Khát vọng "Thủ phủ" du lịch miền Tây

CÁC NGỌC| 01/02/2017 03:35

Khai trương vào đầu tháng 1/2017, nhưng gia đình anh Trần Thanh Hùng (TP. Sa Đéc, Đồng Tháp) đã đón được 120 lượt khách trong 6 tháng làm thử điểm du lịch homestay Ngôi nhà Hoa Ếch trong làng hoa Sa Đéc.

Khát vọng

Chính thức khai trương vào đầu tháng 1/2017, nhưng gia đình anh Trần Thanh Hùng (khóm Tân Mỹ, P. Tân Quy Đông, TP. Sa Đéc, Đồng Tháp) đã đón được 120 lượt khách trong 6 tháng làm thử điểm du lịch homestay Ngôi nhà Hoa Ếch trong làng hoa Sa Đéc.

Đọc E-paper

Khai trương một điểm du lịch homestay nhỏ thôi, cũng có chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chủ tịch UBND Thành phố Sa Đéc đến chung vui và không phải với tư cách khách mời, mà đích thân mời khách dùng bánh trái thay cho chủ hộ.

"Quan" đi trước, kéo làng nước làm du lịch

Tráng A Chu  lần đầu tiên đến làng hoa Sa Đéc và nhiều làng khác của Đồng Tháp thăm thú, rồi vào homestay Ngôi nhà Hoa Ếch đúng ngày khai trương. A Chu nói: "Du lịch cộng đồng ở Đồng Tháp sẽ thắng bởi mỗi làng ở đây có rất nhiều câu chuyện để kể, đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Đặc biệt, dân có lãnh đạo tỉnh cùng đứng lên làm cuộc "cách mạng" du lịch thì sẽ hùng mạnh hơn cả Tây Bắc đấy!".

Cách nay hơn một năm, Tráng A Chu - chủ hộ homestay khá thành công ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La - từng ấn tượng khi thấy ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trực tiếp dẫn đoàn cán bộ tỉnh đi ăn, nghỉ tại các homestay ở Tây Bắc.

"Các chú không phải đi du lịch, mà là đi thực tế xem chúng tôi làm homestay có khá không để học cách làm cho người dân Đồng Tháp. Các chú ấy thật sự vào cuộc, chứ không chỉ hô hào dân làm du lịch. Thật đáng nể. Lúc ấy, chúng tôi thật lòng nói làm nương rẫy chủ yếu cho khách trải nghiệm, còn thu nhập chính của gia đình bây giờ là làm du lịch, một năm thu nhập gấp ba, bốn lần làm nương ngô, ruộng lúa", A Chu hào hứng kể.

Tận mắt thấy, tai nghe chủ nhân các mô hình homestay du lịch cộng đồng (HCBT) ở Mai Hịch, Hang Kia (Hòa Bình), Hua Tạt (Sơn La), Pù Luông Retreat (Thanh Hóa)... trao đổi, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp như "sáng ra" con đường tăng thu nhập cho người dân Đồng Tháp vốn chỉ sống nhờ nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Dương chia sẻ: "Người dân ở Tây Bắc làm rất hay. Dù là phòng ở tập thể nhưng có không gian riêng tư, có đèn ngủ và ổ cắm điện, nệm gối, nhà tắm, nhà vệ sinh riêng biệt... Cách thiết kế, bày trí chỗ ở và thực đơn đều đảm bảo tiện nghi cho cả khách nội địa lẫn quốc tế.

Chỗ ngủ chỉ 80.000 đồng/người mà có cả nước uống đón khách (welcome drink). Ăn sáng buffet 50.000 đồng/suất cho đoàn tối thiểu 10 người. Chỉ sau 3 năm, các HCBT đã có hơn 500 chỗ ngủ, năm 2016 đón 60.000 lượt khách lưu trú, 70% là khách nước ngoài. Có nơi như HCBT Mai Hịch (Hòa Bình) với 3 nhà nghỉ và 50 chỗ ngủ, chỉ 6 tháng đầu năm 2016 đã đón hơn 6.000 khách lưu trú từ các công ty lữ hành, chưa kể khách vãng lai.

Người dân vùng cao Tây Bắc ở nơi hẻo lánh, khó khăn gấp bội, đi lại cách trở, học vấn hạn chế... mà còn "ăn nên làm ra" nhờ làm du lịch. So sánh thấy tỉnh nhà điều kiện thuận lợi hơn nhiều, lãnh đạo Đồng Tháp tự tin sẽ làm được và phải làm được cho dân".

Sau nhiều cuộc nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến từ các chuyên gia về du lịch, các công ty lữ hành, Đồng Tháp xác định "Du lịch là mũi nhọn song hành với nông nghiệp" và quyết định phất cờ "Du lịch trách nhiệm gắn với cộng đồng", chọn mô hình homestay làm "đòn bẩy" đột phá. Và cuộc "cách mạng" du lịch ở Đồng Tháp đã khởi động ngay sau chuyến đi kể trên.

Là thành viên nhóm chuyên gia tư vấn du lịch cho Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch HĐTV Công ty Dã ngoại Lửa Việt, chưa từng thấy ở đâu cả tỉnh đi học làm du lịch như ở đây. Các lớp học chia sẻ thực tiễn để "thay đổi nhận thức về du lịch" được tổ chức cho Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, rồi đến cán bộ chủ chốt các ban ngành và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tiếp theo là lãnh đạo các huyện, thị, thành phố. Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đều có mặt. Lớp nào cũng nghiêm túc tiếp thu những kiến thức, cách làm du lịch, giúp định vị lại cách nhìn và tư duy để chọn hướng đột phá, tạo ra những nét riêng của Đồng Tháp.

Sau đó tỉnh mở các lớp tương tự cho các đơn vị dịch vụ, các điểm tham quan, những hộ dân muốn tham gia làm du lịch. Tư duy "du lịch trách nhiệm gắn với cộng đồng" được nhấn mạnh trong các lớp học. Đó là việc sản xuất nông nghiệp kết hợp làm du lịch đều không làm tổn hại môi trường sống, những sản phẩm đặc thù của địa phương mang đến trải nghiệm "đi rồi muốn trở lại" cho du khách, đảm bảo nâng cao đời sống người dân, chia sẻ lợi nhuận với cộng đồng tại chỗ.

Làm cho khát vọng không viển vông

Mấy tháng liên tục, một không khí háo hức và chủ động, từ chính quyền, doanh nghiệp đến người dân, khiến nhóm chuyên gia cũng phấn khích, sẵn sàng "làm chết bỏ”, vừa tư vấn cho dân đầu tư mô hình du lịch, vừa ra sức quảng bá, tìm khách đưa tới. Bây giờ về Đồng Tháp, đi đâu cũng râm ran chuyện làm du lịch.

Từ Tết này, khách đến Sa Đéc không chỉ ghé qua tham quan làng hoa, nhà cổ, chùa cổ hay nghỉ tạm một đêm rồi sang tỉnh khác, bởi điểm homestay Ngôi nhà Hoa Ếch cho họ trải nghiệm thêm cuộc sống làng nghề trồng hoa, thưởng thức tài nấu ăn, làm bánh khéo léo của phụ nữ Sa Đéc.

Ông Trần Thanh Hùng - chủ hộ homestay Ngôi nhà Hoa Ếch cho biết lịch đón khách đã có hết trong các ngày từ nay đến Tết Đinh Dậu. Sắp tới sẽ có thêm 4-5 điểm homestay mới ở làng hoa Sa Đéc.

Chính quyền xã Tân Thuận Đông (TP.Cao Lãnh) đã hỗ trợ cho vài hộ làm du lịch homestay trang trí lại nhà cửa, vườn cây, xây nhà vệ sinh, cải tạo lại ao, kênh rạch nuôi cá, tuyên truyền nông dân sản xuất cây ăn trái an toàn, và đang hoàn chỉnh đường giao thông để khách tham quan bằng đường bộ lẫn đường thủy.

Tết này, huyện Lai Vung có 7 điểm nhà vườn cây ăn trái, trong đó có 6 điểm là vườn quýt hồng, quýt đường, cam các loại mở cửa đón khách tham quan. Nhà nào cũng biết cách tách một góc vườn, trồng cho cây ra trái thật đẹp để khách chụp ảnh. Có nhà vườn còn chuẩn bị giỏ đựng cho khách mua cam, mua quýt tự tay hái trái.

Còn cồn Phú Mỹ (huyện Thanh Bình) tuy chưa được Tỉnh quy hoạch phát triển du lịch, nhưng khi đến, các công ty lữ hành chấm ngay, vì đây đích thực là một làng Nam bộ đặc trưng nhất mà Đồng Tháp đang sở hữu. Mọi người đồng tình đặt tên là "Làng Nam bộ thân thiện" và lập tức đề xuất Tỉnh đưa vào bản đồ du lịch Đồng Tháp, nhanh chóng huấn luyện cho người dân làm du lịch để công ty lữ hành có thể đưa khách đến trong năm nay.

>>Mù Cang Chải: Du lịch homestay hấp dẫn du khách quốc tế 

Anh Kwon Hyun Woo - sinh viên Hàn Quốc đang học Cao học tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, theo chúng tôi đến làng Phú Mỹ, mê mẩn với đồng rau nhút thủy sinh rộng mênh mông đang vào lúc nở hoa vàng rất đẹp, rồi vào làng lại bị hút hồn trước những vườn xoài, vườn đu đủ trĩu quả.

Kwon Hyun Woo nói thích cả cảnh hai bên đường làng được người dân trồng hoa rực rỡ, thích cảnh trẻ con chơi nhảy dây, bắn bi và không ngờ ở đây người dân làm nhiều loại bánh, nhiều loại chè thơm ngon mà bán chỉ vài ngàn đồng. Anh sẽ giới thiệu ngay cho bạn bè ở Hàn Quốc về làng Nam bộ này.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan khẳng định Đồng Tháp phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, vì lòng tự hào quê hương, xứ sở và phát triển du lịch là một hành trình dài, cần sự vào cuộc quyết liệt. Đồng Tháp cần sự đồng hành của các chuyên gia, nhà quản lý du lịch, các đơn vị lữ hành và những người dân quyết chí cùng lãnh đạo tỉnh tiên phong đột phá "du lịch trách nhiệm" để thực hiện khát vọng trở thành "Thủ phủ du lịch miền Tây" trong 10 năm tới.

Ông Dương Minh Bình - Chủ tịch Công ty Tư vấn phát triển du lịch CBT nhận định Đồng Tháp có nhiều làng nghề độc đáo, là "thủ phủ” hoa miền Tây Nam bộ, sở hữu khu Ramsar thứ tư của Việt Nam - Vườn quốc gia Tràm Chim, nhiều di tích lịch sử, có một nền văn hóa bản địa đậm chất Nam bộ với người dân giỏi sản xuất, giỏi chế biến những sản vật thiên nhiên và nông sản làm ra. Tất cả những tài sản ấy rất có giá trị để hiện thực khát vọng trở thành "Thủ phủ du lịch miền Tây" của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khát vọng "Thủ phủ" du lịch miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO