Hương Sơn du ký

DIỆP BĂNG| 23/09/2016 06:10

Hương Sơn là một xã của huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây hệ thống núi non, hang động, sông suối hài hòa, tươi đẹp.

Hương Sơn du ký

Hương Sơn là một xã của huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây hệ thống núi non, hang động, sông suối hài hòa, tươi đẹp. Ngoài suối Yến, chùa Thiên Trù, động Hương Tích, chùa Tuyết Sơn đã quá đỗi quen thuộc vào mỗi dịp xuân trẩy hội, còn có một hành trình du ngoạn Hương Sơn khác hoang sơ, cổ kính đầy mê hoặc... 

Đọc E-paper

1. Mùa thu, dòng suối Yến phẳng lặng với hoa sen đang tàn, những con thuyền sắt dựng úp dọc bên đường. Khách đi thuyền trên suối Yến vào chùa Hương chỉ lèo tèo vài ba người trong dịp cuối tuần. Dân lái thuyền, kinh doanh đồ cúng lễ đã chuyển hẳn sang nghề khác.

Dừng ngắm bến đò quen thuộc một lúc, chúng tôi thẳng tiến theo con đường bê tông về phía trước. Đi được vài ba kilômét thì bên đường xuất hiện tấm bảng "Chùa Long Vân". Chúng tôi rẽ vào một con đường ngày càng nhỏ dần, ngoằn ngoèo luồn lách qua những vườn chuối, bờ ao. Cảnh sắc thanh bình của một làng quê Bắc Bộ dần hiện. Đó là thôn Đục Khê, xã Hương Sơn.

Một chiếc cầu bê tông nhỏ bắc qua dòng suối dẫn chúng tôi tới một vùng non thiêng với cây cối rợp bóng bên chùa. Mùa thu cảnh chùa vắng lặng, tĩnh mịch. Long Vân có nghĩa là mây rồng, thế chùa tuyệt đẹp khi tựa vào núi cao, nhìn ra hồ nước phía trước, xa xa là suối Long Vân - một nhánh của suối Yến.

Dòng nước ngầm trong lòng núi chảy qua bao khe đá tạo thành một hồ nước trong xanh trước cửa chùa. Một cây đa tỏa bóng mát khắp sân chùa rộng lớn. Bên gốc đa là nhà bia từ thời vua Khải Định (1925), ghi danh các nhà sư và các nhà hảo tâm từng góp công, góp của xây dựng, cải tạo chùa. Cảm giác mát lạnh, khoan khoái khi chúng tôi rửa tay, rửa mặt với dòng nước trong vắt từ khe núi chảy ra.

2. Sau khi gột sạch bụi trần, chúng tôi chiêm ngưỡng, thành kính bái lễ điện Quan Âm. Khu đền Trình nhỏ nhắn với nét kiến trúc cổ nép bên sườn núi. Từ đền Trình phải leo hơn 100 bậc gạch nữa mới tới khu điện chính cũng là tam quan, tam bảo của chùa Long Vân.

Trên con đường đến chùa Long Vân, có một khu nhà còn lại mấy bức tường đổ nát. Đây chính là nền chùa Long Vân xưa. Trước nền chùa là đôi rồng đá cỡ lớn chầu hai bên hàng bậc. Rồng đá được tạo hình tinh xảo, như đang bay lượn trên những đám mây và vẫn còn khá nguyên vẹn. Đây chính là minh chứng cho tên gọi chùa Long Vân.

Rồng đá bên hàng bậc thang dẫn lên nền chùa Long Vân cũ

Khu điện chính chùa Long Vân được xây dựng, tôn tạo sau này nằm ở lưng chừng núi. Từ chùa nhìn ra phía trước, cảnh sắc non thiêng tuyệt đẹp hiện ra trước mắt. Một đoạn suối Long Vân uốn lượn qua mỏm núi. Xa xa là đồng lúa xanh rì và những nếp nhà giữa đồng quê.

3. Sau khi lễ Phật, vãn cảnh một lúc, nhóm chúng tôi lại tiếp tục hành trình trên những bậc đá nhấp nhô, uốn khúc. Vượt qua hàng trăm bậc đá, bước chân đã rệu rã, cuối cùng chúng tôi tới được chùa Cây Khế và động Tiên Tự (còn gọi là động Long Vân).

Gọi là chùa Cây Khế vì ở đây có một cây khế gần 300 năm. Cây khế cũng chính là điểm nhấn cổ xưa cho ngôi chùa trên non cao này. Động Tiên Tự ngay gần chùa là một khu hang động được phát hiện trong lúc xây chùa Long Vân, chùa Cây Khế.

Trong động có một khu tam bảo thờ Phật. Động có một hang sâu hơn 200 mét, người xưa gọi là Động Âm, dưới hang này có nhũ đá, măng đá với nhiều hình thù kỳ lạ. Bên cạnh động Tiên Tự là động nhỏ khác có tên Thánh Hóa (có nghĩa là sự hóa thân của thánh).

Động, chùa và cây cổ thụ trên non cao đã tạo ra một vùng cảnh quan cuốn hút lữ khách.

Cảnh sắc Hương Sơn

4. Càng tiến về phía trước, cảnh sắc càng thâm u, chỉ còn là núi non và tiếng chim. Con đường mòn thoai thoải đưa lữ khách lọt vào lòng thung lũng - một cảm giác thú vị với những người đi đường khi cảnh sắc liên tục thay đổi qua từng đoạn.

Những phiến đá lớn hình dáng kỳ dị dựng đứng bên con đường mòn. Đôi khi lại xuất hiện một rừng thạch nhũ nhấp nhô bên vách núi. Ở những nơi bằng phẳng là rừng tre, trúc um tùm. Giữa rừng tre trúc có một con đường mòn nhỏ...

Thung lũng Hương Sơn khá rộng với những chuối rừng, rau rừng, cây dại đan xen. Đây đã là vùng đất cuối trời huyện Mỹ Đức, chỉ cần leo qua một mỏm núi phía trước là đặt chân lên huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Những người trẻ chúng tôi quyết định khám phá bằng hết nơi cùng trời cuối đất Hương Sơn. Điểm đến cuối cùng trong hành trình du ngoạn này chính là hang Sũng Sàm, thường gọi là động Người Xưa. Đây chính là một di chỉ khảo cổ, nơi lưu dấu bằng chứng sự sống của người Việt cổ.

Điện Quan Âm trước chùa Long Vân

Cái tên Người Xưa trùng với một khu hang động ở Vườn quốc gia Cúc Phương, nhưng đặc điểm và niên đại của 2 khu động cùng có tên Người Xưa ấy là hoàn toàn khác nhau. Động Người Xưa ở Hương Sơn đã được xếp hạng trong vùng văn hóa khảo cổ Hòa Bình thời đồ đá.

Ông Nguyễn Văn Tọa - người đã có gần 30 năm trông coi động và hướng dẫn du khách tìm hiểu về cội nguồn qua di chỉ khảo cổ này, cho chúng tôi biết, rất hiếm khi có người tìm đến động Người Xưa. Thường người ta tham quan chùa Long Vân, chùa Cây Khế, động Tiên Tự rồi về. Vì thế động Người Xưa hẻo lánh quanh năm vắng vẻ.

Khi cửa động mở ra trước mắt, mỗi câu từ, cử chỉ của cụ đều mang tới cho người nghe cảm xúc tự hào về lịch sử, về cội nguồn dân tộc Việt.

Mây vờn núi biếc thiên nhiên đẹp
Động cổ mãi còn dáng thanh cao
Nhũ đá tạo hình phong phú lạ
Vượn hót chim ca tiếng ngọt ngào

Thăm đây nhớ về tổ tiên trước
Quá khứ đi vào nỗi khát khao
Bao nhiêu chuyện lạ đời mơ mộng
Tưởng niệm người xưa vẫn ngọt ngào

Những vần thơ cụ Tọa ngâm dường như càng làm cho cảnh vật quay ngược về quá khứ. Năm 1975, Giáo sư Trần Quốc Vượng và đoàn khảo cổ phát hiện ra di chỉ này. Khu di chỉ có hàng nghìn công cụ bằng đá, chứng tỏ con người đã hiện diện ở đây từ rất lâu.

Theo nghiên cứu về sau này thì những công cụ đá ấy có niên đại từ 1365 - 1770 trước Công nguyên, thuộc lớp văn hóa cổ Hòa Bình. Bên trong động có một đống vỏ ốc rất lớn, càng minh chứng cho sự sống và tập tục săn bắt, hái lượm của người xưa. Trước đây khu vực này từng có vài dòng suối chảy qua khe núi.

Có những nơi mang đậm ý nghĩa lịch sử, nơi mọi người có thể tìm về cội nguồn thì lại bị lãng quên. Những người trẻ nếu không có lòng nhiệt huyết khám phá đến cùng thì sẽ chẳng thể gặp động Người Xưa khi du ngoạn Hương Sơn. Chúng tôi nghĩ, những giáo trình trên trang sách giáo khoa lịch sử sẽ khô cứng nếu niềm đam mê tự khám phá, tự tìm đến những nơi như động Người Xưa này không có trong mỗi người trẻ.

>Hồn xưa Tam Đảo

>Tìm về cội nguồn Thiền phái Trúc Lâm

>Xứ Đoài có hơn một làng cổ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hương Sơn du ký
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO