Hủ tục làm hại buôn làng!

VĂN CÔNG NGHĨA| 30/03/2014 06:49

Hủ tục đang khiến nhiều thôn, làng vùng núi một số tỉnh Nam Trung Bộ tan hoang, dấy lên những lo ngại về giáo dục nhận thức cho người dân nơi đây.

Hủ tục làm hại buôn làng!

Hủ tục đang khiến nhiều thôn, làng vùng núi một số tỉnh Nam Trung Bộ tan hoang, dấy lên những lo ngại về giáo dục nhận thức cho người dân nơi đây.

Đọc E_paper

Làng Gò Da

"Cầm đồ thuốc độc"

Trong khi thông tin về vụ việc người dân ở thôn Bút Tưa 2, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đập phá nhà cửa, bỏ làng ra đi vì tin đồn có ma đang gây xôn xao dư luận, thì mới đây, ở một ngôi làng hẻo lánh trên vùng núi cao của huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi lại xảy ra vụ việc một phụ nữ người Hrê bị đánh đến chết vì bị nghi "cầm đồ thuốc độc" gây hại cho làng.

Chưa bao giờ các vụ việc đáng tiếc xảy ra do hủ tục của đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn lại xuất hiện với tần suất liên tục trong một thời gian ngắn như thế.

Gần nửa ngày leo núi, chúng tôi mới đến được Gò Da, một ngôi làng gần như biệt lập trên núi cao thuộc xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Ngôi làng nằm trên lưng chừng một trong những ngọn núi cao nhất ở huyện miền núi Sơn Hà.

Đây cũng là nơi sinh sống từ ngàn đời nay của đồng bào dân tộc Hrê. Và đây cũng chính là nơi vừa xảy ra vụ việc nghi kị "cầm đồ thuốc độc" dẫn tới cái chết tức tưởi, oan ức của một phụ nữ người Hrê, chị Đinh Thị Na.

Câu chuyện bắt đầu từ việc ông Đinh Văn Nương ở thôn Gò Da qua đời vì bệnh ung thư. Gia đình ông Nương đã nghi bà Na dùng thuốc độc rải ở nhà ông Nương, khiến ông bị bệnh ung thư và tử vong.

"Đồ độc" ở đây chẳng có gì khác là những túi nhỏ đựng đất, chén bát mẻ, lông gia súc, gia cầm, rễ cây... Theo đồng bào Hrê, đó là những túi đồ có độc, nguy hiểm và linh thiêng, có thể gây chết người, hại mùa màng...

Án mạng gây ra tại ngôi làng hẻo lánh này vừa qua xuất phát từ những nghi kị đó thông qua miệng lưỡi của thầy bói. Thủ phạm chủ mưu là Đinh Văn Hút, con trai ông Nương, một thanh niên không nghề nghiệp sống trong làng.

Trước dân làng, Hút tuyên bố đã đi xem bói và được biết bà Na có rải đồ thuốc độc khiến cho cha của Hút chết. Hút cùng bạn là Đinh Văn Bẻo đã ra tay tàn độc, giết chết bà Na sau khi bà trên đường lẩn trốn quay lại làng.

Không chỉ có mình bà Na, mà bà Đinh Thị Nới, một người dân trong làng thuộc diện có của ăn của để cũng đã bị nghi kị, đánh đập dã man. Những người thân trong gia đình bà Nới cũng chỉ lặng thinh đau xót nhìn vợ, mẹ, bà của mình bị đám người làng đánh đập, hành hạ giữa sân nhà.

Bà Đinh Thị Nới

Rất may, trong giây phút sơ hở của kẻ thủ ác, vợ chồng bà Nới đã kịp thoát thân trước khi chính quyền vào cuộc giải quyết. Kẻ chủ mưu và gây ra tội ác đã bị Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt giam khẩn cấp, chờ ngày xét xử. Nhưng số tài sản gồm trâu, bò, lợn, gà, nương rãy... mà những gia đình nạn nhân này mất đi thì vẫn chưa thể lấy lại hết được.

Trong đau đớn tột cùng, bà Nới nhớ lại: "Họ lấy dây trói mình lại, đánh đập mình đến ngất xỉu. May mà đến gần sáng mình vùng dậy chạy thoát được, nhờ chính quyền giúp đỡ”. Bà nói thêm: "Giờ kẻ đánh đập mình đã bị bắt nhưng trâu bò, tài sản bị nó cướp thì chưa lấy lại được".

Còn ông Đinh Văn Rinh, chồng bà Nới thì nhất mực khẳng định: "Vợ mình không có đồ thuốc độc đâu. Mình ở với vợ mình mấy chục năm rồi mà, mình đi đâu, vợ mình đi đó, mình lên rãy, vợ cũng lên theo nên mình biết là vợ mình không có đồ độc. Mình cũng không tin là có đồ độc trong làng mình".

Chưa có con số đầy đủ, song ước tính mỗi năm có tới hàng chục vụ việc liên quan đến các hủ tục xảy ra tại vùng miền núi các tỉnh Nam Trung Bộ, trong đó có Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Chỉ riêng tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2010 đến nay đã xảy ra 22 vụ nghi kị "cầm đồ thuốc độc". Một điểm chung giữa các vụ việc này là lợi dụng niềm tin mù quáng của bà con miền núi, kẻ xấu đã thông qua lời phán của thầy mo, thầy bói để đánh đập, thậm chí là giết người và chiếm đoạt tài sản.

Theo Thượng tá Võ Văn Đãi, Trưởng Công an huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi: "Nguyên nhân là do nhận thức lạc hậu, đồng bằng ta thường gọi là mê tín dị đoan. Ở những nơi kinh tế kém phát triển, vùng sâu, vùng xa, công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế nên khi ốm đau, hoạn nạn, có việc không may mắn thì họ tin vào thầy bói, thầy mo phán có đồ độc, ma quỷ, hay kẻ khác hại mình... Từ đó, họ tổ chức cúng giải, thu tiền bất chính".

"Ma đuổi"

Trước đó, chỉ vì tin vào lời nhảm nhí của thầy bói, 17 hộ dân ở thôn Bút Tưa 2 xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã đồng loạt đập phá những ngôi nhà kiên cố trị giá hàng trăm triệu đồng, tháo chạy khỏi nơi ở, để rồi chấp nhận cảnh màn trời chiếu đất nơi làng mới.

Sự việc diễn ra sau khi có hai người đàn ông là A Lăng Tròn và A Lăng Nghĩa có dấu hiệu thần kinh đã đột ngột treo cổ chết chưa đầy một tháng trước và sau Tết Giáp Ngọ vừa qua. Với quan niệm của người Cơ Tu, đó là những cái chết xấu, có ma xuất hiện trong làng!
Hơn một ngày sau, bất ngờ một cuộc tháo chạy nhanh chóng của 17 hộ dân, với 65 đồng bào Cơ Tu nơi đây đã diễn ra chóng vánh.

Những gì còn sót lại ở thôn Bút Tưa 2 là nền gạch đá, tường nhà bị đập đổ nát, mọi thứ tan hoang như sau một trận chiến. Cho đến giờ, người dân ở đây vẫn chưa hết sợ hãi về cái gọi là sự xuất hiện của "con ma làng". Điều đáng lo ngại là theo tập quán, phong tục của người Cơ Tu, một khi đã rời làng ra đi thì không bao giờ họ trở lại làng cũ.

Bởi thế mà chính quyền địa phương đã lực bất tòng tâm trước sự tháo chạy "như ma đuổi" của người làng Bút Tưa 2. Ông A Lăng Kiên, một người dân ở thôn Bút Tưa 2 cũng là người đã đập nhà mình để dọn đến chỗ ở mới cho biết: "Không có lý do gì hết, tự nhiên hắn (A Lăng Tròn và A Lăng Nghĩa) chết, nên mình sợ, dù tiếc cái nhà, nhưng sợ chết quá, nên mình phải chạy thôi".

Cuộc tháo chạy đã khiến cho chính quyền địa phương trở tay không kịp. Bởi trước đó, chính quyền xã đã nghe tin đồn thổi, và cũng đã cử cán bộ vào nắm tình hình, động viên dân làng không được bỏ làng ra đi. Nhưng thực tế thì ngược lại. Cho đến giờ, ngôi làng chỉ còn có 3 hộ dân ở lại, trong đó có hộ già làng A Lăng Tăng. Cuộc sống của ba hộ dân này vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày.

Như vậy là đã rõ. Cái gọi là "cầm đồ thuốc độc" hay "ma làng" chỉ là niềm tin mù quáng, là những hủ tục lạc hậu của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng miền núi có nhiều khó khăn, trở ngại. Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ những hủ tục này mới chấm dứt, những lời phán của thầy bói, thầy mo, thầy cúng không còn giá trị trong nhân dân?

Bí thư Huyện ủy Sơn Hà, Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng cho biết: "Lợi dụng niềm tin mù quáng, chiếm đoạt tài sản thì không phổ biến, phổ biến nhất vẫn là người dân đang có niềm tin vào đồ độc, len lỏi qua từng thế hệ. Đây là cuộc đấu tranh kiên trì, lâu dài của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đồng thời, lực lượng chức năng, cơ quan công an phải nhanh chóng vào cuộc xử lý thật nghiêm theo pháp luật những kẻ lợi dụng niềm tin của bà con, lợi dụng tập tục của đồng bào để xâm hại tính mạng, chiếm đoạt tài sản của công dân".

Tất nhiên, những giải pháp này không có gì mới. Lâu nay các địa phương vẫn thực hiện, có điều hiệu quả tới đâu, thực thi tại địa bàn sâu sát tới đâu thì vẫn chưa có số liệu điều tra cụ thể. Vấn đề chỉ nóng lên khi có người bị giết, khi dân rời làng ra đi. Hủ tục thì vẫn cứ âm ỉ, len lỏi trong khắp các thôn, làng.

Hiện tại thì những lời đồn thổi về cái gọi là "cầm đồ thuốc độc" hay "ma làng"... trên khắp rẻo cao dãy Trường Sơn đã cơ bản tạm lắng xuống, nhưng hậu quả và hệ lụy mà nó để lại thì vẫn còn đó. Nỗi lo về hủ tục tái diễn bất cứ lúc nào lại là vấn đề không dễ giải tỏa trong ngày một ngày hai.

Và pháp luật cũng chỉ có tác dụng trừng phạt để ngăn ngừa chứ không thể giải quyết triệt để về mặt nhận thức. Vì vậy, biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất chính là tuyên truyền, giáo dục. Điều này đòi hỏi công tác văn hóa cơ sở tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần chú trọng chiều sâu hơn là những phong trào bề nổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hủ tục làm hại buôn làng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO