Lai rai cùng Anh hùng Mười Đởm

PHƯƠNG HÀ| 25/03/2018 08:39

Đầu tháng 8/2003, ngồi trên chiếc xe đò nhảy cò cò vượt con lộ 61 từ phà Tắc Cậu ở sông Cái Lớn xuống thị trấn Kinh thứ 11 của huyện An Minh, tôi luôn nghĩ đến Đại tá Bành Văn Đởm.

Lai rai cùng Anh hùng Mười Đởm

Tôi biết ông đã thôi chức Giám đốc Trại giam Kinh thứ 7 và ra quân, nhưng được UBND tỉnh Kiên Giang mời về làm Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên và Di tích lịch sử - văn hóa U Minh Thượng. Vậy mà đã 8 năm rồi tôi không gặp ông.

Tôi không thể quên chuyến đi viết về Trại giam Kinh thứ 7. Rời con lộ 61, chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ chạy vỏ lãi từ thị trấn Kinh thứ 11 đến Trại giam Kinh thứ 7, hương tràm ấm áp tràn ngập không gian. Giám đốc trại giam - Đại tá Bành Văn Đởm biểu tôi ở lại vài ngày để "coi phạm nhân cải tạo".

Tôi cảm giác đây không phải là trại giam mà là một trang trại vì phạm nhân được đối xử tử tế, cơm no, áo lành, ngày ngày trồng tràm và chăm lo rừng tràm nguyên sinh còn lại của U Minh Thượng. Hơn một vạn  phạm nhân đã cải tạo ở đây, khi "về đời", chỉ có vài phần trăm tái phạm, một con số đáng mừng!

Ba ngày ở trại giam mà chưa bữa ăn nào tôi được chung mâm cùng giám đốc. Vì sao Đại tá Bành Văn Đởm không ăn cơm cùng khách, tôi rất muốn biết nhưng ngại hỏi. Lại nữa, ở trại giam, cán bộ dưới quyền cũng như tù nhân kêu Đại tá Bành Văn Đởm bằng "ông Mười", "anh Mười", "ba Mười" là tất nhiên, bởi ông có tên thứ là Mười, nhưng tại sao có lúc họ kêu ông bằng "Năm An"? Điều đó tôi cũng ngại hỏi, nên lúc ấy, sau 8 năm, trên đường trở lại U Minh Thượng, tôi càng mong được mau chóng gặp lại Anh hùng Bành Văn Đởm.

Tôi rất cảm động bởi khi giáp mặt, ông Mười nhớ ngay tên tôi - một trong rất nhiều người viết báo đã làm việc với ông thời ông còn là giám đốc trại giam. Trò chuyện tại Văn phòng Khu bảo tồn được mươi phút, ông thân mật bảo:

- Theo anh vào rừng chơi, ở đó ăn cơm chiều luôn. Thằng Năm (tên thứ của tôi) mày thích thì ngủ với rừng một đêm.

- Được thế thì em cảm ơn anh Mười lắm - Vừa nói, tôi vừa theo ông xuống xuồng.

Vùng Kinh thứ 7 - nơi có Khu Bảo tồn thiên nhiên và Di tích lịch sử - văn hóa U Minh Thượng ngút ngàn tràm là tràm, chắc phải mất cả ngày đi xuồng mới giáp vòng.

Ông Mười kể:

- Ngày mới giải phóng, U Minh Thượng còn lại 30.000 hécta rừng, là hệ sinh thái rừng nhiệt đới ngập nước thuộc loại rất hiếm trên thế giới, dù không còn nhiều tràm lão và thú hoang cũng ít. Vậy mà sau 10 năm, vùng thượng bán đảo Cà Mau này chỉ còn lại chưa đến hai phần mười diện tích ấy.

Tôi xen ngang:

- Theo anh thì tại sao trong chiến tranh chỉ thấy một đám cháy nhỏ là bất chấp bom đạn, dân đổ xô cứu rừng, mà hòa bình rồi rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ liên tục bị cháy, nhất là đám cháy dữ dội bắt đầu từ trưa 24/3/2002, kéo dài suốt 20 ngày đêm tại đây, thiêu rụi 3.000 hécta rừng nguyên sinh?

- Vụ cháy ấy ám ảnh anh Mười suốt cuộc đời. Cũng tại mình cấm dân vào rừng, kể cả gác kèo ong cũng hạn chế. Cái gì ta cũng muốn quản lý mà không biết quản lý, không quản lý nổi. Dân mất quyền lợi với rừng, họ không thèm giữ rừng, họ phá là tất nhiên. Rồi đến khi chính quyền bất lực, buông xuôi, dân tứ xứ đổ về, biến rừng thanh rẫy. Người đói, người thiếu cứ hạ cây đổi gạo qua bữa. Anh Mười sinh ra ở rừng, tuổi thơ gắn bó với rừng, lớn lên đi kháng chiến cũng ít khi xa rừng, thấy rừng mất dần, chim cá, muông thú cũng mất dần, đến tiếng ong vo ve cũng ít khi nghe thấy, đau lòng lắm!

- Nhưng mà từ năm 1982, anh Mười đã khôi phục được cả ngàn hécta rừng đó thôi...

- Sốt ruột quá mình phải làm, tự chịu trách nhiệm. Anh Mười bị anh em cán bộ trại giam phản ứng dữ lắm vì mình là quan tù, làm lâm nghiệp trái tay, cấp trên chưa có chủ trương. Vậy mà 1.200 hécta tràm không bao lâu đã thành rừng. Mừng quá, anh Mười lại bàn với Đảng ủy, Ban chỉ huy trại giam nhận gần 7.000 hécta rừng U Minh Thượng còn lại để khoanh nuôi, trồng dặm.

Một góc Vườn Quốc gia U Minh Thượng ngày nay

Một góc Vườn Quốc gia U Minh Thượng ngày nay

Đó cũng là cách anh Mười trả nghĩa với rừng. Được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, anh Mười tổ chức đắp con đê dài gần 40 kilômét bao quanh 8.000 hécta rừng, đào và phục hồi hàng chục kilômét kinh mương để vừa bảo vệ, vừa giữ nước chống cháy và phát triển thủy sản. Trước vụ cháy lớn cuối tháng 3/2002, anh Mười đã đưa 30 hộ dân vào vùng đệm (vùng bao quanh rừng nguyên sinh) sinh sống.

Mỗi hộ được cấp 4 hécta đất, Nhà nước xẻ những con kinh nhỏ để đưa nước xổ phèn, rửa mặn, cho dân nuôi tôm cá và trồng trọt. Đã được tỉnh đồng ý, anh Mười chuẩn bị đưa dần 3.500 hộ dân không có đất sản xuất vào vùng đệm định cư trên diện tích khoảng 14.000 hécta, tin rằng có đất, được tiền phụ cấp bảo vệ rừng, dân không phá rừng nữa. Nhưng rồi vụ cháy rừng xảy ra, chương trình này bị đình trệ.

Ông Mười tâm sự:

- Sau vụ cháy rừng "thế kỷ” ấy, anh Mười thoái chí. Tuổi đã già, liệu có còn sống nhìn thấy rừng U Minh Thượng hồi sinh nữa không! Vậy rồi vì ơn rừng mà anh Mười gượng dậy được. Nơi rừng cháy, tràm và các loại cây đặc hữu trên lớp than bùn dày cả mấy mét lại phát triển tốt.

Người chạy vỏ ghim xuồng bên một lô rừng. Đầu mùa nước nổi, tràm chưa trổ bông nhưng tinh dầu của lá tràm vẫn phả vào không gian ngan ngát thơm, một bầy khỉ vạch lá khẹt khẹt chào ông Mười, có lẽ chúng quá quen thuộc với người chủ rừng.

Ông Mười kể tiếp:

- Năm 1994, khu rừng 8.000 hécta này trở thành Khu Bảo tồn thiên nhiên và Di tích lịch sử - văn hoá U Minh Thượng. Năm 1996, anh Mười nghỉ hưu, tính về Vân Khánh quê nhà cũng ở huyện An Minh nghỉ ngơi nhưng rồi không dứt được tình rừng nên phải gắn bó phần đời còn lại ở đây.

Chiều bắt đầu buông trên tán lá. Từng đàn chim lượn lờ về tổ. Ông Mười hướng mũi xuồng vào một căn nhà ở ngay bìa rừng, bên con đê bao, nói:

- Đêm nay anh em ta nghỉ trong gia đình Bảy Ong.

Bảy Ong người thấp đậm, khoảng 40 tuổi, niềm nở đón chúng tôi. Ông Mười và Bảy Ong say sưa nói chuyện rừng, quên mất có tôi bên cạnh. Một lúc sau, vợ Bảy Ong bưng ra một mâm cơm có cá rô kho tộ, canh chua cá lóc bông súng và một chai rượu đế. Tôi để ý ông Mười để riêng hai chén cơm trắng, gác đũa lên trên, mặt đâm chiêu. Bảy Ong buột miệng:

- Chú Mười lại nhớ sắp nhỏ rồi.

Ông Mười chớp chớp đôi mắt đã ngã màu đục, cố nén xúc động:

- Hai đứa nhỏ của vợ chồng anh Mười hy sinh ở khu rừng tràm này, mới đó mà đã mấy chục năm...

Bảy Ong nghiêng tai tôi, nói thầm:

- Bữa nào chú Mười cũng cúng hai con như vậy.

Tôi cố mời ông Mười một hớp rượu nhưng ông từ chối:

- Từ nhỏ đến lớn anh Mười không biết nhậu, hai em cứ tự nhiên.

Tôi chợt nhớ hai chuyện từ 8 năm về trước, thấy đây là cơ hội để hỏi ông:

- Em nhớ hồi em về viết ở Trại giam Kinh thứ 7, anh Mười không ăn cơm với khách.

- Anh Mười biết khách buồn vì chuyện đó nhưng anh không hút thuốc, không uống rượu lại kiêng khem vì bệnh, ngồi với khách sẽ làm khách mất ngon.

Được đà, tôi nói:

- Anh Mười lại có tên là An...

- Khi hai đứa nhỏ hy sinh, nhớ con quá, anh Mười cộng tên thứ của hai đứa lại thành năm. An là gọi tắt của ngành an ninh mà anh Mười đã gắn bó gần trọn đời nên có thêm tên Năm An.

Đêm ấy, tôi và ông Mừơi chung tấm phản đước. Hai anh em nói đủ thứ chuyện. Tôi hỏi:

- Giữa việc cải tạo phạm nhân và giữ rừng có gì giống nhau không anh?

- Anh Mười làm nghề nào cũng là cải tạo và giữ. Hồi còn ở ngành công an thì giữ và cải tạo con người phạm tội, khi sang lâm nghiệp cũng là cải tạo, cải tạo đất, cải tạo lâm tặc và cũng giữ, giữ cho rừng xanh tốt.

Mười lăm năm qua, tôi về An Minh nhiều lần, lần nào cũng đến thăm anh Mười. Anh nghỉ hưu lần hai sau khi xây dựng thành công Vườn Quốc gia U Minh Thượng được nâng cấp từ Khu Bảo tồn thiên nhiên và Di tích lịch sử - văn hóa, diện tích trên 20.000 hécta với hệ sinh thái động thực vật rất đa dạng, tháng 2/2016 đã được công nhận là khu Ramsar thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lai rai cùng Anh hùng Mười Đởm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO