Miền Trung: Đổ xô đi tìm vàng

VĂN CÔNG NGHĨA| 14/08/2014 07:08

Đào vàng sa khoáng đang lan tràn khắp núi rừng miền Trung trong những tháng mùa mưa này. Đi khắp các huyện miền núi của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đâu đâu cũng "nóng" chuyện trúng vàng.

Miền Trung: Đổ xô đi tìm vàng

Đào vàng sa khoáng đang lan tràn khắp núi rừng miền Trung trong những tháng mùa mưa này. Đi khắp các huyện miền núi của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đâu đâu cũng "nóng"chuyện trúng vàng.

Đọc E-paper

Hàng trăm phu vàng tập kết ở bìa rừng thuộc xã Trà Xinh, Tây Trà, Quảng Ngãi

Ào ạt phá rừng, cướp rãy

Trời sẩm tối, một ngày cuối tháng 7 ở huyện miền núi nghèo Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi. Sau hơn 2 giờ leo núi, cắt rừng, chúng tôi có mặt tại đỉnh núi Cà Nhút thuộc địa bàn thôn Trà Ong, xã Trà Quân. Tại đây, hàng trăm con người cùng máy bơm nước, máy phát điện, các dụng cụ đào đất rầm rập khoét núi.

Họ đang tìm vàng sa khoáng. Khi phát hiện có người lạ, tất cả tìm đường tẩu thoát, số ít còn lại không kịp trở tay đành cố thủ trong lán trại hoặc trốn trong các hầm vàng. Đảo quanh một vòng, chúng tôi đếm được có hàng chục hang hàm ếch được đào khoét quanh ngọn đồi này.

Hiện trường còn nguyên vẹn đồ nghề phục vụ cho việc khai thác: những chiếc máy nổ để xay đất đá, tuyển vàng, đồng thời cũng dùng để làm máy phát điện chiếu sáng cho những hầm ếch ăn sâu vào lòng núi; những chiếc xẻng, những chiếc xà beng, nồi cơm, ấm nước và có cả bơm kim tiêm chích ma túy vứt lỏng chỏng bên lán trại tạm bợ.

Tại hiện trường, một số người đang co ro trong hang ếch, cho biết, trong số hàng chục lán trại làm vàng ở đây có cả người từ nhiều tỉnh, thành khác đổ về và có cả hàng trăm người dân địa phương, trong đó có trẻ em ở Tây Trà và một số huyện lân cận tham gia khai thác.

Trước ống kính của chúng tôi, họ có chung một câu trả lời na ná nhau: "Mình mới đi bữa nay nên chưa biết, thấy người ta đi nên đi theo, tự đi làm rồi bán thôi". Rồi từ một hang khác, có kẻ bồi thêm:"Bọn tôi mới lên đây hồi chiều, mới lên nên không biết gì cả. Nghe họ đồn chỗ ni có vàng, có người trúng vàng rồi nên mới mò lên kiếm nhưng chưa kịp làm thì đã bị truy đuổi phải chạy trốn".

Đáng nói hơn, toàn bộ ngọn đồi này chính là "khu rừng thiêng", nơi chôn cất người quá cố của đồng bào Cor bản địa và rãy trồng lúa, trồng quế của đồng bào địa phương. Giờ thì cơn khát vàng đã cướp đi nương rãy của người dân, tàn phá cả rừng thiêng và động đến cả những phần mộ linh thiêng.

Bà Hồ Thị Dương, dân thôn Trà Ong, chỉ vào ngọn núi: "Tôi nói nó không nghe, nó phá hết ở dưới đó, vườn quế của nhà tôi nó phá hết. Báo cáo với thôn rồi mà cũng có được đâu. Nó vẫn đua nhau cướp rãy đào vàng".

Trời xẩm tối. Chúng tôi tìm đường xuống núi. Đó cũng là lúc đám người từ trong hầm sâu, rừng rậm quay trở lại bãi vàng. Những lán trại vừa bị lực lượng chức năng phá hủy trong chóng vánh lại được người làm vàng cấp tập dựng lên. Ngọn đối này chắc chắn lại tiếp tục rền vang như một đại công trường dưới cơn lốc tìm vàng của hàng trăm con người, bất chấp hiểm nguy, bất chấp sự truy quét của lực lượng chức năng.

Bỏ mạng vì vàng

Ở Tây Trà không chỉ có mỗi xã Trà Quân là "điểm nóng", mà nhiều xã khác trên địa bàn huyện nghèo này có hàng chục điểm khai thác vàng sa khoáng khác. Hàng ngàn người dân từ mọi miền, trong đó một phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số ngày đêm tìm vàng. Và đã có người bỏ mạng ngay tại bãi vàng.

Tại một bãi vàng thuộc thôn Trà Ong, một người chết tên là Đinh Văn Sô, sinh năm 1979 ở xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi và một người bị thương nặng đã được các phu vàng bí mật khiêng ra khỏi rừng ngay trong đêm để trốn tránh lực lượng truy quét. Nguyên nhân được xác định là do sập hầm, cây ngã đổ đè vào người.

Trên đường tiếp cận hiện trường, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện có những tốp từ 5 đến 20 phu vàng tìm đường xuống núi. Tất cả đều là người Hrê ở các xã Sơn Thành, Sơn Hải và một số xã khác của huyện Sơn Hà. Một trong nhóm xuống núi cho biết: "Nghe tin đồn có vàng nên anh em lên làm thử, nhưng không có, họ may mắn lượm được một ít, còn tất cả về không cả. Thậm chí bị cây đập chết mang xác về hồi hôm nữa".

Trên đường xuống núi, chúng tôi phát hiện có hàng trăm phu vàng đã tìm đường tháo chạy khỏi hiện trường hòng tránh sự truy đuổi của lực lượng chức năng. Không ai trong số họ tìm thấy vàng như tin đồn trong mấy ngày qua.

Chủ tịch UBND xã Trà Xinh Hồ Thanh Thuyền cho biết: "Chính quyền xã và lực lượng công an huyện Tây Trà đã phối hợp đẩy đuổi hơn 100 đối tượng ra khỏi địa bàn xã. Tình hình cơ bản tạm lắng". Nạn khai thác vàng trái phép ở huyện nghèo Tây Trà chưa bao giờ diễn ra rầm rộ như hiện nay.

Bãi vàng sa khoáng tại xã Trà Quân, Tây Trà, Quảng Ngãi

Chỉ qua vài đợt truy quét, Công an huyện Tây Trà đã tạm giữ gần 100 chiếc xe máy của hơn 100 đối tượng làm vàng kèm nhiều vật dụng làm vàng khác, nhưng đây cũng chỉ là con số ít ỏi so với con số hàng trăm phu vàng đang ráo riết tìm vàng khắp núi rừng Tây Trà.

Cơ quan này cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Tây Trà đã có ba người chết, một người bị thương vì khai thác vàng sa khoáng trái phép.

Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, các bãi vàng ở khu vực Phước Sơn, Phú Ninh, Hòa Bắc cũng đang "dậy sóng". Nghe tin đồn có người trúng 16kg vàng ở bãi vàng Khe Đương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), nhiều người dân lén lút lên rừng Khe Đương để tìm vận may.

Khu vực người dân (chủ yếu người dân xã Hòa Liên) vào khai thác tại Khe Đương thuộc tiểu khu 27 và 29, khoảng gần 8 ha. Tại đây, một số lán trại trái phép được dựng lên, một số nhóm đưa máy móc đến để khai thác vàng trái phép.

Ngày 11/7, thông tin trúng vàng lan ra, nhiều người lại kéo đến đây nhiều hơn, khiến tình hình rất khó kiểm soát, nhất là tình hình an ninh trật tự. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm lại mỏng, khó có thể kiểm soát hết. Vàng chưa thấy, nhưng một diện tích lớn rừng phòng hộ ở đây đã bị tàn phá.

Lực lượng Công an huyện Hòa Vang đã phối hợp với Kiểm lâm Hòa Vang và cơ quan chức năng vào khu vực Khe Đương đẩy đuổi, truy quét. Khi thấy lực lượng chức năng vào truy quét thì dân khai thác vàng bỏ trốn, để lại lán trại, máy móc.

Cơ quan chức năng đã hủy 6 lán trại, 4 hầm mỏ, 2 máy hơi, 1 máy nổ dùng để tuyển vàng; đẩy đuổi hàng loạt đối tượng lén lút lên Khe Đương khai thác... Tuy nhiên, khi tình hình tạm lắng xuống thì có người thổi bùng tin trúng 16kg vàng khiến Khe Đương lại "nổi sóng vàng", tình hình càng phức tạp.

Còn tại Quảng Nam, giữa tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Besra Việt Nam tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy khai thác vàng Phước Sơn và Bồng Miêu. Đây không phải là lần đầu tiên Tập đoàn Besra đưa ra quyết định này.

Vụ việc bắt nguồn từ khi Cục Thuế Quảng Nam tiến hành cưỡng chế bằng cách vô hiệu hóa đơn và phong tỏa tài khoản của Besra. Việc đóng cửa hai nhà máy này dẫn đến hơn một ngàn lao động mất việc. Đã có người chuyển sang làm công việc mót quặng hoặc quay lại nghề cũ.

Ông Hồ Văn Dũng, ở thôn 4, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam, từng làm công nhân nhà máy vàng Phước Sơn cho biết: "Hiện tại, nhà máy đóng của, cuộc sống của chúng tôi rất chi là khó khăn. Tương lai tôi không biết làm gì để nuôi sống gia đình. Chắc tôi trở lại nghề cũ, làm rẫy và làm gỗ...".

Trong những ngày này, trái với không khí vắng vẻ tại nhà máy, những ngôi làng chung quanh mỏ vàng bắt đầu sôi động. Tình trạng xâm nhập vào khu vực khai thác vàng của nhà máy để mót quặng thường xuyên xảy ra. Nếu hóa chất của nhà máy cũng bị đánh cắp thì hậu quả sẽ khó lường. Khi tạm nghỉ việc, số rất ít công nhân đã ký cam kết với công ty là không đào đãi vàng trong phạm vi ba trăm héc ta mỏ của nhà máy.

Nguy cơ tái diễn

Ông Nguyễn Cảnh, Bí thư Huyện ủy huyện Phú Ninh, Quảng Nam, cho biết: "Hiện tại, chính quyền địa phương đang tìm cách giải quyết việc làm tạm thời cho hàng trăm lao động của nhà máy như làm rừng, sản xuất... Tuy nhiên, số lao động này lớn tuổi, hơn nữa họ có kinh nghiệm khai thác khoáng sản nên nhiều người đã vào các hầm mỏ làm vàng trái phép".

Gần 300 tỷ đồng nợ thuế của Công ty Phước Sơn và Bồng Miêu đã tác động xấu đến việc phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam. Hơn nữa, làm thế nào để bảo vệ gần 5.000ha khu vực mỏ không hề đơn giản. Nguy cơ thất thoát tài nguyên cũng như mất an ninh trật tự là thực tế đang diễn ra.

Còn tại Quảng Ngãi, vì hầu hết các phu vàng đều là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên trong quá trình làm thủ tục giao trả lại số xe máy này, lực lượng chức năng đã tiến hành tuyên truyền, vận động và yêu cầu bà con phải ký cam kết không tái phạm. Đồng thời triển khai lực lượng chốt chặn tại các tuyến đường ra vào các điểm khai thác vàng.

Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Tây Trà cũng thừa nhận khó có thể đảm bảo cơn sốt vàng không tái diễn trong thời gian tới. Ông Hồ Trung Tập, Bí thư Huyện ủy Tây Trà, Quảng Ngãi phân trần: "Huyện thì quyết tâm nhưng triệt để được hay không còn tùy lực lượng nữa, phải có tỉnh hỗ trợ, người ngoài địa phương dễ bắt và truy quét (hơn người trong huyện, quen biết cả)...".

Ông Tập cũng thừa nhận có tình trạng đào luôn cả mồ mả của người thân đồng bào thiểu số để tìm vàng, có tình trạng phá rãy của bà con địa phương để tìm vàng, nhưng cũng khẳng định huyện rất khó xử lý.

Hiện tại, tình hình tại điểm nóng Trà Xinh đã tạm lắng, nhưng tại khu vực núi Nhút thuộc xã Trà Quân, giáp ranh với xã Trà Thanh của huyện Tây Trà, hàng trăm phu vàng vẫn ngang nhiên đào đãi.

Một số người dân địa phương cũng đã bị cuốn vào cơn lốc vàng sa khoáng. Cơn sốt vàng sa khoáng không chỉ tái diễn mà còn có nguy cơ lan rộng ra khắp núi rừng của huyện Tây Trà, nơi có tới hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Cơn lốc tìm vàng sa khoáng đã tràn về, không ai có thể biết bao giờ nó sẽ dừng hẳn, bao giờ núi rừng miền Trung bình yên trở lại. Những vùng núi nghèo khó, nay chắc chắn sẽ lại nghèo khó hơn vì dòng người bản địa bỏ nương rẫy, đổ xô tìm vàng ngày một nhiều thêm.

>Quỳ Hợp: Quật đá làm giàu
>Gần 25,5 tỷ USD FDI vào miền Trung
>
Khám phá tiềm năng kinh tế miền Trung

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Miền Trung: Đổ xô đi tìm vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO