hàn. Phải đẹp hơn, phải có việc làm tốt hơn từ tri thức, phải có nhiều tiền hơn để trụ được cuộc sống đắt đỏ tại Seoul, không thể khác!

Dường như những người trẻ Seoul đều đang đi với dáng như chạy. Mạnh mẽ và nhanh nhẹn, rất khác với thanh niên ở vùng Đông Nam Á, khác cả người Nhật và Trung Quốc. Áp lực đang đẩy họ đi với tốc độ đó. Một thời gian trên các báo chí Hàn Quốc đã phản ánh tiếng nói của một số tổ chức xã hội, cho rằng thanh niên Hàn đang chịu áp lực quá lớn từ gia đình, từ công ty và cuộc sống đắt đỏ nên họ có xu hướng tìm công việc và chuyển ra nước ngoài sống.

Seoul vô cùng đắt đỏ. Seoul chuyển động rất nhanh. Đó là một nước châu Á rất lạ trong con mắt du khách Việt Nam. Và chúng tôi đều cảm thấy xứ mình đang rất cần học hỏi một điều căn bản của người Hàn, đó là thúc đẩy tất cả vào một giai đoạn sống trong kỷ cương và làm việc với năng suất như họ để vượt qua đói nghèo. Người Hàn đã chấp nhận trả giá, dù đó là vấn đề đang gây tranh cãi.

Phải xây dựng được một đất nước giàu có, có kỷ luật như xứ Hàn hôm nay, đó là con đường nhiều quốc gia châu Á khác đang và cần hướng tới.

>Giới trẻ Singapore đau đầu vì cuộc sống đắt đỏ

>Làm nhiều, tiêu ít như... người Nhật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhanh như... người trẻ Seoul
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO