Nghiệp làm tour

THANH MINH| 05/08/2016 06:13

Trưởng đoàn được hiểu là người có quyền cao nhất trong đoàn. Nghe có vẻ oai nhưng "cái nghiệp" này "ai có qua cầu mới hay"...

Nghiệp làm tour

Hình ảnh đại diện cho người làm du lịch là tour leader. Tour leaded thường là trưởng đoàn kiêm hướng dẫn viên của một đoàn khách du lịch. Trưởng đoàn được hiểu là người có quyền cao nhất trong đoàn. Nghe có vẻ oai nhưng "cái nghiệp" này "ai có qua cầu mới hay"... 

Đọc E-paper

1. Trời chưa kịp sáng, tôi được tour leader đánh thức: "Chú ơi, đoàn mình ăn sáng ở lầu 1, khu vực riêng, trên bàn có tấm card "Tour màu xám". Tôi đã ở nhiều khách sạn trên thế giới, khi ăn sáng có ai quy định phải ngồi bàn nào đâu. Tour leader lại phân bua: "Chú thông cảm vì khách sạn sợ cảnh lộn xộn của nhiều đoàn tour cùng dùng bữa một lúc".

Thật vậy, tôi đã từng chứng kiến tour leader của mấy đoàn du khách Trung Quốc khuyến cáo khách chỉ lấy đủ thức ăn, nhưng cảnh chen lấn, la hét inh ỏi vẫn diễn ra. Người quản lý khách sạn thấy các đoàn khác khó chịu, mắng vốn tour leader Trung Quốc, tour leader vì thượng đế của mình đứng nhìn cảnh ăn uống hỗn độn trong tuyệt vọng.

Người hướng dẫn du lịch được gắn cái mác tour leader (tour guide, tour manager, guideur touristique, couurier tourstique) luôn chịu áp lực phải chu toàn mọi việc, phải vừa lòng khách, phải vừa bảo đảm theo quy định của nước sở tại, vừa hoàn thành công việc kinh doanh của đơn vị.

2. Mấy tháng trước tôi theo tour du lịch châu Âu. Từ Pháp đến Thuỵ Sĩ chúng tôi phải vượt qua đoạn đường gần 600km. Hành lý lỉnh kỉnh kéo lê dọc theo đường ray của tàu TGV để tìm toa đi Geneva. Chúng tôi cực một thì tour leader cực mười vì phải khuân vác hành lý cho mấy người lớn tuổi trong đoàn.

Suốt hành trình, mỗi khi đến thăm từng di tích, tuy có hướng dẫn viên địa phương dẫn đường và thuyết minh theo quy định, nhưng tour leader không chỉ là người phiên dịch đơn thuần mà còn phải có kiến thức rộng mới có thể đáp ứng yêu cầu của du khách.

Có lần tôi tham gia tour đi thăm Myanmar, cả đoàn khá bất ngờ với kiến thức về Phật giáo của anh chàng hướng dẫn viên du lịch Vietravel. Suốt đoạn đường đến thăm các đền ở Yangon, anh đã cung cấp nhiều thông tin về lịch sử Phật giáo, về ý nghĩa sâu xa những lời dạy của Đức Phật. Anh giới thiệu về nhiều nhánh và nhiều hệ tư tưởng trong Phật giáo, về Phật giáo Myanmar, Phật giáo Việt Nam... Hỏi ra mới biết anh phải mất nhiều năm tu tập tại Học viện Phật giáo Việt Nam mới có kiến thức như vậy.

Thật vậy, ngoài vốn ngoại ngữ, các tour leader phải được đào tạo qua trường lớp và nhất là phải không ngừng trau dồi kiến thức về văn hoá, lịch sử và cả kinh tế, xã hội mới hoàn thành vai trò người hướng dẫn du lịch. Bài thuyết minh và cách diễn đạt của hướng dẫn viên có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tour. Một số tour leader do thiếu kiến thức đã chọn hình thức chọc cười, kể chuyện tiếu lâm, pha trò để "lấp chỗ trống".

Hướng dẫn viên Ngọc Hải hướng dẫn du khách làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất

Tất nhiên tour leader không phải cái gì cũng biết, nhưng người hướng dẫn thông minh vẫn có cách pha trò để trả lời những điều chưa biết. Có lần đoàn khách tham quan hồ Lehmann tại Geneva, Thuỵ Sĩ, du khách thấy một cây hoa rất đẹp nhưng không biết tên. Anh chàng hướng dẫn viên nói ngay: "Đây là cây khiết bông". Cả đoàn ngưỡng mộ, khen anh chàng quá giỏi, nhưng anh thú thật: "Khiết bông" nói lái là "không biết". Cây này lạ quá, cho em tìm hiểu sẽ trả lời sau". Cả đoàn cười ồ vì tính dí dỏm của anh chàng tour leader thật thà dễ thương, không giấu dốt.

3. Để có một tour du lịch trọn vẹn, công ty du lịch phải huy động các bộ phận liên quan vào cuộc. Bộ phận khai thác tour phải đi thực tế, khảo sát từng công đoạn, như điểm tham quan, khoảng cách từ khách sạn đến điểm tham quan, thời gian khách tham quan, địa điểm khách mua sắm...

Khó khăn nữa là việc tổ chức ăn uống. Đoàn có 15 người chẳng hạn thì có 4 người thích món Tây, 2 người thích món Hoa, 8 người muốn món Việt, 1 người ăn chay, vậy là "chín người mười ý”, chiều được không dễ, bởi được nhóm này khen thì nhóm khác có thể chê. Để chiều theo khẩu vị của du khách, không ít tour leader phải mang theo nước tương, nước mắm, thịt chà bông... trong suốt chuyến đi.

Nói đến du lịch thì không thể thiếu việc chụp ảnh. Không ít người mê chụp ảnh mà đi lạc. Thông thường, người này chụp cho người kia nên lỡ bị lạc thì vẫn có hai người, đỡ lo, nay có "gậy tự sướng", không cần người khác trợ giúp thì "tự lạc" là chuyện thường ngày. Một du khách mê "tự sướng" ở Viện Bảo tàng Vatican làm cả đoàn phải chờ rất lâu. Tất nhiên người đi tìm "trẻ lạc" là tour leader!

Có thể nói, tour leader là bộ mặt của các hãng lữ hành. Chính điều này cũng làm cho các bộ phận trong hãng "ganh tỵ". Tour thành công do tổ chức, điều hành tốt, tour bị khách góp ý thì do tour leader làm không tốt. Trong thực tế, người am hiểu khách là tour leader nhưng người thiết kế tour là bộ phận khác. Bộ phận này thường dựa vào góp ý của du khách sau mỗi chuyến du hành. Thế nhưng không mấy du khách thể hiện ý kiến của mình trên tờ góp ý của các hãng du lịch mà chỉ "nói miệng", có khi ác ý.

Hướng dẫn viên TST (người cầm cờ) chụp ảnh lưu niệm với một đoàn du khách Việt Nam thăm châu Âu

Người hướng dẫn du lịch, nhất là những người đưa du khách đi nước ngoài phải xa nhà ít nhất 7 ngày cho mỗi tour, chưa kể những tour dài ngày hoặc đi tour liên tục, hướng dẫn viên phải xa nhà cả tháng trời. Tour leader thì "đầu tắt mặt tối" vì công việc, khi rảnh thì trái múi giờ, có người cả tuần mới liên lạc được với vợ con.

Một anh hướng dẫn viên tâm sự: "Vì công việc mà không chu toàn việc nhà. Lúc đầu thì vợ thông cảm, một mình đưa con đi chơi. Có lần không về kịp sinh nhật, vợ giận cả tháng trời. Có lần không kịp giải thích về tin nhắn "khá thân thiện" của một nữ du khách thì cơn ghen nổi lên. Vợ chưa kịp nguôi giận thì công ty phân công đi tour tiếp gần cả tháng. Lần này vợ không còn giận nữa vì đã về nhà mẹ ruột ở luôn và gửi cho tôi tờ đơn ly dị!".

4. Chưa có ai đánh giá hết sự nhọc nhằn của người làm du lịch. Cách đây 25 năm, khi ngành du lịch Việt Nam đang chập chững, tour leader phải đối phó với bao luật lệ không rõ ràng, nhưng họ vẫn "có giá". Bây giờ thì khác, người làm du lịch đã có Luật Du lịch bảo hộ, được đào tạo bài bản nhưng phải chịu áp lực nhiều hơn. Ngoài việc phục vụ du khách, họ còn đối phó với đối thủ cạnh tranh, nhất là trong tình hình hiện nay.

Người làm du lịch còn gặp không ít rủi ro. Thí dụ như dịp lễ 30/4, 1/5 vừa qua, các tour du lịch nước ngoài của Vietravel, TST, Saigontourist phải chịu lỗ vì một số nước từ chối cấp visa vào giờ chót trong khi vé máy bay, khách sạn đã đặt chỗ. Đó là chưa kể phàn nàn của du khách về sự thay đổi không hẹn trước này.

Anh Lại Minh Duy - TGĐ Công ty Du lịch TST tâm sự: "Được khách khen rất khó, nhưng khách chê thì tiếng đồn rất nhanh".

Theo Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, năm 2015 ngành du lịch Việt Nam thu hút gần 8 triệu lượt khách nước ngoài, khoảng 35 triệu khách nội địa và có khoảng 5 triệu lượt khách trong nước du lịch nước ngoài thông qua 1.500 doanh nghiệp lớn nhỏ làm du lịch lữ hành. Nếu tính bình quân mỗi doanh nghiệp có 30 người thì Việt Nam đã có 45.000 người làm du lịch lữ hành.

Mọi thành viên trong làng du lịch có tên gọi rất oai, nào người hướng dẫn, người điều hành... nhưng thực chất là người phục vụ. Không ít người theo nghề du lịch để "phục vụ" người khác nhưng không "phục vụ" chu toàn cho người thân trong gia đình.

>Nghề làm nhà chòi trên biển

>Rày đây mai đó với nghề chăn thả gia súc

>Đổi mới ngành du lịch từ những việc nhỏ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghiệp làm tour
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO