Lữ khách đi tìm thời gian đã mất

TIẾN ĐẠT| 10/02/2017 06:43

Loại hình du lịch hoài cổ của nước ta có sức hút không hề nhỏ.

Lữ khách đi tìm thời gian đã mất

Tôi thích đặt mình vào tâm trạng của lữ khách để có cách nhìn khách quan hơn khi nhìn nhận, đánh giá sức hút, chiều sâu của một vùng đất. Tôi hoài cổ (nhưng không lụy cổ).

Đọc E-paper

Loại hình du lịch hoài cổ của nước ta có sức hút không hề nhỏ. Sẽ là điểm cộng và mang lại nhiều giá trị nếu chúng ta chọn đúng cách xây dựng, bảo tồn và phát huy văn hóa đích thực. 

1. Có những điểm đến, chúng ta luôn muốn khám phá sự mới mẻ, sang trọng, hào nhoáng, xa xỉ. Nhưng nhiều nơi, chúng ta muốn nhìn thấy sự cổ kính, trầm mặc.

Cho dù đã có dịp đặt chân qua nhiều vùng đất, nhưng trong tôi vẫn luôn dội lên khoái cảm khi chuẩn bị cho hành trình mới. Trên mỗi cung đường đất Việt thân yêu, tôi có nhu cầu chìm đắm vào văn hóa bản địa, khám phá linh hồn của địa danh, tìm hiểu phong tục tập quán còn gìn giữ qua bao đời của người bản xứ. Bởi vậy mà không ít khi, lòng bị chùng xuống khi chứng kiến cách địa phương đánh mất đi bao giá trị vốn dĩ là tài sản của cha ông. 

Có thời gian nghiên, cứu tìm hiểu nhu cầu và xu hướng của lữ khách, tôi phát hiện ra điểm chung khá phổ biến của họ: thích hoài niệm. Những tuyến điểm hút gần trăm triệu lữ khách ghé qua hằng năm trên thế giới như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Nga..., đặc biệt các quốc gia châu Âu, không phải vì những cao ốc chọc trời, những trung tâm mua sắm hàng hiệu khổng lồ, những trung tâm giải trí không thiếu thú chơi thời thượng, mà cốt lõi nằm ở không gian hoài niệm. Họ đã, đang và sẽ kiếm được tiền từ... nỗi nhớ và tình yêu quá vãng của lữ khách.

2. Tôi chẳng nhớ lần đầu mình ghé Hội An khi nào. Cũng không thể liệt kê mình đã từng đến đây bao nhiêu lần. Ghé Hội An, tôi luôn rơi trong cảm xúc được quay về. Quay về sắc thái tuổi thơ bình yên, mộc mạc hồn đất thời gian, đời sống quần cư ấm nhân tình.

Hội An, nỗi nhớ và sự thèm muốn của nhiều lữ khách. Phố nhỏ, ngôi nhà cũ, cửa sổ nhỏ luôn mở toang cửa chờ đón gió từ sông Hoài và gió biển từ Cửa Đại. Đêm trăng rằm, đèn điện nhường đèn lồng lung linh, huyền ảo, gợi nhớ cảnh sinh hoạt của người xưa từ hàng trăm năm trước. Đến với Hội An còn là dịp làm quen với những cảnh sinh hoạt đậm chất dân dã của người xứ Quảng, các trò chơi bài chòi, đập niêu, cờ tướng, hò đối đáp, quang cảnh sinh hoạt và buôn bán nền nã, quán cà phê giọt đen chậm rơi, hoàng hôn xuyên mép nước sông Hoài.

Không tuyến điểm du lịch Việt Nam nào còn bóng dáng thời cuộc, chiều sâu văn hóa mê hoặc lữ khách và phù hợp với loại hình "kinh doanh thời gian" như Hội An - nơi dân Tây từng gắn tên Faifo mang nhiều nghĩa.

Hội An, có nhiều người mộng mơ đề nghị sửa thành tên Phố Hoài. Nhưng, suy cho cùng, bản thân hai chữ Hội An, cho dù không viết hoa, cũng đã thành sức hút...

Làng cổ Phước Tích (Huế) - Ảnh: Tiến Đạt

3. Hà Nội cổ với 36 phố phường, là tài sản lớn của ngành văn hóa, du lịch Thủ đô. Nếu so với Hội An thì phố cổ Hà Nội còn phải học hỏi trong cách khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị cổ của một điểm đến. Đánh mất hồn cũ sẽ là cách tốt nhất và nhanh nhất để Hà Nội đuổi lữ khách.

Hà Nội còn sở hữu địa danh cổ khác cũng nằm trong điểm đến quan tâm của lữ khách trong và ngoài nước - làng cổ Đường Lâm, "mảnh đất hai vua" với các di tích lịch sử, tâm linh như đền thờ cụ Phùng Hưng và cụ Ngô Quyền, đình Mông Phụ, chùa Mía...

Lữ khách đến Đường Lâm vì họ thích không gian làng quê Bắc bộ cổ, với cổng làng, cây đa, quang cảnh sinh hoạt của người dân vẫn còn gắn với đời sống đồng ruộng, những ngôi nhà ba gian còn giữ nét cổ kính. Mỗi lần trở lại Đường Lâm, tôi vẫn thích gặp lại cụ bà bán quán nước với những món mang hồn quê như lạc rang, kẹo vừng, nước chè, nước vối, cùng lỉnh kỉnh hàng lưu niệm trước đình Mông Phụ. Tôi cũng không thể không ghé vào nhà anh Thể, một trong mươi chủ nhân ngôi nhà cổ của làng để ăn bữa trưa do gia đình anh nấu, nếu thích thì mượn chỗ nghỉ trưa tạm ngay trong ngôi nhà cổ qua nhiều thế hệ của gia đình anh.

Tháng 11 năm 2016 ghé lại, ngôi nhà anh vẫn thế, gia đình anh vẫn thế. Có khác, phát hiện dạo này anh Thể nấu rượu nếp cẩm, nếp than hoa vàng chiết ra chai nước suối bán 40.000 đồng/chai. Anh khoe, Bộ trưởng T. vừa ghé mua mấy chục chai tiếp khách quý. Hằng tháng, những hộ gia đình còn nhà cổ như anh Thể được chính quyền hỗ trợ 350.000 đồng, chỉ có họ mới biết nhiều hay ít, hay vừa đủ khi cần sự tham gia của họ mang tính kết nối cộng đồng.

Trong khi chuyện vãn, tôi đem suy nghĩ của mình tâm sự với gia chủ: tạo ra cái mới bao giờ cũng dễ hơn giữ lại hồn cũ, hương cổ, để biến thành sự khác biệt.

4. Thật khó so sánh giữa làng cổ Đường Lâm và làng cổ Phước Tích (Huế) để nói nơi nào quyến rũ hơn. Vì, hai nơi đại diện đặc trưng kiến trúc làng quê hai miền, quy mô, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa chắc chắn cũng không giống nhau. Nhưng có điều tất cả những ai từng ghé qua Phước Tích - ngôi làng cổ nhất Việt Nam đang được khai thác du lịch này đều cảm nhận sự bình yên, trầm mặc của nơi đã được gắn liền với hai câu thơ nổi tiếng: "Sống Cồn Dương thác về hà cát/Biệt ly cách mấy nhịp chờ sang sông".

Phước Tích có trên 100 ngôi nhà, trong đó hơn 30 nhà cổ, "tuổi" từ thấp nhất là một trăm đến cao nhất là hai trăm năm. Những căn nhà rường cổ kính này là một trong những yếu tố chính làm nên linh hồn làng cổ Phước Tích, được kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính gọi là làng di sản. Nơi đây còn có đình làng, miếu thờ, di tích 12 bến nước dọc bờ Ô Lâu, những di tích của văn hóa Champa, như miếu thờ linh vật Linga - Yoni của văn hóa Champa. Tháng 6 năm 2009, làng cổ Phước Tích được cấp bằng Di tích cấp quốc gia.

Sức hấp dẫn của Phước Tích không chỉ nằm ở cảnh quan, không gian làng cổ Trung bộ, mà lữ khách đến đây còn được tiếp cận với người dân bản địa, nghe họ kể những câu chuyện xưa, tích cũ xoay quanh văn hóa làng, người làng. Chính họ góp phần tạo nên linh hồn của văn hóa bản địa. Lữ khách sẽ trở nên lạc lõng và thấy nhàm chán khi đến một vùng đất mà chỉ được thưởng thức cảnh quan và xem bảng chép sử. Ngược lại, người bản địa sẽ đánh mất cơ hội để truyền tải thông điệp văn hóa, lịch sử của xứ mình cho những người bạn từ phương xa tới, nếu không có sự tương tác với lữ khách. Điều này đắt giá hơn nhiều lần những tài liệu, những khẩu hiệu mà chúng ta vẫn thường nhìn thấy, nghe thấy trong hành trình tôn vinh giá trị văn hóa Việt.

>>Phật Sơn nao lòng lữ khách

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lữ khách đi tìm thời gian đã mất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO