Lát hoa

PHƯƠNG HÀ| 11/12/2009 08:48

Lát hoa là loại danh mộc phân bổ nhiều nhất ở miền Tây Nghệ An, Thanh Hóa, có gỗ rất lạ, tùy chất đất mà cho vân là hình cúc đại đóa, lan hài, hay hoa hồng nâu..., gỗ mềm mà không cong vênh, không bị mối mọt, trường tồn với thời gian.

Lát hoa

1.Ba mươi bốn năm trước, sau 10 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam, đất nước vừa thu về một mối là tôi trở lại Nghĩa Đàn - một huyện miền Tây tỉnh Nghệ An. Tôi ân tình với vùng rừng núi thâm u này bởi không chỉ có gia đình anh chị tôi lập nghiệp khi tập kết ra Bắc mà còn bởi kỷ niệm một mối tình thơ dại...

Nói "rừng núi thâm u" là trước cuối những năm 1960, nghe rất xa xôi, nhưng cũng chỉ mươi năm quá vãng, còn lúc tôi trở về, con đường mòn 20km xuyên rừng già từ thị trấn Thái Hòa của huyện Nghĩa Đàn vào đến Nông trường Sao Việt nơi anh chị tôi làm công nhân đã là đường đất rải sỏi, dù lồi lõm nhưng xe tải chạy được, và rừng thì chỉ còn trên những đỉnh núi chơ vơ, bị bao vây bởi những vườn cam, vườn cà phê xanh um, tất cả là của tập thể trong trào lưu "làm ăn lớn xã hội chủ nghĩa".

Đã nghe bạn bè báo tin tôi hy sinh ở chiến trường, sau mấy tháng hòa bình, không hy vọng có phép lạ được gặp lại thằng em dang dở việc học hành để đi đánh giặc, nên khi tôi xuất hiện trước hiên nhà, anh chị tôi sửng sốt đến mức không tin đó là sự thật. Không phải muốn dành bất ngờ cho anh chị, mà thời ấy, ngoài điện tín và thư qua bưu chính, không có phương tiện liên lạc nào khác. Tôi lại ngại viết thư, điện tín thì từ Sài Gòn ra đến Nông trường Sao Việt cũng chẳng nhanh hơn chạy bộ. Cái đêm trùng phùng ấy, chị tôi không thể hiểu thằng em mong trời sáng đến mức nào, nhưng ông anh rể thì lâu lâu lại nháy mắt thông cảm với sự sốt ruột của người lính để được gặp lại người đàn bà một thuở yêu mình một cách... lạ lùng.

2. Dịp hè năm 1964, tôi về thăm anh chị của mình thì tình cờ gặp Thơm (xin được dùng tên giả) cùng đi bộ về Sao Việt. Một thư sinh, một gái quê không chân lấm tay bùn mà trắng trẻo, khuôn mặt thanh tú với đôi mắt hơi nâu, song hành quên đường xa, bụng đói, trở thành thân thiết như từng là bạn học lâu ngày gặp lại. Thơm kể cho tôi nghe bao chuyện về vùng quê ngoại vi thành phố Vinh, về việc vì sao không vào đại học mà trở thành cô giáo dạy trẻ ở Nông trường Sao Việt...

Mùa hè miền Tây Nghệ An nắng nóng đến mức mắt nứa khô dọc sông suối nổ lốp bốp như ngô rang. Chúng tôi dừng lại nghỉ trên ngầm Khe Tre mà nước chỉ còn xâm xấp mặt ngầm. Đã biết tuổi của nhau, nhưng không hiểu sao Thơm cứ xưng em với chàng trai sinh sau mình một năm rưỡi. Có thể Thơm không tin bạn đồng hành ít tuổi hơn mình, cũng như tôi không tin khi Thơm nói vài tháng trước đã lấy chồng, là một anh lính pháo binh.

Nửa tháng hè sống với anh chị cũng là chừng ấy thời gian tôi và Thơm gần nhau, gần nhau qua cái sân rộng ngăn khu nhà tập thể của công nhân với trường mẫu giáo. Có những buổi tối, Thơm sang nhà anh chị tôi, ngồi mãi mà chỉ chuyện vặt. Ông anh tinh ý, biết tình cảm của Thơm dành cho thằng em vợ, còn chị tôi thì vô tình bởi chắc rằng không thể có chuyện gái có chồng đem lòng thương trai tân. Có những đêm khuya khoắt, hai đứa tự dưng gặp nhau giữa cái sân rộng vắng tanh ấy, không biết ai đi tìm ai. Tôi thì nhút nhát mà Thơm thì từng trải, ôm chầm lấy tôi mà tìm môi nhau.

Trở về trường học đã mấy tuần mà lòng tôi xốn xang không yên. Viết thư thì ngại ai đó đọc được rồi làm khó dễ Thơm, mà quay lại nông trường thì không thể. Bỗng một buổi trưa, bảo vệ báo tôi có khách. Thơm đã vượt đường trường đến thăm tôi. Thật là khó xử, nhưng Thơm bình tĩnh bảo cứ gọi mình bằng chị, chị em bạn con dì. Chúng tôi ngồi bên nhau suốt một đêm, cũng bao chuyện không ra chuyện, rồi tôi tiễn Thơm lên xe khách khi trời hừng đông.

Khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, tôi nhập ngũ, tình nguyện trở về quê hương đánh giặc. Vào đến chiến trường, tôi thư ra cho Thơm, trong thư trả lời, Thơm trách tôi đi đánh giặc mà như đi chơi, không chịu cho biết tin. Từ đó cho đến trước khi tôi đi sâu vào chiến trường, chúng tôi vẫn thư từ đều đặn, dẫu có những lá thư qua đường dây quân bưu mất cả năm trời mới đến tay nhau.

Gặp lại Thơm sau một thập niên, chúng tôi chỉ biết đau đáu nhìn nhau. Thơm đã có hai con, đứa con gái sau lên năm, tên Lành, trùng với tên khai sinh của tôi, chưa thấy mặt cha vì người lính pháo binh ấy đã hy sinh ở cửa ngõ Sài Gòn trưa ngày 30 tháng Tư 1975, còn tôi vẫn là anh lính Giải phóng độc thân, dù đã "tam thập nhi lập".

3. Ngay sau ngày hòa bình, anh chị tôi có khu vườn hơn hai hecta đất bazan do bà con tập kết trở về quê nhường lại. Anh rể tôi là một công nhân phá rừng già nổi tiếng đến mức suýt được phong Anh hùng Lao động, từng ra Hà Nội báo cáo phương pháp hạ cây sao cho năng suất cao nhất, là người rất yêu rừng, cứ tiếc ngẩn ngơ những rừng lim, lát hoa, dỗi, de, săng lẻ hàng trăm năm, do công nhân được lệnh phá để lấy đất cho nông trường trồng cây công nghiệp, nên khi có vườn rộng, lập tức trồng mấy chục cây lát hoa bao quanh khuôn viên. Dẫn tôi đi coi những cây lát hoa non, đọt phơn phớt tím, lá nham nhám, thân thẳng tắp, anh nói vài chục năm nữa, anh cho vài cây chở vô Sài Gòn mà đóng bàn ghế tủ giường. Lát hoa là loại danh mộc phân bổ nhiều nhất ở miền Tây Nghệ An, Thanh Hóa, có vân rất lạ, tùy chất đất mà cho vân là hình cúc đại đóa, lan hài, hay hoa hồng nâu..., gỗ mềm mà không cong vênh, không bị mối mọt, trường tồn với thời gian.

4. Thi thoảng từ Hà Nội, từ thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại về Sao Việt thăm anh chị cùng các cháu, thăm mấy mẹ con Thơm. Anh chị tôi nghỉ hưu rồi thành người già, Thơm cũng dần dà bị thời gian lấy đi hương sắc, nhưng buồn nhất là tự nhiên Thơm phát bệnh trầm cảm, ngày một nặng; còn Lành lấy chồng vừa kịp sinh một bé gái thì chồng mất bởi một tai nạn.

Có lần Lành kể: "Từ khi bị bệnh, mẹ thường im lặng, cả tháng như người câm, nhưng có đêm lại tự kể chuyện cho mình nghe, trong đó có nỗi nhớ nhung một người lính, không phải cha cháu, mà là cậu, suốt những năm chiến tranh ác liệt, cháu nghe mà rơi nước mắt. Nhiều lần mẹ lấy ra những lá thư từ chiến trường của cậu - những lá thư mà mẹ cháu cất giữ một nơi bí mật nào đó mà ngay cả cháu cũng không biết - đọc to như cô giáo đọc chính tả cho học sinh lớp hai viết, rồi lặng lẽ khóc. Không hiểu vì sao mẹ cháu khóc, vì những lá thư của cậu không có những từ yêu đương mà toàn kể chuyện chiến đấu và động viên người hậu phương sống, làm việc vì tiền tuyến. Có phải mẹ cháu điên vì tình yêu vụng trộm?".

Tôi đắng lòng không biết trả lời Lành thế nào cho Lành hiểu, rằng, theo lý thuyết thì đấy không phải là tình yêu vụng trộm mà là lý trí không điều khiển được trái tim tìm đến trái tim, cũng là lẽ thường tình của những người đa cảm, thậm chí chênh lệch tuổi tác và hoàn cảnh không cho phép. "Nói cứng" với lòng mình vậy, nhưng tôi vẫn hoang mang không biết trong các nguyên nhân làm Thơm bị bệnh, có nguyên nhân nào từ mối tình âm thầm ấy...

5. Vừa rồi tôi lại lên Thái Hòa, huyện lỵ bao năm của Nghĩa Đàn đã “được phong” thị xã do vị trí chiến lược của nó, nhưng với tôi. Thái Hòa vẫn như thuở tôi và Thơm gặp nhau, nhỏ bé và ấm áp tình người, tình đất. Con đường 20km về Sao Việt đã có một nửa cán nhựa, ngầm Khe Tre đã có cầu, xe tải, xe du lịch, xe máy qua lại thường xuyên; hai bên đường là nhà ngói thắm đỏ giữa vườn tiêu, rẫy mía, nương chè. Nói như thông thường người ta vẫn nói là miền Tây xứ Nghệ nơi mô cũng đổi mới, đổi mới từng ngày.

Nhà anh chị tôi cũng khác hẳn, gần giống nhà phố với đầy đủ tiện nghi nhờ bán mấy chục cây lát hoa mà có. Lát hoa trên dưới 30 năm chưa đủ tuổi khai thác, nhưng có thể dùng được, với lại, như anh rể tôi nói, nó "phá vườn" ghê quá, che hết ánh nắng của cây khác, nên phải bán, bán mà vẫn chừa cho thằng em mấy cây để chở vô Sài Gòn! Mấy cây lát hoa còn lại đã lớn bằng vòng tay người lớn, gió bấc làm lá rụng như mưa sa phủ người tôi, chẳng mấy chốc nữa, chúng sẽ trơ cành để đầu xuân lại mơn mởn xanh, mơn mởn như Lành gái một con đang đến mà tôi cứ ngỡ là Thơm không phải của thời quá vãng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lát hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO