Hồi sinh trên vùng đất "chết"

NGUYÊN VI| 03/08/2014 07:15

Châu Bình, huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) xưa kia vốn nổi tiếng với những mỏ đá quý. Nhưng, cũng chính những viên đá màu này đã làm hại biết bao người, phá tan bao gia đình đang yên ấm...

Hồi sinh trên vùng đất

Châu Bình, huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) xưa kia vốn nổi tiếng với những mỏ đá quý. Nhưng, cũng chính những viên đá màu này đã làm hại biết bao người, phá tan bao gia đình đang yên ấm... trong ranh giới mờ nhạt giữa tiền và máu. Nay, sau hơn hai thập kỷ, vùng đất “chết” ngày nào đã dần hồi sinh, những “người hùng đá đỏ” một thời sống bình yên hơn với những rừng keo đang xanh mướt mỗi ngày.

Đọc E-paper

Nỗi buồn đồi Tỷ

Không ai biết chính xác đá đỏ Quỳ Châu được phát hiện từ bao giờ. Theo dân bản kể lại, vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, có một nhóm cán bộ địa chất từ ngoài Hà Nội vào khảo sát vùng đất này. Tình cờ, họ phát hiện một viên đá to bằng ngón tay, có màu đỏ tươi và hình thù rất đẹp. Tò mò, họ đem về Hà Nội nghiên cứu, sau đó bán cho người nước ngoài với giá hàng tỷ đồng.

Dấu tích còn lại ở dồi Tử sau hơn hai thập kỷ

Bỗng dưng tìm thấy “báu vật” nên sau đó nhóm người này đã âm thầm trở lại xứ Nghệ để tiếp tục tìm cơ may. Họ thuê người bản địa đào bới tìm kiếm đá màu với thù lao hậu hĩnh. Sau đó, thông tin bị bại lộ nên đã gây ra một “cơn sốt” đổ xô đi tìm đá đỏ. Từ đó, bao nhiêu câu chuyện buồn bao quanh vùng quê nghèo...!

Những địa danh nổi tiếng như đồi Hoa cỏ may, đồi Tỷ hay đồi Tử, đồi Triệu, đồi Mồ... chẳng ai có thể hiểu vì sao người ta lại đặt tên những quả đồi như vậy. Chỉ biết, từ khi dòng người đổ xô về Quỳ Châu khai thác đá đỏ, thì những cái tên đó cũng được khai sinh.

Đồi Tỷ hay đồi Tử chính là nơi xảy ra những trận tử chiến đầu tiên trong thời kỳ đá đỏ. Nơi đây đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Giờ đây đồi Tỷ hoang vắng, lặng lẽ, rêu phong, xác xơ như một vùng đất chết. Cứ như còn đó những oan hồn sập hầm vì đá đỏ đang chờ ngày siêu thoát.

Anh Nguyễn Thế Nam, nhà ở xóm 3/4, nhìn xa xăm kể lại: “Cả một câu chuyện buồn kéo dài đã mấy chục năm rồi. Người dân vùng đất này không thể nào quên được sự đau thương, mất mát của một thời cướp bóc, tranh giành, những viên đá quý”.

Thời kỳ này nổi lên những tay anh chị khét tiếng như “Phương tay trái”, “Tường lợn”, “Sơn cụt”, “Thuận ngón tay vàng”, “Phong trọc”... Người dân trong vùng đất Châu Bình vẫn không thể quên cái tên Vi Văn Phong, tức “Phong trọc”, một đại ca từng ăn cơm tù nhiều hơn cơm nhà.

Thời kỳ đó, Phong đã cùng nhóm đàn em thân cận hằng ngày xách dao, búa đi dẹp loạn các băng nhóm khác để thống lĩnh lãnh địa đá đỏ. Hôm nay, đến nhà Vi Văn Phong ở Trại Bò, khu vực giáp ranh hai huyện Quỳ Châu và Quỳ Hợp, chỉ còn mẹ, vợ và hai con nhỏ, còn Phong đã ra đi lặng lẽ, không bia mộ, không người thân đưa tiễn.

Liều lĩnh và táo tợn hơn cả là băng cướp Cờ Đỏ do “Long mặt chai” cầm đầu. Chúng không chỉ tiến hành hàng trăm vụ đâm chém, cướp, giết tại các bãi xung quanh hai ngọn đồi Tỷ và đồi Triệu, mà còn dùng uy để ép dân đào, cướp đá, thu phí những người không cung phụng cho chúng...

Những cái tên vừa kể ở trên đã trở thành nỗi khiếp sợ với dân đào đá tại đây. Người nào chống đối chúng sẽ phải trả giá bằng máu và mạng sống của mình.

Vào những năm 1990, Phan Bá Giang được mệnh danh là đại ca, với biệt danh “Giang râu”, ở vùng đá đỏ. Ông là một trong những đầu nậu mua bán, thôn tính vùng đất đá đỏ lúc bấy giờ.

Thời điểm đó, khối tài sản của Giang đã là cả chục tỷ đồng. Nghĩ rằng khối tiền khổng lồ này sẽ ăn cả đời không hết, “Giang râu” bắt đầu lao vào ăn chơi, cờ bạc. Rồi cơn lốc đá đỏ chóng vánh qua đi, khối tài sản kếch xù cũng không cánh mà bay.

Niềm vui trở lại

Cuối năm 1992, Giang lấy vợ, xin bố mẹ ra ở riêng như một cuộc thử thách. Tài sản của tỷ phú này chỉ có một cái kiềng sắt, một nồi nhôm méo mó và bốn chiếc bát. Chị Lê Thị Ngà (vợ Giang) bất chấp tất cả những nỗi khổ, vì tình yêu, ngày đêm động viên chồng, tìm lối thoát.

Nhìn hàng nghìn ha đất trống, đồi trọc lở loét như hố bom B52 của vùng Châu Bình, anh thấy xót xa cho sự tàn bạo của con người trong đó có cả anh một thời lầm lỗi. Phải trồng rừng, một ý nghĩ chợt lóe lên. Nhưng tay trắng phải bắt đầu từ đâu?

Đầu tiên, anh đến UBND xã làm thủ tục xin cấp đất, tiếp đó mua sách kỹ thuật ươm giống cây. Thấy “đại ca” Giang râu làm chuyện kỳ lạ mà cả vùng quê này chưa ai làm, nhiều bạn bè không tin liền ra giá: “Tôi đưa cho ông 1 triệu, nếu trồng được rừng thì biếu không luôn, còn không thì trả lại cho tôi gấp 10 lần”.

Hàng chục người như thế đưa tiền đến thách thức làm chị Ngà lo lắng. “Anh đã từng ôm tiền tỷ, quen sống sung sướng, bây giờ trồng rừng gian nan lắm, thôi trả tiền lại cho người ta đi, lỡ thất bại thì lấy đâu gấp 10 lần mà trả nợ”, chị Ngà nhớ lại đã khuyên chồng như thế.

Nhưng nói là làm, anh ươm một vườn cây keo giống, trước tiên để trồng rừng. Ngày qua ngày, nước mắt và mồ hôi đổ xuống, 10ha rừng keo dần dà lên xanh mướt mát khiến làng bản, bạn bè hết sức ngỡ ngàng, khâm phục!

Thấy việc hay, nhiều người cũng học theo Giang râu nhận đất trồng rừng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hộ có đất mà không sao trồng rừng được vì vốn đầu tư ban đầu không có.

Biết được khó khăn này, Giang đã bán chịu cây giống, bày cách trồng cho từng nhà. Khi rừng Châu Bình gần phủ hết một màu xanh, thì mùa khai thác keo đầu tiên của vợ chồng Giang cũng đã đến.

Đó là vào năm 2002, vợ anh khai thác 10 ha keo bán được 500 triệu đồng. Nâng niu đồng tiền mồ hôi nước mắt của gần 10 năm ròng, Giang tính toán phải trồng thêm nhiều ha rừng nữa, phải mở rộng vườn ươm giống để giúp nhà nhà cùng trồng rừng.

Những cây keo nguyên liệu tiếp tục được trồng ở vùng đá đỏ

Bây giờ thì rừng Châu Bình đâu đâu cũng một màu xanh bạt ngàn, dấu tích rừng tàn, đồi trọc chỉ còn lại trong ký ức của xa xưa. Ông Kim Văn Duyên, Chủ tịch UBND xã Châu Bình, nói: “Xã có khoảng 3.000ha rừng nguyên liệu thì anh Giang đã có riêng hơn 100ha. Nếu anh Giang bán 100ha rừng keo này với giá thời điểm cũng được khoảng gần 10 tỷ đồng, đó là chưa nói gia đình anh cũng chung vốn, chung đất trồng rừng ở các huyện như Quế Phong”.

“Thuận ngón tay vàng” sau khi trắng tay đã bỏ xứ vào Tây nguyên làm ăn. Sau nhiều năm cơ cực tích cóp, anh đã trở lại Châu Bình để “trả nợ” rừng xanh. Những gia đình có đất rừng nhưng không có vốn để đầu tư, anh bàn bạc và mạnh dạn hợp tác đầu tư trồng rừng trên mảnh đất ấy, rồi chia lợi nhuận sau khi thu hoạch rừng với bà con có đất.

Đây là một phương pháp làm ăn mới, theo kiểu liên danh, liên kết, tăng cường trách nhiệm và hỗ trợ nhau cùng sản xuất, bảo vệ tài sản chung mà cả anh và bà con người nghèo ở đây đều có lợi. Đến nay “Thuận ngón tay vàng” đã trồng được 160 ha rừng, là người có diện tích rừng nhiều nhất hiện nay ở xã Châu Bình. Mới đây, anh vừa thu hoạch 50ha rừng nguyên liệu và đã triển khai trồng lại lứa thứ hai.

Trong khi đó, Kim Văn Phong, một trưởng bưởng khét tiếng một thời, nay cũng làm lại cuộc đời bằng nghề chỉ huy đội quân thu hoạch rừng cho các thương lái mua keo để có tiền công theo sản phẩm hằng ngày. Mổ lợn buổi sáng giúp chị hàng thịt, rồi bảo vệ, chăm sóc rừng giúp anh em, họ hàng với mức thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng.

Bên cạnh đó, anh tận dụng đất trống để trồng thêm các loại cây: sắn, ngô, lúa xen vào trong rừng keo để tăng thu nhập. Gần 50 tuổi, chưa già nhưng Phong cũng đã suy ngẫm đúng đắn về giá trị của đồng tiền, được làm ra bằng công sức của mình.

Đến bây giờ, người dân vùng đá đỏ Châu Bình đã trồng được khoảng 3.000ha rừng keo nguyên liệu và keo lấy gỗ. Bình quân mỗi hộ trồng 6 ha, nhiều hộ trồng hơn 50ha. Tiêu biểu như Vi Đức Thuận ở bản Kẻ Khoang trồng 160ha, Lê Thanh Tú, Nguyễn Duy Tra øở bản 3/2 trồng 90ha, Hồ Bá Thảo ở bản Kẻ Nâm trồng 80ha, Nguyễn Hồng Thái, Lang Văn Hòe trồng hơn 50ha...

Châu Bình có gần 200 trang trại thì đã có gần 100 trang trại trồng rừng nguyên liệu. Mỗi ha rừng sau chu kỳ khai thác sẽ cho thu nhập bình quân 50 triệu đồng. Với khoảng 3.000ha rừng Châu Bình sẽ thu về 150 tỷ đồng.

Ông Ngô Đức Thuận, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, vui mừng nói: “Quá khứ đau buồn ở vùng đá đỏ giờ đã qua đi. Nay, những người xưa kia xưng hùng xưng bá đã nhận thức được cái đúng, cái sai. Và cũng chính những người này đã tiên phong góp phần hồi sinh vùng đất này...”.

Trở lại vùng đá đỏ Quỳ Châu bây giờ đã khác. Người dân không còn mơ tưởng đổi đời viển vông từ đá đỏ. Thay vào đó là những người dân chân chất bám vào rừng để sống, để làm giàu. Châu Bình giờ đây đã khác xưa, niềm vui đang trở lại với người dân vùng đá đỏ ngày nào!

>Đá ong và người Xứ Đoài
>Quỳ Hợp: Quật đá làm giàu
>
Khói buồn làng than

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hồi sinh trên vùng đất "chết"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO