"Không là phế liệu của chiến tranh"

ĐOÀN LÊ - BÍCH HỒNG| 30/06/2017 06:32

Đâu đó trong các góc khuất của lịch sử, vẫn còn những nạn nhân chiến tranh loay hoay tìm kiếm con đường thoát ra khỏi quá khứ...

"Chúng tôi là con người, không phải là phế liệu của chiến tranh mà người ta vứt đi. Như mọi con người đang sống trên mặt đất, chúng tôi cần có quê hương, tình yêu thương, công việc và một người cha, dẫu đã muộn"...

Đọc E-paper

Sau khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam chấm dứt, hàng trăm đứa trẻ phần lớn có dung mạo khang khác, mắt một mí, nhưng đen cháy trong cái nắng gió miền Trung sống lẩn lút trong khinh ghét, trong tăm tối thất học, trong đói khát, và luôn tự hỏi "Ai là người đã sinh ra mình?".

Cuộc sống đau khổ quá, nghèo hèn quá, rất ít người dám nghĩ đến việc tìm cha - những bóng hình mờ nhạt dưới cái tên Sư đoàn Mãnh Hổ, Sư đoàn Bạch Mã, Sư đoàn Thanh Long của quân đội Đại Hàn từng tham chiến ở Việt Nam những năm 1964 - 1973.

Hàng ngàn đứa con lai sống rải rác ở các vùng cát, vùng núi từ Cam Ranh đến Quảng Trị trong đay nghiến tủi nhục, dường như gánh chịu hết cả tội lỗi của "lính Đại Hàn hồi đó ác lắm!".

Rất ít trong số người con lai ngày ấy đã có được chặng đường dài để trả lời câu hỏi "Tại sao tôi sinh ra trên cõi đời này?". Anh Trần Đại Nhật là một người con như vậy. Câu hỏi ấy chúng tôi cảm nhận được khi theo anh đến vùng trung du miền Trung tìm những số phận tương tự như anh, để nhận ra tất cả đều bất hạnh vì thất học và mưu sinh vất vả, bị ghét bỏ từ gia đình, xóm giềng ngay từ khi cất tiếng chào đời.

Ngôi nhà của người mẹ anh thật đơn sơ, và bà cứ bám vào cuộc sống ở nhà cũ, vườn cũ như chờ đợi một điều gì đó, chứ không chịu theo con về thành phố. Những người phụ nữ nông thôn như bà ngày ấy bị dụ dỗ, hoặc bị hãm hiếp rồi bỏ rơi vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi bất hạnh riêng, bởi sau đó họ tiếp tục nhận sự khinh rẻ của người chồng, nhiều người phải ôm con bỏ trốn lên vùng núi làm mướn để trốn dư luận, trốn tủi nhục đeo bám.

Mẹ của anh Nhật thay đổi tâm tính hoàn toàn kể từ khi chiến tranh kết thúc và bà nhìn thấy rõ thân phận bị bỏ rơi ngay trên mảnh đất quê nhà.

Và cũng từ chuyến đi này, chúng tôi đã gặp rất nhiều bà mẹ như thế. Khi chúng tôi hỏi đường vào nhà một bà mẹ, hàng xóm của bà thật hồn nhiên: "À bà có con lai Đại Hàn đó hả, ừ đúng rồi, hồi xưa bả bị hãm đẻ ra thằng lai đó”.

Anh Nhật lại rơm rớm nước mắt khi nghe thêm một thân phận nữa giống đời mình. Chúng tôi cũng tê tái khi nghe lời chỉ đường hồn nhiên đến vô cảm như thế. Người mẹ sinh con lai đã đeo một bản án suốt đời như vậy. Bà lại còn bị dị tật, nói không nên lời, chỉ ú ớ vung tay mô tả ngày xưa bà bị hãm hiếp đến đau lòng ra sao, đến mặt bố đứa trẻ bà còn không nhìn thấy rõ, hỏi làm sao giúp con có bố!

Chuyện cũ khơi gợi nghe đau thấu tim gan, bởi tiếp theo là con ghẻ bị cha dượng đánh đập, vì nỗi nhục mà những người cha dượng ấy cảm thấy như không bao giờ rửa được, chỉ biết trút lên đứa trẻ vô tội trong cuộc sống nghèo khó kéo dài.

Thế hệ con lai giờ cũng đã trên 40 tuổi. Các anh, các chị kể nhiều lắm về cuộc đời mình, chỉ toàn đòn roi trộn nước mắt, bị xua đuổi ngủ lề đường hay chuồng gà, làm thuê làm mướn sinh sống qua ngày.

Anh Trần Đại Nhật

Anh Nhật - người chủ trì chuyến đi này cùng chúng tôi thăm lại các thân phận đau khổ đó dẫn chúng tôi về gặp mẹ của mình, tính nết vô cùng chướng. Anh dẫn chúng tôi tìm kiếm những người con lai khác để tận mắt nhìn thấy những số phận đau khổ sinh ra từ góc khuất chiến tranh. 

"Khi chúng tôi chưa trả lời hết được câu hỏi về nguồn gốc, về quê cha, về nỗi đau do sĩ quan và binh lính Đại Hàn gây ra thì lịch sử cuộc chiến vừa qua chưa thể khép lại", anh Nhật ngồi trước máy tính mà gõ lên bàn phím những dòng như vậy.

Từng bỏ nhà lưu lạc vào TP.HCM, ngủ ghế đá công viên, bới rác, rồi thi đậu đại học, rồi làm việc cho các công ty Hàn Quốc, và gặp được người đàn ông Hàn Quốc đã sinh ra 2 người chị cùng mẹ khác cha, anh Nhật đã trải qua tất cả cung bậc của cảm xúc để tận hiểu chính bản thân và những người có cùng cảnh ngộ.

Năm 1991, anh Nhật bắt đầu tìm kiếm những người con lai Hàn - Việt và nhận thấy họ đều sống trong cảnh tăm tối, nghèo hèn. Vừa sinh sống, làm ăn lo cho gia đình, anh vừa giúp đỡ người cùng cảnh, và các hoạt động xã hội này đã giúp một số cháu mang trong mình 2 dòng máu có học bổng để không bị thất học như cha mẹ các em.

Việc tổ chức tìm kiếm người thân của họ cũng đã khởi xướng cách nay mười mấy năm, đã có 50 người gặp mặt cha ruột. Có cười, có khóc, có mừng vui, có thất vọng. Nhưng đó là một phần đời của những số phận không may mắn.

Trong căn nhà sơ sài của mẹ đẻ ở tỉnh Phú Yên, anh Nhật tâm sự: "Tôi đang thu xếp để đưa mẹ và các con mình đến Hàn Quốc một lần, đi thăm Bảo tàng Hòa Bình, thăm bức tượng xin lỗi Việt Nam. Và nếu như bà nhận được lời xin lỗi, bà sẽ thanh thản những năm tháng cuối đời".

>>Người Hàn làm gì để "thành thật xin lỗi Việt Nam"?

Anh Nhật từng viết: "Chúng tôi là con người, không phải là phế liệu của chiến tranh mà người ta vứt đi. Như mọi con người đang sống trên mặt đất, chúng tôi cần có quê hương, tình yêu thương, công việc và một người cha, dẫu đã muộn"... "Ám ảnh này làm tôi kinh sợ chiến tranh. Tôi cầm bút để giải tỏa nỗi lòng, viết lên khát vọng của mình. Đó còn là cánh buồm neo tình yêu cho bến bờ những đứa con tôi sau này sẽ tới. Những gì đã qua không thể lãng quên, bởi đã phải trả giá với rất nhiều đớn đau, máu và nước mắt. Từ những số phận lẻ đơn, chúng tôi mơ bay đến những chân trời, vùng trời thân thiện, hòa giải, ấm áp tình yêu thương. Đối thoại, tìm cách giải quyết với vực thẳm trong quá khứ chính là san bằng, làm đường đến với tương lai. Có thể tiếng nói của tôi rơi vào yên lặng, cũng có thể tạo thành những tiếng vang trước khi bầu trời rạng sáng".

Cuối năm 2016, một thỉnh nguyện thư của 10 phụ nữ Việt Nam từng bị lính Đại Hàn cưỡng hiếp trong chiến tranh đã được gửi tới Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu phải xin lỗi về tội ác này. Người đứng đơn là mẹ của Trần Đại Nhật. Thỉnh nguyện thư chưa nhận được bất cứ câu trả lời nào. Nhưng nhiều tổ chức xã hội ở Hàn Quốc đã nhìn nhận vấn đề và giúp đỡ những đứa con lai tìm kiếm thân nhân.

Và hôm nay tận mắt nhìn những người phụ nữ già nua hồi tưởng lại cái ngày bất hạnh khi họ rơi vào cảnh bị hãm hiếp trong chiến tranh, chúng tôi hiểu rằng, câu chuyện này chưa bao giờ được khép lại, những mong chờ được giải thoát bằng một cách nào đó, bằng sự gặp gỡ, đoàn tụ, hay bồi thường, hay giúp đỡ, nhưng vẫn cần một lời xin lỗi.

Sự đòi hỏi đó không cô độc. Ở Bảo tàng tội ác chiến tranh Nam Kinh, chúng tôi thấy những bằng chứng tố cáo của phụ nữ Trung Quốc bị đem làm trò vui cho binh sĩ Nhật Bản. Những tiếng nói tương tự cũng vang lên ở Hàn Quốc và Triều Tiên.

Dù các chính phủ rất nỗ lực cải thiện mối quan hệ ngoại giao, nỗ lực phát triển hợp tác kinh tế, du lịch, thì đâu đó trong các góc khuất của lịch sử, vẫn còn những nạn nhân chiến tranh loay hoay tìm kiếm con đường thoát ra khỏi quá khứ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Không là phế liệu của chiến tranh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO