Làng cháy!

MINH NGỌC| 22/05/2015 06:28

Đó là ngôi làng còn giữ lại hầu như nguyên vẹn những ngôi nhà xưa cũ trên cao nguyên này. Tuổi của làng cũng cao như những người cao tuổi nhất ở đây.

Làng cháy!

Đó là ngôi làng còn giữ lại hầu như nguyên vẹn những ngôi nhà xưa cũ trên cao nguyên này. Tuổi của làng cũng cao như những người cao tuổi nhất ở đây. Kon Sơ Lal đã nuôi người Bahnar lớn, đã làm cho tâm hồn người Bahnar thấm đẫm văn hóa dân tộc mình.

Đọc E-paper

Những người già vẫn thủy chung với làng cũ có lẽ vì trong sâu thẳm, họ tìm thấy ở đó những gì thiết thân nhất, gần gũi nhất.

Thế nhưng rời làng cũ về làng mới chưa được bao lâu thì làng đã cháy, như lời ông Nê Y Kiên, Phó chủ tịch UBND huyện Chư Păh: "14 giờ chiều ngày 29/4/2015, trời bỗng nổi cơn dông và có sấm sét. Sét đã đánh trúng một căn nhà sàn trong làng Kon Sơ Lal (xã Hà Tây, Chư Păh, Gia Lai). Sau đó đã xuất hiện một cơn lốc xoáy kéo theo ngọn lửa khiến nhiều ngôi nhà bị thiêu rụi".

Cứu làng!

"Lũ làng ơi! Cứu! Làng cháy! Cứu!". Tiếng gọi thảng thốt của già Chor vang vang trong tiếng ầm ì của cơn dông miền cao nguyên giữa mùa khô. Nghe tiếng thảng thốt của già Chor, người làng lũ lượt đổ ra. Nhưng làng đang ở đâu có cháy! Cháy làng cũ thôi.

Lũ làng Kon Sơ Lal tìm kiếm những gì sót lại sau vụ cháy

Làng cũ cách làng mới vài chục tầm con dao quăng. Đứng từ làng mới nhìn về phía làng cũ thấy lửa rực một góc trời. Cứu làng! Cứu làng! Tiếng gọi nhau khản đặc của lũ làng Kon Sơ Lal. Tiếng chân người chạy rầm rập, tiếng kêu than kinh động cả yang trời, yang đất.

Bốn trăm mấy chục con người, già có, trẻ có, người nam có, có cả người nữ chạy như con hoẵng bị mãnh thú dồn đuổi. Họ chạy mải miết về phía làng cũ. Chiếc cầu treo đầu làng cũ chao nghiêng như cánh lá dưới bước chân của mấy trăm con người. Nhưng rồi những bước chân chậm dần, chậm dần, sít bên nhau.

Làng đã cháy. Cháy từ nhà rông trăm tuổi, cháy sang những ngôi nhà sàn của những người già, cháy trong sự bất lực của con người. Cơn gió xoáy oan nghiệt lại như trêu người, cứ cuốn tàn lửa từ nhà cháy sang đốt nhà chưa cháy. Người làng chỉ biết lấy cành cây dập lửa vì không có nước.

Tây Nguyên đang mùa khô hạn. Cành cây rồi cũng cháy. Già Chor, lũ làng, cả những chú chó theo chủ chạy về làng cũ cũng bất lực đứng nhìn ngọn lửa hung bạo thiêu rụi từng ngôi nhà. Một nhà, hai nhà, rồi cả chục nhà.

"Cháy hết rồi! Còn gì của cha ông nữa!", già Chor lẩn thẩn một mình nói, một mình nghe. Lũ làng Bahnar của làng Kon Sơ Lal khuỵu xuống, thảng thốt. Cơn dông không trút mưa xuống mà trên mặt ai cũng đầy nước.

Già Chor đau đáu nhìn từng chiếc cột nhà đỏ ối màu lửa dần đổ xuống. Già không còn sức để nói.

Đó là ngôi làng cổ được coi là đẹp nhất Tây Nguyên. Trong ký ức già Chor, trong nỗi nhớ của người làng Kon Sơ Lal thì dù đã chuyển về làng mới, nhưng đó vẫn là ngôi làng của mình, với cột gỗ, sàn gỗ, vách gỗ, mái lợp tranh săng. Tuyệt nhiên không tìm thấy một thứ gì bằng kim loại dù chỉ là một chiếc đinh.

Quần tụ quanh nhà rông vẫn là những ngôi nhà sàn của người Bahnar không kém phần bề thế, và tất nhiên là nguyên liệu làm nhà cũng chỉ lấy từ rừng. Từng ngôi nhà đều thể hiện sự công phu, tỉ mẩn, khéo léo của những người đã tạo ra chúng.

Những ngôi nhà gỗ tranh ấy lặng lẽ đứng cạnh nhau, như một đám nấm mọc giữa rừng không theo trật tự nào nhưng đều quây lấy nhà rông như gà con quây mẹ. Đó là ngôi nhà rông Bahnar thâm nghiêm, vững chãi được trai tráng trong làng dựng lên với bề ngang hơn chục mét, mái tranh dày cả gang tay. Vậy mà...

Đâu chốn đi về?

Già Chor dẫn đám trẻ, dẫn lũ làng đi nhặt từng thân cột nhà rông, từng miếng phên nứa của những ngôi nhà sàn trong đám tro tàn của trận hỏa hoạn chiều hôm trước. Đêm qua, già không về làng mới. Già nhặt một miếng gỗ còn bốc khói nghi ngút, dấu tích cuối cùng của ngôi nhà rông cả trăm năm tuổi, lặng nhìn mãi.

Trong ký ức, những trải nghiệm đầu đời là thứ rất khó quên, huống gì Kon Sơ Lal này là nơi không chỉ của già Chor, mà của tất cả lũ làng với 479 con người, và hàng nghìn người làng trước đó được nuôi lớn. Lũ trẻ cũng loay hoay nhặt nhạnh trong đống đổ nát một cái gì đó gần gũi nhất với mình.

Góc bên kia, những người con trai, những người con gái, cả những bà mẹ bồng con cũng cặm cụi nhặt nhạnh từng thanh gỗ, từng mẩu tre. Tất cả lặng im, lặng im đến nao lòng. Lũ làng cần mẫn như con kiến, tìm chút gì của ký ức đặng tha về tổ, chút ký ức loang lổ như đám cháy.

Làng cũ chẳng còn lại mấy sau vụ cháy. 12 căn nhà đã bị thiêu rụi nhưng có đến cả ngàn nỗi nhớ, sự khắc khoải đến tê tái của lớp trước, của lớp bây giờ, của cả lớp trẻ sau này nữa. Tôi hỏi già Chor, già lặng im không nói. Rồi già chỉ vào ngực mình, bảo đau, đau lắm. Đau đúng chỗ này!

Già Chor đau đáu nỗi niềm

Tôi đã từng nhiều lần đến thăm làng, biết cái bụng của người Bahnar thương làng cũ lắm. Không chỉ riêng người già, mà cả lũ trẻ cũng vậy. Nhớ một lần lang thang chụp ảnh nhà rông làng cũ cách đây mấy năm, khi người làng đa phần đã chuyển sang làng mới ở, chỉ còn lại năm cụ già không muốn xa nơi mình sinh ra.

Thấy tôi chụp ảnh, lũ trẻ nhao nhao chỉ cái nhà đẹp nhất của làng. Hóa ra, ngay cả với lũ trẻ năm ấy, cái đẹp của làng đã in đậm trong tâm trí chúng.

Già Chor tỉ mẩn lau vết tro trên một khúc gỗ. Già bảo đây là cái cột chính của nhà rông. Nhà rông làng cũ chỉ còn một chút này thôi. Đứa trẻ bên cạnh cất một tràng tiếng Bahnar, già Chor xoa đầu không đáp, rồi lặng lẽ nhìn mông lung ra phía trước, nơi mới ngày hôm qua còn ngôi nhà rông vững chãi, lừng lững giữa trời.

Có lẽ, trong trí nhớ của người già hơn trăm tuổi này của làng lại thấp thoáng hiện về cái khung cảnh đêm xoan rừng rực lửa, tiếng chiêng, tiếng cồng rộn cả các làng bên, điệu xoan vui thâu đêm suốt sáng. Trai gái Bahnar ngả nghiêng say men rượu cần.

Những đứa trẻ của làng xao xác khi làng cũ bị cháy

Tôi để mặc già Chor với nỗi nhớ ấy, khi lại vang lên tiếng "hò dô” vang dội của người làng. Họ đang gắng sức khiêng một cây cột cái còn sót lại của một căn nhà sàn nào đó.

Làng cũ cháy mất rồi. Nhưng những người già trong làng vẫn ngày ngày sống, đau đáu với làng cũ. Già Chor cũng như nhiều người già trong làng vẫn chuốt mây, đan gùi.

Già bảo đan gùi cho mấy đứa cháu có cái gùi đi rẫy, không chúng nó lại mang ba lô lên rẫy thì khó coi lắm. Như đang nghĩ điều gì, già chuốt mạnh con dao vào khúc gỗ khiến nó khuyết đi một mảng lớn.

Già trầm ngâm, nhìn mãi ra phía trước làng. Tôi cũng nhìn theo già, nơi ấy đã từng sống động những vòng xoan duyên dáng của các thiếu nữ, tiếng cồng, chiêng trầm hùng của các chàng trai, những ghè rượu uống mãi không bao giờ cạn mùa lễ hội... Giờ làng cháy, còn lại gì?

>Trên đất Mường Vang
>Những sắc màu Thánh địa Cát Tiên
>Kỳ lạ Tết Tây Nguyên
>Kỳ thú núi lửa Chư Bluk

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làng cháy!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO