Người biết lắng nghe "tiếng nói" của người chết

XUÂN LỘC/DNSGCT| 28/09/2013 09:44

Mấy chục năm qua ông đã âm thầm cùng cơ quan điều tra làm sáng tỏ hàng ngàn vụ án, từ án tai nạn giao thông, tai nạn lao động đến các loại án hình sự. Để tránh oan sai cho người còn sống cũng như làm sáng tỏ nguyên nhân tử vong của người đã chết, ông không ngần ngại tìm đến tận mộ người chết để giám định tử thi.

Người biết lắng nghe

 Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyền là người đã có hơn 45 năm gắn bó với nghề giám định pháp y. Mặc dù đã có thể nghỉ ngơi, vui thú điền viên từ nhiều năm trước nhưng đến nay, vị bác sĩ lão thành vẫn miệt mài ngày ngày có mặt tại trung tâm giám định pháp y TP.HCM. Kể cả những ngày cuối tuần để trực tiếp làm việc trên các xác chết.

Mấy chục năm qua ông đã âm thầm cùng cơ quan điều tra làm sáng tỏ hàng ngàn vụ án, từ án tai nạn giao thông, tai nạn lao động đến các loại án hình sự. Để tránh oan sai cho người còn sống cũng như làm sáng tỏ nguyên nhân tử vong của người đã chết, ông không ngần ngại tìm đến tận mộ người chết để giám định tử thi.

Với lối trò chuyện gần gũi và tác phong nhanh nhẹn, trông bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyền trẻ trung hơn nhiều so với tuổi 76. Khi trò chuyện, hai bàn tay ông đan vào nhau một cách điềm tĩnh. Đôi bàn tay điểm nhiều nốt đồi mồi và có nhiều nếp nhăn ấy vẫn thường xuyên tạo những nhát cắt điêu luyện trên xác người, là cách ông “lắng nghe” câu chuyện của người chết.

BS Nguyễn Thanh Tuyền - Tranh: Hoàng Tường

Gặp ông, chúng ta dễ dàng bị cuốn vào những câu chuyện thú vị về nghề mà ông đã trải qua.

* Vì sao ông chọn nghề giám định pháp y, một nghề mà hầu hết mọi người đều muốn tránh?

- Vì cuộc sống cần những bác sĩ giám định pháp y, để giúp giải oan cho người chết, đem lại công bằng cho người sống, đôi khi cả công bằng cho thủ phạm vì giám định pháp y sẽ cho thấy hành vi của thủ phạm là vô tình hay cố ý. Đó là yếu tố làm nên công lý và công bằng cho xã hội.

Thực tế thì khi chọn nghề này, tôi cũng phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Thời sinh viên, lớp tôi có hơn 200 học sinh mà chỉ có mình tôi chọn ngành pháp y. Lớp học pháp y trông thật “hiu quạnh” vì chỉ một thầy một trò là giáo sư Vũ Công Hòe và tôi.

Chọn nghề này, tôi bị người thân và bạn bè phản đối kịch liệt, các sinh viên khác thì gọi tôi là “đồ tể”, những ngày họp mặt, khi muốn bắt tay bạn bè thì bị bắt bẻ: “Ông đã rửa tay chưa?”, các cô gái khi nghe đến nghề “mổ xác” thì không dám đến gần, ngày tết không dám đi chúc tết vì sợ mang xui xẻo đến nhà người khác…

* Hẳn đã có những câu chuyện khiến ông quyết tâm theo nghề?

- Tôi không bao giờ quên lần đầu tiên đặt dao vào một tử thi là đứa bé vừa tròn sáu tháng tuổi. Đứng trước xác chết có gương mặt ngây thơ và đẹp như thiên thần, trong tôi có một sự xúc động mãnh liệt lẫn thương cảm đến nao lòng.

Tôi thầm nghĩ “Đứa bé còn quá nhỏ, chưa biết gì về cuộc đời này mà đã phải ra đi”. Từ đó, tôi quyết định chọn công việc mổ xác bệnh nhân để rút kinh nghiệm cho điều trị, tìm nguyên nhân tử vong.

Cũng có lúc tôi gặp tai nạn với nghề, khi cô thư ký không cẩn thận, khiến cho bản giám định pháp y của một người không bị bệnh tâm thần thành người có bị bệnh tâm thần. Cùng với báo chí, vụ việc gây chấn động trên cả nước.

Cô thư ký lại đang mang thai ở những tháng đầu, vì không muốn những ảnh hưởng lớn về tâm lý có thể dẫn đến sẩy thai nên tôi đã nhận hết sai sót. Kết quả tôi bị kiểm điểm, thanh tra nhiều lần, bị đưa ra hội đồng kỷ luật thành phố.

Thấy tôi vẫn điềm nhiên, không lên tiếng thanh minh, đồng nghiệp, người thân càng tỏ ra sốt ruột. Cuối cùng, tôi được giải oan, uy tín của tôi cũng không bị ảnh hưởng gì. Từ đó, tôi tin vào sự thật và công lý.

* Và khi càng đi sâu vào nghề giám định pháp y thì càng đam mê, như cách nói của Bác sĩ Phan Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y TP. Hồ Chí Minh?

- Hoàn toàn đúng, nhờ đam mê nghề mà tôi mới có thể gắn bó với nghề hơn 45 năm qua. Điều làm tôi mê nghề giám định pháp y là sau quá trình giám định, chúng tôi phát hiện ra những yếu tố bất ngờ trong mỗi vụ án. Thật kỳ lạ là người chết như có tiếng nói riêng mà chỉ có bác sĩ pháp y mới “nghe” được.

Có những vụ án khi đưa ra ánh sáng lại có một kết quả ít ai ngờ đến. Chẳng hạn như một tai nạn giao thông làm cho một tài xế chết ngay tại chỗ và tài xế còn lại phải vào cấp cứu ở bệnh viện.

Theo những dữ liệu tại hiện trường thì tài xế bị thương là người có lỗi nhưng khi tôi giải phẫu trái tim người chết thì phát hiện người này bị nhồi máu cơ tim. Cơn đau tim đến bất ngờ khiến cho người tài xế này bất tỉnh khi đang lái xe và gây tai nạn. Từ đó, kết quả giám định của tôi đã giúp giải oan được cho người tài xế còn sống.

Giám định pháp y là khâu đầu tiên và quan trọng nhất của quá trình điều tra án. Những kết luận của bác sĩ sẽ là cơ sở để cơ quan điều tra lần tìm manh mối để phá án. Vì vậy, tôi thường phải tập trung làm việc cho đến khi đưa ra được kết luận chắc chắn nhất về vụ việc mới thôi.

* Hẳn những bác sĩ giám định pháp y như ông phải “hao tổn tâm trí” rất nhiều cho công việc vì tìm ra nguyên nhân của một vụ án là việc không hề đơn giản…

Đúng vậy. Tôi còn nhớ một vụ án xảy ra vào đầu những năm 1990 tại một xã vùng xa ở tỉnh Đồng Nai. Do mâu thuẫn nên mới buổi sáng, người vợ bị chồng tát mấy cái vào mặt. Đến trưa, cô vợ ngất xỉu và tử vong trên đường đưa đến bệnh viện.

Người chồng vừa hoang mang, hối hận lại vừa phải chịu nhiều sức ép từ gia đình vợ và dư luận. Đến khi chúng tôi kiểm tra phổi của nạn nhân thì thấy có một lượng chất lỏng màu đen và một số vỏ trấu nhỏ găm vào phế quản.

Thì ra buổi sáng hôm đó, sau khi bị chồng đánh, người vợ đã chạy ra sau nhà và bị trượt chân, ngã úp mặt vào vũng nước bẩn có lẫn cả vỏ trấu cạnh chuồng heo.

Lúc ngã xuống, vô tình một lượng nước bẩn lẫn vỏ trấu đã qua mũi vào cơ thể, gây ngộ độc, còn những vỏ trấu nhọn thì găm chặt vào phế quản theo mỗi lần hô hấp, dẫn đến cái chết kỳ lạ. Từ kết quả đó, nỗi oan giết vợ của người chồng đã được làm sáng tỏ.

* Có trường hợp nào mà kết quả giám định pháp y của ông được đưa ra như một đòn tâm lý để hung thủ ra nhận tội không?

- Cũng có khi như vậy. Còn nhớ tôi từng giám định xác một phụ nữ được phát hiện trong giai đoạn phân hủy ở quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Công an và những người thân đều cho rằng người phụ nữ này chết vì bị bệnh nhưng kết quả xét nghiệm tử thi của chúng tôi khẳng định rằng cô ấy bị siết cổ. Ngay ngày hôm sau, hung thủ đã tìm đến công an nhận tội là đã siết cổ nạn nhân để cướp của.

Đó là một trong những trường hợp ít gặp với những hung thủ “nhát gan”, còn thông thường chúng tôi phải phối hợp với cơ quan điều tra để vạch mặt người phạm tội.

Chẳng hạn như trong vụ án Năm Cam, đối tượng Châu Phát Lai Em (tay chân thân tín của Trương Văn Cam) đã phạm tội giết một công nhân bốc xếp tên Đổng Chí Nam. Nhiều bản giám định trước đó cho kết quả là hung thủ “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Còn bản giám định cuối cùng của tôi khẳng định hung thủ Châu Phát Lai Em cố ý giết người và buộc phải lĩnh án tử hình.

* Công việc lấy lại công bằng cho người chết chắc hẳn cũng có khi làm cho người sống không hài lòng vì uy tín, sự nghiệp của họ có thể bị ảnh hưởng bởi một kết quả giám định pháp y, nhất là trong những vụ án hình sự. Trong mấy chục năm làm nghề giám định pháp y, bác sĩ và gia đình có từng bị đe dọa, trả thù?

- Nguy hiểm với bản thân và gia đình là điều khó tránh khỏi đối với những ai đã bước chân vào nghề này. Vì công việc giám định pháp y sẽ “đụng chạm” đến nhiều người ở nhiều địa vị khác nhau trong xã hội, trong đó có những vụ án tôi từng giám định có liên quan đến chủ tịch huyện, công an tỉnh… Còn tôi chỉ là một người không chức quyền, chỉ phục vụ cho lẽ công bằng mà thôi.

Cách đây cũng khá lâu rồi, khi con tôi còn nhỏ. Ngày giáp tết, tôi đang chở con đi chơi ở quận 2 thì một chiếc xe máy chạy ngược chiều với vận tốc lớn cứ thế tông thẳng vào xe tôi. Cũng may, cả nhà không ai bị nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng sau tai nạn đó,  các con nói với tôi: “Từ nay tụi con không đi chơi với ba nữa đâu, nguy hiểm lắm!”.

Ngày tôi còn làm ở Tổ giám định pháp y (gần Bệnh viện Nguyễn Tri Phương), tôi còn nhận được cả những lời đe dọa bằng hình ảnh, lời nói. Một buổi sáng đến cơ quan, tôi thấy ngay trước cửa phòng làm việc có dán tờ giấy ghi tên mình kèm với hình ảnh chiếc quan tài đi thẳng đến nghĩa địa!

* Với người “yếu bóng vía” thì khó lòng trụ lại nghề trước những lời đe dọa như thế...

Những lời đe dọa đơn giản đó không thể làm tôi bỏ nghề. Tôi không phải là người quá mạnh mẽ nhưng có lẽ tôi hơi lý tưởng hóa nghề y pháp theo như lời dạy của thầy Vũ Công Hòe: “Bác sĩ pháp y nói thay cho những người không còn nói được, cứu những người còn sống và đem đến công lý cho những người khác”. Chính những ý nghĩa đó đã giúp tôi tồn tại với nghề.

Thực tế, khi làm trong ngành này, ngoài những nguy hiểm rình rập đâu đó thì còn có những lúc khó xử nữa. Tôi từng giám hung thủ lại là người có quan hệ họ hàng với mình. Dù kết quả mà tôi viết ra có thể là phiền lòng một số người thân thiết nhưng với trách nhiệm là người đưa lẽ phải ra ánh sáng thì tôi cũng không thể thay đổi phải - trái, trắng - đen.

* Như bác sĩ đã nói, kết quả của bác sĩ giám định pháp y là khâu quan trọng nhất của quá trình điều tra án. Nếu không quá lý tưởng về nghề thì một người nắm quyền “sinh sát” như ông hẳn đã có nhiều cơ hội để có nhiều tiền?

- Hầu hết chúng ta sống trên đời này đều muốn có một cuộc sống sung túc. Tôi cũng cần nhiều tiền cho cuộc sống bản thân và gia đình. Nhưng nếu chúng ta chạy theo đồng tiền bất chấp công lý, lẽ phải thì liệu còn ai tin vào công lý nữa. Tư tưởng vì tiền bất chấp đạo lý và cả tính mạng của người khác đã sản sinh ra nạn phong bì trong y tế, phong bì trong giáo dục và tham nhũng nói chung.

Trong mấy chục năm làm nghề này, tôi có rất nhiều cơ hội để có tiền, thậm chí có thể có nhiều tiền, nhất là giai đoạn tôi làm Tổ trưởng Tổ giám định pháp y thành phố, chịu trách nhiệm về giám định thương tật, thương vong và giám định tâm thần cho hầu hết các trường hợp vi phạm trên toàn thành phố và một số tỉnh lân cận. Nhưng nếu kiếm tiền trên xác chết có lẽ tôi đã không thể có được giấc ngủ ngon như lúc này vì những người chết oan khó lòng để tôi sống yên.

* Ông có tin vào yếu tố tâm linh không?

- Tôi vẫn tin có “người âm” và cả những câu chuyện kể về những người chết oan đã “dẫn lối” cho người sống tìm đến nơi chôn giấu xác của họ.

* Ông có e ngại rằng “người âm” sẽ phẫn nộ khi ông mổ xác hoặc lấy một phần cơ thể của “họ” đem về nghiên cứu?

- Tôi nghĩ việc mổ xác không nhằm mục đích xấu mà cốt yếu là tìm ra nguyên nhân cái chết, giải oan cho người đã chết nên có lẽ “họ” sẽ không phẫn nộ mà còn cảm ơn tôi đấy chứ. Tôi tin điều đó vì mấy chục năm qua, tôi chưa từng gặp một người âm nào cả.

* Thời gian qua, ông đã làm sáng tỏ rất nhiều vụ án, từ đơn giản đến phức tạp. Mặc dù ông không màng danh hiệu nhưng những thành tích của ông trong ngành vẫn được nhiều người biết đến. Đến hôm nay thì có lẽ công việc của ông đã nhận được sự cảm thông của gia đình, họ hàng rồi chứ?

- Có thể nói là hiện nay, tôi đã được mọi người nhìn bằng con mắt khác, không còn là “đồ tể” như ngày xưa nữa. Thực ra làm cái nghề này rồi thì ít nhiều cũng phải chấp nhận thái độ khó chịu của mọi người và không ngại hy sinh bản thân mình nữa.

Cần phải thấy rằng bác sĩ giám định pháp y là một nghề khó. Làm bác sĩ chuyên khoa đã khó, làm bác sĩ pháp y còn khó hơn vì phải làm tốt cả giải phẫu học, mô học lẫn sinh lý học. Không chỉ thế bác sĩ pháp y còn phải hiểu cách điều trị cho tất cả các chuyên ngành như một bác sĩ đa khoa.

Thứ hai, nghề này rất khổ. Một xác chết hiếm khi sạch sẽ, thường dính nhiều máu me, đất cát, thậm chí cả phân, phải dùng nước, cồn… để rửa trước khi mổ. Nhiều xác chết lâu ngày bị thối rữa hoặc trương phình thì trở nên dị dạng, mùi hôi thối càng nồng nặc hơn.

Tôi từng chứng kiến nhiều nhân viên ngất xỉu ngay trong phòng mổ, có người sau khi mổ xong không dám ăn cơm vì bị ám ảnh bởi cảnh tượng người chết thối rữa. Nhiều bác sĩ pháp y chỉ đi làm được vài tuần đã phải bỏ việc vì không thể tiếp tục đối diện với xác chết.

Thứ ba là bác sĩ pháp y luôn phải làm việc quên mình. Tôi được biết một số bác sĩ sau khi làm việc ở trung tâm thì không còn thời gian dành cho phòng mạch của mình. Lúc nào có người chết thì ngay lập tức bác sĩ pháp y phải có mặt để tiến hành giám định tử thi.

Hiện nay, các bác sĩ chỉ mổ xác ở trung tâm pháp y, ở bệnh viện hoặc một phòng mổ gần nhà tang lễ Bình Hưng Hòa chứ trước đây, bác sĩ còn phải ra tận hiện trường để giám định, bất kể ngày hay đêm, nắng gắt hay mưa bão.

Những ngày tết, hầu như không có ngày nào không có người tử vong cần phải giám định pháp y, mỗi bác sĩ có khi phải mổ năm, sáu xác mỗi ngày. Vì vậy, nhiều bác sĩ ăn tết luôn ở trung tâm.

Còn thứ Bảy, Chủ nhật với bác sĩ pháp y cũng như những ngày bình thường, cũng làm việc từ sáng đến tối. Ngay cả Bác sĩ Phan Văn Hiếu (giám đốc) cũng có mặt cùng anh em cả ngày ở trung tâm để công việc luôn hoàn thành đúng tiến độ.

* Được biết việc tiếp xúc với tử khí và các hóa chất trong xử lý xác đã ảnh hưởng đến sức khỏe của các giám định viên pháp y rất nhiều. Có một số nghiên cứu về y học cho rằng các bác sĩ pháp y thường có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn và cũng dễ lây nhiễm các bệnh như lao, HIV… từ xác chết hơn các chuyên ngành khác, đúng không thưa ông?

- Chắc là có nhưng bản thân tôi có lẽ đã quá quen với tử khí và chất độc rồi. Giờ tôi xem việc hít formol mỗi ngày như một cách… sát trùng vậy.

* Nghề giám định pháp y vất vả là thế mà hiện vẫn có những nữ bác sĩ xông pha với nghề, trong đó có cả những người còn rất trẻ…

- Đó là những đóa hoa tuyệt vời trong ngành pháp y. Ở trung tâm hiện có bác sĩ Phương, một cô gái trẻ tuổi lại có niềm đam mê đối với ngành y pháp từ rất sớm. Tuy mới vào nghề nhưng đến thời điểm này, bác sĩ Phương mổ trên dưới hai mươi xác chết đồng thời lại rất hăng say với công tác nghiên cứu.

Tôi còn được biết con gái bác sĩ Hiếu, giám đốc trung tâm cũng muốn theo nghề của cha và anh ấy cũng rất hoan nghênh quyết định của con mình. Phải nói rằng phụ nữ làm nghề giám định pháp y là một sự hy sinh bản thân rất lớn. Nhưng nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ dành phần cho ai?

* Cảm ơn ông về buổi trò chuyện. Chúc ông luôn mạnh khỏe để tiếp tục góp sức của mình cho ngành pháp y.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người biết lắng nghe "tiếng nói" của người chết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO