Ghi ở hang Tám Cô

NGÔ MINH| 28/09/2010 04:51

Hang Tám Cô đã trở thành địa chỉ lịch sử - tâm linh trên đường 20 vắt qua Trường Sơn nối Xuân Sơn, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đến ngã ba Lùm Bùm, nơi biên giới Việt - Lào, dài 125km.

Ghi ở hang Tám Cô

1.Hang Tám Cô đã trở thành địa chỉ lịch sử - tâm linh trên đường 20 vắt qua Trường Sơn nối Xuân Sơn, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đến ngã ba Lùm Bùm, nơi biên giới Việt - Lào, dài 125km. Đây là tuyến đường chiến lược trong những năm đánh Mỹ. Đường có rất nhiều trọng điểm, Km16+200 nơi có hang Tám Cô là trọng điểm khốc liệt nhất.

Từ bến đò Sông Son ngược lên Trường Sơn chừng 2km sẽ gặp “Km0 - đường 20 Quyết Thắng”. Từ Km0 đến Km15 sẽ gặp một ngã tư mang tên Trạ Ang, nơi giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh và đường 20. Qua Trạ Ang, thỉnh thoảng lại gặp các cột cây số “Biên Giới Việt - Lào 50km”, “Biên giới Việt - Lào 47km”...

Đi thêm chừng 2km nữa sẽ đến hang Tám Cô. Cuối tháng 8/2010 này, di tích hang Tám Cô đã được xây dựng khang trang. Cách hang 200m có hai nhà chờ rất đàng hoàng, có sân cho hàng trăm xe đỗ. Cạnh hang là đền thờ liệt sĩ. Đến cùng đoàn nhà văn “dân Quảng Bình” chúng tôi trong buổi sáng hôm ấy, dù chẳng phải ngày lễ cũng có tới bảy xe chở người đến viếng Tám Cô.

Đoàn nào cũng mang lễ vật, nhang đèn tới bày lễ cúng. Cạnh đền thờ có nhà bếp của tổ phục vụ, đủ chén đĩa để đơm lễ vật cúng. Mâm cỗ bày xong, mọi người đứng trang nghiêm nghe tổ trưởng tổ coi sóc đền thờ đọc điếu văn tưởng niệm các liệt sĩ thanh niên xung phong đường 20.

Điếu văn làm mọi người như sống lại một thời oanh liệt. Trong đền thờ, không khí rất trang nghiêm. Bên cạnh bàn thờ có bộ ngũ sự bằng đồng, hai bên treo câu đối:

Sử đỏ nghìn năm lưu danh thơm anh hùng đất Việt
Bia vàng vạn thuở tạc kỳ tích liệt sĩ Trường Sơn

Phía trên treo bảng chứng nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tám liệt sĩ thanh niên xung phong thuộc Đại đội 217, Đội Thanh niên xung phong 25, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559, hy sinh ngày 14/11/1972, tại Km16+200, đường 20 Quyết Thắng. Phía bên phải treo bảng lớn ghi bài phú tưởng niệm có tựa đề Đây đường 20 quyết thắng của GS. Vũ Khiêu viết cho đền thờ hang Tám Cô mùa Thu năm Ất Dậu (2006), có hai câu đề rất xúc động:

Vươn cao muôn trượng bóng anh hùng
Tỏa sáng mười phương gương dũng liệt”.

Xin trích đoạn kết của bài phú để bạn đọc cùng chia sẻ:

Tưởng niệm những anh hùng
Xót thương bao nghĩa liệt
Tuổi chẳng thọ nhưng huân công mãi mãi trường tồn
Thân dù tan mà khí phách đời đời bất diệt
Dựng tấm bia để ngàn thuở còn ghi
Viết bài phú để trăm vùng được biết

Dưới chỗ treo bài phú là tủ kính trưng bày các di vật của các liệt sĩ được tìm thấy tại hang Tám Cô trong đợt khai quật năm 1996, gồm dép cao su, áo mưa, ba lô, dây điện, bút máy, nhẫn...

2. Ở khu di tích hang Tám Cô có chín chàng trai trẻ thuộc Ban quản lý Di sản Thế giới Phòng Nha - Kẻ Bàng, hằng ngày hướng dẫn bà con cả nước đến viếng hang Tám Cô. Tôi hỏi chuyện, họ kể họ ở đây đã năm năm, có nhiều chuyện thiêng lắm. Chuyện rằng, vào những đêm trăng bàng bạc khuya, văng vẳng tiếng hát như từ đất vọng lên: Anh vẫn hành quân, trên đường ra chiến dịch...

Nhà chờ dành cho khách viếng trước hang Tám Cô

Trên đỉnh Trường Sơn ta hát... Chuyện rằng, ngày 16/5/2009, ngày Chủ tịch nước ký quyết định công nhận Tập thể Anh hùng cho các thanh niên xung phong hy sinh tại hang Tám Cô, cây chuối trước cửa hang đột ngột nở ra đúng tám nải... Họ còn chỉ cho chúng tôi xem “cây tình yêu” lớn cỡ hai người ôm ở bên phải hang Tám Cô. Đó là một cây lim và một cây si mọc sát nhau, bom B52 rải thảm, cây gì cũng bị đốn, thế mà hai cây này vẫn còn, khi hết chiến tranh, chúng bỗng bện vào nhau, quấn quýt!

Là một di tích lịch sử đặc biệt, hang Tám Cô còn được người đời cho rằng là chốn rất linh thiêng. Vì thế, những người kinh doanh, Bắc có, Nam có, mỗi dịp lễ trọng hay Tết Nguyên đán thường đến khu di tích này cầu may.

Doanh nhân ở Quảng Bình và các tỉnh lân cận cũng thường về đây lễ Tám Cô trước khi khởi công công trình. Công ty Trường Thịnh, hôm 2/9/2010, trước khi khánh thành Động Thiên Đường cách đó mấy cây số, đã vào hang Tám Cô dâng lễ. Đó không phải là chuyện mê tín dị đoan, mà là chuyện tâm linh.

Vì thế, khu di tích hang Tám Cô, dù nằm gần biên giới Việt - Lào, giữa núi rừng thăm thẳm, càng trở thành một địa chỉ thu hút đông đảo khách thập phương. Chỗ ghi lưu bút xếp đầy ba cuốn sổ dày, trong đó có rất nhiều bút tích của giới trí thức, văn nghệ sĩ và nhân dân mọi miền tổ quốc.

3. Sau khi làm lễ tưởng niệm, thắp nhang ở đền thờ, chúng tôi được hướng dẫn đến viếng hang Tám Cô. Trước cửa hang có bia ghi tên những người đã hy sinh trong hang và trên đường 20, gồm tám chiến sĩ thanh niên xung phong vì hang bị bom lấp và năm chiến sĩ pháo binh hy sinh trên đường 20.

Điều lạ là tám thanh niên xung phong hy sinh trong hang không phải là tám cô gái mà là bốn trai, bốn gái. Tên tuổi quê quán của họ được khắc trên tấm bia đá ở cửa hang: Đỗ Thị Loan sinh 1952; Nguyễn Văn Huệ, 1951; Nguyễn Hữu Phương, 1954; Trần Thị Tơ, 1954; Hoàng Văn Vụ, 1953; Nguyễn Mậu Kỷ, 1947; Lê Thị Lương, 1953; Lê Thị Mai, 1951.

Tất cả đều quê ở các xã Hoằng Trường, Hoằng Đạt, Hoằng Ngọc, Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa; đều đi thanh niên xung phong cùng ngày 5/4/1971. Vậy tại sao lại có cái tên “hang Tám Cô”?

Có người cho rằng, trước khi hang đá bị sập do bom Mỹ, hằng ngày vẫn có một tiểu đội tám cô thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên đường 20, lấy hang làm nhà nghỉ, nên bộ đội hành quân vào Nam thường gọi với cái tên thân mật là “hang Tám Cô”.

Nhưng sự kiện sau đây mới là chính xác: Ngày 14/11/1972, trong khi đang lấp hố bom, chuẩn bị thông xe thì máy bay Mỹ ập đến đánh phá, tám thanh niên xung phong gồm bốn nữ và bốn nam, chạy vào ẩn nấp ở một hang đá lớn. Đây là nơi họ thường trú ẩn mỗi khi máy bay địch đánh phá.

Hôm đó, máy bay B52 rải thảm xuống trọng điểm Km16+200 ba đợt liên tục với 180 quả bom. Rồi một máy bay cường kích bắn bồi một quả tên lửa làm một khối đá khoảng 100 tấn lăn xuống lấp kín cửa hang, nơi bên trong có tám thanh niên xung phong trú ẩn.

Mặc dù toàn đơn vị đã tìm mọi biện pháp để cứu đồng đội, nhưng tất cả mọi cố gắng đều vô vọng. Suốt một tuần liền, các chiến sĩ thanh niên xung phong đau đớn chứng kiến tám đồng đội đuối sức dần... Người ta nghe tiếng kêu cứu cuối cùng vọng ra là tiếng con gái: “Cứu con với mẹ ơi!”. Có thể từ đó người ta nghĩ trong hang toàn con gái.

Cũng có chuyện không đáng có trong việc khai quật hang Tám Cô. Năm 1996, tỉnh Quảng Bình cho lực lượng công binh lên phá đá tại hang Tám Cô để tìm thi hài liệt sĩ. Sau 59 ngày đêm đánh mìn, phá đá, cửa hang Tám Cô đã được mở. Công binh gặp được hai thi thể liệt sĩ còn nguyên vẹn, và một đống mùn đất màu đen có cả xương, vài nhúm tóc trộn lẫn.

Người ta vội vàng khẳng định đống mùn đen này là thi thể của sáu liệt sĩ còn lại. Tỉnh Quảng Bình đã vội làm lễ chuyển giao hài cốt tám liệt sĩ cho tỉnh Thanh Hóa và thân nhân các liệt sĩ. Nhưng mấy ngày sau, đơn vị đào rãnh thoát nước cho di tích hang Tám Cô đã phát hiện năm bộ hài cốt liệt sĩ nữa. Người ta cho vào tiểu và đem mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ thanh niên xung phong Thọ Lộc gần đó.

Tuy có chuyện sơ suất như thế, nhưng tôi nghĩ dù thể xác ở đâu, hương hồn tám liệt sĩ thanh niên xung phong vẫn mãi mãi ở lại hang Tám Cô đường 20. Bàn thờ tám thanh niên xung phong hy sinh được đặt dưới vỉa đá lớn hang Tám Cô, luôn nghi ngút khói hương.

Trên bàn thờ đặt một phiến đá do các cựu thanh niên xung phong đường 20 tặng, khắc hình ảnh cô gái thanh niên xung phong và dòng chữ: Khi còn đặt những bước chân trên mọi nẻo đường của tổ quốc, chúng tôi không bao giờ quên sự hy sinh cao cả của các cô.

Những cô gái thanh niên xung phong cầu cho các cô được vĩnh hằng”. Ngoài một lư hương lớn, trong hang còn có tám cái lư hương nhỏ đặt ở các ngách đá. Lư hương nào cũng đầy chân nhang, cũng nghi ngút nhang mới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ghi ở hang Tám Cô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO