Lang thang qua Mỏm Đá Chim

PHƯƠNG HÀ| 25/09/2015 06:54

Trước khi rời Sài Gòn để đi nghỉ dưỡng cùng anh chị em trong Tòa soạn, tôi có ý định chú tâm tìm hiểu vùng đất có địa danh ngồ ngộ là Mỏm Đá Chim. Vì thế, khi vừa nhận phòng lưu trú, tôi vội xách máy ảnh ra biển Tân Hải.

Lang thang qua Mỏm Đá Chim

Trước khi rời Sài Gòn để đi nghỉ dưỡng cùng anh chị em trong Tòa soạn, tôi có ý định chú tâm tìm hiểu vùng đất có địa danh ngồ ngộ là Mỏm Đá Chim. Vì thế, khi vừa nhận phòng lưu trú, tôi vội xách máy ảnh ra biển Tân Hải.

Đọc E-paper

Lân la hỏi chuyện một người câu cá đã có tuổi, ông nói:

- Dân địa phương gọi vùng biển này là Bãi Dinh, vì nó chỉ cách Dinh Thầy Thím khoảng hai kilomet. Cái tên Tân Hải hay Tân Tiến là mấy ông chính quyền đặt gần đây, khi "tách tách nhập nhập" hết thành phố đến thị xã, hết tỉnh đến huyện, hết quận đến phường xã.

Bề ngoài, người câu cá này không khác gì một ngư dân: cũng da ngăm đen, cũng dáng đi hơi ngã về phía trước, cũng nói to, nhưng với sự "bộc trực" vừa rồi, tôi nghĩ ông phải là người có học, hay chí ít là người quan tâm nhiều đến xã hội, nên mạnh dạn hỏi tiếp:

- Thế theo anh, cái tên "Mỏm Đá Chim" là do đâu?

Người câu cá bảo tôi cùng lên một tảng đá mà bề nổi của nó chắc phải nhiều ngàn tấn. Từ tảng đá hình mu rùa biển ấy, ông quăng lưỡi câu đính mồi bằng giun đất ra khỏi những con sóng liên hồi kéo tới, rồi vừa thu dây câu bằng chiếc máy quay tay hiệu Shimano nổi tiếng thế giới, vừa nói:

- Chắc anh đã biết, từ bờ biển Long Hải của Bà Rịa đến bờ biển Kê Gà của Bình Thuận hơn trăm cây số, trước đây được bao phủ bởi rừng nhiệt đới lan từ miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên xuống, đất rừng là cát trắng, dưới cát trắng là đá granite, vô vàn đá, đá lan ra lộng, có nơi xa hàng trăm mét.

Nhưng chỉ Bãi Dinh mới có địa danh Mỏm Đá Chim. Ông nội tôi là "thầy thông" (phiên dịch) thời Pháp thuộc, có lần dẫn tôi ra biển, chính trên tảng đá này, giải thích cho thằng cháu đích tôn biết vì sao người ta gọi vùng này, tức bờ biển thuộc xã Tân Tiến (tách từ xã Tân Hải) của thị xã Lagi bây giờ, là Mỏm Đá Chim - Ông dừng lại một lúc, không biết vì phải gỡ con cá đục to bằng ngón chân cái vừa câu được hay vì muốn tôi "hồi hộp" chờ nghe lịch sử cái tên một địa danh - Ông nội tôi nói, xưa kia, khi nơi này mới có con người định cư, những tảng đá dài theo chân sóng, chim biển đậu dày đặc, nhiều nhất là các loại nhàn, chim điên bụng trắng, cốc, hải âu chân đen, mòng biển.

Chúng đậu để nghỉ ngơi, để cặp đôi rồi bay ra các đảo chứ không thể làm tổ gần con người vì với hầu hết loài chim, con người là những kẻ nguy hiểm. Nhiều chim như thế nên những người mở đất đã đặt tên cho vùng này là Mỏm Đá Chim. Mấy chục năm nay Mỏm Đá Chim là những tảng đá không chim, trở thành thắng cảnh du lịch.

Thật bất ngờ, người câu cá mời tôi tấp vào một bãi dương liễu... nhậu! Ông kéo trong túi đồ nghề ra một chai rượu gạo, một gói nhỏ muối ớt rồi cùng tôi gom lá và cành dương liễu khô, nhóm lửa nướng cá ông vừa câu.

Cạn chén xong, ông hỏi tôi:

- Anh đã ăn cá đục nướng bao giờ chưa?

Không "lấy lòng" ông, tôi nói:

- Có ăn mấy lần, ở nhà chị sui, nhưng là cá đục ướp đá mang từ Hàm Thuận Nam vào Sài Gòn.

- Không ngọt thịt, phải không?

- Không thể ngon bằng cá anh vừa câu, "không gian nhậu" cũng không bằng.

Người câu cá cười hồn hậu, giải thích:

- Mỗi loại cá có mỗi cách chế biến. Cá đục kho bở rệu, lại tanh, nhưng nướng thì nhất.

Nhờ cuộc nhậu không đạt tiêu chuẩn "trà tam, rượu tứ" mà tôi biết người câu cá tên Ba Son, từng dạy môn lịch sử trung học phổ thông. Tám năm trước, khi đến tuổi hưu, ông bỏ thành phố Phan Thiết về lại Mỏm Đá Chim, ngày ngày nhàn tản xách cần câu ra bờ biển, câu được nhiều cá thì bán cho mối lái, ít thì nướng nhậu, chủ yếu là cá đục và cá đối. Hình như giữa ông và tôi có những nét "đồng điệu", nên chuyện trò lại xoay quanh đề tài "dư địa chí”.

Một góc "chợ Du lịch"

Quê Ba Son không giới hạn ở Mỏm Đá Chim mà là cả vùng thuộc thị xã Lagi bây giờ, ngày xưa là đất tụ nghĩa. Nhờ thiên nhiên với phong phú sản vật trên rừng dưới biển, địa thế hẻo lánh, đây là nơi thu hút dân miền Trung, chủ yếu là Quảng Nam, Quảng Ngãi phiêu tán, tha phương cầu thực, không ít người trong đó từng chống đối nhà cầm quyền phong kiến địa phương về đây nương náu, khai phá, định cư, lập nghiệp.

Có một điều đặc biệt nữa, vùng biển này đã từng đón "di dân ngược". Từ năm 1867, khi ba tỉnh miền Tây Nam Bộ rơi vào tay Pháp, nhiều người không chịu được ách đô hộ của thực dân, lần lượt ra "tị địa" ở Lagi.

Chiều buông nhanh trên biển Mỏm Đá Chim vì đang là mùa mưa. Người câu cá (bây giờ đã là bạn của tôi) lấp cát cho "bếp dã chiến" nguội hẳn rồi xúc hết than đổ bao ni lông, bỏ vào túi đồ nghề, tâm sự:

- Biển quê tôi đâu cũng rác. Nửa kilomet bờ biển do Resort Mỏm Đá Chim quản lý cũng không ít rác. Ý thức dân mình một phần, phần khác do các cấp chính quyền không vận động dân giữ sạch nơi sinh sống, cũng chẳng có biện pháp chế tài nào. Buồn nữa, mươi năm trở lại đây, khi du lịch phát triển, dân quê tôi đã biết làm ăn gian dối...

Tôi kể cho ông nghe chuyện mình từng "mua nhầm" và suýt bị đánh hội đồng tại chợ hải sản tự phát bên bờ biển sau ngả ba đường vô Dinh Thầy Thím, cách resort Mỏm Đá Chim vài trăm mét (dân gian gọi là "chợ Du lịch").

Hôm ấy, tuân lời vợ dặn, tôi mua 4 kilogam mực ống của một bà sồn sồn. Nghi bị cân thiếu quá nhiều, tôi xách vào một vựa chuyên bán hải sản cho dân du lịch, nhờ cân lại với lời hứa sẽ mua 3 kilogam ghẹ, thì chỉ còn 2,2 kilogam. Tôi quay lại báo cho người bán biết số cân thực, thế là bà ta la lối, mấy người nữa xúm lại xỉa xói tôi như tôi là thằng ăn cắp.

Cũng hôm đó, ba nữ du khách bị đánh rách mặt cũng vì phản ứng cân điêu, công an Lagi phải xuống giải quyết. Ông chỉ huy nhóm công an an ủi mấy người đẹp: "Rất tiếc là vụ việc đã xẩy ra. Đây chỉ là hành vi của một số người bán hàng cá biệt, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm để không tái diễn, giữ hình ảnh đẹp cho du lịch Lagi".

Ông bạn mới của tôi lại cười tủm tỉm:

- Sáng mai anh ra cái "chợ Du lịch" ấy, mua bất cứ loại hải sản nào, bảo đảm một cân còn 3 hay 4 lạng! Bây giờ quê tôi còn nạn "cò mồi hải sản".

Thấy tôi ngạc nhiên, ông giải thích:

- Khi anh tấp vào một mẹt hay một thau hải sản nào đó, vừa hỏi mua là lập tức xuất hiện một anh chàng hay một cô nàng ăn vận như khách du lịch, nói tía lia, nào là mực (hay cá, cua, ghẹ) tươi như đang sống dưới biển. Nào là tôi vừa mua ở đây, cân lại, chẳng thiếu gram nào. Nào là, đó, thấy chưa, họ còn cho cả túi ni lông xịn đựng hàng... Thế là anh mềm lòng mua vì tin "người đồng hành".

Những người bán hải sản ở Mỏm Đá Chim đa phần là dân gốc miền Trung vốn rất thật thà. Điều gì khiến họ thành kẻ gian? Đó là một đề tài cần nghiên cứu kỹ mới có lời giải thích thỏa đáng.

Cũng là dân miền Trung, cụ thể là ở làng La Qua, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, một đạo sĩ thời vua Gia Long, vì bị triều đình xử oan, đã vượt biển bằng ghe tam bản, tấp vào nương náu ở vùng rừng Bàu Cái, Tam Tân (nay thuộc xã Tân Tiến). Ông và vợ giỏi nghề đóng ghe, bốc thuốc nam, giúp đỡ và cứu sống nhiều lưu dân, nhất là dân đánh cá bị tai nạn trên biển.

Đạo sĩ còn trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng mất mùa bóp chẹt dân nghèo, đong thiếu, giá cao. Sống giữa rừng già heo hút, vợ chồng ông có biệt tài cảm hóa, thuần phục muông thú, kể cả cọp, beo. Ông được dân tôn là "Thầy", vợ ông được dân gọi là "Thím", danh tiếng ngày càng lan rộng.

Một chiều Thu, vợ chồng Thầy Thím mất cùng lúc ở Bàu Cái. Khi biết chuyện, dân trong vùng tìm đến thì thấy hai nấm mộ được thú rừng vun cao bằng cát trắng phau, có đôi hắc hổ và bạch hổ nằm canh giữ.

Tỏ lòng nhớ công đức, lưu giữ tiếng thơm Thầy và Thím, dân địa phương chung sức xây đền thờ vào ngày 25 tháng 12 năm Kỷ Mão (1879), gọi là Dinh Thầy Thím, ngay tại nơi ông bà qua đời.

Chính điện Dinh Thầy Thím

Dinh được trùng tu, xây lại nhiều lần, nay có dạng như ngôi đình làng, gồm tam quan, võ ca, chính điện, nhà thờ tiền hiền, hậu hiền,... khuôn viên đến 3 hecta với nhiều loại danh mộc rợp mát cả một khoảng trời, đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia (1997).

Thầy - Thím là nhân vật có thật, dân gian chỉ "thêm bớt" một số chi tiết nhuốm màu huyền thoại cho tăng phần linh thiêng, cũng để đề cao tính nhân nghĩa, thật thà, nhằm giáo dục người đời.

Dinh Thầy Thím từ lâu đã trở thành dịa chỉ du lịch, vừa tâm linh, vừa thắng cảnh, nay khuôn viên đang được mở rộng thêm 7 hecta để đón lượng khách hàng trăm ngàn người mỗi năm, nhất là vào dịp tảo mộ (mùng 5 tháng Giêng) và lễ hội nhân ngày giỗ Thầy Thím (15, 16/9 âm lịch).

Không biết những người buôn gian bán lận ở "chợ Du lịch" đã mấy lần cúng lạy Thầy và Thím?

>Hà Nội chiều quê

>Về nơi đất lành quả ngọt

>Nam Tây Nguyên mùa xanh lá

>Vùng cao Chi Lăng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lang thang qua Mỏm Đá Chim
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO