Kịch Noh và cách người Nhật bảo tồn di sản

HỒNG NGA| 07/07/2017 06:35

Là môn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, kịch Noh lung linh huyền hoặc và hấp dẫn du khách mỗi khi đến thăm đất nước này.

Kịch Noh và cách người Nhật bảo tồn di sản

Là môn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, kịch Noh lung linh huyền hoặc và hấp dẫn du khách mỗi khi đến thăm đất nước này. Để những di sản phi vật thể thế giới của Việt Nam không chỉ trường tồn mà còn lan tỏa, cách làm của người Nhật là đáng học hỏi.

Đọc E-paper

1. Noh là một thể loại quan trọng trong nghệ thuật kịch truyền thống Nhật Bản, được biểu diễn từ thế kỷ XIV, bắt nguồn từ nghi lễ của đạo Shinto (Thần đạo) do nhà soạn kịch thiên tài Kannami (1333 - 1384) và con trai ông là Zeami (1363 - 1443) sáng lập.

Noh phát âm theo Hán tự có nghĩa là sự điêu luyện, là dạng nghệ thuật biểu diễn sân khấu kết hợp múa, tuồng, âm nhạc và thơ ca, được xây dựng dựa trên 5 nhóm nhân vật gồm có vị thần, chiến binh, những người phụ nữ xinh đẹp, các nhân vật hỗn hợp và nhân vật siêu nhiên.

Về hình thức, Noh không quá lộng lẫy, phô trương, cũng không quá dân dã. Người biểu diễn không trang điểm mà dùng mặt nạ được chế tác rất công phu từ cây bách. Sắc thái và tính cách nhân vật thể hiện qua góc độ ánh sáng, ánh mắt và gương mặt của chiếc mặt nạ.

Chính cách kết hợp tinh tế các loại hình nghệ thuật trong một vở kịch, sự điêu luyện về diễn xuất và những công cụ biểu diễn, những triết lý nhân sinh sâu sắc đã đưa kịch Noh vào loại hình di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. 

Nhận thấy cần phải bảo tồn loại hình nghệ thuật quý giá này, năm 1974, Nhật Bản đã thông qua Luật Chấn hưng các ngành nghề truyền thống. Trong đó, các loại mặt nạ, nhạc cụ, trang phục biểu diễn đạt yêu cầu đều được cấp giấy chứng nhận. Các diễn viên lâu năm được công nhận là nghệ nhân quốc bảo. Họ có trách nhiệm đào tạo thế hệ kế cận để gìn giữ kịch Noh.

Bảo tồn không thôi chưa đủ, năm 1983, Chính phủ Nhật Bản cho xây dựng Nhà hát kịch Noh Quốc gia tại thủ đô Tokyo trên khu đất 8.000m2. Ông Intoh Hideaki - Giám đốc Nhà hát kịch Noh Quốc gia cho biết, kịch Noh là niềm tự hào của người dân Nhật và nhà hát được dựng nên để góp phần đưa môn nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng và khách nước ngoài.

Nhà hát được xây dựng hiện đại nhưng mang nét kiến trúc truyền thống Nhật Bản, sân khấu với sức chứa 600 người. Điều đặc biệt là ghế ngồi đều trang bị màn hình hiển thị nội dung và lời thoại bằng tiếng Anh để khách ngoại quốc có thể hiểu và cảm nhận nội dung vở kịch.

Ngay cái cách mà Ban giám đốc Nhà hát kịch Noh Quốc gia đón tiếp chúng tôi cho thấy họ yêu quý môn nghệ thuật này biết nhường nào. Khi biết thông tin 3 nhà báo Việt Nam muốn tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này, Ban giám đốc Nhà hát gồm 4 người đã dành nguyên buổi chiều để tiếp chúng tôi.

>>"Vị trí" của cái toilet trong triết lý kinh doanh của người Nhật

Chúng tôi là những vị khách hiếm hoi được tham quan toàn bộ nhà hát kịch, từ phòng đạo cụ, phòng thay trang phục cho đến "lối đi bí mật" dành cho diễn viên. Chỉ vào các bộ trống biểu diễn, ông Intoh Hideaki tự hào nói: "Đây là loại trống làm bằng da ngựa và trước khi dùng phải hơ trên lửa âm thanh mới phát ra như mong muốn. Còn kia là những chiếc áo được may bằng loại vải lụa đặc biệt".

Ngoài nhà hát quốc gia, các nhà hát tư nhân chuyên về loại hình nghệ thuật này cũng được dựng lên ở nhiều nơi. Tại Osaka có Nhà hát kịch Noh Otsuki và Nhà hát Nagoya Noh. Kịch Noh không chỉ biểu diễn ở nhà hát mà còn được tổ chức tại các đền thờ lớn. Vào mùa xuân, tại các ngôi làng hay những vùng có đông du khách, sân khấu được dựng lên để biểu diễn loại hình nghệ thuật này.

2. Năm 2008, UNESCO công nhận kịch Noh là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Theo ông Intoh Hideaki, có nhiều du khách, đặc biệt là khách châu Âu và Mỹ rất thích tìm hiểu loại hình nghệ thuật này. Trong mỗi suất diễn của nhà hát, khách ngoại quốc, đặc biệt là khách đến từ châu Âu và Mỹ chiếm 10 - 15%. Phục vụ cho khách nước ngoài nên trên các tờ quảng cáo chương trình luôn kèm theo tiếng Anh.

Để giúp du khách hiểu hơn về môn nghệ thuật này, Nhà hát còn tổ chức phòng trưng bày về trang phục biểu diễn và cứ 3 tháng một lần, các mẫu trưng bày sẽ được thay đổi.

Ông Intoh Hideaki - Giám đốc Nhà hát kịch Noh Quốc gia giới thiệu về kịch Noh

Nếu như những di sản phi vật thể thế giới của Việt Nam (nhã nhạc cung đình, dân ca quan họ Bắc Ninh...) chỉ được biểu diễn vào các dịp lễ hội tại nơi "sản sinh" ra di sản thì kịch Noh được Nhật Bản đưa vào chương trình học phổ thông. Ngay từ nhỏ, học sinh đã được học, tìm hiểu về nghệ thuật này và đây là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông.

Tại Tokyo, mỗi tháng Nhà hát kịch Noh Quốc gia tổ chức biểu diễn 6 suất cho những người yêu thích loại hình nghệ thuật này, 15 - 20 suất diễn dành cho các trường học. Để giới trẻ thẩm thấu và yêu quý loại hình nghệ thuật này, bên cạnh các vở diễn truyền thống, các nhà soạn kịch Noh còn sáng tác những vở kịch có nội dung sát với thực tế hiện tại.

Không chỉ thế, những người có trách nhiệm lưu giữ di sản phi vật thể này còn kết hợp với các đơn vị dịch vụ du lịch để quảng bá kịch Noh. 2 năm nay, vào tháng 6, Nhà hát kịch Noh Quốc gia đã kết hợp với Keio Plaza Hotel tổ chức các buổi biểu diễn tại khách sạn cho khách xem, cùng với đó là các buổi trưng bày về đạo cụ của kịch Noh, như mặt nạ chẳng hạn.

Kịch Noh còn đến gần hơn với du khách nước ngoài qua các mùa lễ hội. May mắn là chúng tôi được đến nơi thường tổ chức sân khấu ngoài trời về kịch Noh ở tỉnh Shizuoka.

Tại bờ biển với rừng thông Miho no Matsubara, vào mùa lễ hội xuân, một sân khấu kịch Noh hoành tráng được dựng lên. Người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước có thể xem vở kịch Noh nổi tiếng Chiếc áo choàng lông - một truyền thuyết về nàng tiên biểu diễn điệu múa cung đình miêu tả vẻ đẹp của Miho no Matsubara trước khi bay qua đỉnh núi Fuji về lại nơi tiên giới trong ánh trăng vằng vặc - do những nghệ nhân Shizuoka biểu diễn trong không gian rất đặc biệt: dưới bầu trời đêm cùng tiếng sóng biển.

Cách truyền bá Noh của Nhật đã khiến rất nhiều người nước ngoài yêu thích môn nghệ thuật này. Elisa - một diễn viên người Pháp vì yêu Noh mà trở thành người quảng bá Noh tại Paris. Cô tham gia nhiều suất diễn và rất được giới nghệ thuật Nhật Bản trân trọng.

Tại rừng thông Miho no Matsubara, chính quyền tỉnh Shizuoka đã lập bia tưởng niệm nghệ sĩ tài hoa này.

Với cách làm của người Nhật, bất chấp làn sóng phim ảnh, nhạc trẻ ngày càng phát triển, kịch Noh vẫn được yêu mến và gìn giữ qua bao thế hệ.

>>Carmen - Vở nhạc kịch của tự do

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kịch Noh và cách người Nhật bảo tồn di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO