Gia đình D5-813 Trường Sa

THANH MINH| 25/05/2013 00:46

Sau mười ngày lênh đênh trên biển theo cuộc hành trình ra Trường Sa, ngoài nhiệm vụ đến thăm quân dân trên đảo, điều đọng lại trong tôi nhất là Gia đình D5-813 Trường Sa.

Gia đình D5-813 Trường Sa

Sau mười ngày lênh đênh trên biển theo cuộc hành trình ra Trường Sa, ngoài nhiệm vụ đến thăm quân dân trên đảo, điều đọng lại trong tôi nhất là Gia đình D5-813 Trường Sa.

Đọc E-paper

Đó là phiên hiệu từ khi chúng tôi được xếp chung vào phòng D5 trên tàu HQ561 chở Đoàn công tác số 8 năm 2013 đi Trường Sa.

Tàu HQ561 có 5 tầng, tầng A dành cho sĩ quan, tầng B, C dành cho những cấp bậc thấp hơn. Chúng tôi được xếp tầng dành cho thủy thủ. Nếu xếp theo hạng bậc, chúng tôi thuộc hàng thấp nhất, nhưng lại tự hào được ở tầng ít chịu sóng gió nhất!

D5 không có quan chức đầu tỉnh, đầu ngành, nhưng chúng tôi có một nhà báo lão thành đã từng làm việc và công du với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chúng tôi có cơ hội tiếp cận với thông tin "chưa bao giờ kể” về chuyện bên lề của xã hội, được nghe bài thơ tình lãng mạn "Ơ hay" của một thời trai trẻ.

Chúng tôi có ba vị tổng biên tập của ba tờ báo đã và đang góp phần không nhỏ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng tôi có nhà "công pháp" để làm trọng tài cho những cuộc tranh luận nảy lửa.

Chúng tôi có ba nhà du lịch lữ hành là "trùm" các tour du lịch Lào, Campuchia, du lịch khám phá Việt Nam và còn có dự án du lịch Trường Sa nữa.

D5 còn có nhà kinh doanh địa ốc. Nhờ "lý sự" nên anh "địa ốc" được tập thể chọn làm "Chính trị viên". Có lần anh ta bị "phạt" làm vệ sinh toàn phòng vì đã làm mất hai cuốn sổ tay hành trình của thành viên!

Chúng tôi có những buổi "kiểm điểm nghiêm túc" về "tội" một thành viên giả vờ làm "phu khuân vác quà tặng" xuống xuồng CQ để trốn sang đảo khi biết mình không có tên trong danh sách lên đảo; chuyện "lừa đảo" của "chiến binh" Lê Hồng Anh, Hoàng Nghĩa Nhân bị phát hiện khi "té xuống biển" trong lúc đẩy xuồng ra khỏi bãi cát đảo An Bang.

Thật ra các anh đã có "lời thề” được tắm trên biển Trường Sa mà chưa có dịp, thì đây là cơ hội tốt nhất thực hiện được mong ước chính đáng của mình.

Thông thường buổi "kiểm điểm" do "Chính trị viên" điều hành trên sàn phòng D5 với những "tang vật" được để dành từ những buổi ăn trưa, ăn tối, như bia, rượu đế và cả Hochuru nữa. Lão già Dương Đức Quảng cứ hỏi Hochuru là gì, rượu của Nhật hả?

Thưa không, đó là tên ghép của rượu chuối hột mà nhà sản xuất Việt Nam có sáng kiến "Tây hoá” thương hiệu cho dễ dàng "hội nhập". Cả bọn cười ồ sau khi "gạt" được ai đó về những từ ngữ quái chiêu!

Buổi "kiểm điểm" thường ngừng giữa chừng khi nghe tiếng gõ cửa phòng và càng vui hơn khi một người hô to "Thủ trưởng về phòng, về phòng thủ trưởng". Kiểu nói láy này được bắt chước khi toàn tàu được thông báo "Báo thức toàn tàu, toàn tàu báo thức".

Có lúc "thủ trưởng" phân bua, nếu như kiểu này, "thủ trưởng lên giường, lên giường thủ trưởng" thì... chết chắc!

Có lúc chúng tôi cười ra nước mắt vì biết một đồng đội phải lội ngược ra bãi biển để lượm san hô cho nàng vì muốn được nàng khen "Anh tốt nhất trên... tàu" và ngày cuối cùng một mình anh phải mang một thùng san hô nặng trĩu lên tàu vì nàng nũng nịu "Anh làm ơn, làm ơn cho trót".

Xin mở ngoặc là san hô chết, lính biển vớt lên từ chân các đảo chìm, đảo nổi chứ không phải khai thác kiểu phá hoại môi trường biển.

D5 chúng tôi là "trung tâm" của cuộc hành trình của đoàn công tác số 8. Ngoài các chương trình theo Đoàn, D5 đề xuất cuộc thi ảnh Hành trình Trường Sa không khác gì các cuộc thi ảnh của các giải lớn.

Ban tổ chức, hội đồng giám khảo là những người đã từng tổ chức giải thi ảnh, trong chốc lát đã có "điều lệ giải" và trị giá các giải thưởng. Phần lớn các giải thưởng đều do anh chị em D5 tài trợ, trong đó giải nhất là chuyến du lịch Lào, Campuchia do "chiến binh" Trương Đức Hải, Giám đốc Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông tài trợ.

Anh Đức Hải còn làm nở mặt D5 khi tài trợ phần lớn cho các giải thưởng của Đoàn công tác. Kỷ niệm chương Vì Trường Sa của Tư lệnh Hải quân dành cho anh thật xứng đáng.

Vào giờ chót, còn thiếu tiền tài trợ giải thưởng cho cuộc thi ảnh, bạn Minh Phong tự nguyện đóng góp vì anh biết thế nào cũng... trao giải lại cho mình!

Điều đáng quý nữa là khi ban tổ chức cuộc thi lúng túng trong việc làm giấy chứng nhận giải thưởng, "chiến binh" Ngọc Lâm, Đức Hải tự nguyện thiết kế, giấy chứng nhận, voucher tặng phẩm và "chui" vào phòng siêu âm để dùng máy in màu khi máy in của Đoàn công tác hết mực!

Các "chiến binh" D5-813 họp "kiểm điểm" liên tục, dưới tàu chưa đủ, tranh thủ lên đảo. Hôm trên đảo Trường Sa Lớn, đang "kiểm điểm" chung với chiến sĩ radar và tank thì hết bia, "chiến binh" Nguyễn Đức Lâm được phân công trở về tàu để lấy bia tiếp viện, nhưng đến khi mang bia lên bờ thì bị "chúa đảo" phát hiện.

Cả bọn cười đùa "Cá ăn kiến, kiến ăn cá” vì Lâm là cán bộ hải quan chuyên kiểm tra người khác, bây giờ bị người khác kiểm tra lại!

D5 chúng tôi là thế đó, làm hết sức, chơi hết mình. Quỹ Học bổng Vừ A Dính và Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh vận động đóng góp xây trường học theo chương trình "Vì học sinh Trường Sa thân yêu" thì mọi người cùng chung sức trong 6 tháng đã hoàn thành kế hoạch cả năm.

Nghe đi Trường Sa thăm quân dân trên đảo, tất cả cùng góp phần cho chuyến đi thành công. Khi chơi cũng hòa mình. Hô ráp lồng đèn, mọi người cùng nhau ráp lồng đèn theo mô hình nhà giàn DK cho thiếu nhi Trường Sa.

Từ người lớn tuổi như bác Dương Đức Quảng đến các bạn trẻ như Nguyễn Ngọc Lâm, Phạm Hải Long... đều tham gia các hoạt động văn nghệ, thi ảnh của Đoàn công tác...

Còn nhiều chuyện rất hay nữa, nhưng để sau này mới kể.

Mười ngày lênh đênh trên biển để đến với các đảo tiền tiêu của Tổ quốc giữa trùng khơi đã kết thúc, nhưng D5-813 Trường Sa của chúng tôi vẫn còn mãi trong cảm xúc và trái tim của tất cả thành viên.

D5-813 Trường Sa là gia đình mới của chúng tôi.

Tháng 4/2013

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gia đình D5-813 Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO