Huế, 35 năm ấy…

NGÔ MINH| 26/03/2010 08:34

Thành tựu lớn nhất của Huế, Thừa Thiên - Huế 35 năm qua không chỉ là năm 2009 đã đứng vào đội ngũ các tỉnh có GDP 2.500 tỷ đồng, mà cái được nhất là Huế đã bảo tồn và phát triển được vốn văn hóa giàu có của mình.

Huế, 35 năm ấy…

Thành tựu lớn nhất của Huế, Thừa Thiên - Huế 35 năm qua không chỉ là năm 2009 đã đứng vào đội ngũ các tỉnh có GDP 2.500 tỷ đồng, mà cái được nhất là Huế đã bảo tồn và phát triển được vốn văn hóa giàu có của mình.

Trước năm 1975, ngoài guồng máy quân sự và một số trường đại học, Huế hầu như không được Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng gì thêm: Công nghiệp không, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cũng không, khách sạn, dịch vụ không... Cả rau tươi cũng phải mua từ Đà Lạt.

Sau giải phóng, các công ty của ngành thương nghiệp tỉnh Bình Trị Thiên phải mang một lúc mấy bao tải tiền vô Sài Gòn mua nhu yếu phẩm về cung cấp cho cán bộ, công nhân viên. Những ngày đó phố xá lụp xụp lắm. Tôi sống ở khu vực chợ Bến Ngự từ cuối năm 1976, thấy ngoài khu nhà Viễn Đệ mà Công ty Thực phẩm Nông sản Bình Trị Thiên mua lại để làm văn phòng, tất cả đều là nhà tôn lụp xụp.

Chợ Bến Ngự cũng lụp xụp. Nắng thì nóng như thiêu người, mưa thì dột tong tả. Dọc sông An Cựu, dân vạn đò lên bờ cắm cọc làm nhà chòi sơ sài, nheo nhóc. Họ vớt rong bán cho cán bộ và nhân dân nuôi heo. Cả các hộ ở tầng 4, tầng 5 khu chung cư mới xây dựng cũng nuôi heo, thải phân tươi đầy cống rãnh, đổ phân heo vào sông An Cựu, sông Hương.

Chưa hết, đất công viên, lề phố đều bị cuốc lên để trồng sắn, khoai, rau màu chống đói. Nền sân Điện Thái Hòa cũng biến thành nương khoai. Cả di tích Hoàng Thành thành nhà ở tập thể, gạch trong tử cấm thành bị cạy lên xây chuồng heo.

Nhắc đến những ngày vất vả, gian nan ấy càng thấy Huế bây giờ đã khang trang hẳn lên. Nhà lụp xụp bên sông An Cựu từ lâu đã không còn. Đường thông, hè thoáng. Buổi sáng đi bộ dọc sông, nhìn từ khách sạn Xanh về Bến Ngự, đẹp vô cùng. Kè chắn sông có thứ cỏ mọc rũ xuống, nở hoa vàng li ti y như kè xây bằng thảm cỏ vậy.

Cầu Nam Giao, Bến Ngự vừa mới xây dựng lại, rất bề thế. Tôi đi lên phía Kim Long, Thiên Mụ, các dãy nhà bên sông cũng đã được giải tỏa hết, đường nhựa rộng rãi. Khách du lịch có thể phóng tầm mắt lên đầu nguồn sông Hương xanh thẳm. Nhờ chủ trương kinh tế thị trường, người dân đã giàu lên trông thấy. Chỉ nhìn nhà cao tầng, kiến trúc tân kỳ ở đường Phan Bội Châu, Phan Chu Trịnh, Phan Đình Phùng, Trần Thúc Nhẫn... mới thấy 35 năm ấy, cuộc sống của dân chúng đã khả giả lên biết nhường nào.

Ba mươi lăm năm qua, tính từ ngày Huế được giải phóng (26/3/1975), Huế đã có hai thương hiệu mạnh: Huế - Di sản Thế giới, Huế - Festival định kỳ hai năm một lần; chưa kể nhiều thương hiệu hàng hóa khác như Bia Huda, Dệt Phú Xuân, Xi măng Lucs, Du lịch Hương Giang, Đồ đồng Phường Đúc, Nước khoáng Thanh Tân và Khu du lịch Thanh Tân Spa, v.v...

Đặc biệt một Đại học Huế với 8 trường thành viên, trong đó có Trường Đại học Mỹ thuật và Học viện Âm nhạc, là những cơ sở duy nhất ở miền Trung đào tạo họa sĩ, nhạc sĩ; rồi một trung tâm y tế ngày càng chuyên sâu, ngày càng hiện đại với đội ngũ bác sĩ giỏi, thu hút bệnh nhân khắp các tỉnh miền Trung và cả nước.

Văn hóa truyền thống Huế (gồm dân gian và cung đình) cùng với văn hóa Huế hiện đại đã là “đối tác” thành công với văn hóa của những thành phố lâu đời trên thế giới trong suốt bốn kỳ Festival Huế. Giao lưu văn hóa, không phải có nhiều tiền là làm được, mà phải có tầm văn hóa, tức cái “phông” văn hóa ngang tầm người ta mới mời được người ta đến với mình.

Có lẽ thành tựu lớn nhất của Huế, Thừa Thiên - Huế 35 năm qua, không chỉ là năm 2009 đã đứng vào đội ngũ các tỉnh có GDP 2.500 tỷ đồng, mà cái được nhất là Huế đã bảo tồn và phát triển được vốn liếng văn hóa giàu có của mình.

Nhưng cũng do nóng vội, do thiếu quy hoạch dài hạn, do quản lý kém, nên 35 năm qua, Huế đã phung phí nhiều vốn liếng, tài sản mà không mang lại hiệu quả trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Phải nhìn sâu vào những khiếm khuyết đó, mới rút ra được bài học cho tương lai.

Có một thời Huế làm việc với “một cái đầu nóng”, chạy theo “màu cờ sắc áo”, chạy đua với các tỉnh lân cận để chiếm vị trí “trung tâm” miền Trung, thế là ai có cái gì ta có cái nấy, người ta mía đường mình cũng mía đường; người ra có nhà máy rượu mình cũng có nhà máy rượu; người ta thủy điện, sân bay quốc tế, mình không được kém hơn! Làm thuốc lá, bao bì, gạch men, thêu xuất khẩu, thủy sản đông lạnh xuất khẩu, hay chương trình "đánh bắt xa bờ" đều không mang lại hiệu quả, thậm chí thua lỗ trầm trọng.

Cảng nước sâu Chân Mây chỉ khai thác được 10% công suất; sân bay quốc tế Phú Bài không có chuyến bay nước ngoài nào đến từ khi khai trương đến nay. Phát triển thủy điện ồ ạt, rồi khi lụt xả nước để bảo vệ đập đã làm cho phố phường Huế ngập chìm trong nước.

Hệ thống sông, hồ, hào bao giờ được khơi thông? Việc xử lý nước thải các bệnh viện, các cơ sở sản xuất, nước thải nhà dân như thế nào trước khi cho đổ ra sông? Huế đã dừng dự án xây khách sạn ở đồi Vọng Cảnh. Điều đó có ý nghĩa như thế nào trong việc bảo vệ cảnh quan sông Hương trong tương lai, dòng sông mẹ của Huế?

Sông An Cựu đã được làm sạch - Ảnh Minh Khoa

Cuối tháng Hai vừa qua, tôi được mời dự hội thảo "Phát triển kinh tế - xã hội Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2011- 2020 theo hướng phát triển bền vững" do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tại Huế. Tại hội thảo này, tôi có đề nghị phát triển Huế thành “Thành phố hội nghị” quốc tế kiểu như Genève, nhưng nhà văn Tô Nhuận Vỹ cho biết một thông tin làm mọi người giật mình: Huế nhiều khách sạn như vậy nhưng hầu như không có phòng để các nguyên thủ quốc gia ở.

Huế có Trường Đại học Ngoại ngữ nhưng hiện chỉ có vài ba người là dịch được tiếng Anh trực tiếp trong hội nghị, nên rất khó tổ chức các hội nghị quốc tế. Hình như việc này chưa nằm trong suy nghĩ của các nhà lãnh đạo tỉnh.

Một yêu cầu của sự phát triển là phải có môi trường không tham nhũng. Hiện nay có một số vị chức sắc giàu lên bất thường. Có người khi về hưu đổ tiền xây biệt thự, mua xe hơi, xây khách sạn, xây nhà lầu cho con, còn có hàng ngàn mét vuông đất cho thuê làm nhà hàng. Tiền đâu ra vậy? Nhất định bằng trí tuệ và sức lao động thuần túy trong một hai nhiệm kỳ không thể có được ngần ấy tiền. Nhân dân mất tin tưởng ở người lãnh đạo vì những hình ảnh như vậy. Để Huế phát triển vượt bậc trong vài thập niên tới, phải chống tham nhũng một cách quyết liệt, triệt để.

Thừa Thiên - Huế đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài ba năm tới. Về việc này, tôi nghĩ, có tiền thì có phố xá, đường sá khang trang ngay, còn tạo ra con người thị dân đúng nghĩa mới là khó. Đó là công việc của trăm năm. Đó là văn hóa.

Tư duy tiểu nông không làm ra văn hóa đô thị đó được. Mà không có con người thị dân thì tất cả các sản phẩm du lịch văn minh đều bị biến dạng vì ý thức người dân chưa tương xứng.

Cho nên một chương trình giáo dục trong nhà trường về văn minh đô thị phải được tiến hành khẩn trương, phải đầu tư tiền của lớn hơn việc xây dựng nhà cửa, phố xá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Huế, 35 năm ấy…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO