Làng biển hào hoa

HÀN THƯ| 12/06/2014 07:59

Làng biển ở bãi ngang không chỉ đương đầu với sóng to gió cả mà đứng trước biển, họ cố kết với nhau bằng tấm lòng hào hoa.

Làng biển hào hoa

Làng biển ở bãi ngang không chỉ đương đầu với sóng to gió cả mà đứng trước biển, họ cố kết với nhau bằng tấm lòng hào hoa. Những người vạm vỡ đi biển về vẫn thường chia sẻ con cá, con tôm cho những người cô đơn trên cát. Họ sống tựa vào nhau giữa vô biên sóng vỗ cồn cào, hình thành xóm làng can trường trù mật.

Đọc E-paper

Những gánh cá nặng bao nhiêu thì nền văn hóa biển càng trĩu trịt nhân văn bấy nhiêu

Chia mùa biển

Xã Ngư Thủy Nam nằm bên chân sóng rì rào. Nữ pháo binh Trần Thị Tuất năm xưa từng một thời tham gia khẩu pháo bên bờ Biển Đông, nay đã ngoài 63 tuổi, đôi mắt không còn nhìn thấy gì, không nhận được một khoản trợ cấp nào, sống cô đơn một mình trong căn nhà ọp ẹp.

Hồi mắt còn sáng, mỗi sáng sớm o Tuất xuống biển làng đợi những chiếc thuyền đánh bắt ở vùng bãi ngang trở về, xin mỗi chủ thuyền vài ba con cá nhỏ, gom lại cũng được vài cân đưa ra chợ bán, kiếm năm, ba lon gạo sống qua ngày. Biển Ngư Thủy sáng nào cũng có người hốt cá cho o, họ nói đó là cách chia mùa biển. Những người đánh bắt được thì cho những người ở nhà không đủ sức khỏe đương đầu với sóng cả.

Bẵng đi một dạo, người xóm biển rừng dương Ngư Thủy thấy o Tuất vắng bóng bên bến cá làng, họ hỏi và biết o chẳng đi đâu được vì đã không còn nhìn thấy gì. Phiên cá biển buổi sớm vừa tan, họ lại gom góp mỗi người vài lạng cá, vài đồng bạc lẻ, chân trần lội cát vào gõ cửa nhà o Tuất: "Không có chi nhiều, gởi o chút cá phơi khô mà ăn. Dân biển với nhau cả, bầy tui có cá thì o cũng có cá, không nhiều, mà không đói".

O Tuất (bìa phải) vẫn thường được ngư dân trong xóm giúp đỡ cá để sống mỗi ngày

Xã Ngư Thủy xưa nay đã chia thành ba xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam nhưng lòng người thì không chia, vẫn gắn bó, cố kết. Người có hoàn cảnh như o Tuất cũng trên mươi người, và các làng biển ở ba xã Ngư Thủy đều đoàn kết lại, vun vầy, sẻ chia từng mớ cá nhỏ với người cô đơn trên cát.

Không riêng gì Ngư Thủy, làng biển Quảng Bình cũng có tính cộng đồng hào hoa như thế. Những người vượt sóng đánh cá trở về, khi bán buôn sản phẩm từ biển, họ không quên để phần cho những người cô đơn, không có sức lao động. Như ba chị em mù ở xã Quảng Xuân, chuyến biển nào cũng được dân làng cho cá. Đó cũng là cách ngư phủ trả công ba người mù ở nhà giữ con cho họ đi biển.

Người làng biển vẫn giữ tục lệ đẹp là nương tựa vào nhau để giúp đỡ người nghèo. Nếu vùng đồng bằng có hũ gạo cứu đói, hoặc có quỹ tương thân tương ái, thì người miệt biển cưu mang nhau với từng mớ cá mặn mòi ân nghĩa. Những ngư dân đánh lộng mỗi ngày vẫn thường để dành mớ cá nhỏ sẻ chia cho người già neo đơn sau khi bán đi số cá thu hoạch được để lấy lại vốn liếng dầu đèn và kiếm chút tiền lời từ công sức bỏ ra.

Việc họ làm không phải là gượng ép mà xuất phát từ tấm lòng, thể hiện tình đoàn kết xóm trên ngõ dưới để cùng vượt qua phong ba bão táp từ thời tổ tiên khai khẩn. Cho cá một cách hào hoa theo kiểu người miệt biển đã tôn thêm sự mạnh mẽ của làng biển trước gió mưa, sóng cả. Không chỉ dân làng biển Quảng Bình mà dân làng biển Việt nào cũng hào phóng với nhau như thế.

Đội hát văn Biển Đông, làng biển Nhân Trạch trong hội cầu mùa tháng Giêng mỗi năm

Nghe câu hò bên bờ Biển Đông

Không chỉ có sức mạnh cố kết hào hoa, người làng biển còn có những điệu hát cường tráng trước Biển Đông lộng gió. Đi về phía biển là các làng biển. Giữa muôn trùng cát trắng chói mắt là cả huyền tích văn hóa hò biển.

Một trong những làng biển còn giữ nguyên các bài xưng, hò đưa linh, hò múa quạt là Nhân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Làng vẫn hôm sớm lễ trọng, mỗi năm tổ chức diễn xướng, hát hò bên bờ Biển Đông.

Ra với Nhân Trạch, mùa này không rơi vào lễ trọng, nhưng ngư dân làng biển vẫn hát vang bài xưng ngọt ngào mùi cát: "Non Nam phượng múa/ Núi Bắc rồng chầu/ Đất làng con hiếu võ cao sâu/ Ngoài hương án ông cao vòi vọi/ Tiếng ông linh vang dồn tám cõi/ Sắc tứ phong sáng chói ngàn thu/ Nay vui mừng vạn mở ca cù/ Con nhi nữ chèo ba mở mái...".

Đấy là tiếng hát ngợi ca ngài cá voi linh thiêng được cả làng xem như bậc hiển linh. Nhân Trạch còn có điệu hò đưa linh về công đức Biển Đông: "Biển Đông đài cát đại ngàn Biển Đông/ Cúi đầu trăm lạy Đức ông/ Cầu cho thất ứng, thất thông nhiều bề/ Anh linh hiển hách nhiều bề/ Lý Nhân nam vui thú hảo hề/ Đức bà đẹp ý ghé vô lạch nhà...".

Người làng biển lao động tập thể nên cố kết với nhau một cách hào hoa

Điệu hò múa quạt của người làng biển mô tả làng quê hữu tình trước bao sóng dập, gió dồn, nghe da diết trước muôn trùng sóng xô: "Nhìn xem phong cảnh làng ta/ Trên sơn dưới thủy đậm đà ái ân/ Dân làng mở hội cầu thần/ Ông bà ứng cảm muôn phần vận may/ Hải hà trống mở cờ bay/ Bốn bề nam bắc đông tây rộn ràng/ Thiên văn địa lý hai hàng/ Lên bành cưỡi ngựa, địa quan xuất hành/ Cầu cho làng vạn hai gành/ Thiên hạ đại cát dân an thái bình/ Ngư thần an ngự trước lăng/ Đặt bàn hương án kiệu xanh lộng vàng...".

Điệu hò bên Biển Đông nghe thiết tha, câu chữ dễ rót vào lòng người một cách say đắm. Và ngẫm nghĩ kỹ, những lối hò đó dụng rất ít từ Hán - Việt. Người làng biển Nhân Trạch giải thích, với sóng to biển cả, dùng từ thuần Việt dễ nghe dễ nhớ, đó là cốt cách, là khí khái của người dân biển trong độc lập sáng tạo gia tài văn hóa làng biển cho mình và cho cháu con.

>Con gái làng biển
>Những người đàn bà làng biển

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làng biển hào hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO