Kon Tum bí ẩn

PHAN HÒA BÌNH| 22/07/2018 03:34

Đã đến đèo Vi Ô Lắc". Tài xế lên tiếng đánh thức khách trên xe. Ai nấy đều tiếc khi say ngủ bỏ qua một địa danh nổi tiếng Quảng Ngãi là xứ Ba Tơ với cuộc khởi nghĩa Ba Tơ tháng 3/1945.

Kon Tum bí ẩn

Đã bắt đầu bước vào địa phận tỉnh Kon Tum, một địa danh còn nhiều bí ẩn với du khách dù du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh. Đèo Vi Ô Lắc - cái tên gây hứng thú ngay từ đầu, và ai nấy đều hồi hộp dõi theo tay lái của bác tài qua những cung đường đèo chao lắc như võng.

Nhưng bù lại, con đường gốm sứ và muối cách nay hơn trăm năm bây giờ đi qua một vùng đất đẹp với cái tên Măng Đen. Cách nay hơn 10 năm, những doanh nhân tiên phong đã đến Măng Đen, dùng đèn dầu, ăn rau chấm muối vì giao thông cách trở để mở những khu home-stay đầu tiên với ước mơ về một Đà Lạt mới cho Kon Tum.

Măng Đen nằm ở độ cao 1.200 mét  so với mực nước biển, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 16 - 20OC, rừng nguyên sinh bao bọc, độ che phủ hơn 80% diện tích tự nhiên. Nó tạo nên một điểm nhấn tuyệt đẹp và bất ngờ trên quốc lộ 24, giữa cái nóng khủng khiếp của mùa hè miền Trung với cao nguyên, với nhiều hồ thác như Đắk Ke, Pa Sỹ, Lô Ba, hồ Toong Đam, Toong Zơri, Toong Pô...

Ở lại với Măng Đen, thật là tiếc nếu như không đủ thời gian ngắm hồ, ngắm hoa cỏ. Măng Đen se lạnh với bạt ngàn thông cao vút và hoa tím ven hồ Đăm, hồ Lung, tưởng như có một góc trời Đà Lạt bị bỏ quên ở nơi này. Nhưng nơi này là điển hình của Kon Tum.

Kon là làng, Tum là hồ. Kon Tum có nghĩa là làng nhiều hồ - theo tiếng Bana.    Đây là vùng trũng dọc theo lưu vực sông Đăk Bla. Dù khách đến Kon Tum từ phía Buôn Ma Thuột, Đăk Nông hay từ phía Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, ở vị trí bắc Tây Nguyên nên Kon Tum thường đón khách vào lúc mặt trời đã xuống núi và mặt đường thường ướt át một chút vì hay có sương.

Ghé vào quán cà phê nghỉ mệt. Một quán cà phê không lớn không nhỏ, nhưng ai đó thốt lên: "Kontum đây rồi!". Trong bóng tối mờ của khu vườn, âm thanh của cây đàn nước được con suối dẫn dắt nghe trong trẻo, đơn sơ. Và lại thấy những không gian khác. Đó là căn bếp của người Giẻ Triêng với đống củi dự trữ khô nỏ, bếp lạnh tro tàn với gùi, quả bầu, quả bí. Chỗ khác vách nhà khoe vẻ đẹp của chiếc gùi đan thật khéo và những chiêng, ché.

Lạ lùng nhất là những tượng nhà mồ đẽo gọt lạ mắt trên cây gỗ rừng cao lớn dùng làm cột nhà.Quán khoe với khách khoảng 50 tượng nhà mồ, theo hình mẫu sưu tầm từ 50 làng dân tộc thiểu số, được các nghệ nhân chạm trổ cách điệu trên những cột nhà, lấp ló nơi mé vườn, nhìn khách bằng cặp mắt buồn thăm thẳm. Cà phê đậm đặc lại nơi đầu lưỡi du khách, như muốn nhắc nhở hương vị cao nguyên. Kon Tum chào đón bạn như thế.

kt-IMG-0882-8187-1531801936.jpg

Mười năm gặp lại Kon Tum, nay đã thấy nhiều cửa hàng phục vụ du khách, bán mặt nạ, bán cả tượng nhà mồ, mấy người đi xe máy chở theo tượng nhà mồ chào hàng ở phố! Nó tạo ra cảm giác cái xấu xí của đời sống trong thế kỷ XXI đã bắt đầu len lỏi đến nơi đây.

Nhưng hôm sau, chúng tôi vẫn công nhận Kon Tum thật sự là những gì hoang sơ còn sót lại ở Tây Nguyên. Dùbước ra khỏi trung tâm thị xã khoảng một vài cây số, phố chưa hết đã lấp ló làng. Làng Bana, làng Xơ đăng, làng người Lào cùng chung sống quanh thị xã yên bình. Làng Bana bao giờ cũng gọn gàng những hàng rào bằng gỗ rừng, nhà rông cao vút kiêu hãnh trên đồi.

Dạo loanh quanh trên con đường làng đất vàng hườm, thỉnh thoảng bắt gặp vài ngôi nhà sàn dài, vách trát đất bệ vệ được dựng gần 100 năm. Nhà sàn của già làng người Bana có 24 cây cột gỗ to khoảng một người ôm.

Những lan can phía trước được trang điểm bằng hoa văn mặt trời và chim. Sàn nhà còn chắc chắn, đã lên nước bóng loáng. Vượt qua cầu treo Kon Klor, một thắng cảnh nằm ven thị xã sẽ đến nhiều ngôi làng cổ còn tồn tại nguyên vẹn sự hoang sơ trong nếp sống, tập tục như Ia Chim, Đăk Tơve, Pleiwei, Kon Klo, Rơngngao.

Ở những nơi này, khách thăm những khu nhà mồ với các bức tượng đẽo gọt cách điệu bằng trí tưởng tượng phong phú, chiêm nghiệm thế tục, ám ảnh nhân sinh của các nghệ sĩ vô danh. Những bản làng nhiều sắc tộc, khác nhau từ cách tiếp đãi khách đến kiến trúc nhà gỗ trệt của người Giẻ Triêng, nhà sàn dài, vách trát đất của người Bana, Xê Đăng cứ lần lượt hiện ra tuỳ theo bước chân la cà của du khách.

Tôi không phải là người lạc bước. Mười năm trước tôi đã la cà khắp vùng bắc Tây Nguyên này với những đoàn nhiếp ảnh, những đoàn quay phim, và có thể cảm thấu được từng sự thay đổi nhỏ với Kon Tum. Tôi biết trong những khu rừng già xanh bạt ngàn kia, đã biến mất ngôi làng cổ có kiến trúc đẹp của người Bana. Làng cổ biến mất như cái chết âm thầm, giống như làng Kon Sơ Lăl nổi tiếng bên tỉnh Gia Lai, đã bị các chủ nhân bỏ lại để ra định cư bên quốc lộ.

Những cuộc định cư mới đã bỏ lại trong rừng hàng trăm ngôi làng cổ mà không có kế hoạch cụ thể để khai thác hoặc bảo tồn một số làng có kiến trúc tiêu biểu. Nhiều làng bị bỏ hoang, nhà cửa mục nát, có làng bị giông sét phát cháy.

Nhiều thứ đã mất đi, giống như công cuộc truyền giáo trong suốt 100 năm qua ở Tây Nguyên góp phần làm hao hụt bản sắc văn hóa cồng chiêng đặc sắc ở nhiều làng dân tộc ít người, bởi vì khi bà con theo đạo giáo mới sẽ không thờ đa thần, và vì vậy không sử dụng cồng chiêng vốn được coi là công cụ giao tiếp với thần linh.

MugLuaMoi-91-1932-1531801936.jpg

Nó cũng làm cho ta buồn man mác khi bắt gặp một đỉnh nhà rông vươn cao trên một ngọn đồi, nhưng khi đến gần thấy nó quá nhiều bê tông. Những ngôi nhà rông truyền thống thanh thoát, có mái như lưỡi rìu neo vào trời xanh nay đã thay đổi dần trong mắt những người già. Sau một thời gian bê tông hóa, dường như đã có một nhận thức mới, nên chuyến đi này chúng tôi thấy nhiều hơn những nhà rông được dựng bằng nguyên liệu bản địa là gỗ, tranh, tre, nứa.

Theo thống kê, trong số nhà rông hiện có trên địa bàn Kon Tum, chỉ có 77,4% số nhà rông được xây dựng bằng gỗ, tranh, tre, nứa theo đúng nguyên mẫu truyền thống, 22,6% số nhà rông xây dựng bằng vật liệu hiện đại, bê tông cốt thép, lợp tôn. Tỷ lệ đó cũng là tín hiệu đáng mừng về văn hóa truyền thống đang được chú trọng khôi phục.

Cảm giác về một Kon Tum bí ẩncàng tăng khi nơi này chưa được các công ty khai thác du lịch để mắt đến nhiều. Đó là nơi nếu may mắn có thể chứng kiến một lễ hội mừng lúa mới, kết hợp với lễ bỏ mả kéo dài chục đêm, từ lúc hạ con thú lớn trong rừng đến ngày hội cồng chiêng.

Kontum được coi là nơi còn giữ được rừng đầu nguồn, đó chính là cái nôi của văn hóa cồng chiêng, với rừng, làng, bến nước. Chỉ có thanh niên bây giờ có internet nên thích xem phim, thích karaoke mỗi ngày, chứ không còn quá mong chờ vào những lễ hội của bản làng mình.

Nhiều địa phương ở Tây Nguyên đưa lễ cúng và múa cồng chiêng (cúng mừng mùa mới, lễ cúng giọt nước, lễ bỏ mả) lên sân khấu, vô tình làm tầm thường hóa một di sản văn hóa trong mắt lớp trẻ các tộc người Bana, Giarai, Êđê. Lớp người kế thừa này sẽ lẫn lộn những giá trị giữa lễ và hội, giữa đời sống tâm linh và sản phẩm du lịch.

Lễ hội là thời điểm hội tụ sức mạnh tinh thần của cộng đồng, và khi tổ chức theo cách lôi cả thế giới văn hóa tâm linh lên sân khấu mà không phân biệt cái nào là giá trị nghệ thuật, cái nào là tâm linh, làm tầm thường giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Dù sao ở Kon Tum không quá nhiều lễ hội sân khấu như vài nơi đông khách du lịch, và vì vậy còn giữ được sự bí ẩn riêng cho một gócTây Nguyên! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kon Tum bí ẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO